Cẩn thận “mùa” đau mắt đỏ
Mặc dù mới đầu hè, nhưng bệnh đau mắt đỏ đã xảy ra. Cùng với các loại dịch bệnh trong mùa nắng nóng thì đau mắt đỏ là một chứng bệnh gây khó chịu cho bệnh nhân. Bụi từ môi trường ô nhiễm hay có khi nước ở hồ bơi không sạch cũng là nguyên nhân gây nên bệnh đau mắt đỏ.
Khám mắt ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Theo khuyến cáo của bác sĩ, mọi người nên đề phòng, giữ vệ sinh để không mắc bệnh đau mắt đỏ trong mùa hè. Tại khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, số lượng người bệnh đến khám vẫn không tăng nhiều so với thường ngày. Tuy nhiên, theo bác sĩ Huỳnh Trần Dương Giang, đề phòng để không lây bệnh là tốt nhất. Hàng ngày, khoa tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám mắt nhưng là nhiều bệnh khác nhau, trong số đó có vài bệnh nhân đau mắt đỏ.
Giải thích thêm về việc cần cẩn thận với bệnh đau mắt đỏ, bác sĩ Lê Thành Lâm (Khoa Mắt BVĐK tỉnh), cho biết đây là bệnh rất dễ lây lan. Cần bỏ thói quen rửa mặt chung chậu, chung khăn. Bởi nếu trong nhà có một người bị đau mắt đỏ sẽ nhanh chóng lây cho những người còn lại nếu vệ sinh cá nhân không đúng cách. Bệnh đau mắt đỏ có triệu chứng ban đầu là bệnh nhân thường có cảm giác cộm, nóng rát trong mắt, có cảm giác như có hạt cát trong mắt; kèm theo là sợ ánh sáng, chảy nước mắt ở các mức độ khác nhau. Bệnh thường bắt đầu từ một mắt rồi lây sang mắt thứ hai sau một vài ngày. Mi mắt có biểu hiện sưng nề, kết mạc cương tụ đỏ (mắt đỏ), có thể thấy xuất huyết dưới kết mạc kèm hiện tượng nước mắt cũng có màu hồng chảy ra ngoài khe mi. Mắt đau có ghèn màu vàng hoặc vàng xanh, cũng có khi màu nâu vì có lẫn máu. Chất này đọng thành cục, rất dính khiến cho bệnh nhân có thể bị dính hai mi vào buổi sáng khi ngủ dậy.
Để phòng bệnh, chúng ta cần giữ vệ sinh đôi mắt. Tuyệt đối không dùng tay bẩn hoặc khăn bẩn lau dụi mắt. Cần giữ vệ sinh tay sạch sẽ bằng cách rửa xà phòng. Tránh tiếp xúc và không dùng chung đồ dùng: khăn, chậu với người đau mắt đỏ. Trong môi trường tập thể: Nhà trẻ mẫu giáo, trường hợp bị đau mắt đỏ cần được nghỉ ở nhà điều trị. Khi mắc bệnh, có thể chườm lạnh mắt 3 - 4 lần trong ngày. Sát trùng nhẹ bằng nước muối 9%. Trường hợp khó chịu nhiều, cộm mắt, tra dung dịch kháng sinh như: Tobradex 1%; Maxitrol 1% từ 4 - 6 lần/ngày. Lưu ý, nếu mắt có giả mạc cần phải bóc đi rồi tra thuốc mới có tác dụng. Bệnh nhân khi đau mắt đỏ nên đến cơ sở điều trị chuyên khoa để được khám, tư vấn điều trị, không tự ý dùng thuốc. Thông thường, đau mắt đỏ có tiến triển lành tính, có thể khỏi trong một tuần.
Nguyên nhân gây nên bệnh đau mắt đỏ là do virus và vi trùng. Đây cũng là 2 dạng dễ lây. Môi trường không khí bụi bặm, nóng, kém vệ sinh cũng dễ gây nên bệnh này. Một điều rất phổ biến là người đau mắt đỏ thường tự đến hiệu thuốc tây mua thuốc để nhỏ mắt làm cho bệnh trở nên khó điều trị hơn. Không nên tự ý mua thuốc mà phải đến bác sĩ chuyên khoa để khám, chẩn đoán đúng bệnh bởi đau mắt có nhiều loại. Bác sĩ chuyên khoa mắt cũng khuyến cáo bệnh nhân không nên dùng thuốc Corticoid bởi rất dễ bị viêm, loét giác mạc.
Nguồn baobinhduong.vn (TT)