Đây là tên công trình măng non phổ biến các bản đồ cổ của Việt Nam tại các trường học trên địa bàn do Thị đoàn Thuận An phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo TX.Thuận An thực hiện nhằm giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Công trình măng non “Biển đảo Việt Nam trong trái tim em” được Thị đoàn Thuận An lắp đặt tại các trường học
Từ ngày có công trình măng non “Biển đảo Việt Nam trong trái tim em” với việc phổ biến, trưng bày các tấm bản đồ cổ liên quan đến 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được đặt trong sân trường, trước giờ vào học hay giờ ra chơi, các em học sinh trường Tiểu học Phan Chu Trinh (phường Lái Thiêu) lại đến xem và cùng “bình luận”. Em thì chỉ ra địa phận lãnh thổ Việt Nam, em khác lại chỉ cho bạn biết vị trí 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Các em lớp nhỏ tấm tắc khen: “Bản đồ đẹp quá, nước ta đẹp quá!”. Các em lớp lớn thì trao đổi, nói chuyện về 2 quần đảo một cách… rất thời sự. Em Dư Ngô Kim Khánh, lớp 5/1 trường Tiểu học Phan Chu Trinh nói: “Nhờ có những tấm bản đồ này mà em được hiểu biết thêm nhiều điều về biển đảo nước ta. Qua đó, em yêu thích hơn môn học lịch sử, thêm yêu quê hương, đất nước mình…”.
Anh Đặng Quyển, Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học Phan Chu Trinh, cho biết: “Việc tuyên truyền, phổ biến bộ bản đồ Việt Nam, Trung Quốc và các tài liệu có liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam đã giúp các em học sinh từ cấp tiểu học bước đầu nhận thức về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Từ đó, khơi dậy, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc…”. Anh Quyển cho biết thêm, hưởng ứng các phong trào “Vì nghĩa tình biên giới, hải đảo”, thời gian qua, Liên đội trường Tiểu học Phan Chu Trinh tham gia nhiều hoạt động đóng góp, ủng hộ để gửi đến các chiến sĩ vùng biên cương, hải đảo. Gần đây nhất, các đội viên đã bớt tiền ăn sáng, quà vặt để dành tặng hơn 3 triệu đồng tặng quà cho các chiến sĩ Đồn biên phòng 783, xã Đắc Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.
Anh Ngô Tiến Đạt, Chủ tịch Hội đồng Đội TX.Thuận An, cho biết ngay từ đầu tháng 6, Thị đoàn đã lập kế hoạch, tham mưu chủ trương đến Ban Thường vụ Thị ủy, UBND thị xã. Sau đó, Thị đoàn phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức in ấn bản đồ và thực hiện việc lắp đặt bản đồ trên 31 trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn. Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã đã giao nhiệm vụ cho giáo viên bộ môn lịch sử thuyết minh về bản đồ, giới thiệu ví trí 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa để các em học sinh được nắm rõ hơn về vấn đề biển đảo. Song song với hoạt động này, thời gian qua, Thị đoàn cũng như các trường còn tổ chức nhiều cuộc thi về biển đảo với hình thức thi kiến thức, hái hoa dân chủ hay thi văn nghệ tuyên truyền…
Anh Đạt cho biết thêm, công trình được thực hiện và hoàn thành trong thời gian này cũng nhằm kỷ niệm 100 năm ngày sinh anh Lý TựTrọng (20.10.1914 - 20.10.2014), 58 năm ngày Truyền thống thanh niên Việt Nam (15.10.1956 - 15.10.2014). “Qua công trình này, chúng tôi muốn đẩy mạnh thực hiện phong trào “Em yêu biển đảo quê hương”, nhằm giúp cho đoàn viên, thanh niên, đội viên hiểu rõ về bản chất về yêu sách chủ quyền biển đảo, cũng như những thông tin, tuyên truyền sai sự thật của phía Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Qua đó, tuyên truyền khẳng định sự kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước và hội nhập quốc tế…”, anh Đạt nói.