Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục của Đoàn
Tại phiên bế mạc Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đoàn lần thứ X– khóa X diễn ra vào sáng ngày 19/4, các ý kiến đã tập trung thảo luận góp ý vào dự thảo Chương trình hành động của BCH Trung ương Đoàn thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn; cùng dự còn có các đồng chí trong Ban Bí thư Trung ương Đoàn.
Sau khi nghe tờ trình xin về việc xây dựng Chương trình hành động, các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn khóa X đã thảo luận góp ý vào dự thảo Chương trình hành động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015 – 2020”.
Đ/c Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn phát biểu tại Hội nghị.
Đổi mới nội dụng giáo dục của Đoàn - nhiều ý kiến xuất phát từ thực tế
Góp ý vào nội dung giải pháp của dự thảo Chương trình hành động, Bí thư Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương Hồ Xuân Trường cho rằng, diễn đàn tổ chức qua mạng internet đang được các bạn thanh niên quan tâm rất mạnh. Do đó, trong nội dung của Chương trình cần đề cập tổ chức các diễn đàn qua mạng để các bạn trẻ cùng nhau trao đổi, bày tỏ quan điểm, suy nghĩ, tình cảm, trách nhiệm của người trẻ và về lý tưởng cách mạng ... của bản thân mỗi người.
Lý giải về ý kiến này, đồng chí Hồ Xuân Trường cho biết, thời gian qua nhiều diễn đàn trực tuyến do Đoàn, Hội tổ chức đã thu hút rất nhiều bạn trẻ tham gia, như: Hội thi “Ánh sáng soi đường”, giao lưu trực tuyến với học sinh, sinh viên ở ngoài nước ...
Với Bí thư Tỉnh Đoàn Yên Bái Nông Việt Yên nêu ý kiến, để làm tốt công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu niên thì phải có những nội dung giải pháp mới, công cụ phù hợp với những đối tượng hết sức cụ thể. Bên cạnh đó, dự thảo chương trình cần tiếp tục duy trì chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam” vì đây là chương trình rất có ý nghĩa và là dịp lan tỏa các tấm gương điển hình tiên tiến đến đoàn viên thanh thiếu niên.
“Hiện nay, các tỉnh, thành Đoàn hầu hết đều có Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên, Cung văn hóa thanh niên, thiếu nhi ...tuy nhiên cần phải thống nhất về quy định chức năng, nhiệm vụ trong cả nước để qua đó sử dụng các thiết chế văn hóa của Đoàn được hiệu quả”, đồng chí Nông Việt Yên đề xuất.
Bí thư Tỉnh Đoàn Yên Bái Nông Việt Yên nêu ý kiến
Với tính chất hoạt động Đoàn đặc thù, tham gia góp ý vào dự thảo chương trình, Trưởng Ban Thanh niên Quân đội Thái Đức Hạnh đã có những ý kiến góp ý vào bố cục cũng như nội dung của dự thảo Chương trình hành động của Đoàn, trong đó nhấn mạnh dự thảo cần bổ sung hoạt động giáo dục quốc phòng an ninh cho đoàn viên thanh niên là hết sức cần thiết.
Tham gia ý kiến góp ý, Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Ngà đã gợi ý 7 nhóm giải pháp cụ thể cần được tập trung xây dựng trong dự thảo Chương trình hành động của Đoàn. Theo đó, đồng chí Ngà nhấn mạnh việc sử dụng đội ngũ tuyên truyền viên được coi là sức mạnh của Đoàn Thanh niên thông qua tổ chức các hoạt động sân khấu hóa để truyền tải các nội dung đến đoàn viên thanh thiếu niên là rất hiệu quả và qua đây có thể coi là sản phẩm của Đoàn.
Bí thư Tỉnh Đoàn Hải Dương Hoàng Quốc Thưởng và Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Công an Nguyễn Thanh Tuấn đều có ý kiến chung khi đề xuất Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng các bộ phim tài liệu dành cho thanh niên. Đây có thể coi là công cụ tuyên truyền trực quan bằng hình ảnh để đi vào giới trẻ, do đó cần nâng cấp các cơ quan truyền thông của Đoàn để góp phần mang tính giáo dục cao và xây dựng được các hình tượng cho các bạn trẻ, qua đó làm tốt công tác giáo dục của Đoàn.
Quang cảnh Hội nghị.
Quan tâm hơn đến các đối tượng đặc thù
Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên thanh thiếu niên là nội dung luôn được quan tâm. Tuy nhiên, tùy theo đối tượng thanh niên để có sự tâp trung tuyên truyền, giáo dục lại đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể.
Theo Trưởng Ban TN Công nhân và Đô thị Trung ương Đoàn Vũ Thị Giáng Hương, hiện nay ở các tỉnh miền núi, thanh niên dân tộc thiểu số ít được quan tâm không chỉ do họ sinh sống ở vùng sâu, vùng xa mà còn do không có điều kiện được tiếp cận internet và máy tính. Ngoài ra, đối tượng thanh niên công nhân, một bộ phận của thanh niên đường phố cũng ít được chú ý, do vậy trong dự thảo cần đề cập đến những đối tượng này để có những giải pháp phù hợp nhằm làm tốt công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho họ.
Với những phân tích làm rõ sự cần thiết có những giải pháp hiệu quả nhằm đổi mới cách thức giáo dục của Đoàn, Trưởng Ban Quốc tế Trung ương Đoàn Phạm Phương Chi nêu ý kiến đề cập công tác giáo dục của Đoàn cần quan tâm đến những đối tượng là lưu học sinh, sinh viên, thanh niên đang học tập, công tác ở ngoài nước.
Với Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn tham gia ý kiến, làm thế nào đó để giáo dục thanh niên mà thanh niên không biết mình đang được giáo dục thì đó mới thực sự là hiệu quả của Đoàn. Theo đồng chí Lê Xuân Sơn, giáo dục cho đoàn viên thanh thiếu nhiên một cách tự nhiên sẽ giáo dục được các bạn trẻ.
“Giáo dục qua các hành động cách mạng, các việc làm thực tiễn, các phong trào tình nguyện sẽ mang lại hiệu quả rất nhiều”, đồng chí Lê Xuân Sơn nói.
Sinh viên tình nguyện cùng nhân dân nạo vét kênh mương.
Qua phong trào để giáo dục thanh niên
Trao đổi về dự thảo Chương trình hành động của Đoàn thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, thực chất công tác giáo dục của Đoàn hiện nay là qua phong trào để thanh niên cảm nhận được và chuyển thành nhận thức, tuy nhiên mới chỉ là đánh giá qua phong trào.
“Lòng yêu nước không phải tự nhiên mà có, mà do các bạn trẻ chúng ta đi nhiều nơi, tham gia nhiều hoạt động thấy được nhiều điều ... qua đó mỗi bạn trẻ đã biết mình phải làm gì cho quê hương, cho Tổ quốc... điều này cho thấy rằng, tổ chức Đoàn phải xây dựng phong trào mạnh mới thu hút được nhiều thanh niên tham gia vào tổ chức, để qua phong trào thanh niên sẽ được giáo dục”, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh nói.
Liên quan đến xây dựng phong trào mạnh, giáo dục thanh niên qua phong trào, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cũng đề cập đến chất lượng cán bộ Đoàn mà trong đó là công tác đào tạo cán bộ làm công tác tuyên giáo, vấn đề nâng cao hiệu quả của đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên trong công tác tuyên truyền, vận động của Đoàn.
Một buổi giáo dục truyền thống cho thanh niên Thủ đô.
Đối với dự thảo Chương trình hành động của Đoàn, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh việc chú ý đến các đối tượng thanh niên cần có sự quan tâm đặc biệt và phải có cách riêng, như: đối với thanh niên công nhân ở các khu chế xuất, ngoài quốc doanh ... cần xác định nội dung phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên công nhân; với học sinh THPT chú ý đến đạo đức lối sống; với sinh viên, thanh niên trên địa bàn dân cư cần có giải pháp cụ thể sâu hơn.
Đối với Chương trình hành động của Đoàn cần được thiết kế theo lộ trình, trước mắt là các nội dung trong giai đoạn 2015 – 2020 và sau khi tiến hành sơ kết rút kinh nghiệm sẽ tiếp tục sửa đổi, điều chỉnh những nội dung phù hợp với tình hình thực tiễn.
Nguồn doanthanhnien.vn (TT)