(TG) - Nhận diện những quan điểm sai trái, thù địch để luôn vững tin vào quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
NHẬN DIỆN NHỮNG QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH
Thời gian qua, các thế lực thù địch đã ra sức công kích, xuyên tạc công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Việt Nam. Chúng cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã quá khôn ngoan khi đưa vấn đề xây dựng Đảng thành vấn đề then chốt nhưng đó chỉ là kiểu “giật gấu vá vai”. Tình trạng này tất yếu sẽ khiến Đảng đổ vỡ và tan rã”(1). Chúng hàm hồ dự đoán, tình hình sẽ ngày càng có nhiều sự phản ứng quyết liệt của nhân dân chống lại Đảng. Những suy luận vô căn cứ nhưng rất nguy hiểm vừa nhằm xuyên tạc, phủ nhận công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; vừa nhằm chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân.
Ngoài ra, trước những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ thời gian qua; các thế lực thù địch, cơ hội chính trị coi đây là cái cớ không gì thuyết phục hơn để xuyên tạc công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Các thế lực thù địch còn ra sức tuyên truyền, xuyên tạc và hơn nữa là cổ súy hành động “từ bỏ” Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ suy diễn một cách vô căn cứ, đồng nhất toàn bộ Đảng Cộng sản với một số đảng viên, cán bộ tham nhũng, thoái hóa, biến chất và lên tiếng rêu rao “Đảng không còn là Đảng do Hồ Chí Minh sáng lập, Đảng không còn mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc”(2).
Họ tìm cách thổi phồng, bịa đặt, xuyên tạc đời tư của một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước…, gieo rắc sự hoài nghi trong các tầng lớp nhân dân về lòng trung thành, tinh thần tận tụy phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên mà lúc sinh thời của Hồ Chí Minh cũng như Đảng ta luôn quan tâm xây dựng, củng cố. Theo họ, đó chỉ là những cách Đảng “che mắt thế gian theo kiểu đánh ai và ai đánh?”, “ta đánh mình, mình đánh ta”, hay “chỉ dám đánh con tôm, con tép thôi”(3) … Đây là những luận điệu hết sức thâm độc hòng gây mất lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Không chỉ xuyên tạc, phủ nhận công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị còn công kích tình trạng tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Từ một số vụ, việc tham nhũng trong thời gian gần đây, nhất là những vụ liên quan đến một số lãnh đạo cấp cao, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong và ngoài nước đã lấy hiện tượng làm bản chất, quy chụp, cường điệu hóa, suy diễn một cách vô căn cứ, đồng nhất toàn bộ Đảng Cộng sản Việt Nam với một số đảng viên, cán bộ tham nhũng, thoái hóa, biến chất. Họ đã lên tiếng rêu rao rằng “Đảng không còn là Đảng do Hồ Chí Minh sáng lập, Đảng không còn mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc”(4). Tinh vi hơn, với chiêu bài “tung hô thần tượng”, các phần tử cơ hội chính trị đã lấy đạo đức, nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh để chỉ trích Đảng vì đã “dung túng”, “bao che” cho cán bộ, đảng viên dẫn đến tình trạng cán bộ thoái hóa, biến chất, tham nhũng.
Gần đây, khi Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII diễn ra, các thế lực thù địch lại được dịp lên tiếng công kích, xuyên tạc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng bằng những luận điệu mang tính quy chụp, suy diễn vô căn cứ. Ngày 6/10/2021, trên trang VOA giật tít dòng chữ: “Điều quan tâm duy nhất là sự sống còn của đảng, của chế độ”. Họ xuyên tạc rằng, đang trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, người lao động ở các tỉnh phía Nam rơi vào cảnh khó khăn do COVID-19 nhưng Trung ương lại tổ chức “họp trong phòng lạnh” để tung hô, khen ngợi các thành tích “vinh quang thuộc về Đảng”, còn “đau thương trút lên đầu nhân dân”. Thậm chí họ còn vu cáo rằng “Đảng không bận tâm về hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 mà chỉ quan tâm làm sao để Đảng “muôn năm trường trị”…
Những luận điệu xuyên tạc trên vẫn là trò “rượu cũ bình mới” nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng. Vẫn là những quan điểm dân túy thường thấy, các thế lực phản động, cơ hội chính trị lấy danh nghĩa đứng về phía nhân dân để chỉ trích Đảng và Nhà nước nhằm kích động một bộ phận nhân dân chống lại những quy định của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch. Mục đích sâu xa của chiêu bài này là bẻ lái dư luận, phủ nhận chế độ của ta, từ đó ca ngợi, cổ xúy, hướng lái theo cái họ gọi là giá trị xã hội phương Tây. Bên cạnh đó, thông qua việc bóp méo tình hình Việt Nam, các thế lực thù địch cũng cố tình xuyên tạc bản chất ưu việt, nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng.
Những luận điệu cố tình xuyên tạc, phủ nhận công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam thời gian qua xuất phát từ dã tâm thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần tỉnh táo nhận diện; có thái độ khách quan, công tâm trong nhìn nhận, đánh giá; đồng thời, kiên quyết đấu tranh phản bác để luôn giữ vững niềm tin vào Đảng - một tổ chức ra đời không phải để “làm quan phát tài” mà luôn đứng về phía cả dân tộc và không có mục đích gì khác ngoài việc mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. |
GẮN CÔNG TÁC XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG VỚI XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không tránh khỏi những sai lầm, thiếu sót do giáo điều, chủ quan, duy ý chí. Tuy nhiên, như một thông lệ không thể thiếu, trước mỗi kỳ Đại hội Đảng, khi đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội qua một nhiệm kỳ, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”, “tôn trọng hiện thực khách quan”, Đảng ta luôn thẳng thắn nhìn nhận những sai lầm, khuyết điểm. Đảng ta coi những sai lầm, khuyết điểm là yêu cầu, đòi hỏi Đảng phải tiếp tục đổi mới, nhân dân phải tiếp tục đồng lòng để vượt qua những khó khăn, thử thách. Điều này được khẳng định rõ trong Báo cáo tổng kết chặng đường 30 năm đổi mới của Đảng: “Những hạn chế, khuyết điểm đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải nỗ lực phấn đấu không ngừng để khắc phục, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững theo con đường xã hội chủ nghĩa”(5).
|
Hội thảo khoa học quốc gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, ngày 7/1/2021.
|
Nhìn nhận lại những chủ trương của Đảng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian qua thông qua những nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, có thể nhận thấy tinh thần nghiêm túc trong tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, chỉnh đốn, giữ vững bản chất cách mạng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân và của toàn dân tộc. Đây không phải là sự “chắp vá”, “giật gấu vá vai” như những luận điệu mà các thế lực thù địch vẫn rêu rao mà nó thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng trong việc “tự sửa mình” và đào tạo, huấn luyện cán bộ, đảng viên. Do đó, cần có thái độ khách quan, công tâm khi xem xét những sai lầm, khuyết điểm của Đảng. Cần tránh cả hai xu hướng xem nhẹ, bỏ qua những khiếm khuyết hoặc tuyệt đối hóa, thổi phồng những khuyết điểm bởi cả hai xu hướng này hoặc là dẫn đến thái độ chủ quan, lơ là; hoặc dẫn đến thái độ cực đoan, bất mãn. Sai lầm, khuyết điểm của Đảng, nhất là của một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong thời gian qua là một bài học đắt giá cho công tác xây dựng Đảng nhưng không vì thế mà đánh đồng với đóng góp của biết bao thế hệ đảng viên với sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Có thể nhận thấy, qua mỗi nhiệm kỳ Đại hội, tinh thần chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là thông qua việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng quyết liệt hơn, thực chất hơn với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Tham nhũng được coi là một loại “giặc nội xâm” luôn được xử lý một cách quyết liệt. Quyết tâm chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được thể hiện rõ nét từ người đứng đầu Đảng, Nhà nước đến cả hệ thống chính trị. Đúng như Đại hội XIII nhận định: “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”(6). Do đó, trong thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm đã được xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, vừa có tác dụng cảnh báo, răn đe; vừa siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng; được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ; được dư luận quốc tế đánh giá cao.
Đặc biệt, để tăng cường kỷ cương, kỷ luật Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng cũng được chỉ đạo quyết liệt; tạo nên những bước chuyển biến rõ rệt trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng. Trong nhiệm kỳ vừa qua, “cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.209 cán bộ, đảng viên có liên quan đến tham nhũng; trong đó có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý cả đương chức và đã nghỉ hưu”(7). Điều đó cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; đồng thời, cũng chứng tỏ năng lực, bản lĩnh của Đảng trong việc phát hiện, xử lý tình trạng tham nhũng của cán bộ, đảng viên, kể cả những người đã và đang giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung.
Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, điểm mới của Hội nghị lần này là Đảng ta đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị. Đây là một yêu cầu khách quan bởi lẽ Đảng Cộng sản Việt Nam tuy giữ vai trò lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội nhưng Đảng không đứng ngoài hệ thống chính trị, không phải là nhân tố độc lập hoàn toàn với hệ thống chính trị. Hơn nữa, “Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay”(8).
Thời gian qua, khi công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được gia tăng đáng kể nên Đảng ta đã gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị. |
Những năm qua, sở dĩ Đảng ta nhấn mạnh hơn đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là vì muốn củng cố, gia tăng thêm sức mạnh cho Đảng; từ đó tiến đến xây dựng cả hệ thống chính trị. Đây là những bước đi thận trọng, chắc chắn, có lộ trình rõ ràng trong từng giai đoạn cụ thể. Thời gian qua, khi công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được gia tăng đáng kể nên Đảng ta đã gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị. Điều này đã từng được đặt ra ngay từ chủ đề của Đại hội XIII: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”(9) và đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII lại được nhấn mạnh thêm. Do đó, không thể cố tình phủ nhận, xuyên tạc nỗ lực lớn, quyết tâm chính trị cao của Đảng trong việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện nay. Đó là những luận điệu của những kẻ cố tình “nhắm mắt làm ngơ”, thiếu thiện chí nên cần phải cảnh giác và kiên quyết đấu tranh phản bác.
Thực tiễn cho thấy, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam thời gian qua được tiến hành đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến cơ sở, không chỉ góp phần củng cố, gia tăng thêm sức mạnh của Đảng mà còn nâng cao uy tín của Đảng với nhân dân nên được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Do đó, một trong những điểm mới quan trọng được Đại hội XIII đưa ra là “Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng”. Đại hội khẳng định: “Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp uỷ đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; có cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới”(10). Việc phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng trong việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở nước ta thời gian qua, góp phần làm cho Đảng ngày càng trọng sạch, vững mạnh. Do đó, không thể cố tình phủ nhận những quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
TS. Lê Thị Chiên
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh