Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thiếu nhi và cán bộ phụ trách Đội
Ngày 11/5 tại Hà Nội, Hội đồng Đội Trung ương, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thiếu nhi và cán bộ phụ trách Đội trong giai đoạn hiện nay”.
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, đồng chí Nguyễn Long Hải - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương đã tới dự.
Hội thảo được tổ chức nhằm xác định các vị trí công tác thiếu nhi cần được đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện phân cấp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thiếu nhi, quản lý hệ thống chứng chỉ; làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn mở mã ngành và xây dựng chương trình đào tạo cử nhân Công tác thiếu nhi; chuẩn hóa nội dung, chương trình bồi dưỡng cán bộ làm công tác thiếu nhi và phụ trách Đội nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất năng lực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Đội và phong trào thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay.
Hội thảo khoa học đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thiếu nhi và cán bộ phụ trách Đội trong giai đoạn hiện nay
Cán bộ làm công tác thiếu nhi chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Theo NGƯT.PGS.TS Vũ Hồng Tiến - Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, những năm qua, công tác đào tạo cán bộ làm công tác thiếu nhi và phụ trách Đội đã được các cấp bộ Đoàn, Đội quan tâm. Việc xây dựng nội dung, chương trình, biên soạn tài liệu bồi dưỡng phù hợp với các đối tượng đã được triển khai ngày càng có hệ thống và chất lượng. Tuy nhiên, cán bộ làm công tác thiếu nhi, công tác Đội vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều cán bộ còn yếu về nghiệp vụ và kỹ năng công tác. Bản thân công tác đào tạo cũng chưa có nhiều đổi mới mang tính đột phá, chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng chưa được thống nhất, chuẩn hóa, mỗi đơn vị tự xây dựng chương trình, tài liệu riêng.
Đồng tình với quan điểm trên, đồng chí Nguyễn Phú Trường - Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương đánh giá, cán bộ phụ trách thiếu nhi có vai trò rất quan trọng đối với công tác Đội và phong trào thiếu nhi nhưng trên thực tế, đội ngũ này không được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, trình độ, năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn còn hạn chế. Hiện cả nước có khoảng 30 nghìn cán bộ làm công tác thiếu nhi nhưng nguồn bổ sung ở một số địa phương còn thiếu, chưa có chính sách thu hút người có kỹ năng, phương pháp về các hoạt động dành cho thiếu nhi.
TS Nguyễn Thị Hoa – Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay công tác Đội luôn là ngành thứ 2 được các cơ sở đào tạo giáo viên mở ghép với các ngành khác như văn, nhạc, lý, thể dục, sử, mỹ thuật…và chỉ chiếm thời lượng đào tạo rất khiêm tốn. Chính vì thế, lực lượng giáo viên công tác Đội này chưa thực sự có đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, dù họ năng động, có kỹ năng mềm và kỹ năng hoạt động xã hội trội hơn so với giáo viên chuyên môn khác…
Còn theo đồng chí Nguyễn Thị Nhã – Bí thư Quận đoàn Hà Đông, TP Hà Nội, hiện nay đội ngũ làm công tác thiếu nhi trên địa bàn dân cư phần lớn là học sinh THPT hoặc sinh viên sinh hoạt hai chiều. Đội ngũ này không phải là cán bộ Đoàn chuyên trách nên còn yếu về kỹ năng cơ bản, thiếu kiến thức về các chương trình, hoạt động, phong trào của Đoàn – Đội nên hoạt động thiếu nhi trên địa bàn dân cư còn gặp rất nhiều khó khăn, chưa thu hút được đông đảo các em thiếu nhi, chất lượng hoạt động còn yếu kém.
Cần đào tạo cử nhân công tác thiếu nhi
Từ thực tế trên, hầu hết các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng, việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thiếu nhi đã trở nên cấp bách và đào tạo cử nhân công tác thiếu nhi là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Long Hải - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương phát biểu tại Hội thảo
PGS.TS Trần Quốc Thành, Khoa Tâm lý – giáo dục, trường ĐHSP Hà Nội cho rằng, cán bộ làm công tác thiếu nhi là một nghề đặc biệt trong xã hội. Cán bộ làm công tác thiếu nhi không chỉ là anh chị, thầy cô giáo mà còn là người bạn của các em thiếu nhi. Vì thế, nghề công tác thiếu nhi đòi hỏi những phẩm chất đạo đức, kiến thức và kỹ năng đặc thù hơn so với các nghề khác. Điều đó có nghĩa họ cần được đào tạo bài bản như các nghề khác trong xã hội nhưng bằng các phương pháp đào tạo đặc thù, phù hợp với yêu cầu công việc sau này. Việc ra đời ngành đào tạo cán bộ công tác thiếu nhi là cần thiết, đáp ứng được yêu cầu tập hợp và giáo dục các em.
Đồng quan điểm, anh Đặng Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẳng định, thiếu nhi là một đối tượng rất đặc thù cần có những cán bộ làm công thiếu nhi được đào tạo bài bản. Cán bộ làm công tác thiếu nhi không chỉ tập hợp, giáo dục các em, mà còn có nhiệm vụ thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em. Từ thực tế hiện nay cho thấy việc đào tạo cử nhân công tác thiếu nhi là rất cần thiết để có được những cán bộ làm công tác thiếu nhi chuyên nghiệp.
Từ mô hình Trường Lê Duẩn (nơi thực hiện một trong những nhiệm vụ là đào tạo, bồi dưỡng phụ trách Đội thuộc Thành đoàn Hà Nội), TS Nguyễn Thứ Mười - Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh cần đặc biệt quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng phụ trách Đội theo hướng hoàn thiện và phát triển chương trình, giáo trình, tài liệu, phần mềm giảng dạy, học tập theo hướng mở, xây dựng cơ sở vật chất phù hợp với phương pháp dạy học tích cực, thân thiện với người sử dụng. “Thay vì nhờ ngành giáo dục đào tạo hộ, đã đến lúc Đoàn Thanh niên phải trực tiếp đào tạo cán bộ làm công tác thiếu nhi và cán bộ phụ trách Đội cho cả nước”, TS Nguyễn Thứ Mười nói.
Trên cơ sở yêu cầu thực tiễn, các đại biểu cũng cho rằng, việc đào tạo cử nhân công tác thiếu nhi là cần thiết, không nên quá lo lắng về vị trí việc làm của cử nhân sau khi ra trường. Ngoài làm việc tại các cấp bộ Đoàn, trường học, nhà văn hóa, cung thiếu nhi… như hiện nay, cán bộ làm công tác thiếu nhi có thể làm việc ở nhiều nơi khác như các cơ quan nhà nước, các tổ chức có liên quan đến trẻ em, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho trẻ em… Chương trình đào tạo cần tăng cường thực hành, đào tạo kỹ năng, có nội dung về quyền trẻ em. “Cần chú trọng đến việc xây dựng chương trình đào tạo, nếu chờ có địa chỉ sử dụng mới đào tạo thì chúng ta đã bị chậm”, PGS.TS Trần Quốc Thành chia sẻ.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Long Hải – Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương cảm ơn ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, các thầy cô giáo tại hội thảo. Trên cơ sở các ý kiến này, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam sẽ phát triển chuyên ngành Công tác Thiếu nhi thuộc ngành Công tác Thanh thiếu niên. Việc bồi dưỡng cán bộ làm công tác thiếu nhi và cán bộ phụ trách Đội sẽ được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng để đáp ứng tốt hơn yên cầu thực tiễn.
Nguồn doanthanhnien.vn (TT)