Sáng 19/10, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Đoàn khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị tiến sĩ trẻ là cán bộ quản lý góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng.
|
Đồng chí Nguyễn Phi Long - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, các trí thức trẻ, tiến sĩ trẻ tham dự hội nghị đã cho ý kiến về nhiều vấn đề được nêu trong Dự thảo văn kiện như: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ; bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo tổ quốc; quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường, phòng tránh thiên tai... đặc biệt là việc chăm lo bồi dưỡng và giáo dục về đạo đức lối sống, kỹ năng, nghề nghiệp cho thế hệ trẻ và tạo cơ chế để thanh niên phát huy hơn nữa sức trẻ của mình trong quá trình CNH-HĐH đất nước.
TS Nguyễn Minh Trung - Phó Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cho rằng, Văn kiện ĐH lần thứ XII của Đảng chưa đánh giá thích hợp về vai trò và vị trí của thế hệ trẻ, trong đó có thanh niên. Việc đề cập vấn đề này còn chung chung, cần nêu ra những mục tiêu và giải pháp cụ thể cho việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng, đạo đức, kỹ năng, nghề nghiệp.
Đến từ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, TS Nguyễn Xuân Vinh cho rằng, để phát huy giá trị văn hóa, truyền thống nhằm nuôi dưỡng tinh thần, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ trong xây dựng đất nước, cần sớm xây dựng một hệ giá trị văn hóa chuẩn cho con người Việt Nam; tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. Hệ giá trị văn hóa chuẩn cho con người Việt Nam trước hết phải được áp dụng đối với các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động công tác trong các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội để làm gương cho thế hệ trẻ.
|
TS Nguyễn Xuân Vinh phát biểu tại Hội nghị |
TS Nguyễn Thị Quý Phương - Quyền Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương, Phó Chủ nhiệm CLB Tiến sỹ trẻ Khối các cơ quan Trung ương cho rằng, trong đổi mới giáo dục - đào tạo, bên cạnh việc đề cao vai trò của người học, cần coi trọng việc phát triển và nâng cao năng lực của người thầy, phải tạo điều kiện sống, điều kiện cống hiến, điều kiện giảng dạy tốt cho các thầy cô giáo... Bên cạnh đó, cần đưa vai trò của đoàn thể vào trong giáo dục, cụ thể như vai trò của Đoàn Thanh niên là giáo dục kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm cộng đồng... cho thế hệ trẻ.
Theo TS Nguyễn Thị Hạnh đến từ Bộ Giáo dục và đào tạo, đầu tư cho cơ sở vật chất cho giáo dục hay công tác phổ cập giáo dục cần đặt ra mục tiêu cụ thể. "Chúng ta phải đặt mục tiêu và kiên quyết thực hiện mục tiêu. Ví dụ như, trong 5 năm tới, chúng ta cần hoàn thành việc kiên cố hóa trường, lớp học hay xây dựng đủ trường mầm non phục vụ con em công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất...", chị Hạnh nêu ý kiến.
Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có việc phát huy vai trò của các nhà khoa học trẻ, TS Nguyễn Thiên Tạo đến từ Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, các cơ quan quản lý cần tạo môi trường nghiên cứu thuận lợi, nguồn đầu tư thích hợp để phát huy khả năng của các nhà khoa học, giúp họ triển khai các hướng nghiên cứu độc lập và tự do sáng tạo. Cần dành riêng một nguồn kinh phí để hỗ trợ ý tưởng nghiên cứu của các nhà khoa học dưới 35 tuổi, kể cả mới có trình độ thạc sỹ nếu có ý tưởng xuất sắc.
|
TS Vũ Anh Tài nêu ý kiến về vai trò của thanh niên trong phát triển khoa học công nghệ |
Cũng đến từ Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, TS Vũ Anh Tài cho rằng, nhiệm vụ của thanh niên cần gắn liền với các mục tiêu trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ bởi thanh niên là lực lượng nòng cốt trong phát triển khoa học công nghệ và lực lượng tiên phong trong việc tiếp thu thành tựu khoa học của nước nhà. TS Vũ Anh Tài cũng nêu ra một số giải pháp để tạo bước đột phá trong phát triển khoa học công nghệ mà thanh niên đóng vai trò trung tâm như: xây dựng kênh kết nối quốc gia để tạo sự phản biện xã hội cho các công trình khoa học, nhằm hoàn thiện bộ máy tổ chức triển khai hoạt động KHCN đồng thời ghi nhận những ý kiến, giải pháp và cả những sáng kiến của cộng đồng để phát triển tốt hơn KHCN; xã hội hóa mảng công nghệ bởi "Chỉ khi nào công nghệ đáp ứng được nhu cầu xã hội thì công nghệ mới phát triển và khi công nghệ phát triển sẽ kéo khoa học cơ bản phát triển theo"....
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Phi Long - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam cho rằng, chăm lo phát triển thanh niên vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển đất nước, đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, Dự thảo văn kiện đánh giá về vấn đề này chưa tương xứng với tiềm năng, vai trò và vị trí của thanh niên. Nếu đặt thanh niên là trọng tâm của chính sách bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, thì dự thảo văn kiện chưa nêu được giải pháp đột phá cho thanh niên nói riêng và thế hệ trẻ nói chung so với các nghị quyết trước. Dự thảo văn kiện cũng cần xác định rõ mục tiêu giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống để xây dựng thế hệ thanh niên thời kỳ đổi mới phải có động lực, phẩm chất, khí phách và quyết tâm khắc phục khó khăn vươn lên lập thân lập nghiệp, trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.
Đồng chí Nguyễn Phi Long đề xuất, việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo phải tạo cơ hội để mọi thanh niên được học tập, tức là xây dựng xã hội học tập trong đó mọi thanh niên đều có quyền được học tập, rèn luyện về trình độ, tri thức, kỹ năng... Bên cạnh đó, cần có chính sách xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tạo điều kiện cho thanh niên nâng cao đời sống văn hóa tinh thần để phát triển toàn diện; có chính sách mang tính đột phá về sử dụng, bố trí tài năng trẻ để người trẻ được thể hiện, phát huy và có tiếng nói quan trọng trong hoạch định chính sách, tham gia quản lý xã hội...