Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã ghi nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của đại biểu sau khi nghiên cứu tài liệu hồ sơ về nhân sự và sẽ trực tiếp bỏ phiếu để bầu chọn Ban Chấp hành Trung ương khóa XII
Các đại biểu dự Đại hội XII của Đảng. Ảnh: ĐCSVN
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã biểu quyết thông qua số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII là 200 người, gồm 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết. So với khóa trước, số lượng Ủy viên Trung ương chính thức tăng từ 175 lên 180 người và Ủy viên dự khuyết giảm từ 25 người xuống còn 20 người.
|
Đồng chí Trần Văn Rón,
Ảnh: ĐCSVN |
Theo đồng chí Trần Văn Rón, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, việc tăng thêm số Ủy viên Trung ương chính thức là điều rất hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. “Trước những yêu cầu, nhiệm vụ chính trị ngày càng cao, không chỉ cần thiết tăng thêm số lượng, mà còn cần chú ý tới chất lượng để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII. Yêu cầu vừa nâng lên về số lượng, vừa nâng lên về chất lượng là yêu cầu rất khách quan, đòi hỏi chúng ta phải xem xét để thực hiện” – đồng chí Trần Văn Rón nói.
Đồng quan điểm với đồng chí Trần Văn Rón, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XI, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nêu rõ, số lượng này là hợp lý, đảm bảo tính kế thừa và phát triển vì trong số Ủy viên chính thức có rất nhiều đồng chí mới và trẻ tuổi, chứ không chỉ trong Ủy viên dự khuyết.
Đề cập đến Quy chế bầu cử trong Đảng, đồng chí Trần Văn Hằng, Uỷ viên Trung ương Đảng khóa XI, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, Quy chế bầu cử đáp ứng đúng quy trình, điều lệ Đảng và rất chặt chẽ, đảm bảo quyền của đảng viên, của đại biểu. Quy chế bầu cử đã quy định, người không được cấp uỷ giới thiệu sẽ không được ứng cử, không được nhận đề cử, nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn là của Đại hội. Chưa nhiệm kỳ nào lại làm chu đáo, bài bản và rất công khai, minh bạch, thẳng thắn, đúng quy trình như lần này.
|
Đồng chí Cao Đức Phát
Ảnh: ĐCSVN |
“Nếu như trước đây, Đoàn Chủ tịch hội ý và quyết định cho rút khỏi danh sách giới thiệu hay không, nhưng nay sẽ do Đại hội quyết định. Đây là hình thức mới, thể hiện quyền của đại biểu, của ý chí toàn Đảng. Như vậy là rất dân chủ” – đồng chí Trần Văn Hằng cho biết. Đồng chí Trần Văn Hằng mong muốn Ban Chấp hành Trung ương khóa XII phải là một tập thể đoàn kết, thống nhất. Trong đó, mong muốn các đồng chí mới tham gia Trung ương lần đầu cần có yêu cầu cao hơn vì tình hình quốc tế trong nhiệm kỳ tới diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt là vấn đề Biển Đông, chống khủng bố, xung đột sắc tộc...
Những đồng chí Trung ương khóa mới phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định lập trường quan điểm của Đảng; phải nghiên cứu rất sâu và có trình độ cao để tiếp nhận những cái mới để đưa Việt Nam hội nhập. Đồng thời phải luôn tỉnh táo trước tình hình thực tế và trong triển khai thực hiện – đồng chí Trần Văn Hằng nêu quan điểm.
Cùng quan điểm với đồng chí Trần Văn Hằng, đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, Trung ương đã thực hiện một quy trình rất chặt chẽ để lựa chọn và giới thiệu với Đại hội Đảng lần thứ XII những nhân sự mà đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước. Những người có đủ đức và tài để đảm đương những nhiệm vụ được giao.
|
Đồng chí Hoàng Đức Hậu
Ảnh: ĐCSVN
|
Đồng chí Cao Đức Phát khẳng định: “Tôi tin rằng Đại hội sẽ sáng suốt lựa chọn ra được một tập thể các đồng chí xứng đáng để tham gia vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII để thực hiện tốt những nhiệm vụ mà Đại hội Đảng sẽ đề ra cho nhiệm kỳ tới”.
Đồng chí Hoàng Đức Hậu, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Cao Bằng đánh giá, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, nhất là về công tác nhân sự và tin tưởng Đại hội sẽ thành công tốt đẹp. “Với trách nhiệm của người đại biểu bỏ phiếu để bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa mới, chúng tôi sẽ hết sức cố gắng lựa chọn các đồng chí có uy tín, trình độ, có khả năng tiếp cận trong điều kiện kinh tế trong nước cũng như thế giới hiện nay” – đồng chí Hoàng Đức Hậu nói.
Theo đồng chí Lê Thị Thu Hằng, Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan Thành phố Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương khóa tới là những người lãnh đạo đất nước, điều quan trọng là những người phải có phẩm chất trí tuệ, phẩm chất cách mạng, lòng yêu nước, vừa có tầm trí tuệ, vừa có đạo đức sẽ xứng đáng được lựa chọn. “Với tôi, tiêu chí dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm là tiêu chí hàng đầu, bởi trong công tác lãnh đạo yếu tố quan trọng là đưa ra quyết định và để ra quyết định thì cần sự bản lĩnh, chịu trách nhiệm của người lãnh đạo. Nếu người lãnh đạo không có tố chất này, sẽ là hạn chế trong triển khai thực hiện, nên tố chất đầu tiên của người lãnh đạo phải là dám chịu trách nhiệm” - đồng chí Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.
Trao đổi với báo giới, các đại biểu cũng cho biết, sẽ nghiên cứu để sáng suốt lựa chọn được những đại biểu có đức, có tài, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân để xây dựng đất nước phát triển như tinh thần của Đại hội nêu ra là “Đoàn kết - dân chủ - kỷ cương - đổi mới”./.