Nhằm giúp sinh viên (SV) có điều kiện thực hành kỹ năng sư phạm, giúp các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn được học tiếng Anh miễn phí, khoa Ngoại ngữ, trường Đại học Thủ Dầu Một đã thực hiện mô hình Học tập phụng sự (Service Learning), dạy tiếng Anh miễn phí cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một.
Mở đầu cho buổi học, “cô giáo” Phan Thị Thanh Tú (SV khoa Ngoại ngữ, trường Đại học Thủ Dầu Một làm “nóng” không khí lớp học bằng một loạt bài tập nhỏ cho các em: “Stand up, sit down, clap, smile…”. “Cô giáo” hô to và yêu cầu các em đọc và hành động theo. Cả lớp học đều đồng loạt đứng dậy, ngồi xuống, vỗ tay, cười nói theo lời “cô giáo”, kèm theo là những tiếng cười khúc khích, trong trẻo. Sau phần khởi động, các bạn SV lại ôn kiến thức của tiết học hôm trước bằng cách cho các em đọc lại các từ vựng trên bảng trước khi bắt đầu vào bài mới.
Các bạn SV tham gia dạy tiếng Anh cho các em lớp học tình thương phường Phú Mỹ.
Không những muốn các em nhỏ ở các lớp học tình thương biết đọc, biết viết tiếng Việt, các bạn SV trẻ còn mong muốn các em còn được học ngoại ngữ như các em học sinh tiểu học ở các trường chính quy khác. Chính vì thế, sau một thời gian ấp ủ, mô hình Service Learning được ra đời. Theo đó, mô hình chủ yếu dựa trên tinh thần tình nguyện của các SV. Hiện tại, có 28 SV năm cuối của khoa Ngoại ngữ, trường Đại học Thủ Dầu Một đang tham gia giảng dạy tiếng Anh miễn phí tại 12 lớp học trên địa bàn 10 phường của TP.Thủ Dầu Một. Chương trình giúp SV vận dụng kiến thức, kỹ năng ngôn ngữ đã rèn luyện tích lũy ở nhà trường để giúp đỡ, giảng dạy cho các trẻ em mồ côi, cơ nhỡ hoặc các bạn trẻ thuộc diện nghèo khó cần đến kỹ năng giao tiếp tiếng Anh để có cơ hội nhiều hơn trong cuộc sống mưu sinh hay trong học tập.
Không chỉ dạy kiến thức cho các em, các SV đứng lớp còn lồng ghép các tiết dạy đạo đức cho các em nhỏ, giáo dục các em ngoan ngoãn hơn. Đồng thời, tại nhiều lớp học, các bạn SV còn tự bỏ tiền túi rồi cùng vận động các bạn SV khác để giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn. “Chúng tôi tự bàn bạc gom góp lại một số tiền để mua tài liệu cho các em học, thỉnh thoảng khuyến khích tinh thần học tập của các em bằng một phần quà nho nhỏ. Và khi gia đình các em có xảy ra sự cố bất ngờ, chúng tôi cũng đã vận động, quyên góp để giúp gia đình các em vượt qua khó khăn. Cứ như thế, tình cảm cô trò ở đây ngày càng khăng khít như người trong gia đình”, SV Phan Thị Thanh Tú, người đang tham gia mô hình này chia sẻ…
Chị Nguyễn Kim Hải, Bí thư Chi đoàn khoa Ngoại ngữ cho biết, không chỉ là tham gia vào công tác xã hội, mô hình Service Learning tại Đại học Thủ Dầu Một là một dạng giáo dục thực nghiệm. SV sẽ học được cách truyền kiến thức và kỹ năng đến người khác, là cơ hội cho SV dạn dĩ hơn, tự tin hơn. “Thông qua dự án này, SV có thể nâng cao khả năng giao tiếp và phát hiện ưu, khuyết điểm cá nhân để có sự thay đổi tích cực hơn đối với cộng đồng. SV có thể đi từ quan sát, tiếp xúc và phát triển khả năng quản trị cảm xúc, quản trị bài giảng, quản trị học sinh… Quan trọng nhất là mô hình còn giúp SV thay đổi bản thân, tạo thử thách để nảy ra được những ý tưởng mới...”, chị Hải nói.
Nguồn baobinhduong.vn (TT)