Khi nhà trường và doanh nghiệp “gặp nhau”
Trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước, doanh nghiệp (DN) rất cần nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu công việc. Thích ứng với thời cuộc, trường Đại học (ĐH) Thủ Dầu Một đã thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội.
Các nhà tư vấn chia sẻ với SV về kinh nghiệm tìm kiếm công việc phù hợp sau khi ra trường
Nhiệm vụ của trường ĐH Thủ Dầu Một là đào tạo đa ngành, phát triển nguồn nhân lực có trình độ từ trung cấp, cao đẳng, ĐH và sau ĐH để phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH của tỉnh, khu vực và cả nước. Để đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của đơn vị, DN, trường vừa điều chỉnh chương trình, vừa huy động các khoa phòng triển khai việc xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận CIDIO.
Với mục tiêu cung ứng nguồn nhân lực phát triển công nghiệp, nhà trường đã phát triển quy mô và ngành nghề đào tạo. Đến nay, trường đào tạo 5 ngành trình độ thạc sĩ, 22 ngành ĐH và 6 ngành cao đẳng. Ngoài ra, trường còn ký kết đào tạo theo địa chỉ với 2 cơ quan, DN. Hiện trường đang xúc tiến ký kết đào tạo theo địa chỉ với Sở Thông tin - Truyền thông.
SV tìm hiểu cơ hội việc làm tại ngày hội việc làm do nhà trường phối hợp với doanh nghiệp tổ chức
Và để cụ thể hóa hoạt động đào tạo theo nhu cầu xã hội, năm 2014 nhà trường đã ký kết hợp tác với Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương (KCN) và Ban Quản lý KCN Việt Nam - Singapore. PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng nhà trường nhìn nhận, sau một năm thực hiện, các nội dung ký kết được các bên nghiêm túc triển khai thực hiện với tinh thần cung ứng cho xã hội nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH. 2 ban đã hỗ trợ sinh viên (SV) đi thực tế và thực tập tại các DN, phục vụ tốt chương trình đào tạo của trường. Nhà trường và 2 ban quản lý KCN đã giới thiệu cho các DN nhiều SV vừa tốt nghiệp theo đúng yêu cầu của DN.
Rõ ràng, SV ngày nay ngoài việc được trang bị kiến thức cần thiết, các em còn được cọ xát với thực tế để trải nghiệm những kiến thức các em đã được học. Trong năm học 2014-2015, để SV tìm hiểu thêm về ngành nghề đã học, 2 ban đã hỗ trợ trường liên hệ với 4 DN, hướng dẫn hơn 400 SV các khoa ngoài sư phạm đi thực tế. Đối với chương trình thực tập, trước đợt thực tập 2 tháng, trường thông báo đến Ban Quản lý KCN và các cơ quan, DN số lượng và ngành học của SV để các DN hỗ trợ. Qua đó có 449 đơn vị tiếp nhận hơn 3.200 em thực tập. Các công ty như Công ty Cổ phần công nghiệp gỗ Kaiser, Công ty TNHH công nghiệp thực phẩm Liwayway Sài Gòn… đã tuyển dụng SV vào làm việc sau khi các em thực tập.
Sau những năm tháng học tập, SV mong ước tìm được việc làm phù hợp sau khi ra trường. Biết được nguyện vọng của các em, các khoa đã tổ chức cho SV tham dự những phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức hàng tuần. Nhà trường còn công bố dự báo SV tốt nghiệp giai đoạn 2015-2018 đến các cơ quan, DN và tổ chức ngày hội việc làm cho những em chuẩn bị tốt nghiệp. Theo khảo sát của trường, đến tháng 5-2015, 80,1% SV tốt nghiệp năm 2014 sau 1 năm tìm được việc làm. Nhà trường đã giới thiệu 529 SV tốt nghiệp đến các DN có nhu cầu tuyển dụng, đạt tỷ lệ 41% tổng số SV tốt nghiệp. Cũng theo tìm hiểu của trường, có khá nhiều DN trong KCN có nhu cầu tuyển dụng SV của trường.
Năm học 2015-2016 này, 2 ban quản lý tăng cường giới thiệu các ngành tuyển sinh hệ thường xuyên của trường đến công nhân làm việc tại các KCN. Thực hiện tốt việc hỗ trợ SV đi thực tế, thực tập tại các DN và hỗ trợ DN tuyển dụng lao động là SV của trường vừa tốt nghiệp.
* PGS-TS NGUYỄN VĂN HIỆP, Hiệu trưởng trường ĐH Thủ Dầu Một:
Qua 1 năm phối hợp đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, giúp trường xem xét lại nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với thực tế. Chương trình đào tạo của trường đều được cập nhật hàng năm. Hiện nay trường hướng đến mục tiêu bảo đảm chuẩn đầu ra và đáp ứng nhu cầu xã hội. Sắp tới, chương trình thực tập, thực hành, đi thực tế của SV rất nhiều. Nhà trường sẽ có kế hoạch cụ thể, chi tiết hơn về hoạt động này.
* Ông NGUYỄN VĂN NỚP, Trưởng phòng đại diện số 2, Ban Quản lý các KCN Bình Dương:
Từ tháng 9-2014 đến nay giữa trường ĐH Thủ Dầu Một và Ban Quản lý các KCN Bình Dương đã có sự bắt tay nhau trong việc đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Sắp tới đây, khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, nhu cầu về nguồn nhân lực lớn hơn và chất lượng đòi hỏi cao hơn.
Thời gian qua DN đã có phản hồi tốt về nguồn nhân lực của Bình Dương. Các DN đã chấp nhận cho SV đến thực tập, vì họ thấy việc thực tập của SV có tác dụng cho cả hai phía.
* Ông MINH HIỀN, Văn phòng Ban Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng KCN Việt Nam - Singapore:
Tôi rất vui mừng khi có cơ chế phối hợp giữa nhà trường với DN trong việc đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Chúng tôi có thể đưa vào chiến dịch marketing của công ty.
Theo kinh nghiệm kết nối giữa VSIP và trường ĐH Quốc tế Miền Đông, ban đầu thực hiện chỉ dựa trên mối quan hệ thân thiết, nhưng sau đó có sức lan tỏa, các DN truyền nhau và gọi trực tiếp đến chúng tôi. Hàng năm VSIP cũng có khảo sát nhu cầu tuyển dụng của DN, qua đó cho thấy nhân lực thiếu nhất là cấp trung, kế đến là kỹ thuật và ngôn ngữ.
* Ông NGÔ SĨ KÍNH, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH công nghiệp thực phẩm Liwayway Sài Gòn:
SV mới ra trường chúng tôi không yêu cầu các em làm việc được ngay, mà các em phải biết suy nghĩ, biết con đường phải đi như thế nào.
Thực sự hiện nay SV ra trường có em còn rụt rè không dám phát biểu ý kiến trong công việc, tính kỷ luật, tự giác chưa cao và kỹ năng ngoại ngữ còn yếu. Do đó để đáp ứng yêu cầu công việc của DN, các em cần rèn thêm những kỹ năng này.
Nguồn baobinhduong.vn (TT)