Nỗ lực chăm lo người lao động
Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động (NLĐ), Bình Dương đã tạo niềm tin để NLĐ gắn bó, đóng góp sức lực, trí tuệ vì sự phát triển của doanh nghiệp (DN), vì một Bình Dương giàu đẹp...
Chăm lo đời sống vật chất
Tại Triển lãm, hội chợ thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương giai đoạn 2010-2015 vừa diễn ra đã thu hút hơn 100.000 lượt người đến tham quan, mua sắm, trong đó có rất đông công nhân lao động (CNLĐ). Chị Lý Ngọc Lan, công nhân (CN) Công ty Cổ phần Jupiter Foods Việt Nam (phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một) nói: “Ngoài hội chợ do tỉnh tổ chức, lâu lâu trong Khu công nghiệp VSIP II, Ban Quản lý Khu công nghiệp VSIP cũng mở hội chợ hàng Việt để công nhân mua sắm. Có những hội chợ như vậy, chúng tôi cảm thấy yên tâm vì mua được những mặc hàng tốt, giá cả phù hợp, bảo đảm cuộc sống, sức khỏe cho các thành viên trong gia đình”.
CNLĐ vui vì được mua hàng Việt chất lượng tại các hội chợ hàng Việt Nam
Không những đáp ứng nhu cầu mua sắm cho NLĐ, nhu cầu nhà ở cho họ cũng từng bước được giải quyết. Bình Dương đã ban hành Chương trình số 27- CT/TU ngày 20-9-2011, UBND tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2011-2015. Chỉ trong một thời gian ngắn, Bình Dương từ thu hút 82 dự án phát triển nhà ở xã hội, đến nay đã có 34 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, đáp ứng cho khoảng 64.000 người. Ngoài ra, Bình Dương có khoảng 200 DN hoạt động kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp đầu tư xây khoảng 180.000 căn nhà trọ đáp ứng nhu cầu cho NLĐ.
Ông Hồ Quang Điệp, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, vào dịp tết, Bình Dương đã tổ chức các đoàn đến gặp gỡ, thăm hỏi, động viên NLĐ xa quê, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có điều kiện về quê đón xuân vui tết. Ngoài ra 5 năm qua, Bình Dương trích ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ 28.850 phần quà, trị giá 12,88 tỷ đồng cho CN. Các cấp công đoàn và DN cũng tặng hơn 1.770.000 phần quà, trị giá 227 tỷ đồng, trong đó quỹ công đoàn cơ sở chi hơn 1 triệu phần quà, trị giá 140 tỷ đồng; công đoàn cơ sở vận động người sử dụng lao động chi hơn 770.000 phần quà, trị giá 87,7 tỷ đồng. Chương trình chuyến xe nghĩa tình cũng được triển khai thực hiện, với hơn 4.000 CN được đưa rước về quê đón tết, với tổng kinh phí khoảng 3,5 tỷ đồng.
Xây sân chơi văn hóa tinh thần
Song song với chăm lo đời sống vật chất, Bình Dương đã có nhiều giải pháp hiệu quả để nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ. Cùng CNLĐ tại Khu công nghiệp Mỹ Phước xem chiếu phim tại Nhà hát Mỹ Phước 2, mới cảm nhận hết niềm vui của họ. Sau những ngày làm việc mệt mỏi, tối thứ bảy, chủ nhật, từng nhóm CN rủ nhau đến nhà hát để xem phim mới, với giá vé rẻ chỉ từ 20.000 - 30.000 đồng/vé. Tại đây, còn có tường thuật trực tiếp các giải bóng đá trong nước, các giải ngoại hạng; chương trình live show của các ca sĩ, diễn viên hài đến từ TP.Hồ Chí Minh; hội thi karaoke thanh thiếu nhi… Cũng mang ý nghĩa góp phần đem lại niềm vui cho CNLĐ, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh mỗi năm cũng đã biểu diễn 120 buổi phục vụ CN.
Đặc biệt, năm nay, Tỉnh đoàn đã ra mắt mô hình “Thư viện điện tử lưu động” và “Nhà trọ văn hóa thanh niên”. Theo đó, mô hình “Nhà trọ văn hóa thanh niên” của Công ty Tinh Vạn Hoa là nhà trọ được xây dựng, quản lý đúng theo quy định pháp luật; được trang bị tủ sách, tủ thuốc, sân chơi thể thao; mô hình “Thư viện điện tử lưu động”, mỗi tháng 4 lần, thư viện tỉnh sẽ mang sách, báo, tạp chí và 20 máy vi tính xách tay có kết nối internet đến Trung tâm văn hóa xã để mang tri thức, khoa học công nghệ cho thanh niên CN. Hàng năm, Bình Dương cũng đã phát động Tuần Lễ thanh niên công nhân và Tháng công nhân, nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ, thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ như hội thi thời trang CN, tiếng hát CN, hội thi karaoke, ẩm thực, cắm hoa…, hoạt động thể dục thể thao; thăm tặng quà cho CN bị tai nạn lao động, CN bị bệnh hiểm nghèo và nhiều hoạt động miễn phí khác như khám chữa bệnh, cắt tóc…
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, có được kết quả này là do, các ngành, đoàn thể đã phối hợp với UBND huyện, thị, thành phố không ngừng nỗ lực huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các hoạt động văn hóa, thể thao, góp phần cùng với Nhà nước tạo môi trường sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao, nâng cao mức sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ. Nhiều DN, cá nhân, đơn vị kinh tế đã phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thi đấu thể dục thể thao, đồng thời đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, đáp ứng cho nhu cầu văn hóa, giải trí, thể dục, thể thao của CNLĐ, như: Trung tâm Văn hóa - Thể thao của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa, Nhà hát Mỹ Phước, Nhà hát Công viên Thanh Lễ, Cụm sân thể thao bóng đá - quần vợt Mỹ Phước.
Về phía LĐLĐ sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền tìm nơi thuận lợi nhất để xây dựng thiết chế của công đoàn để phục vụ cho CNLĐ. Trong tháng 11-2015 sẽ khởi công Trung tâm Văn hóa Lao động (TX.Thuận An), dự kiến kinh phí xây dựng trên 70 tỷ đồng với các hạng mục như sân bóng đá, sân khấu, khu vui chơi cho NLĐ; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh đoàn tổ chức các hoạt động cho CNLĐ.
Ông Bùi Thanh Nhân, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh: Để NLĐ ngoại tỉnh yên tâm làm việc, Bình Dương đã có nhiều chính sách chăm lo, đặc biệt hàng năm, tỉnh đều tổ chức tọa đàm gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh với CNLĐ và cán bộ công đoàn cơ sở tại các DN trên địa bàn tỉnh. Các kiến nghị của họ đã được các ngành phúc đáp, một số kiến nghị được ghi nhận và đa số đã được giải quyết kịp thời như tình hình an ninh trật tự đã được cải thiện cơ bản, chính sách nhà ở xã hội đã được đáp ứng, chăm sóc y tế và chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội đã được cải thiện đáng kể...
Nguồn baobinhduong.vn (TT)