Dân thụ hưởng. Trong công cuộc đổi mới, “dân thụ hưởng” là một trong những khía cạnh quan trọng trong phương châm của Đảng. Đảng ta nhấn mạnh bảo đảm mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới; không để ai bị bỏ lại phía sau. Đó là sự trở lại đích thực với tư tưởng Hồ Chí Minh về dân thụ hưởng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hội nghị phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc vận động: Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu (Cuộc vận động ba xây, ba chống), 27/7/1963.
Ngay sau cách mạng thành công, xác lập thể chế Dân chủ Cộng hòa, Bác nói rõ mục đích của nước Việt Nam mới là Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Nước thuộc địa mất độc lập thì trước hết phải giành cho kỳ được độc lập. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Chính quyền về tay nhân dân, Bác tuyên bố trước các nhà báo trong nước và thế giới rằng cả đời Người chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Bằng một tư duy tích cực, khẳng định, ba từ “ai cũng có” nói lên tất cả suy tư, trăn trở và hành động có trách nhiệm của Bác trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng từ lúc ra đi tìm đường cứu nước đến tận cuối đời.
Xuất phát từ quan điểm không có gì quý bằng nhân dân; không có gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân; bao nhiêu quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân, có dân là có tất cả; dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong… Bác thường xuyên căn dặn cán bộ, đảng viên phải hiểu thấu nước ta là nước dân chủ, Đảng và Chính phủ là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Nước dân chủ thì bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Việc gì lợi cho dân, dù nhỏ mấy, cũng phải hết sức làm.
Trong kế sách kiến quốc ngay sau Tuyên ngôn độc lập, Bác nêu lên sáu nhiệm vụ cấp bách liên quan tới ích quốc lợi dân phải thực hiện ngay là giải quyết nạn đói, nạn dốt, tổ chức Tổng tuyển cử để dân được hưởng quyền tự do dân chủ, thực hành cần kiệm liêm chính, bỏ các thứ thuế vô nhân đạo, tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết. Đó không chỉ là câu chuyện của gần 80 năm trước mà còn vẹn nguyên giá trị đến tận hôm nay. Sau này, trong cuộc họp đầu tiên của Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, khẳng định dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ, đúc lại một cách ngắn gọn về mục đích và động lực giúp cho nước tự do độc lập, Bác nói chúng ta phải thực hiện ngay làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành.
Trước lúc đi xa, trong những lời dặn lại cuối cùng, Bác nhấn mạnh Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Trong kế hoạch đó, đầu tiên là công việc đối với con người. Người dặn Đảng và Chính phủ quan tâm không sót một ai, trước hết là phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, không để họ bị đói rét. Con người Bác đề cập tới không chỉ là đồng bào nông dân, chiến sĩ trẻ trong lực lượng vũ trang, những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, cha mẹ, vợ con thương binh, liệt sĩ… mà cả những nạn nhân của chế độ xã hội cũ thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục vừa pháp luật để cải tạo họ, giúp đỡ họ trở nên những người lương thiện.
Điểm nhấn ở đây như cách nói trong đổi mới là quan tâm tới người dân không chỉ “con cá” mà quan trọng là “cần câu”. Điều đó in đậm trong Di chúc của Bác hơn nửa thế kỷ trước. Người dặn phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đảng và Chính phủ phải chọn một số ưu tú, trẻ tuổi trong lực lượng vũ trang cho họ đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc, tạo nên đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Điều quan trọng nhất, có ý nghĩa lớn nhất mang giá trị trường tồn không nằm ở lời dặn mà ở hành động. Bác là hiện thân sống động của những lời dặn. Người là tấm gương sáng chói của việc nêu gương, nói đi đôi với làm mà ngày nay người đứng đầu Đảng ta thường nói sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải tự giác, gương mẫu, nói đi đôi với làm.
Không đầy hai tháng trước lúc vĩnh biệt chúng ta, trong buổi tiếp, trả lời phóng viên báo Granma (Cuba), với khẳng định “tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”, Bác nói “mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”.
Bác của chúng ta là như thế. Cả đời không dính líu gì với vòng danh lợi; không có một chút gì riêng tư cho mình. Về việc riêng, Người viết trong Di chúc “suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Dân quyết. Xuất phát từ nhận thức về đặc điểm và vai trò của nhân dân, Bác nói đến dân quyết nhiều vấn đề quan trọng. Về đặc điểm, dân nhiều tai mắt, cái gì họ cũng nghe, cũng thấy. Họ là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta. Họ hay so sánh - so sánh bây giờ và thời kỳ đã qua, so sánh từng việc và toàn bộ phận - và so sánh đúng. Do so sánh họ thấy chỗ khác nhau và mâu thuẫn. Từ đó họ kết luận và đề ra cách giải quyết đúng.
Về vai trò của dân, Bác nói cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân chứ không phải của cá nhân anh hùng nào. Không có nhân dân thì Đảng và Chính phủ không đủ lực lượng. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn. Một nét đặc sắc trong tư tưởng của Bác là cùng với đường lối của Đảng, Người nói tới đường lối nhân dân với nội hàm đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, liên hệ với nhân dân, bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân, tự phê bình trước nhân dân, hoan nghênh nhân dân phê bình mình, học hỏi nhân dân, gương mẫu để nhân dân noi theo.
Nói đến Đảng chủ yếu là tổ chức, lãnh đạo và đoàn kết lực lượng nhân dân. Nói đến dân là nói đến sức dân, trí dân, quyền dân, lòng dân, khôn khéo, hăng hái, anh hùng, trung thành với Đảng. Đảng biết phát huy “tố chất dân” cách mang mới thành công. Theo Bác, nhờ tố chất đó mà dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra. Không phải ngẫu nhiên mà trong những dòng cuối cùng dặn lại Đảng, khi nói tới việc để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi, giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng, Đảng cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.
Vậy là trong thực tiễn cách mạng, có một vấn đề trọng yếu mà đôi khi chúng ta chưa thật sự quan tâm, đó là dân giải quyết đúng, gọn gàng, hợp lý, công bình. Theo Bác, dân giải quyết hợp lý, công bằng nhiều vấn đề trọng đại của cách mạng, của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Dân giải quyết là một nguyên tắc trong cách lãnh đạo. Bác chỉ rõ nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp lý thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta.
Trong đổi mới, Đảng ta xác định vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong bốn kiên định căn bản, trong đó có kiên định vấn đề dân quyết. Một trong những nội dung của Quy chế dân chủ ở cơ sở được nêu trong Chỉ thị 30-CT/TW, ngày 18-02-1998 là quy định về việc để nhân dân bàn và quyết định dân chủ đối với những loại việc liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân trên địa bàn như huy động sức dân để xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi, các khoản đóng góp, lập các loại quỹ.
Trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, ở vế “nhân dân làm chủ” đã có một bước tiến dài trong các văn kiện Đại hội XIII như phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức; dân giám sát và lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên.
Với tinh thần và thái độ kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, thời gian tới, rất cần những tìm tòi, nghiên cứu mới có tính đột phá, sáng tạo về vấn đề dân quyết mà gần đây trong cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đề cập. Một trong những điều ông nói tới là Đảng phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Sức mạnh của nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển. Đó chính là để tư tưởng, chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống.
PGSTS Bùi Đình Phong
Theo hochiminh.vn (MT)