06/01/2016 01:38 PM GMT+7
Chia sẻ:
Xây dựng mô hình cộng đồng học ngoại ngữ
Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay, ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Trong khi ở Việt Nam hiện nay, việc dạy tiếng Anh trên lớp vẫn còn thiên về ngữ pháp, cấu trúc mà người học chưa có nhiều cơ hội để rèn luyện các kỹ năng giao tiếp. Vì vậy, việc tạo ra các cộng đồng học ngoại ngữ nhằm phát triển khả năng giao tiếp cho người học là rất cần thiết.
|
Sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hành thí nghiệm ngôn ngữ trên máy |
Theo TS Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng Giáo dục trung học, Phó Trưởng ban thường trực ban quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 (Bộ GD và ĐT), việc dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam đang chuyển dần từ dạy học ngoại ngữ như một môn khoa học sang dạy như một môn kỹ năng; từ sử dụng phương pháp giảng dạy truyền thống (phương pháp ngữ pháp-dịch) sang dạy ngôn ngữ giao tiếp… Vì vậy, sự thiếu hụt lớn về môi trường dạy học và sử dụng ngoại ngữ, cũng như sự không đồng đều trong các điều kiện tổ chức dạy và học ngoại ngữ khác là không tránh khỏi.
Mặt khác, với số lượng người học đông đảo nhưng giáo viên ngoại ngữ ít gây nên tình trạng thiếu nguồn nhân lực để tổ chức dạy học. Vì vậy, việc hình thành nên những cộng đồng học ngoại ngữ là rất cần thiết, để cho người biết ngoại ngữ dạy cho người chưa biết, người biết nhiều dạy cho người biết ít. Việc xây dựng các cộng đồng học ngoại ngữ chính là một nỗ lực quan trọng, góp phần cá thể hóa các chiến lược học tập của người học dựa trên sự tương đồng phổ biến về phong cách học của một nhóm người học cụ thể trong những không gian, thời gian cụ thể…
Nhiều cộng đồng học ngoại ngữ đã được hình thành và phát triển ở các cấp học, các cơ sở giáo dục đào tạo như: Mô hình câu lạc bộ ngoại ngữ ở một số trường cao đẳng, đại học; mô hình trại hè giao lưu, trao đổi văn hóa và học thuật với lưu học sinh, tình nguyện viên nước ngoài; các kỳ thi Ô-lim-pích ngoại ngữ, thi hùng biện ngoại ngữ cho học sinh các cấp và sinh viên khối chuyên ngữ và không chuyên ngữ…
Từ thực tiễn xây dựng mô hình cộng đồng học ngoại ngữ, TS Hoàng Ngọc Tuệ, Trưởng khoa Ngoại ngữ (Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) cho rằng: Học sinh, sinh viên và môi trường giảng dạy, học tập ở mỗi cơ sở đào tạo đều có những đặc điểm khác nhau. Vì vậy, không thể ứng dụng hoàn toàn những mô hình cộng đồng học ngoại ngữ có sẵn. Việc xây dựng và phát triển những mô hình cộng đồng học ngoại ngữ phải phù hợp đặc điểm của giảng viên, học sinh, sinh viên.
Thực tế tại Trường đại học Công nghiệp Hà Nội đã hình thành nhiều mô hình cộng đồng học ngoại ngữ; trong đó mô hình câu lạc bộ tiếng Anh sinh hoạt học tập từ 18 giờ đến 19 giờ 30 phút các ngày từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần tại khuôn viên sân trường. Mô hình đã thu hút hơn một nghìn sinh viên trong trường tham gia góp phần nâng cao hiệu quả học tập, nâng cao trình độ tiếng Anh của sinh viên.
Trong khi đó, với đặc thù nằm trên địa bàn Đà Lạt (Lâm Đồng), mỗi năm thu hút khoảng 170 nghìn lượt khách du lịch quốc tế, Trường đại học Đà Lạt lại xây dựng mô hình cộng đồng tiếng Anh du lịch cho những người làm du lịch như: sinh viên, cán bộ, chuyên viên các cơ quan nhà nước, người trực tiếp làm du lịch như lễ tân, bán vé, quản lý nhà hàng… Kết quả, có gần 100 sinh viên, cán bộ tham gia mô hình đều đánh giá trình độ năng lực tiếng Anh được nâng lên đáng kể.
Đáng chú ý, địa bàn Tây Bắc nước ta có đặc điểm địa lý đặc thù nhiều đồi núi, dân cư sống thưa thớt, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số như Thái, Mông… Hơn nữa, nền kinh tế phát triển còn chậm, đi sau nhiều khu vực khác trong cả nước, hệ quả là việc tiếp cận nền giáo dục hiện đại của người dân trong khu vực còn rất hạn chế. Việc phổ biến học ngoại ngữ tại khu vực này gặp phải rất nhiều khó khăn. Nhất là việc thiếu môi trường thực hành ngoại ngữ cũng là một thử thách lớn đối với việc dạy và học ngoại ngữ cho học sinh trong vùng. Vì vậy, Trường ĐH Tây Bắc triển khai mô hình Tháng tình nguyện tiếng Anh cộng đồng trên cơ sở sinh viên Khoa Ngoại ngữ dạy cho học sinh và người dân.
Kết quả, chương trình đã thành lập được chín nhóm lớp với số lượng từ 25 đến 35 học sinh, học viên/lớp, cá biệt có nhóm lớp số lượng người học lên tới 120 người chỉ sau một tuần thực hiện chương trình (lớp học ở Mộc Châu, Sơn La). Tuy chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng chương trình này đã thật sự tạo ra những hiệu ứng tích cực cả về phía người thực hiện chương trình lẫn người thụ hưởng chương trình. Các em học sinh tiểu học cũng như các học viên lớn tuổi đều rất hứng thú với chương trình học tập.
Có thể nói, trên thực tế, các cộng đồng học ngoại ngữ đã tạo nên một sự bổ sung cần thiết bên cạnh các cách thức tổ chức dạy học và phương pháp xây dựng chương trình, tài liệu dạy học ngoại ngữ phổ biến trong môi trường lớp học truyền thống (lớp học đông, giáo viên nói, học sinh/sinh viên ghi chép), góp phần chuyển mạnh từ việc dạy học để biết ngoại ngữ sang hình thành các kỹ năng ngoại ngữ, nâng cao từng bước năng lực sử dụng ngoại ngữ của người dạy, người học.
Theo các chuyên gia giáo dục, với bối cảnh hội nhập quốc tế và nhất là trong khối ASEAN, ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng được coi là một công cụ giao tiếp chính, góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình hội nhập và đem lại lợi thế cạnh tranh. Với khoảng 90% học sinh, sinh viên tham gia học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân và thời lượng dành cho môn tiếng Anh trong nhà trường hiện nay, việc đẩy mạnh học tiếng Anh trong cộng đồng sẽ giúp người học phát triển và hoàn thiện ngôn ngữ này một cách dễ dàng hơn. Cộng đồng sẽ là nơi giúp người học tiếp thu và sử dụng tiếng Anh hiệu quả và mang tính thực dụng cao hơn là môi trường lớp học truyền thống.
Trước xu hướng dạy và học ngoại ngữ qua tương tác và hành động, mô hình học tập tiếng Anh cộng đồng sẽ giúp người học chủ động tiếp thu kiến thức ngôn ngữ và sử dụng ngôn ngữ trong học tập và giao tiếp. Do vậy, mô hình ngoại ngữ cộng đồng sẽ giúp thúc đẩy động cơ học tập của người học và như vậy sẽ nâng cao hiệu quả học tập của họ.
Nguồn báo nhân dân (TA)
Các tin đã đưa
Bạn chưa nhập nội dung bình luận.