Sáng mãi tư tưởng của V.I.Lênin về giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại ngày nay
(ĐCSVN) - Kỷ niệm 152 năm Ngày sinh của V.I.Lênin là dịp tiếp tục nghiên cứu làm rõ, khẳng định những di sản vĩ đại xuyên suốt thời đại của Người. Trong đó, tư tưởng về giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (XHCN) đã, đang định hướng, dẫn dắt cho sự nghiệp cách mạng của các đảng cộng sản, giai cấp vô sản và nhân dân lao động trong thời đại ngày nay.
|
Vlađimia Ilích Lênin (22/4/1870 - 21/1/1924) - nhà lý luận thiên tài, lãnh tụ cách mạng vĩ đại của giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới. (Ảnh: Báo Nhân Dân) |
Tư tưởng của Lênin về giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có nguồn gốc từ quy luật cách mạng XHCN được C.Mác và Ph.Ăngghen đúc kết từ thực tiễn cách mạng vô sản trên thế giới. Tuy nhiên, ở thời hai ông, hiện thực cách mạng chưa sinh động, nên mối quan hệ này chưa được luận giải cụ thể. Đầu thế kỷ XX, V.I.Lênin vừa trực tiếp lãnh đạo Đảng Bônsêvíc, giai cấp công nhân, nông dân, binh sĩ Nga đấu tranh giành chính quyền, xây dựng nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, tiến hành công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Nga xô-viết trong thế bao vây, phá hoại, tiến công về mọi mặt của chủ nghĩa tư bản (CNTB), đế quốc, các thế lực phản động, cơ hội, xét lại trong nước và quốc tế, vừa xây dựng, hoàn thiện Học thuyết bảo vệ Tổ quốc XHCN. Trong học thuyết này, vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chiếm một vị trí rất quan trọng. Nó làm rõ, khẳng định vai trò của các yếu tố cấu thành Tổ quốc, xác lập các nguyên tắc, phương thức giải quyết mối quan hệ giữa chúng trong tổng thể các nhiệm vụ của cách mạng XNCH ở thời đại mới. Giá trị, ý nghĩa thời đại tư tưởng của Lênin về giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thể hiện trên các vấn đề:
Một là, xác lập nhận thức đúng đắn về quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà chế độ XHCN là yếu tố đặc biệt quan trọng. Ở thời kỳ cách mạng sôi động, chuẩn bị đặt nền móng cho nhà nước XHCN ra đời, trong tâm thức của những người XHCN, giai cấp công nhân, nông dân, binh sĩ Nga đã ghi nhớ định nghĩa nổi tiếng của Lênin: “Tổ quốc, nghĩa là hoàn cảnh chính trị, văn hóa và xã hội, là nhân tố mạnh mẽ nhất trong cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản”[1]. Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, ai nấy đều khắc sâu câu nói của Người: “Kể từ ngày 25 tháng Mười 1917, chúng ta là những người chủ trương bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta tán thành “bảo vệ Tổ quốc”, nhưng cuộc chiến tranh giữ nước mà chúng ta đang đi tới, là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là Tổ quốc”[2]…
Là khởi nguồn cho nhận thức về Tổ quốc XHCN, giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhưng tính chất vĩ đại của những tư tưởng trên là chỉ ra tính chỉnh thể, thống nhất không tách rời giữa các yếu tố cấu thành phương diện lịch sử - tự nhiên và chính trị - xã hội hợp thành Tổ quốc nói chung, Tổ quốc XHCN nói riêng; chỉ ra bản chất của Tổ quốc XHCN là chế độ XHCN - cái mà như Lênin đã khẳng định “là nhân tố mạnh mẽ nhất trong cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản”; đập tan những luận điệu hô hào “bảo vệ Tổ quốc” chung chung của bọn cơ hội chủ nghĩa trong Quốc tế II khi kêu gọi công nhân tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất; hướng giai cấp vô sản Nga và thế giới tập trung vào bảo vệ chế độ XHCN ở nước Nga.
Việc xác lập nên tư tưởng đó đã không chỉ giúp các chủ thể của Nhà nước Nga xô-viết, sau là Liên Xô và các nước XHCN trong thế kỷ XX biết cách giải quyết một cách hợp lý các nhiệm vụ của mình, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng ở những giai đoạn cam go nhất của lịch sử. Họ đã biết đấu tranh giành chính quyền, thiết lập, củng cố, xây dựng chính quyền nhà nước, đi liền với đấu tranh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc… Tuy nhiên, lịch sử của chủ nghĩa xã hội (CNXH) trên thế giới đã trải qua những bước thăng trầm, quanh co, nhiều nhà nước, Tổ quốc XHCN đã không còn tồn tại. Một trong những nguyên nhân căn bản, sâu sa của nó là xuất phát từ yếu tố chủ quan - chủ thể lãnh đạo, quản lý và làm chủ đó là chưa tuân thủ đúng những điều chỉ dẫn của Lênin về giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thiếu sự chăm lo đối với việc xây dựng đất nước giàu mạnh với gia tăng củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc chế độ XHCN, mà vấn đề trung tâm là bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với nhà nước và xã hội.
Sự đứng vững và phát triển ngày lớn mạnh của các nước XHCN còn lại trong thời gian vừa qua, một phần đều nhờ vào sự tuân thủ những chỉ dẫn của Lênin về giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên con đường giành được những thành tựu ở đầu thế kỷ XXI, các nước này cũng đang luôn khắc sâu những di huấn của Lênin. Bởi chính Tổ quốc XHCN của họ không chỉ là đối tượng, mục tiêu phải tiêu diệt của chủ nghĩa đế quốc, các thế lực thù địch, mà còn có nguyên nhân đến từ những sai lầm, khuyết điểm bên trong về nhận thức và giải quyết giữa nhiệm vụ xây dựng với bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, chỉ đạo nhận thức và hành động đúng quy luật đi lên CNXH là xây dựng CNXH đi đôi với bảo vệ Tổ quốc XHCN. Đây là giá trị hiện thực xuyên suốt lịch sử từ khi Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi đến nay, được Lênin đúc kết, chỉ dẫn từ ngày đầu cách mạng.
Là người trực tiếp lãnh đạo của cách mạng Nga, với trí tuệ thiên tài của nhà nghiên cứu lý luận, Lênin đã đánh giá những tư tưởng, hành động thù địch đối với Tổ quốc Nga xô-viết và CNXH bởi chủ nghĩa đế quốc, các thế lực phản động rằng, thắng lợi của cách mạng XHCN sẽ làm cho bọn đế quốc, tư sản lo sợ cho quyền lợi, số phận của chúng, nên tất yếu chúng căm ghét và tìm mọi cách, mà phổ biến nhất là tiến công quân sự để bóp chết, xóa bỏ mọi nhà nước XHCN. Từ đó, Ông chỉ ra: “Chúng ta đang sống trong thời kỳ đấu tranh có tính chất lịch sử chống giai cấp tư sản thế giới là giai cấp hiện nay đang mạnh hơn chúng ta gấp nhiều lần. Trong thời kỳ đấu tranh như thế, chúng ta phải bảo vệ công cuộc xây dựng cách mạng, phải đấu tranh chống giai cấp tư sản bằng quân sự và nhất là bằng đấu tranh tư tưởng, bằng giáo dục để cho những tập quán, những thói quen, những niềm tin mà giai cấp công nhân rèn đúc được trong hàng chục năm đấu tranh giành tự do chính trị, để cho toàn bộ những tập quán, thói quen và tư tưởng đó biến thành công cụ giáo dục toàn thể những người lao động”[3]… Từ đây, Lênin đúc kết vấn đề có tính quy luật trong giải quyết các mối liên hệ phổ biến của các nhà nước XHCN là: “Chưa bao giờ mối liên hệ giữa tổ chức quân sự của một nước với toàn bộ chế độ kinh tế và văn hóa của nước ấy lại hết sức chặt chẽ như ngày nay”. Và theo Ông, phương thức chủ đạo trong giải quyết tổng thể các nhiệm vụ trên đây phải là: “Chúng ta chủ trương bảo vệ Tổ quốc, nên chúng ta đòi hỏi có một thái độ nghiêm túc đối với vấn đề khả năng quốc phòng và đối với vấn đề chuẩn bị chiến đấu của nước nhà. Cuộc chiến tranh cách mạng này cần phải được chuẩn bị lâu dài, nghiêm túc bắt đầu từ kinh tế”[4].
Như vậy, Lênin đã chỉ ra quy luật phổ biến và những hành động phải tuân theo quy luật của các chủ thể chế độ mới trong thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Thực tiễn chứng minh, nhờ những nhận thức và hành động tuân thủ đúng quy luật của Đảng Bônsêvíc, Chính quyền xô-viết, công nhân, nhân dân các dân tộc Nga và các nước XHCN sau này đã không chỉ đánh bại chủ nghĩa đế quốc hiếu chiến, xâm lược, mà còn thu được những thành tựu vĩ đại trong công cuộc xây dựng CNXH. Thực tiễn cũng để lại và chỉ ra những bài học đau xót từ sự nhận thức sai lầm và hành động khinh suất hay bỏ qua, bất chấp quy luật này của các nước XHCN ở Liên xô và Đông Âu trước đây đã làm sụp đổ hệ thống XHCN, CNXH hiện thực ở các nước đó bị thủ tiêu.
Sự chỉ đạo nhận thức và hành động đúng quy luật phổ biến trên đây của Lênin đã luôn nhắc nhớ mọi đảng cộng sản, nhà nước, các tổ chức, lực lượng của chế độ XHCN phải luôn tuân thủ đúng quy luật vận động khách quan của xã hội nói chung, xã hội XHCN nói riêng. Chỉ có tuân thủ đúng quy luật đó mới bảo tồn, phát triển được Tổ quốc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, sau mới là bàn đến cách thực hiện lý tưởng XHCN, cộng sản chủ nghĩa trong thế giới ngày nay. Đó cũng là sự tuân thủ quy luật của nhận thức và thực tiễn mà chủ nghĩa Mác - Lênin đã xác lập.
|
Kỷ niệm 152 năm Ngày sinh của V.I.Lênin là dịp tiếp tục nghiên cứu làm rõ, khẳng định những di sản vĩ đại xuyên suốt thời đại của Người. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN) |
Ba là, định hướng xử lý phù hợp với thực tế mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ, bảo vệ và xây dựng trong từng nhiệm vụ cách mạng XHCN. Đây là giá trị chính trị - thực tiễn, khoa học - cách mạng, khẳng định sự trường tồn tư tưởng của Lênin về giải quyết mối quan hệ này.
Từ trong công cuộc xây dựng chế độ XHCN, Lênin đòi hỏi người cách mạng phải vừa học vừa làm, vừa tiếp thu tri thức nhân loại, kinh nghiệm bản thân; vừa phải xây dựng, vừa phải bảo vệ từng thành quả cách mạng. Mọi hoạt động của Chính quyền, Nhà nước xô-viết, các đoàn thể, tổ chức cách mạng, yêu nước đều phải gắn chặt chẽ với nhau, luôn quán triệt quan điểm xây dựng đi đôi với bảo vệ, bảo vệ luôn tiến hành trong mọi hoạt động xây dựng: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ”[5]. Trong phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh nhiệm vụ “chủ yếu và căn bản” là phải thắng sự phản kháng của giai cấp tư sản, bọn bóc lột, dẹp tan các âm mưu của chúng, thì “một nhiệm vụ khác nhất thiết cũng phải được đặt ra, và đặt ra ngày càng mạnh mẽ, một nhiệm vụ trọng yếu hơn, tức là tích cực xây dựng chủ nghĩa cộng sản, sáng tạo ra những quan hệ kinh tế mới, sáng tạo ra xã hội mới”[6]. Trong xây dựng Đảng phải: “Đoàn kết trong đảng, không để cho các phái đối lập tồn tại trong đảng”[7]. Trong xây dựng nền văn hóa, phải đấu tranh chống bệnh kiêu ngạo cộng sản, nạn mù chữ, hối lộ và phải làm cho tất cả mọi người đều phải có văn hóa, “nâng cao trình độ văn hóa của quần chúng”[8]. Trong xây dựng nền quốc phòng, “phải có một thái độ nghiêm túc đối với vấn đề khả năng quốc phòng và đối với vấn đề chuẩn bị chiến đấu của nước nhà”[9]…
Trong sự nghiệp cách mạng của Việt Nam, trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, nắm vững tinh thần giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà Lênin chỉ ra, phát huy truyền thống dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc, căn cứ vào thực tiễn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đề ra đường lối tiến hành đồng thời hai cuộc cách mạng, cách mạng XHCN ở Miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Miền Nam trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc; tiến hành đồng thời và giải quyết mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hòa bình, thống nhất đất nước, cả nước đi lên CNXH.
Sức sống của sự thống nhất biện chứng trong tư tưởng của Lênin về giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc còn được thể hiện rõ trên tất cả các lĩnh vực ở nước ta trong thời kỳ đổi mới. Nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ này đã làm cơ sở cho việc nhận thức và giải quyết trên từng lĩnh vực cụ thể và ngược lại. Điều này được thể hiện nhất quán trong tư duy lý luận và hoạt động lãnh đạo của Đảng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Báo cáo chính trị các đại hội, nhất là Đại hội XIII của Đảng, đều xác định: “Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn”, trong đó có quan hệ “giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”[10]; với chủ trương: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại”; đồng thời, “Cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc; trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong từng địa phương, vùng, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể”[11]. Nhờ đó, thế và lực của đất nước ta bước vào thập niên thứ ba thế kỷ XXI đã ngày càng trở nên lớn mạnh hơn bao giờ hết. Sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam đã trở thành tấm gương sáng về việc giải quyết các vấn đề của dân tộc và thời đại.
Bốn là, xác lập giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở cả phạm vi quốc tế. Đây là giá trị vượt thời đại của tư tưởng Lênin về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để lại cho nhân loại.
Ở thời khắc mở ra cánh cổng của thời đại mới, với trí tuệ bác học, Lênin đã thấy rõ, sự nghiệp cách mạng XHCN ở nước Nga có đi đến thắng lợi hay không đều nhờ cậy một phần rất quan trọng vào sự ủng hộ của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Bởi ngay lúc bấy giờ, giai cấp tư sản, chủ nghĩa đế quốc đã mang tính toàn cầu và quốc tế. Cho nên, nhà nước XHCN non trẻ phải sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh tổng lực mang tính toàn cầu; và phải thực hành chủ trương: “bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là Tổ quốc, bảo vệ nước Cộng hòa xô-viết, với tính cách là một đơn vị trong đạo quân thế giới của chủ nghĩa xã hội”[12].
Hiện nay, CNTB đang tận dụng cơ hội của thời đại để củng cố sự tồn tại của nó. Tuy nhiên, CNXH đã giành thành tựu quan trọng ở một số nước và định hình trở lại dưới nhiều hình thức, phong trào mới. Vì vậy, sự nghiệp xây dựng CNXH có tiếp tục được giữ vững, phát triển hay không tùy thuộc rất lớn vào tư duy, tầm nhìn chiến lược của nước đó trước những vấn đề của thời đại, mà trước hết là quán triệt chỉ dẫn của Lênin về bảo vệ Tổ quốc với tính cách là “một đơn vị trong đạo quân thế giới của chủ nghĩa xã hội”, chứ không phải là một quốc gia, dân tộc biệt lập. Nếu không, Tổ quốc XHCN đó sẽ phát triển đầy khó khăn và tất yếu sẽ khó tránh khỏi một cuộc chiến “tổng lực” của CNTB, đế quốc và các thế lực thù địch.
Sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, tư tưởng của Lênin về giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói riêng, chính là ở việc các quốc gia - dân tộc XHCN ngày nay phải thực hiện tốt các nghĩa vụ quốc tế vô sản của mình, biết tạm gác lại những lợi ích nhất thời, bảo vệ chủ nghĩa quốc tế vô sản chân chính, đấu tranh với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, góp phần vì những mục tiêu chung của CNXH, chủ nghĩa cộng sản trên thế giới như Lênin đã vạch ra từ đầu thế kỷ XX./.
[1] V.I.Lênin toàn tập, tập 17, Nxb CTQG-ST, H. 2005, tr.230.
[2] V.I.Lênin toàn tập, tập 36, Nxb CTQG-ST, H. 2006, tr.102.
[3] V.I.Lênin toàn tập, tập 41, Nxb CTQG-ST, H. 2006, tr.475.
[4] V.I.Lênin toàn tập, tập 35, Nxb CTQG-ST, H. 2006, tr.480, 481.
[5] V.I.Lênin toàn tập, tập 37, Nxb CTQG-ST, 2005, tr.145.
[6] V.I.Lênin toàn tập, tập 39, Nxb CTQG-ST, H. 2005, tr.15.
[7] V.I.Lênin toàn tập, tập 43, Nxb CTQG-ST, H. 2005, tr.98.
[8] V.I.Lênin toàn tập, tập 44, Nxb CTQG-ST, H. 2006, tr. 217-218.
[9] V.I.Lênin toàn tập, tập 35, Nxb CTQG-ST, H. 2006, tr. 357.
[10] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.119.
[11] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.157.
[12] V.I.Lênin toàn tập, tập 36, Nxb CTQG-ST, H. 2006, tr.102.
Đại tá, PGS. TS. Nguyễn Văn Quang
Nguyên Trưởng Ban nghiên cứu lý luận chính trị, Viện KHXH&NVQS