Một mùa tuyển sinh đại học (ĐH) nữa đã bắt đầu khởi động. Để học sinh (HS) lớp 12 chọn lối rẽ vào đời phù hợp thì công tác hướng nghiệp là vô cùng quan trọng. Những năm qua, cùng với thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) rất coi trọng công tác hướng nghiệp, giúp HS chọn ngành nghề phù hợp với sở thích, khả năng.
Giáo viên tham gia trả lời bản trắc nghiệm tâm lý khám phá sở thích nghề nghiệp
Từ năm 2015, Bộ GD-ĐT đã thay đổi phương thức thi, 1 kỳ thi sử dụng 2 mục đích, vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa tuyển sinh ĐH, cao đẳng (CĐ). Với những thay đổi trên, công tác tư vấn, hướng nghiệp cho HS được các trường THPT triển khai ngay từ đầu năm học, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền những đổi mới trong thi cử, tuyển sinh… đến phụ huynh HS. Ông Lê Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, hàng năm các trường trung cấp chuyên nghiệp, CĐ, ĐH hỗ trợ các trường THPT đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng, tư vấn, thông tin về ngành nghề, định hướng nghề trong tương lai, việc làm sau tốt nghiệp và bước chuyển tiếp liên thông lên ĐH. Sở cũng chỉ đạo các trường tiếp tục tuyên truyền trong HS, phụ huynh nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp. Các trường cung cấp đầy đủ thông tin, tư liệu trước mùa tuyển sinh hàng năm để HS và gia đình các em có nhiều thông tin về thị trường lao động, vốn hiểu biết ngành nghề để chọn nghề học, chọn trường học phù hợp.
Trong hoạt động định hướng nghề nghiệp cho HS thì vai trò của giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng. Và hoạt động này được thực hiện chủ yếu là bằng kinh nghiệm và tâm huyết của người thầy đối với HS. Cô Trần Thị Dư, giáo viên trường THPT Võ Minh Đức (TP.TDM) cho biết, đầu năm học cô làm cuộc khảo sát trong HS, các em nêu lên nguyện vọng, sở thích, ước mơ của bản thân. Cô cũng tìm hiểu năng lực học tập của các em ở những năm học lớp 10, 11, sau đó cô ghi chép cẩn thận vào sổ tay. Khi có kết quả thi giữa kỳ I, cô khảo sát lại một lần nữa và tư vấn các em chọn môn thi, chọn ngành, chọn trường phù hợp. Trong các buổi họp phụ huynh HS, cô đã tuyên truyền, tư vấn phụ huynh nên để con em tự định hướng tương lai. Nhờ làm tốt công tác hướng nghiệp, hàng năm lớp cô chủ nhiệm có tỷ lệ HS đậu ĐH khá cao.
Tại hội thảo “Tiếp sức hướng nghiệp”, do Sở GD-ĐT phối hợp với báo Người Lao Động và trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương tổ chức vừa qua, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm bổ ích trong việc tư vấn hướng nghiệp cho HS. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, ban ĐH và sau ĐH - ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng, khi tư vấn hướng nghiệp, các thầy cô cần chú ý cung cấp cho thí sinh cơ cấu, xu hướng phát triển của các ngành nghề cấp khu vực, quốc gia, quốc tế; cơ cấu, hệ thống đào tạo ĐH, CĐ, dạy nghề; chương trình đào tạo tại các trường; yêu cầu đầu vào, cơ hội đầu ra…
Trong khi đó, TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Nông lâm TP.HCM thì nêu lên những dạng sai lầm khi chọn nghề của thí sinh. Đôi khi các em chọn nghề yêu thích nhưng chưa hẳn phù hợp. Chọn đúng nghề, đúng ngành nhưng sai bậc/trình độ. Nhiều người thường nghĩ rằng thạc sĩ hơn ĐH, ĐH hơn CĐ, TCCN. Có em cố tình chọn sai nghề vì đặt nặng vấn đề kinh tế. Chọn nghề hời hợt, sơ sài, dẫn tới những thất bại nghề nghiệp.
Tâm huyết với công tác tư vấn hướng nghiệp, tiến sĩ Trần Thanh Vũ, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế -Kỹ thuật Bình Dương đã nêu lên 4 giai đoạn của hướng nghiệp: Giáo dục nghề, tư vấn nghề, tuyển chọn nghề, thích ứng nghề. Trách nhiệm chính ở 2 giai đoạn đầu là nhà trường phổ thông, 2 giai đoạn cuối là trách nhiệm của các trường dạy nghề, TCCN, CĐ, ĐH và các đơn vị sử dụng nhân lực. Tuy nhiên, các trường dạy nghề, TCCN, CĐ, ĐH và các đơn vị sử dụng nhân lực và toàn xã hội phải có trách nhiệm phối hợp với ngành GD-ĐT nói chung, trường phổ thông nói riêng làm công tác hướng nghiệp.
Tại buổi hội thảo “Tiếp sức hướng nghiệp” còn có sự tham gia của một số doanh nghiệp trong tỉnh. Qua quá trình tuyển dụng họ vẫn còn băn khoăn đối với sinh viên vừa tốt nghiệp. Một doanh nghiệp cho biết, 60% sinh viên ra trường phải đào tạo lại. Để các em làm việc được phải đào tạo thêm 12 tháng. Ngoài ra, sinh viên còn thiếu những kỹ năng mềm cần thiết khác.
Ông Lê Nhật Nam nhận xét, qua hội thảo cho thấy bức tranh tổng thể về thực trạng công tác hướng nghiệp, qua đó giúp thầy cô giáo làm công tác hướng nghiệp có thêm kỹ năng và phương pháp mới, giúp HS định hướng nghề nghiệp rõ ràng, tránh lãng phí tiền của, công sức của gia đình và xã hội.
Nguồn baobinhduong.vn (TT)