Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong Di chúc
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Người cho rằng, Đảng thực sự vững mạnh, đủ sức lãnh đạo cách mạng thì công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được coi là một nhiệm vụ chiến lược, một công việc thường xuyên trong quá trình vận động phát triển của cách mạng. Vì vậy, trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân nhiều tác phẩm lý luận lớn, có giá trị, trong đó có bản Di chúc. Trong Di chúc của Hồ Chí Minh, một trong những nội dung quan trọng, có giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo Hồ Chí Minh, đó là công việc hàng đầu của Đảng, nhằm xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa thắng lợi.
Trong Di chúc thiêng liêng mà Người để lại cho dân tộc Việt Nam, Người căn dặn: Việc cần làm trước tiên là xây dựng, chỉnh đốn lại Đảng. Bởi điều quan tâm đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nói về Đảng. Người khẳng định: Xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng là một truyền thống quý báu của nhân dân ta; truyền thống đó được bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết của dân tộc trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, được Đảng ta hun đúc, kế thừa trong giai đoạn cách mạng mới. Thấm nhuần truyền thống quý báu đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ sức mạnh của tinh thần đoàn kết, nhất là sự đoàn kết thống nhất trong một đảng cầm quyền, trong hạt nhân lãnh đạo. Người chỉ rõ: Ngày nay, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ, nhất là sự đoàn kết, thống nhất chặt chẽ giữa cán bộ, đảng viên.
Sự đoàn kết trong Đảng là sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đoàn kết trong Đảng được dựa trên cơ sở đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách và theo những nguyên tắc tổ chức của Đảng. Đó là giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo gắn với phân công cá nhân phụ trách; phải thường xuyên tự phê bình và phê bình để cùng nhau tiến bộ, để sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng ngày càng được củng cố tăng cường, các tổ chức đảng luôn trong sạch vững mạnh. Để xây dựng đoàn kết trong Đảng vững mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: phải thống nhất về tư tưởng, thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, đó là cách tốt nhất để xây dựng, củng cố phát triển sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Trong xây dựng Đảng Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng tự phê bình và phê bình, coi đây là nguyên tắc sống còn trong hoạt động lãnh đạo của Đảng ta. Đồng thời, Người căn dặn: Phê bình và tự phê bình cần có lý, có tình; phê bình một cách chân thành, thẳng thắn, trung thực, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, giúp nhau cùng tiến bộ, trên cơ sở cùng phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng chung của Đảng và dân tộc. Cán bộ, đảng viên là nhân tố quan trọng gắn liền với vận mệnh của Đảng. Đảng muốn mạnh, đủ sức lãnh đạo đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc đi đến bờ thắng lợi thì dứt khoát phải có các tổ chức đảng mạnh, phải có các đảng viên ưu tú. Chính vì vậy trong công tác xây dựng, chính đốn Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến công việc giáo dục, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Người thường nhắc nhở mọi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện bản thân mình. Người chỉ rõ: Đảng ta là một đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Người cũng chỉ ra những nội dung cụ thể của đạo đức cách mạng, là phải biết đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; vì Đảng, vì dân mà đấu tranh hết mình, gương mẫu trong mọi việc và tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng và trong xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở Đảng ta phải hết sức đề phòng và ngăn ngừa mầm mống gây ra các căn bệnh nguy hiểm, là chủ nghĩa cá nhân; nó là một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm. Đó là bệnh tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, cơ hội, bè phái, mất dân chủ, xa rời quần chúng… Các căn bệnh đó nguy hiểm, vì nó làm ảnh hưởng đến uy tín và sự tồn vong của Đảng, của sự nghiệp cách mạng. Nó làm cho quần chúng hoang mang mất lòng tin vào Đảng, những kẻ cá nhân chủ nghĩa thì lợi dụng để tham nhũng, bọn cơ hội phản động thì lợi dụng để chống đối và hạ uy tín của Đảng, phá hoại sự đoàn kết gắn bó giữa Đảng với nhân dân.
Chính vì vậy, sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng – người đồng chí gần gũi, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Hồ Chí Minh đã làm gương mẫu để xây dựng Đảng. Tấm gương của lãnh tụ được sự hưởng ứng tự nguyện và nhiệt tình của toàn Đảng, đã tạo nên khuôn phép chặt chẽ và thiêng liêng, để lại truyền thống tốt đẹp về Đảng và sự lãnh đạo của Đảng.
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG TRONG DI CHÚC
Ngay từ buổi đầu của sự nghiệp cách mạng, trong tác phẩm “Đường kách mệnh” xuất bản năm 1927, Hồ Chí Minh đã có một luận điểm sâu sắc: “cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh... Đảng có vững cách mệnh mới thành công cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy” . Đề cao vai trò của Đảng và trách nhiệm của Đảng trước dân tộc là quan điểm xuyên suốt của Hồ Chí Minh. Tiếp tục mạch tư duy đó, trong Di chúc, Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc cần thiết phải củng cố sự đoàn kết trong Đảng, nâng cao đạo đức cách mạng, đẩy mạnh công tác chỉnh đốn Đảng để qua đó Đảng có được sức mạnh và uy tín của người cầm lái.
Để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Hồ Chí Minh căn dặn trong bản Di chúc với những nội dung sau:
Cần phải củng cố khối đại đoàn kết trong Đảng.
Hồ Chí Minh đưa ra nhận định: “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết chặt chẽ thì chúng ta nhất định có thể khắc phục mọi khó khăn, phát triển mọi thuận lợi và làm tròn nhiệm vụ nhân dân giao phó”; “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”; “Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi”; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” . “Đoàn kết là điểm mẹ. Điểm này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt” nên sinh thời, Hồ Chí Minh đề cập nhiều đến vấn đề đoàn kết. Cụm từ đoàn kết, đại đoàn kết xuất hiện trong tất cả các tập Hồ Chí Minh toàn tập, điều đó nói lên sự quan tâm của Hồ Chí Minh về vấn đề đoàn kết ở mọi điều kiện hoàn cảnh lịch sử, tỏ rõ tầm chiến lược của đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Có 43% bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh đề cập đến vấn đề đoàn kết, đại đoàn kết. Với Hồ Chí Minh, đoàn kết là một phạm trù rộng, có nhiều cấp độ và luôn bắt đầu từ đoàn kết trong Đảng bởi sự đoàn kết trong Đảng đóng vai trò là hạt nhân của khối đại đoàn kết dân tộc và là cơ sở cho việc thực hiện chiến lược đoàn kết quốc tế.
Chăm lo xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết trong Đảng là tư tưởng xuyên suốt, là chủ trương nhất quán của Hồ Chí Minh và lần cuối cùng được kết đọng trong Di chúc. Trong Di chúc có 8 lần Hồ Chí Minh nhắc đến cụm từ đoàn kết nhưng trong một đoạn văn ngắn viết về Đảng Người đã 5 lần sử dụng cụ từ này. Người chỉ ra nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Việt Nam: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đế thắng lợi khác” . Khi đoàn kết là nguyên nhân thắng lợi thì đoàn kết trở thành bài học kinh nghiệm lớn cần phải phát huy. Dù chỉ với một đoạn văn ngắn viết về Đảng, Hồ Chí Minh đã đúc kết cả một hệ thống biện pháp xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết trong Đảng.
Để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết trong Đảng theo Hồ Chí Minh.
Trước hết, phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi đảng viên trong việc bảo vệ và củng cố sự đoàn kết trong Đảng.
Người viết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” . Trong đoạn văn trên ta nhận thấy hai vấn đề. Một mặt, Người nhấn mạnh yêu cầu củng cố và tăng cường đoàn kết trong nội bộ Đảng; mặt khác, Người lường trước nguy cơ chia rẽ trong Đảng nên kiên quyết ngăn chặn, loại bỏ.
Thứ hai, Hồ Chí Minh cho rằng để xây dựng khối đại đoàn kết trong Đảng thì phải “thực hành dân chủ rộng rãi”.
Người luôn đề cao vấn đề dân chủ bởi dân chủ là đặc trưng bản chất của chế độ xã hội mà Người muốn xây dựng. Vấn đề dân chủ trong Đảng, Người cho rằng nếu không có dân chủ thì “nội bộ của Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức, không dám nói ra, do uất ức mà hóa ra oán ghét, chán nản” . Vì vậy, nếu không có dân chủ thì không có đoàn kết thực sự.
Thứ ba, muốn đoàn kết thì phải thường xuyên và nghiêm chỉnh thực hiện công tác tự phê bình và phê bình, bởi trong Đảng “không phải mọi người đều tốt, mọi việc đều hay”.
Tự phê bình và phê bình là biểu hiện sức mạnh nội sinh của một Đảng “có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó... rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó” và đó là cách tốt nhất để “củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.
Thứ tư, trong Di chúc bổ sung năm 1969, Người bổ sung muốn có đoàn kết thật sự thì “phải có đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Sau mấy năm nghiền ngẫm, Người chỉ thêm một lời dặn vào nội dung này, chứng tỏ nó quan trọng đến mức nào. Một câu ngắn gọn nhưng thể hiện rõ chủ nghĩa nhân văn cũng như sự thông tuệ của Người. Sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong Đảng được tạo nên bởi tổ chức mà tổ chức đó là sự kết nối chặt chẽ giữa các đảng viên của Đảng, trong tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, cho nên theo Hồ Chí Minh, “hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin tức là phải sống với nhau đầy tình nghĩa như vậy. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống với nhau không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được” . Tình đồng chí ở đây, ngoài việc tuân thủ những nguyên tắc về tổ chức, Điều lệ và chế độ sinh hoạt Đảng còn cần phải xuất phát từ tấm lòng nhân ái, bao dung của mỗi con người, của tình đồng chí cùng “chia ngọt, sẻ bùi”.
Như vậy, chỉ trong một đoạn văn ngắn về nội dung xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết trong Đảng đã được Người tổng kết, đúc rút và có giá trị trường tồn cho đến nay. Để nâng cao sức mạnh và uy tín của Đảng, bên cạnh củng cố khối đại đoàn kết trong Đảng, còn cần phải nâng cao đạo đức đảng viên.
Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của đạo đức cách mạng, đạo đức cách mạng tạo ra động cơ hành động đúng đắn, tạo ra ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của con người. Bởi làm cách mạng cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, lâu dài, phức tạp, gian khổ. Muốn hoàn thành nhiệm vụ đó không chỉ đòi hỏi năng lực cách mạng mà cần phải có đạo đức cách mạng mới có được lòng trung thành, ý chí chiến đấu, dám xả thân vì sự nghiệp cách mạng.
Từ đó, Hồ Chí Minh coi trọng đạo đức cách mạng là gốc, nền tảng của người cách mạng. Người viết: “cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nước thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” . Là động lực để giúp chúng ta vượt qua mọi hoàn cảnh, Người viết: “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước... khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa” . Trong cuộc sống, công tác và đấu tranh cách mạng không chỉ có thời cơ, thuận lợi, mà còn nhiều khó khăn, thử thách. Lúc đó, nếu không có đạo đức cách mạng, người ta sẽ mềm lòng, nản chí, xuôi tay. Đạo đức cách mạng quyết định sự thành bại của cách mạng nước ta. Đạo đức cách mạng quyết định đến sức mạnh và vai trò lãnh đạo của đảng cầm quyền. Đặc biệt, trong điều kiện Đảng trở thành đảng cầm quyền thì vấn đề đạo đức càng quan trọng vì quyền lực rất dễ dẫn đến sự tha hóa, biến chất của mỗi người. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn trăn trở với ba nguy cơ của đảng cầm quyền, đó là:
+ Sai lầm về đường lối.
+ Suy thoái về đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
+ Những kẻ cơ hội chui vào Đảng để đặc quyền, đặc lợi.
Như vậy, việc cán bộ, đảng viên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng là một yếu tố vô cùng quan trọng để Đảng giữ được niềm tin cậy của dân, khẳng định vững chắc vai trò lãnh đạo của mình.
Để khắc phục được những nguy cơ đó, Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng ta phải “là đạo đức, là văn minh”. Có thể nhận thấy, quan niệm “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, đạo đức là “gốc” trong xây dựng Đảng là một tư tưởng xuyên suốt, nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh cho rằng, Đảng sẽ mất vai trò lãnh đạo và không được nhân dân tín nhiệm nữa nếu Đảng yếu kém, không trong sạch, suy thoái về đạo đức.
Thấu hiểu mọi vấn đề đó trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” . Bốn lần nhấn mạnh chữ “thật” và “thật sự” chỉ trong một đoạn ngắn nói về Đảng, chắc chắn Người đã cân nhắc rất nhiều. Thật có nghĩa là đối lập với giả dối, thật sự là đối lập với qua loa, nửa vời, không đến nơi đến chốn. Thực hiện cho được một chữ thật hay thật sự có khi suốt đời chưa chắc đã làm nổi, trong khi cái giả dối, cái nửa vời lại vẫn thường trở đi trở lại hàng ngày. Điều căn dặn tâm huyết ấy của Người mãi mãi có ý nghĩa đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, đối với công tác xây dựng Đảng. Là một đảng cầm quyền, Đảng phải chịu trách nhiệm về sự hưng thịnh hay suy vong của dân tộc nên Đảng phải thực sự là đạo đức, là văn minh mới có thể lãnh đạo cả dân tộc xây dựng được một xã hội văn minh, đạo đức. Trong đó, đạo đức nhân cách con người là điểm cốt lõi, là yêu cầu hàng đầu trong văn hóa Đảng.
Thực hiện được điều căn dặn tâm huyết ấy của Người là có được vũ khí mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta trong gần 40 năm, xây dựng và chỉnh đốn Đảng là việc làm nhằm đảm bảo cho Đảng ta tồn tại và phát triển nên đây là mối quan tâm thường trực của Người. Hồ Chí Minh đề cập đến vấn đề này liên tục nhất quán. Từ năm 1949, thời điểm cuộc kháng chiến chống Pháp còn rất cam go, để đi đến thắng lợi phải thực hiện rất nhiều phương hướng, nhiệm vụ, trong đó quan trọng là chỉnh đốn nội bộ Đảng. Người nói rõ: “muốn làm được những việc trên, trước hết phải chỉnh đốn nội bộ Đảng” . Khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã có nhiều triển vọng tốt, ta đang chuẩn bị tổng phản công thì tháng 4 năm 1952, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “chỉnh Đảng là việc làm chính mà chúng ta phải làm ngay” . Trong Di chúc khi đề cập đến kế hoạch tái thiết đất nước sau chiến tranh, Người nhấn mạnh: “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi” . “Chỉnh đốn lại Đảng” không có nghĩa là Đảng phạm những sai lầm nào đó cần sữa chữa, khắc phục nhưng cách luận giải của Hồ Chí Minh trong Di chúc “chỉnh đốn Đảng” là nâng cao năng lực lãnh đạo và tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên.
Như vậy, trong Di chúc, Hồ Chí Minh viết rất kỹ về vấn đề đạo đức đảng viên, về trách nhiệm của Đảng trước dân. Như một nhà tiên tri, Người biết trước được sự suy thoái đạo đức cách mạng, chủ nghĩa cá nhân, do đó, Người căn dặn trong bản Di chúc như chứa đựng sự lo âu và cảnh báo.
--------
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.2, tr.289.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.13, tr.119.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.10, tr.589.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.15, tr.621-622.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.15, tr.622.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.15, tr.320-321.
[7] [8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.15, tr.611.
Hồ Chí Minh: Toàn tập , Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.15, tr.668.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.5, tr.292-293.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t.1, tr.466.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.12, tr.510.
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.6, tr.15.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.15, tr.616.
ThS. Nguyễn Văn Hân
Trường Chính trị tỉnh Bình Dương