YÊU CẦU CẦN PHẢI TIẾP TỤC CỦNG CỐ, TĂNG CƯỜNG MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐẢNG LÃNH ĐẠO, NHÀ NƯỚC QUẢN LÝ VÀ NHÂN DÂN LÀM CHỦ
Đảng - Nhà nước - Nhân dân là ba thành tố có quan hệ biện chứng, thống nhất với nhau; trong đó, Đảng Cộng sản giữ vai trò lãnh đạo; Nhà nước đại diện cao nhất của quốc thể thực hiện chức năng đối nội và đối ngoại; Nhân dân làm chủ trong thực hiện đường lối lãnh đạo, bầu cử lập ra hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước và thụ hưởng thành quả lãnh đạo. Cần phải củng cố, tăng cường, củng cố mối quan hệ này xuất phát từ những khía cạnh sau:
Thứ nhất, xuất phát từ bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội ở Việt Nam hiện nay. Trước thời kỳ đổi mới, Đảng ta chưa thật sự chú trọng đến mối quan hệ biện chứng giữa ba thành tố Đảng - Nhà nước và Nhân dân. Từ khi đổi mới đến nay, nhận thức về mối quan hệ này ngày càng được củng cố và hoàn thiện hơn. Với nhận thức về vị trí, vai trò của mối quan hệ này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã giữ vững và ngày càng phát huy là nhân tố định hướng sự tồn tại và phát triển của ba thành tố: Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Theo Hiến pháp năm 2013, Nhà nước ta là “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”, “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”, tổ chức và hoạt động theo một nguyên tắc mới về chất so với trước đây “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Như vậy, bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã được pháp luật quy định. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để xác định mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý và Nhân dân là chủ.
Thứ hai, xuất phát từ những hạn chế, bất cập trong quá trình hiện thực hóa mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý. Nhân dân làm chủ thời gian qua. Mặc dù mối quan hệ này ngày càng được hoàn thiện, củng cố cả về lý luận và thực tiễn nhưng vẫn có tình trạng nhấn mạnh một chiều vai trò lãnh đạo của Đảng, đề cao tính tất yếu coi Nhân dân làm chủ như là hệ quả, là kết quả đương nhiên của sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, nhưng vai trò“đồng thời là bộ phận của hệ thống chính trị ấy”chưa thấy rõ, dẫn đến một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng và Nhà nước chưa thực sự trở thành “công bộc” của Nhân dân, mà có nơi, có lúc dường như trở thành“ông chủ”của Nhân dân; tự phê bình và phê bình trong nội bộ Đảng ở một số nơi còn rất hình thức. Quyền lực chính trị của Đảng rất lớn nhưng cả trong Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước không quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của tổ chức đảng và cá nhân đứng đầu tổ chức đảng nên dường như trong một số trường hợp chưa thực sự kiểm soát được quyền lực của người đứng đầu cấp ủy các cấp trên thực tế. Vì thế, không ít cá nhân giữ trọng trách của Đảng và Nhà nước ở các cấp có điều kiện thao túng quyền lực, độc đoán, chuyên quyền, hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo.
Thứ ba, trong thời gian qua, một trong những vấn đề bị các thế lực thù địch thường xuyên xuyên tạc, chống phá là mô hình và cơ chế vận hành của hệ thống chính trị Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.
Để thực hiện các mưu đồ chống phá, các phần tử cơ hội chính trị còn ráo riết đưa người ứng cử tự do vào Quốc hội và hội đồng Nhân dân các cấp. Khi các vòng hiệp thương do Mặt trận Tổ quốc chủ trì loại chúng ra khỏi danh sách ứng cử (vì không đủ tiêu chuẩn và không được tín nhiệm), thì chúng yêu cầu “phải xóa bỏ cơ chế hiệp thương”. Chúng đòi hỏi phải xây dựng “xã hội dân sự”, để các tổ chức quần chúng hoạt động độc lập, như là lực lượng đối trọng, đối lập với đảng cầm quyền, để kiểm soát quyền lực của Đảng, Nhà nước, để xây dựng cơ sở xã hội cho các đảng đối lập ở Việt Nam.
Những vấn đề trên đặt ra yêu cầu cần phải tiếp tục củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ ở Việt Nam trong thời gian tới.
NHỮNG GIẢI PHÁP CẦN TRIỂN KHAI
Ngày nay, bối cảnh tác động đến mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ đã có sự thay đổi căn bản. Đó là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nước ta xây dựng đã có bước phát triển nhất định, bộc lộ đầy đủ các quy luật vận động của nó. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được xây dựng theo những nguyên tắc mới, chủ quyền Nhân dân, phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước được đề cao. Dân trí và dân chủ của đông đảo các tầng lớp Nhân dân được nâng lên một trình độ mới. Hội nhập quốc tế sâu rộng không chỉ về kinh tế mà còn trên tất cả các mặt văn hóa, khoa học, công nghệ,... Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi tư duy và lối sống của con người. Bối cảnh đó, đòi hỏi phải đổi mới nhận thức và cách thức giải quyết mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.
Trong nội dung bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ. Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam”(1). Sau chỉ đạo quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư, tại Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”, Đảng ta cũng nhấn mạnh đến việc củng cố, tăng cường mối quan hệ này và xem đây là một trong những giải pháp quan trọng. Nghị quyết nêu rõ cần phải: “Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, vận hành thông suốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.
Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, của Tổng Bí thư, để củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, cần chú trọng đến những giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng phù hợp với điều kiện mới theo định hướng tạo lập điều kiện và môi trường thuận lợi hơn để các thiết chế của bộ máy nhà nước năng động, sáng tạo, làm đúng, làm đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình, không dựa dẫm, ỷ lại. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm soát quyền lực nhà nước để kịp thời phòng, chống sự thao túng quyền lực của những người đứng đầu các cơ quan nhà nước, các tổ chức đảng. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể của Nhân dân theo định hướng phát huy mạnh mẽ hơn nữa quyền làm chủ của Nhân dân; dân chủ phải thực sự trở thành động lực của sự phát triển trong điều kiện mới.
Hai là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân thực sự là một Nhà nước dân chủ, pháp quyền, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Tiếp tục nâng cao nhận thức, thực hiện đúng đắn nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp để sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức bộ máy nhà nước nhằm xây dựng một bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, trước hết là kiểm soát được xã hội và sau nữa là kiểm soát được bản thân mình. Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa chính quyền Trung ương và chính quyền các cấp ở địa phương theo Hiến pháp năm 2013 và các nghị quyết của Đảng. Xây dựng một Quốc hội mạnh và thực quyền về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước; một Chính phủ năng động, sáng tạo, quản lý nhà nước có hiệu lực và hiệu quả; một nền tư pháp vì công lý, vì quyền con người, quyền công dân.
Kiểm soát quyền lãnh đạo của Đảng và quyền lực nhà nước là nguyên tắc cực kỳ quan trọng trong tổ chức quyền lực của Nhà nước pháp quyền XHCN. Theo đó, quyền lãnh đạo của Đảng cũng như quyền lực nhà nước được Nhân dân ủy quyền, Nhân dân giao quyền là có giới hạn mà không phải vô hạn. Giới hạn đó là Hiến pháp. Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Khoản 3, Điều 2). Do đó, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong các tổ chức Đảng, các cơ quan nhà nước và giữa các tổ chức của hệ thống chính trị. Thể chế hóa vai trò của Nhân dân kiểm tra, giám sát các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ thật sự của Nhân dân. Để dân chủ xã hội chủ nghĩa trở thành mục tiêu và động lực của sự phát triển đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải thực sự dân chủ trong tổ chức và hoạt động của mình và đặc biệt phải tiếp tục tạo lập môi trường và điều kiện để Nhân dân thực sự làm chủ trên thực tế. Trong mọi hoạt động, Đảng và Nhà nước luôn phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ XHCN, quyền làm chủ của Nhân dân; tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”(2). Đặc biệt, các cơ quan nhà nước cần phải “đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước” (3). Đảng và Nhà nước phải thực sự tạo điều kiện và môi trường để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình bằng các chủ trương, chính sách, pháp luật cởi mở, thân thiện, dễ dàng trong việc thực hiện các quyền dân chủ cơ bản của công dân. Trong đó, sớm xây dựng và hoàn thiện các đạo luật về các quyền làm chủ trực tiếp của công dân, như Luật Bầu cử, Luật về Hội, Luật về quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân, Luật Giám sát và phản biện xã hội... Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội nâng cao nhận thức, thực hiện mạnh mẽ, thực chất chức năng giám sát và phản biện xã hội, coi đó là phương tiện của những tổ chức đại diện Nhân dân kiểm soát trước và sau đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đảng và Nhà nước thực sự coi đó là phương thức khắc phục những khiếm khuyết trong hoạt động của hệ thống chính trị nhất nguyên, bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực trong việc mở rộng dân chủ, đi đôi với giữ vững kỷ cương, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa để Nhân dân thực sự là chủ nhân của đất nước. Lợi ích, sức mạnh của đất nước đồng nhất với lợi ích, sức mạnh của Nhân dân. Sứ mệnh, vai trò của Đảng, Nhà nước là bảo vệ và phục vụ Nhân dân. Quyền lực của Đảng, Nhà nước là do Nhân dân ủy thác. Đảng viên và cán bộ, công chức, viên chức là con em của Nhân dân, được Nhân dân nuôi dưỡng phải thực sự là “công bộc”, “đầy tớ” trung thành của Nhân dân.
Bốn là, tích cực, chủ động, nhạy bén nhận diện những thủ đoạn mới và kiên quyết đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu,... chống phá thành quả cách mạng cùng những quan điểm “tư bản hóa” Việt Nam, chia rẽ Đảng với Nhân dân, xuyên tạc, phá hoại quan hệ: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Đồng thời củng cố, phát triển thực chất mối quan hệ này để làm căn cứ thực tiễn xác đáng, giàu tính thuyết phục đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.
Box: Mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ chính là sự thể hiện rõ nhất tính đặc sắc, ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta đang xây dựng. Đó là sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam với Nhà nước và toàn xã hội; là sự quản lý của Nhà nước trên cơ sở thể chế hóa những chủ trương của Đảng và vai trò làm chủ của Nhân dân. Do đó, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ chính là giải pháp cần thiết để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát huy quyền làm chủ thực sự của Nhân dân.
Hà Thị Bích Thủy
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh