Thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008- 2020”, trong năm học 2015-2016, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) đã chọn 4 trường THPT thực hiện thí điểm chương trình tiếng Anh theo sách giáo khoa (SGK) mới. Với chương trình mới, học sinh (HS) được trang bị cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết; qua đó giúp các em tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập.
HS lớp 12 của trường THPT Võ Minh Đức và Trịnh Hoài Đức tham gia kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo chương trình SGK mới
Không khô khan như chương trình cũ, giờ học theo chương trình SGK mới rất sôi động, HS tích cực tham gia vào bài học, thường xuyên hoạt động nhóm, tham gia thuyết trình…
Em Lê Thanh Hòa, HS trường THPT Võ Minh Đức (TP.TDM) nhận xét, chương trình đổi mới có nhiều từ mới, từ vựng nhiều, chủ đề rộng, HS được nói và nghe nhiều hơn, ngữ pháp cũng nhẹ hơn so với các lớp cơ bản. Các em cũng thường xuyên làm bài thuyết trình, rèn cho HS khả năng hùng biện, tự tin khi giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm. Cô Cao Thị Ngọc Bích, GV dạy lớp 10 cũng cho biết, sách mới thiết kế số lượng từ vựng và hoạt động nhiều hơn, nội dung nghe phong phú. Chủ đề các bài nghe gần gũi với HS, mang lại sự sáng tạo cho các em. Đặc biệt, sách mới có phần đề tài, sau mỗi bài đều có phần này, giúp HS hoạt động nhóm và phát huy các kỹ năng của mình.
Như trên đã nói, chương trình mới phát triển cả 4 kỹ năng cho HS, nên đòi hỏi GV phải có trình độ và phải đổi mới. Do đó, GV dạy tiếng Anh có kế hoạch bồi dưỡng để đạt trình độ theo yêu cầu của ngành. GV dạy chương trình mới sẽ tiếp tục được tham gia các đợt bồi dưỡng về phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, tập huấn về SGK và chương trình.
Hội nhập với quốc tế, mỗi người cần có kiến thức cần thiết, trong đó trình độ về ngoại ngữ là rất quan trọng. Muốn như vậy, HS cần được trang bị tiếng Anh từ khi còn học phổ thông. Theo Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008- 2020, mục tiêu là đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Riêng tại Bình Dương, trong năm học tới, ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục triển khai chương trình tiếng Anh theo SGK mới ở những trường THPT có GV đạt chuẩn ngôn ngữ, đồng thời sẽ triển khai ở cả bậc THCS.
Nguồn baobinhduong.vn (TT)