Trách nhiệm của người trẻ với các dự thảo văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng
Trong những ngày qua, nhiều ý kiến tâm huyết và đầy trách nhiệm của người trẻ đã tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
* Đảm bảo quyền học tập của công dân
Theo Ngô Thu Trang, Cựu sinh viên Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, trong các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII có nêu: “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách”.
Theo Thu Trang, con số nêu trên chưa đảm bảo tốt quyền học tập - quyền con người cơ bản được thể chế hóa trong điều 39 của Hiến pháp năm 2013 và trách nhiệm của Nhà nước trong việc phát triển giáo dục và đảm bảo quyền học tập của công dân được quy định trong điều 61 của Hiến pháp.
|
Cựu sinh viên Ngô Thu Trang tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng được tổ chức tại trụ sở cơ quan Trung ương Đoàn tối ngày 21/10 |
Trang cho rằng, thực tế hiện nay có rất nhiều bạn trẻ sau khi đỗ đại học đã phải gác lại học tập để tiếp tục cuộc sống mưu sinh, vì không đủ tiền đóng học phí và trang trải sinh hoạt. Mặc dù Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ vay vốn để trang trải học tập đối với học sinh, sinh viên nghèo nhưng với mức 1 triệu đồng đồng/tháng là không thể đáp ứng được nhu cầu học tập và sinh hoạt của sinh viên nghèo.
Thu Trang nêu dẫn chứng việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa trình Chính phủ dự thảo về mức trần học phí mới sẽ dẫn tới hệ quả của các trường Đại học tăng học phí chóng mặt, cụ thể học phí Đại học Hà Nội đến năm học 2016 – 2017 có thể lên tới 14 triệu đồng. Cũng theo thống kê của Word Bank năm 2010 cho thấy, đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam chiếm 14% đầu tư của Ngân sách Nhà nước cho giáo dục. So với GDP thì tỷ lệ đầu tư công cho giáo dục đại học chỉ 0,9%. Con số rất nhỏ so với ý nghĩa và tầm quan trọng của giáo dục con người – nguyên khí của quốc gia.
Thu Trang đề xuất cần nhìn lại về con số hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước với giáo dục để đảm bảo quyền được học tập của công dân và xem xét bổ sung nhiều hơn chính sách đối với học sinh, sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ tương xứng và phù hợp với mức sống bình thương của sinh viên.
* Cần có chiến lược trọng dụng các tài năng trẻ
Theo TS. Dương Tuấn Hưng - Viện Hoá học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: Tuổi trẻ Việt Nam ngày nay đứng trước vận hội vô cùng to lớn của cả dân tộc. Điều đó góp phần tạo ra những thách thức nhưng cũng có nhiều cơ hội để thế hệ trẻ đóng góp tiếng nói và cống hiến công sức, trí tuệ đi đầu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều hoạt động biểu dương, ghi nhận các đóng góp và cống hiến của thế hệ trẻ trong các phong trào học tập, lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
TS. Dương Tuấn Hưng nêu ý kiến, trong các dự thảo văn kiện của Đại hội XII chưa đề cập nhiều đến hoạt động, công tác nhằm nuôi dưỡng tinh thần và thúc đẩy, tạo điều kiện cho những khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ.
Trao đổi về nội dung này, TS Tuấn Hưng cho rằng, thế hệ thanh niên trẻ của ta hiện nay chiếm phần lớn trong cơ cấu dân số. Thanh niên chính là lực lượng lao động nòng cốt, có ảnh hưởng lớn tới tương lai của đất nước. Tuy nhiên việc đầu tư và tận dụng, phát huy thế mạnh của thế hệ trẻ còn chưa tương xứng. Điều này đặt ra yêu cầu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa; Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa…để củng cố, xây dựng nền tảng văn hoá vững chắc cho thế hệ trẻ; khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và quốc gia trong thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cần có thêm nhiều chính sách, cởi mở, mở rộng giới hạn tuổi, tập trung đầu tư nhằm thu hút các thế hệ thanh niên trẻ chủ động tham gia một cách mạnh mẽ vào các phong trào xung kích xây dựng đất nước.
TS Tuấn Hưng mong muốn, trong Dự thảo các văn kiện của đại hội XII của Đảng cũng nên đánh giá đúng và nhấn mạnh đến vai trò của thế hệ thanh niên trẻ trong các mục tiêu xây dựng và phát triển chiến lược của đất nước. Thế hệ trẻ ngày nay cần được tin tưởng, giao phó thêm nhiều nhiệm vụ quan trọng bởi chính thế hệ thanh niên có đầy đủ các sức mạnh thể chất, tinh thần, say mê học tập, sáng tạo, cống hiến cho đất nước. Họ có nhiệt huyết của tuổi trẻ, thấm đẫm văn hoá truyền thống quý báu của dân tộc, có khả năng tiếp thu các kiến thức mới, các thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ và văn hoá của thế giới. Một khi được Đảng và Nhà nước đặt niềm tin, giao các trọng trách và có chiến lược đầu tư, chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện, thế hệ trẻ sẽ có nhiều đóng góp quan trọng. Có chăng, trong dự thảo văn kiện lần này chúng ta nên mạnh dạn đề xuất chiến lược trọng dụng các tài năng trẻ tham gia vào công tác hoạch định chiến lược phát triển ưu tiên của đất nước?
* Chú trọng phát triển nguồn nhân lực trẻ
Nhà khoa học trẻ Trần Thị Loan - Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề xuất vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội toàn quốc XII của Đảng về cần nhấn mạnh việc phát triển nguồn nhân lực đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.
Trao đổi về vấn đề này, Trần Thị Loan cho rằng, hiện nay, việc chảy máu chất xám vẫn là vấn đề được nêu ra và tranh luận tại các diễn đàn về giáo dục. Nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được quan tâm đúng mức. Đảng và Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho những người có năng lực đi đào tạo ở nước ngoài nâng cao trình độ nhưng lại chưa có một cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo ở nước ngoài trở về nước, phục vụ, cống hiến trí tuệ cho đất nước.
Bên cạnh đó, chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ vào làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, lực lượng vũ trang còn hạn chế do thiếu nhất quán, chưa đầy đủ, mạnh mẽ; hệ thống cơ chế, chính sách chưa phù hợp, thiết thực thiếu tính khả thi đối với từng đối tượng, lĩnh vực cần thu hút.