Ăn nhiều đường làm tăng nguy cơ béo phì, bệnh tiểu đường, làm giảm collagen gây xấu da... cũng như có liên quan tới đường huyết cao và mất trí nhớ.
|
Theo WHO, lượng đường bổ sung chỉ nên chiếm 10% tổng lượng thức ăn hằng ngày |
Nếu như trước đây chất béo bị xem là "kẻ thù ăn uống" và được khuyến cáo hạn chế tối đa trong bữa ăn thì nay đến lượt đường bị đưa vào "danh sách đen". Tuy nhiên, việc hạn chế ăn đường không phải là chuyện dễ vì nó được xem là loại gây nghiện.
Các nhà nghiên cứu cho biết khi chúng ta ăn đường, chất dopamine (một hóa chất "ban thưởng" ở não) được sản sinh, tấn công vào hệ thống khen thưởng của não bộ và khiến chúng ta muốn ăn đường thêm nữa.
Cơ chế này tương tự nicotine và cocaine. Một nghiên cứu tại Đại học Bordeaux cho thấy chuột thí nghiệm thậm chí thích đường hơn cả cocaine.
Vậy làm sao để giảm ăn đường? Robert Lustig thuộc ĐH California (Mỹ), người dẫn đầu nhóm vận động chống ăn đường, tiết lộ các bước đơn giản giúp ông bỏ đường trong hơn 1,5 năm qua.
- Cắt giảm những thực phẩm có nhiều đường: các loại kẹo, bánh ngọt, bánh quy, bánh bao, ngũ cốc ăn sáng có đường, thức ăn và nước sốt làm sẵn, các loại mứt, bơ đậu phộng, nước ngọt, nước ép trái cây đóng chai...
- Lựa chọn món thay thế đường như stevia và xylitol (các chất ngọt tự nhiên được chiết xuất từ thảo mộc) - vừa có vị ngọt vừa không gây ra các vấn đề sức khỏe như đường. Lựa chọn thay thế khác là đường hữu cơ và mật ong, tuy nhiên nên dùng với liều lượng hạn chế do chúng có nhiều fructose có thể gây tác động xấu đến sức khỏe tương tự như đường.
- Với trái cây, nên chọn loại có hàm lượng đường thấp nhất như chanh, đại hoàng, quả mâm xôi... có thể dùng chúng với sữa chua, kem. Giảm hoặc tránh ăn những loại trái cây có lượng đường cao như chuối, nho, dưa hấu, xoài và các loại trái cây sấy khô.
- Khi đi dự tiệc - nơi các món ăn thường có nhiều đường, có thể mang theo món gì đó để nhấm nháp và tránh bị lạc lõng.
- Với đồ uống có cồn, dùng soda và vodka pha chanh tươi vì chúng chứa ít đường nhất. Cũng có thể trộn đá, stevia, vodka, nước cốt chanh và nước soda để có một ly cocktail hấp dẫn.
"Sau khoảng ba tuần, tôi đã không còn cảm thấy thèm đường nữa", Lustig nói.
Ăn đường bao nhiêu là vừa?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lượng đường bổ sung chỉ nên chiếm 10% tổng lượng thức ăn hằng ngày. Trong khi đó, dữ liệu của Mỹ cho rằng mọi người nên giới hạn lượng đường bổ sung ở mức 5-10%.
|
Nguồn tuoitre.vn (TT)