Về với Điện Biên
Điện Biên Phủ, một thung lũng lòng chảo hẻo lánh nằm ở vùng núi rừng Tây Bắc, trước đó chưa từng có trong kế hoạch tác chiến cụ thể nào trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Thế nhưng, với kế hoạch Na-va của Pháp và chủ trương tác chiến chiến lược trong chiến dịch Đông Xuân 1953- 1954 của ta đã dẫn đến thay đổi lớn trên cục diện chiến trường. Điện Biên Phủ là nơi được cả Pháp và ta lựa chọn, trở thành một “điểm hẹn lịch sử” để thực hiện một trận quyết chiến chiến lược, tạo nên một âm vang Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ của chúng ta đi đến thắng lợi hoàn toàn…
Chúng tôi lên Điện Biên bằng đường bộ. Từ Sơn La, vượt qua địa danh đèo Pha Đin đầy hiểm nguy và hùng vĩ là đến Điện Biên. Đây là điểm giáp ranh của huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La với huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Khi xe đang vượt đèo, tranh thủ những đoạn đường bớt dốc, tài xế vốn có nhiều năm chuyên tuyến, vừa lái, vừa trò chuyện. Anh bảo, những năm gần đây, con đường lên Điện Biên đã dễ đi hơn nhiều. Thời chiến, khi kéo pháo qua đèo Pha Đin, không có đường, bộ đội ta vừa kéo pháo, vừa phá cây rừng, làm đường để vào trận địa. Đường đèo Pha Đin ngày nay cũng dễ đi hơn những năm trước. Ngày xưa, riêng một nửa đường đèo bên Tuần Giáo, chạy xe qua cũng phải mất gần 2 giờ đồng hồ, nay vượt hết cả đèo, chỉ khoảng chừng hơn một tiếng. Điện Biên giờ đã khác xưa nhiều lắm…
TP.Điện Biên Phủ hôm nay nhìn từ đỉnh đồi D1, e ấp trong làn sương ban mai.
8 giờ sáng, TP.Điện Biên Phủ vẫn còn chìm trong màn sương mù dày đặc. Đứng trên đồi D1, cứ điểm cao nhất của Tập đoàn cứ điểm, cả thành phố nằm lọt thỏm trong một thung lũng, như được thu gọn lại trong tầm mắt, đầy vẻ thơ mộng, yêu kiều, e lệ như người thiếu nữ tuổi mười tám, đôi mươi. Những ngôi nhà cao tầng san sát dọc theo các dãy phố thênh thang. Xa xa là những đỉnh núi non chập chùng bóng mây, trong làn sương giăng mờ ảo. Dưới những chân núi, cánh đồng Mường Thanh phủ một màu xanh bát ngát, miên man đến nao lòng. Sân bay Mường Thanh xưa vốn là một căn cứ quan trọng của tập đoàn cứ điểm, nay đã trở thành một cảng hàng không dân dụng, kết nối Điện Biên với các vùng trong khu vực. Đồi D1 - cứ điểm cao nhất trong phân khu trung tâm, nơi đây 61 năm trước ta và địch giằng co nhau từng thước đất, hiện đã được xây dựng trở thành một tượng đài chiến thắng, là một điểm đến lý tưởng để ngắm TP.Điện Biên Phủ xinh đẹp trong lòng thung lũng, e ấp trong làn khói sương. Và đây, hầm chỉ huy Đờ-cát-tơ-ri nằm trong trung tâm của tập đoàn cứ điểm, có chiều dài 20m, rộng 8m, bao gồm 4 gian dùng cho cả nơi ở và làm việc, cũng là nơi ông ta bị bắt sống vào chiều ngày 7-5-1954. Đi cùng chúng tôi, rất nhiều người lần đầu đến đây, trong đó có cả những người nước ngoài, đã lộ rõ vẻ kinh ngạc khi tận mắt nhìn thấy sự đáng sợ của “con nhím Điện Biên Phủ”. Vậy mà “con nhím” tưởng như “bất khả xâm phạm” ấy đã phải chịu thúc thủ trước sức mạnh và trí tuệ, tinh thần quyết tử của một dân tộc “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nộ lệ…”.
Tại phường Him Lam, TP.Điện Biên Phủ, chúng tôi có dịp gặp ông Nguyễn Hữu Chấp, cựu binh đánh đồi Him Lam, trận mở màn cho chiến dịch. Ông Chấp cho biết, trận đánh này được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, từ công tác chính trị, tư tưởng, tinh thần, vật chất đến công tác chuẩn bị trận địa… Mỗi một chiến sĩ phải làm một quyết tâm thư với khẩu hiệu “Quyết đánh và quyết thắng” vì khi chưa đánh, Pháp thách thức ta, gọi đây là cánh cửa thép”, “cối xay thịt”, khuyên không nên nghe tướng Giáp đánh vào… Dù chúng muốn làm lung lạc tư tưởng nhưng bộ đội ta không nao núng, vẫn hạ quyết tâm. Chiều 13-3, ta bắt đầu đánh vào cứ điểm Him Lam. Trận chiến diễn ra rất ác liệt, nhất là ở mỏm đồi số 1 và 2. Tại mỏm số 2, anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót đã phải lấy thân mình lấp lỗ châu mai, dập tắt hỏa điểm địch, ta mới chớp thời cơ đánh chiếm… Đến 22 giờ 30 phút, ngày 13-3, cứ điểm Him Lam đã bị ta tiêu diệt hoàn toàn…
Chia tay người cựu binh, chúng tôi đến thăm đồi A1 (Pháp gọi là cứ điểm Elian 2) tại phường Mường Thanh. Cứ điểm này cao 32m so với mặt đường, có diện tích 83.000m2, cách sở chỉ huy địch cũ khoảng 500m về phía Tây. Dọc đường lên đến đỉnh đồi là vô số những chiến hào giao thông liên hoàn, hầm trú ẩn và hệ thống lô cốt phòng thủ kiên cố. Ông Nguyễn Hữu Đức ở phường Thanh Bình, TP.Điện Biên Phủ, cựu chiến binh đánh đồi A1, kể: “Khi phát hỏa, 2 bên nổ súng. Chúng tôi ở trong chiến hào bắn vào các hỏa điểm, lô cốt, dùng bộc phá, phá hàng rào. Trận chiến nơi đây diễn ra rất ác liệt. Ta và địch luôn ở thế giằng co lẫn nhau. Đến lần tấn công thứ 2, ta mới phát hiện ra địch có một hầm ngầm lô cốt cực kỳ kiên cố, tập trung hỏa lực mạnh nhất trên đỉnh đồi. Hầm ngầm này mãi đến tối ngày 6-5, ta mới dùng một khối lượng bộc phá nặng 1.000kg mới phá nổi. Tuy vậy, khi đó địch vẫn chống cự hết sức quyết liệt. Đến 4 giờ 30 phút, sáng ngày 7-5, Trung đoàn 174 mới đập tan hoàn toàn sức kháng cự của địch, làm chủ đồi A1…”. Khi trung tâm đề kháng che chắn quan trọng nhất cho sở chỉ huy, cùng với cứ điểm C2, bị tê liệt, cánh cửa tấn công vào trung tâm đầu nào của địch đã mở toang, tạo thời cơ để ta phát lệnh tổng công kích, giành thắng lợi hoàn toàn vào chiều ngày 7-5 lịch sử…
“Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”. Rời Điện Biên về với đất Thủ, trong lòng chúng tôi tràn đầy những xúc cảm được khơi lên từ những âm thanh truyền kỳ. Ai chưa từng tới Điện Biên, hãy một lần đến đó để thấm nhuần bài học lịch sử, bài học mà có lẽ không một trường lớp hay bộ sách giáo khoa nào có thể truyền tải hết được.
Nguồn baobinhduong.vn (TT)