Niềm tự hào về Nghề giáo
TTBD - Có bao giờ bạn tự hỏi: Mục đích cuối cùng và quan trọng nhất trong cuộc đời của bạn là gì? Khi đặt ra câu hỏi này tôi chắc hẳn ở dưới khán đài kia có người đã có câu trả lời, nhưng cũng có người còn đang băn khoăn suy nghĩ! Thế nhưng tôi thiết nghĩ dù ở độ tuổi nào, hay ở bất cứ giới tính nào thì mục đích cuối cùng và quan trọng nhất của cuộc đời là được sống theo đúng nghĩa của từ “Sống” và phải sống thật hạnh phúc. Khi ấy tất yếu mỗi người sẽ tự chọn cho mình một hướng đi, một con đường để tìm đến đích.
Với Tổng thống Nga Vladimir Putin: “hạnh phúc có nghĩa là được làm những điều mình yêu thích và gặt hái được kết quả cao trong công việc”. Tôi cũng nghĩ vậy!. Với tôi nghề dạy học là con đường tôi đã chọn và làm một cô giáo dạy Ngữ văn chính là niềm hạnh phúc lớn nhất đời mình. Tôi yêu những giờ lên lớp, trên bục giảng với bảng xanh phấn trắng, tôi yêu những đôi mắt đen tròn thơ ngây của các em học sinh, yêu nụ cười xinh xinh, yêu cả sự hồn nhiên, đáng yêu của chúng. Những điều giản dị đó với tôi là hạnh phúc.
Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng tùng nói: "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý". Cao quý bởi đó là sự nghiệp trồng người, ươm mầm và nuôi dưỡng những tài năng tương lai của đất nước. Thế nhưng ở môi trường GDTX để ươm được những mầm xanh tươi tốt như thế không phải là một điều đơn giản. Tôi nhớ những ngày đầu tiên mới chập chững ở ngôi trường GDTX Tân Uyên, một đồng nghiệp- một người thầy từng tâm sự: “xã hội giao cho anh toàn là trứng ung, bảo anh phải ấp thành gà con? Làm sao anh làm được điều ấy” ? Vâng, nếu nhìn vào câu chữ thì thực tế là như vậy. Học trò của môi trường giáo dục chúng tôi phần đông là những những học sinh đặc biệt và cá biệt:
+ Có những em vì điều kiện gia đình khó khăn phải nghỉ học giữa chừng, rồi hai hay ba hoặc thậm chí vài năm sau mới được đi học lại, vừa học và vừa kiếm sống nuôi bản thân và gia đình. Thời gian dành cho việc học cũng trở nên ít ỏi và hạn hẹp. Đó cái cái khó của chúng tôi!
+ Có những em vì quá ham chơi, đua đòi theo đám bạn, lực học sa sút, không thể thi đậu vào các trường THPT trên địa bàn, nên Trung tâm GDTX lại giang rộng cánh tay đón về. Những em này không những kém về học lực mà còn yếu cả về kĩ năng sống. Đó là cái khó của chúng tôi!
+ Có những em vì cuộc sống mưu sinh mà phải theo cha mẹ tha hương cầu thực đến chốn đất khách quê người để lập nghiệp, xa quê hương, xa bạn bè, cuộc sống thì bấp bênh, các em cũng tiếp tục con đường học vấn còn dang dở ở ngôi trường chúng tôi… Đó là cái khó của chúng tôi!
Ảnh minh họa – nguồn Internet
Học trò của chúng tôi là thế đấy: sự tiếp thu về tri thức, kiến thức của các em tương đối yếu hơn so với chúng bạn cùng trang lứa ở các trường PTTH; sự hiếu động và tinh nghịch của các em thì khó ai có thể sánh bằng, đặc biệt kĩ năng giao tiếp, kĩ năng sống lại chỉ thu nhỏ ở một mức độ nhất định. Đó chính là cái khó, là thách thức đối với những giáo viên dạy ở Trung tâm GDTX Tân Uyên. Vậy nghe ra tâm sự ấy của đồng nghiệp tôi có phần đúng quá nhỉ?
Thế nhưng với tôi, là trứng ung hay trứng thường chẳng còn quan trọng nữa. Cái quan trọng là khi chúng ta ấp ủ chúng bằng tất cả tình yêu thương và niềm tin thì tất yếu sẽ nở thành gà.(Đôi khi trong cuộc sống những điều phi lí vẫn có thể trở thành có lí nếu chúng ta có niềm tin) Bảy năm trong nghề, tôi chứng kiến biết bao điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và thật sự là rất đáng yêu và đáng sống lắm khi được làm một giáo viên dạy văn tại TT GDTX Tân Uyên:
+ Đâu đó trong những giờ học, các em đã chăm chú nghe giảng, vui vẻ với nhau trong tiết học, bởi chúng tôi đã phải thức trắng nhiều đêm liền để băn khoăn, trăn trở để tìm ra phương pháp giảng dậy phù hợp nhất với sự tiếp thu của các em. Nếu có thể ví von so sánh, tôi xin mạn phép dùng hình ảnh thực tế này: Đối với học sinh PT bạn chỉ cần đưa cho chúng cần câu và bảo chúng hãy câu lấy cá. Chúng tất nhiên sẽ làm được. Còn với học trò của chúng tôi, cho cá chúng ư? Không, chúng tôi không làm như vậy. Chúng tôi cũng cho các em cần câu nhưng sẽ ngồi câu cùng chúng, cùng trải qua mưa, nắng, khó khăn, trở ngại để đạt được thành quả. Tôi tự hào vì mình làm được điều đó.
+ Đâu đó trong những giờ ra chơi, trái tim bé nhỏ của tôi thật sự rung động và hạnh phúc khi nghe tiếng nói cười hồn nhiên ngây thơ của các em, những cái bay tung mình trên không trong trò nhảy dây thật tinh nghịch, hay là trò chơi nhảy lò cò qua các ô vuông , trò bắt người để xem ai về đích trước. Cùng thổn thức và lắng đọng nghe suy nghĩ và tâm sự của học trò cuối cấp trong lễ trưởng thành và chia tay ngày cuối năm học. Là chuyện cô và trò cùng nhau tâm sự, chia sẻ để hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh gia đình các em hơn. Tôi tự hào vì mình làm được điều đó.
+ Đâu đó trong những ngày thi tốt nghiệp THPT, thi ĐH, CĐ, TCCN cả cô trò cùng nao nao lòng, quay quắt từng ngày để chờ khi báo điểm. Các em có thể không trở thành Bác sĩ, y tá cứu người nhưng có thể trở thành điều dưỡng để giúp đỡ bệnh nhân. Các em có thể không không nhiều người trở thành những kiến trúc sư, những kĩ sư tài năng nhưng phần đông có thể trở thành những người lao động, những công nhân có tay nghề trong công việc và một cuộc sống lương thiện. Tôi tự hào vì mình làm được điều đó…
+ Và đâu đó trong nghề dạy học, còn nhiều lắm những niềm vui và hạnh phúc bình dị ở đời. Xã hội đã ví người giáo viên như những người kỹ sư và ưu ái, trân trọng dành cho người giáo viên cái tên rất đẹp đẽ, tràn đầy ý nghĩa và gần gũi với nghề của mình. Đó là: "Người kỹ sư tâm hồn"! Bằng cái tài và cái tâm, người giáo viên đã tạo ra những con người không chỉ có tri thức, hiểu biết, mà còn có một trái tim rộng lớn, bao la. Nếu người kỹ sư để lại cho đời sản phẩm là những công tình, những ngôi nhà khang trang, rộng rãi; người thợ mỏ ngày đêm làm việc cho ra đời những mẻ sắt, mẻ gang góp phần xây dựng và phát triển đất nước thì người giáo viên đem đến cho đời một thứ sản phẩm đặc biệt, đóng góp chất xám cho xã hội - thứ sản phẩm không thể làm lại lần thứ hai, đó là sản phẩm tâm hồn con người.
Và đến đây tôi nghiệm ra được một điều giản đơn và bình dị trong ngề giáo: Hãy cứ sống và cống hiến hết mình. Hãy cứ làm những điều mình thích một cách say sưa và không hề toan tính. Rồi một ngày không xa, khi mình đã trồng cây thì sẽ có ngày thu trái và trái ngọt nhất cho hương vị cuộc đời là trái ngọt của tình yêu thương, của tình thầy trò và của tình người. Bỗng nhớ đến câu thơ thật ý nghĩa: “ Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Xin lấy lời của hai ca khúc Tự nguyện của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh và Để gió cuốn đi của Trịnh Công Sơn để làm lời kết cho bài nói của mình:
“Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng
Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương
Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm
Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương”…
Và
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm chi em biết không?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi”…
Tác giả: Lê Thị Kim Liên
Giáo viên Trung tâm giáo dục thường xuyên Tx. Tân Uyên