"Nhớ Bác lòng ta trong sáng hơn"
TTBD - Nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Biên tập xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên và quý đọc giả bài cảm nhận của bạn Nguyễn Ngọc Minh Trí với chủ đề "Nhớ Bác lòng ta trong sáng hơn"
Cứ mỗi độ tháng Năm về, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta lại ra sức thi đua trên các mặt sản xuất, công tác, học tập, rèn luyện để dâng lên Bác những đóa hoa thơm ngát nhất nhân dịp kỷ niệm lần thứ 125 ngày sinh của Người. Như chúng ta đã biết, ngày 19/5 hằng năm đã trở thành ngày lễ trọng đại, thiêng liêng mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Tuy Bác đã đi xa nhưng những mẩu chuyện, những lời dạy chân tình, thắm thiết của Bác vẫn còn đọng mãi, khắc sâu trong tâm trí chúng ta. Những điều đó như môt lời động viên, nhắc nhở chúng ta phải biết phấn đấu, phải biết rèn luyện, phải biết đứng lên sau những lần vấp ngã.
Mặc cho thời gian cứ trôi, mặc cho cuộc đời thay đổi, Bác vẫn mãi là tấm gương sáng cho đời sau noi theo. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người mãi là một kho báu vô giá của đất nước, của dân tộc. Người đã trở thành hình tượng thiêng liêng cao quý, là niềm kiêu hãnh, tự hào của biết bao thế hệ. Riêng đối với bản thân tôi, mỗi lần gặp những trở ngại khó khăn công việc, cuộc sống, nghĩ và nhớ về Bác lòng tôi lại trong sáng hơn, như được tiếp thêm nghị lực và tìm lại niềm tin để mạnh mẽ vượt qua những khó khăn, trở ngại ấy. Tôi đã được đọc và tìm hiểu rất nhiều mẩu chuyện, lời dạy của Bác nhưng có lẽ tâm đắc nhất vẫn là lời dạy của Người trong chuyến thăm đơn vị thanh niên xung phong 312 tại Cầu Nà Nù, thôn Nà Tu – xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn ngày 20/3/1951:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.
Lời dạy ấy thật sâu sắc, thấm đượm tinh thần lạc quan và niềm tin yêu vào tuổi trẻ. Trên đời không có việc gì là khó, chỉ sợ lòng người ngại khó, ngại khổ mà thôi. Dù công việc to lớn, ngoài sức lao động bình thường của con người (đào núi, lấp biển) nhưng nếu có ý chí, có nghị lực, có tinh thần hăng say, có sự quyết tâm, kiên nhẫn thì tất cả đều sẽ thật dễ dàng, thật thành công. Câu thơ giàu hình ảnh, giàu nhịp điệu đã đi sâu vào lòng bao thế hệ thanh niên. Bài thơ ấy đã nhân lên sức mạnh cho tuổi trẻ. Bởi một khi có tinh thần, có ý chí, có lòng dũng cảm, tự tin thì việc khó đến mấy cũng có thể hoàn thành. Lời dặn ấy đã được nhạc sĩ Hoàng Hoà phổ nhạc và trở thành bài hát chính thức của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Âm điệu hùng hồn, sâu lắng vẫn làm rung động tâm hồn bao thế hệ: “Đi lên thanh niên chớ ngại ngùng chi. Đi lên thanh niên làm theo lời Bác. Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên”.
Lời dạy của Bác đã phản ánh một chân lí giàu tinh thần nhân văn: nếu có ý chí, sự nỗ lực con người nhất định sẽ đạt được ước mơ. Chân lí ấy giản dị biết bao và cũng có biết bao con người trên thế gian này đã mang hết sức lực của mình để chứng minh cho điều đó. Đó là câu chuyện của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành khi mới hai mươi tuổi đã từ Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Chàng thanh niên đó đã phải chịu rất nhiều những khó khăn, gian khổ có lúc tưởng chừng như bất lực, tưởng chừng phải buông xuôi thậm chí có khi cận kề với cái chết. Vậy mà người thanh niên ấy không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ lùi bước trước kẻ thù mà luôn vươn lên không ngại gian khó. Đó là một biểu tượng cao quý mà thanh niên chúng ta cần phải học tập noi theo..
Tuy nhiên, quyết tâm ý chí của ta phải đi đôi với hành động chứ không được quyết tâm suông mà có thể làm nên những sự nghiệp lớn. Và những ước mơ khát vọng cũng phải phù hợp với điều kiện thực tế hoàn cảnh chủ quan, khách quan, những tiền đề vật chất nhất định nếu không chúng ta sẽ trở thành những người phiêu lưu mạo hiểm, những kẻ mơ mộng hão huyền và hiển nhiên sẽ không bao giờ có được điều mong muốn.
Hiểu được sâu sắc như thế ta càng thấm nhuần lời dạy của Bác. Thanh niên chúng ta phải tự vươn lên, tự thân phấn đấu, rèn luyện để thật sự là những người chủ của đất nước, là những người kế tục xứng đáng, là đội quân tiên phong, chủ lực của cách mạng nước nhà.
Đối với tôi, lời dạy của Bác như truyền thêm sức mạnh, như một ngọn lửa soi sáng tâm hồn, thúc giục lòng nhiệt huyết trong bản thân tôi, để tôi có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện, phát triển đoàn viên, thanh niên.
Nhớ về Bác Hồ kính yêu, chúng ta nhớ về một tấm gương trong sáng về nhân cách, phẩm chất, đạo đức cách mạng. Một trong những nét đẹp đó của Người là lối sống giản dị, quyết tâm, đương đầu với khó khăn, gian nan, vất vả, luôn bền tâm, vững chí tin tưởng vào tương lai. Soi mình vào tấm gương của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên cần có lời nói đi đôi với việc làm, bồi đắp tình cảm cách mạng, tình yêu thương con người từ hành vi ứng xử, giao tiếp trong công việc hàng ngày để mỗi khi “nhớ Bác lòng ta trong sáng hơn”.
CTV Nguyễn Ngọc Minh Trí
Chi đoàn Sư phạm Ngữ Văn 01 K38 - Trường Đại học Cần Thơ