Bài tham gia diễn đàn của Nguyễn Thị Bích Loan – Sở Tài chính tỉnh Bình Dương
TTBD - Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, con người Việt Nam đã hình thành những phẩm chất tốt đẹp. Đó là sự gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – Tổ quốc, là tinh thần anh dũng, kiên cường tạo nên sức mạnh cộng đồng để tồn tại, chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù. Trong tiến trình lịch sử đó, với thiên chức làm mẹ, vai trò làm “nội tướng” trong gia đình va công dân của xã hội, phụ nữ Việt Nam đã đóng góp đáng kể vào việc bảo tồn, trao truyền, phát huy phẩm chất đạo đức tốt đẹp của dân tộc từ thế hệ này qua thế hệ khác. Sự đóng góp thầm lặng đó đã dần kết tinh nên những phẩm chất đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam: Yêu nước, anh hùng, đảm đang, nhân ái, nghĩa tình, thủy chung và giàu đức hy sinh.
Bà Trưng – Bà Triệu khởi nghĩa đánh giặc chống ngoại xâm
Chiến tranh đã đi qua hơn một phần ba thế kỷ, nhưng mỗi khi nhớ lại những năm tháng lịch sử hào hùng, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, lại trào dâng niềm tự hào, xúc động. Các nữ chiến sĩ năm xưa đã sát cùng vai sát cánh bên nhau, hiến cả tuổi thanh xuân cho cách mạng, cùng đồng đội lập nên nhiều chiến công, góp phần viết nên những trang sử vàng của dân tộc.
Nữ dũng sỹ diệt Mỹ Trịnh Thị Mai (thuộc Đại đội Hồng Gấm) chắc tay bên khẩu súng trong một trận đánh đã trở thành nỗi khiếp sợ của kẻ thù
Công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay, đặc biệt là sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã tạo những điều kiện thuận lợi và cơ hội để phụ nữ Việt Nam phát huy khả năng và những phẩm chất tốt đẹp đã được xây đắp qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường và những ảnh hưởng tiêu cực của thời kỳ mở cửa, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với phụ nữ, một số giá trị tốt đẹp về phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam có phần mai một, quan niệm về các giá trị đạo đức truyền thống đang dần bị phai mờ trong nhận thức và lối sống của một bộ phận phụ nữ, nhận thức của một số bộ phận người dân, phụ nữ về vai trò, chức năng giáo dục của gia đình còn hạn chế, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xây dựng gia đình hạnh phúc có xu hướng bị xem nhẹ…
Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đất nước đang được chứng kiến những tăng trưởng vượt bậc về mặt kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, người phụ nữ Việt Nam vừa tiếp tục kế thừa, phát huy những truyền thống đạo đức quý báu, tốt đẹp mà các thế hệ trước để lại, mặt khác không ngừng hình thành, phát triển những phẩm chất tiên tiến phù hợp với các yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế, từng bước góp phần tạo dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Hội phụ nữ VN Nguyễn Thị Thanh Hòa Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khóa X, tổ chức vào chiều 10/3, tại Hà Nội.
Có rất nhiều phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam mà chúng ta cần đề cao và học tập. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, 04 phẩm chất “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” là những phẩm chất đạo đức truyền thống của người phụ nữ Việt Nam cần được đẩy mạnh và phát triển. Tuy nhiên, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, các phẩm chất đạo đức ấy được bổ sung những nội dung mới với những biểu hiện cụ thể, phù hợp với yêu cầu của giai đoạn hiện nay.
Tự tin là tin vào bản thân mình, sẵn sàng vượt lên trên định kiến giới, dám nghĩ, dám làm, dám tin vào khả năng thành công của mình.
Người tự tin là người luôn tin tưởng vào năng lực bản thân, có chí tiến thủ, tự đánh giá mặt mạnh, mặt yếu của mình. Từ đó, đặt cho mình mục tiêu để phấn đấu vươn lên, rèn luyện bản lĩnh nghị lực, không ngại khó, ngại khổ, vượt mọi hoàn cảnh khó khăn, khắc phục tâm lý tự ti để đạt mục tiêu ấy.
Trong công việc, người tự tin là người tự lực, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; sẵn sàng nhận nhiệm vụ; khi đã nhận thì cố gắng hoàn thành tốt. Trong cuộc sống, người tự tin thường chủ động, bình tĩnh xử lý mọi tình huống. Ở người tự tin còn có tinh thần hợp tác cao, khiêm tốn khi thành công, bình tĩnh rút kinh nghiệm khi thất bại, coi khó khăn là môi trường rèn luyện để thử thách năng lực và ý chí.
Trong giao tiếp, ứng xử, người tự tin thường tỏ thái độ bình tĩnh, chủ động, mạnh dạn bày tỏ quan điểm, chính kiến, dũng cảm bảo vệ lẽ phải, có phong thái chững chạc, đường hoàng.
Tuy nhiên, cần phân biệt tự tin với tự kiêu và bảo thủ. Nếu tự tin quá, dẫn tới coi thường người khác thì sẽ thành người tự cao, tự đại; hoặc tự tin mà không có đủ trình độ, kiến thức để xác định việc cần làm thì dễ dẫn tới bảo thủ, do vậy dễ có nguy cơ bị tụt hậu, bị thất bại.
Tự trọng là coi trọng phẩm giá, danh dự của bản thân mình. Nói phẩm giá, danh dự là nói đến những cái quý giá nhất của mỗi con người, nó không chỉ có ý nghĩa về đạo đức mà rộng hơn là cả về năng lực, trình độ, cách ứng xử v.v… những yếu tố làm nên giá trị, tư cách của con người.
Theo đó, người có lòng tự trọng trước hết phải là người yêu nước, tự tôn dân tộc, không làm điều gì tổn hại đến đất nước, đến dân tộc mình.
Bên cạnh đó, người tự trọng là người có thái độ tôn trọng và tự giác chấp hành mọi quy định của pháp luật, nghiêm túc thực hiện các quy chế, nội quy, hương ước của tập thể, cộng đồng. Như vậy, sẽ là người thiếu tự trọng nếu có tư tưởng đối phó trong chấp hành luật pháp, cố tình vi phạm pháp luật, vi phạm những quy định, quy ước chung của tập thể.
Người tự trọng phải là người luôn tôn trọng và hướng theo các chuẩn mực đạo đức xã hội. Trong ứng xử, người tự trọng thường độ lượng với người khác nhưng nghiêm khắc với bản thân, tự giác tu dưỡng phẩm chất đạo đức, rèn luyện tác phong, lối sống theo chuẩn mực đạo đức xã hội; không sống dễ dãi, buông thả; không có những hành vi trái chuẩn mực đạo đức xã hội, trái lương tâm; luôn giữ đạo đức nghề nghiệp; hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng; tự biết xấu hổ, ăn năn nếu làm những việc trái đạo lý; khi có lỗi thì tự giác nhận lỗi và sửa lỗi; biết kiềm chế không xúc phạm người khác.
Người tự trọng còn là người coi trọng danh dự bản thân, luôn nỗ lực phấn đấu để hoàn thiện bản thân. Việc coi trọng danh dự bản thân thể hiện qua ý thức nỗ lực phấn đấu vươn lên, sống có trách nhiệm với bản thân và mọi người; cố gắng làm tròn nghĩa vụ của mình đối với gia đình, xã hội. Tự giác hoàn thành tốt những công việc được giao; nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều; việc gì làm được thì gắng làm, không phiền lụy đến người khác. Lòng tự trọng còn giúp con người biết việc nên làm, việc không nên làm.
Trung hậu là trung thành, trung thực, nhân hậu.
Biểu hiện của phẩm chất trung hậu theo nghĩa rộng chính là lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân. Biết tôn trọng những thành quả cách mạng mà các thế hệ cha ông đã hi sinh xương máu mới giành lại được, hiểu rõ đạo lý “ăn quả nhớ người trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn”. Do đó, người trung hậu không bao giờ phản bội Tổ quốc, không nhẹ dạ nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, không tiếp tay cho kẻ xấu phá hoại thành quả cách mạng. Cũng không thay lòng đổi dạ, không thất hứa, bội tín, không vô tình, bất nghĩa.
Trong quan hệ cộng đồng, biểu hiện của phẩm chất trung hậu chính là sự thủy chung son sắt trong các mối quan hệ gia đình, xã hội. Giàu tình yêu thương, sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ người khác trên cơ sở đồng cảm; không thờ ơ, bàng quan, vô cảm trước bất hạnh của người khác; không vì quyền lợi cá nhân mà làm hại người khác. Có lòng vị tha, sẵn sàng tự nguyện hy sinh bản thân cho gia đình, cho đất nước; là sự chân thành, công tâm, khách quan trong cách đối xử với mọi người. Thẳng thắn, cương trực, có chính kiến để bảo vệ lẽ phải, đấu tranh chống cái xấu, cái ác.
Đảm đang theo quan niệm cũ, đảm đang (tương tự đảm đương) là khái niệm chỉ người phụ nữ đảm đang việc nhà, giỏi giang trong gánh vác công việc gia đình. Ngày nay, khái niệm đảm đang đã có sự phát triển, mở rộng về nghĩa. Đó là khả năng quán xuyến việc nước, việc nhà. Người phụ nữ đảm đang là người biết sắp xếp hài hòa công việc gia đình và công việc xã hội.
Đối với gia đình: Người phụ nữ đảm đang cần có khả năng quán xuyến công việc gia đình; biết sắp xếp, phân công công việc cho các thành viên một cách hợp lý; chăm chỉ, sáng tạo trong lao động, tạo thu nhập ổn định đóng góp vào nguồn thu của gia đình, tạo sự gắm kết các thành viên trong gia đình, quan tâm, chăm sóc, nuôi dạy con tốt; thực hành tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, có kế hoạch, phù hợp điều kiện kinh tế gia đình. Biết cách tổ chức tốt cuộc sống tinh thần trong gia đình, luôn chia sẻ tâm tư tình cảm với con, hiểu những giai đoạn thay đổi tâm sinh lý của con để khéo léo định hướng cho con phát triển nhân cách, không phó mặc việc giáo dục con cái cho nhà trường, cho xã hội.
Đối với xã hội: Người phụ nữ đảm đang cần tham gia lao động sáng tạo, hoàn thành tốt công việc, phấn đấu giỏi việc nước, đảm việc nhà. Biết sắp xếp việc nhà hợp lý để tham gia việc cộng đồng, hoàn thành tốt mọi công việc được phân công. Đồng thời chú ý tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình có thời gian học tập, tham gia tích cực vào các hoạt động của cộng đồng, xã hội.
Với bản thân: Người phụ nữ đảm đang còn là người biết sắp xếp thời gian hợp lý trong công việc, tham gia học tập nâng cao trình độ của bản thân, chủ động chuẩn bị những điều kiện cần thiết để trở thành một người lao động có chất lượng cao, một người vợ đảm, một người mẹ hiền. Đồng thời vừa có chế độ nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân hợp lý để tái tạo sức lao động.
Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang luôn là phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp, góp phần thể hiện vai trò làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ, đồng thời khẳng định vị thế của chị em trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, việc phát huy những phẩm chất đạo đức ấy càng có ý nghĩa hơn, giúp người phụ nữ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Đối với bản thân người phụ nữ, 4 phẩm chất đạo đức Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang giúp người phụ nữ nắm bắt cơ hội, tận dụng những yếu tố tích cực, tránh những tác động tiêu cực của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, vượt qua những thách thức, khó khăn để trở thành người phụ nữ thành công trong cuộc sống và sự nghiệp. Đó cũng là điều kiện đem lại giá trị đích thực cho người phụ nữ, hướng người phụ nữ sống thiện, sống đẹp, sống có ích. Khi vai trò, vị trí của người phụ nữ được nâng lên, chị em có thể đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
Đối với mỗi gia đình, bốn phẩm chất đạo đức Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang còn giúp người phụ nữ thực hiện tốt vai trò của người vợ đảm đang, người mẹ hiền, từ đó tác động tích cực tới các thành viên trong gia đình, tạo cơ sở để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc bền vững.
Đối với cộng đồng, bốn phẩm chất đạo đức Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang còn giúp người phụ nữ thực hiện tốt trách nhiệm công dân, tác động tích cực tới cộng đồng, xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.
Trước những yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để có được bốn phẩm chất Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội người phụ nữ cần phải cố gắng nỗ lực, phấn đấu không ngừng.
Trước hết, mỗi một phụ nữ cần nhận thức đúng, đầy đủ về bốn phẩm chất và sự cần thiết phải rèn luyện để có được những phẩm chất đó. Sẵn sàng vượt qua khỏi định kiến giới, vượt qua những trở ngại của bản thân, dám nghĩ, dám làm, dám tin vào khả năng thành công của mình, đồng thời có niềm tin vào ý chí, năng lực, bản lĩnh và phẩm chất tốt đẹp của bản thân, của phụ nữ.
Mỗi người chúng ta cần xác định rõ trách nhiệm xã hội của mình trong quá trình tu dưỡng và rèn luyện phẩm chất đạo đức. Luôn quan tâm đến lợi ích xã hội, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, khắc phục tư tưởng ích kỷ, hẹp hòi, níu kéo, đố kỵ với người khác.
Không ngừng học tập vươn lên, tự xác định nhu cầu, mục đích học tập, lựa chọn nội dung và loại hình học tập thích hợp, có ý thức học mọi lúc, mọi nơi, mọi hình thức, học suốt đời để nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nội quy, hương ước của tập thể, cộng đồng, nâng cao kiến thức văn hóa, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử, kỹ năng nuôi dạy con cái và chăm sóc gia đình.
Phụ nữ đảm đang việc nhà – nuôi dạy con trong gia đình
Tự giác, thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức. Phải xác định được rằng phẩm chất đạo đức của con người không tự nhiên, sẵn có mà được hình thành qua giáo dục, tu dưỡng, rèn luyện hàng ngày. Đồng thời, phẩm chất đạo đức cũng không phải nhất thành, bất biến mà luôn chịu sự tác động của ngoại cảnh, dễ bị thay đổi. Do đó, việc rèn luyện cần được thực hiện thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh, tự soi xét bản thân hàng ngày và tu dưỡng suốt cả cuộc đời.
Để gìn giữ và không ngừng phát huy những phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, mỗi một cán bộ, hội viên, phụ nữ hãy tích cực học tập, rèn luyện theo 4 phẩm chất đạo đức Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang, đồng thời là nòng cốt trong việc tuyên truyền để làm sao cho các phẩm chất đạo đức tốt đẹp có sức lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội. Bởi lẽ, giữ gìn, phát huy và bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam không chỉ cần thiết đối với mọi phụ nữ mà còn cần thiết đối với mọi người dân Việt Nam.
Lê Thị Bình – Tổng Giám đốc Công ty Tâm Bình: Có “Tâm” là có tất cả
Thấm nhuần các giá trị tinh thần to lớn mà thế hệ phụ nữ Việt Nam dày công vun đắp, mỗi chúng ta cần thấy được trách nhiệm to lớn của mình, cần trân trọng, tự hào, giữ gìn, phát huy những truyền thống tốt đẹp đó và khắc phục hạn chế, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực để góp phần xây dựng phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam thời kỳ mới.
Nguyễn Thị Bích Loan
Chi đoàn Sở Tài chính tỉnh Bình Dương