Những năm qua, Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh nhất cả nước. Bình Dương cũng là địa phương đã và đang làm tốt công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Trong giai đoạn 2011-2015, nhiều lĩnh vực, tiêu chí về BVMT của tỉnh đã vượt kế hoạch đến năm 2020.
Thời gian qua, bên cạnh đầu tư các công trình, hệ thống BVMT, Bình Dương còn chú trọng tuyên truyền, giáo dục BVMT đến cộng đồng. Trong ảnh: Các bạn trẻ trong tỉnh tham gia hoạt động bảo vệ môi trường tại lễ mít-tinh kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới 5-6 Ảnh: X.THI
Chú trọng BVMT
Sức ép về môi trường đối với Bình Dương là không hề nhỏ. Hiện trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn doanh nghiệp, công ty đang hoạt động; tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân trong giai đoạn 2011-2015 là 15,64%. Bên cạnh đó quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng: Năm 2010 tỷ lệ đô thị hóa là 42,5%, đến nay là 81,86% với quy mô dân số gần 2 triệu người. Về môi trường, tổng tải lượng các chất ô nhiễm không khí từ hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông, xây dựng và sinh hoạt gồm: Bụi 95,2 tấn/ngày, SO2 là 961,3 tấn/ngày, CO 469,1 tấn/ ngày; chất thải rắn 8.807 tấn/ngày. Những con số này cho thấy áp lực BVMT của tỉnh là hết sức lớn. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp chính quyền, ban ngành, Bình Dương đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ BVMT giai đoạn 2011-2015.
Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, cho biết Bình Dương vừa là tỉnh có công nghiệp phát triển mạnh, vừa là tỉnh làm tốt công tác BVMT. Kết quả này có được là nhờ tỉnh đã chủ động phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; bộ máy quản lý nhà nước tiếp tục được kiện toàn, nâng cao cả chất lượng và số lượng. Cùng với đó các chính sách, các văn bản pháp luật bám sát tình hình thực tế giúp cho công tác quản lý nhà nước về BVMT có tính định hướng, ổn định và hiệu quả cao. Bên cạnh đó Bình Dương còn là đơn vị đi tiên phong trong việc lắp đặt hệ thống máy quan trắc môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư nhằm theo dõi thường xuyên tình hình ô nhiễm về nguồn nước, khí thải, tiếng ồn…
Nhiệm vụ chung
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong công tác BVMT Bình Dương đang đối diện với không ít khó khăn. Trước hết, đó là nhận thức và hành động về BVMT của cộng đồng chưa đồng bộ, chưa thật sự tạo sự chuyển biến trong hành vi, thói quen, ứng xử với môi trường. Bên cạnh đó, việc tuân thủ pháp luật về BVMT của người dân, nhiều doanh nghiệp chưa cao…
Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định việc BVMT không được chủ quan, mà cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các ngành chức năng. Chúng ta lấy mục tiêu công nghiệp hóa để phát triển thì vấn đề môi trường càng phải được quan tâm một cách sâu sát nhất. Trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung giải quyết vấn đề ô nhiễm tại các lò nung gốm, các hộ chăn nuôi gia súc gia cầm, các khu vực khai thác cát, mỏ đá tại TX.Thuận An, TX.Dĩ An, huyện Dầu Tiếng, huyện Bàu Bàng… Không những tỉnh phải quan tâm vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp mà các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, hộ sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ… cũng cần sự giám sát và theo dõi chặt chẽ.
“Đời sống kinh tế ngày một được nâng cao thì mức độ quan tâm BVMT cũng phải đạt được sự tương xứng. Tùy hoàn cảnh mỗi địa phương mà chúng ta có những biện pháp linh hoạt, uyển chuyển để vừa bảo đảm sự phát triển kinh tế vừa bảo đảm môi trường. Nhiệm vụ phát triển kinh tế là quan trọng, nhưng không vì thế mà chúng ta được phép lơ là, chủ quan trong việc BVMT, bởi định hướng phát triển đến năm 2020 Bình Dương trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương và tầm nhìn 2030, cơ cấu kinh tế của Bình Dương sẽ chuyển dần sang thương mại - dịch vụ. Do đó việc BVMT để phát triển Bình Dương trở thành một thành phố xanh, thành phố đáng sống là sự nghiệp chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh”, ông Nam nói.
Nguồn: doanthanhnien.vn (TA)