Bác Hồ với nỗi nhớ quê hương
TTBD - Chảy trong huyết quản dòng máu Lạc Hồng, ai cũng có trong tim hình bóng quê hương xứ sở: một quê hương mang dáng hình chữ S và một quê hương mang dấu ấn tuổi thơ - nơi chôn nhau cắt rốn của mình! Bác Hồ - Lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam ôm trọn trong tim bóng hình quê hương đất Việt, giữ cả ở đó hình bóng mái nhà tranh đơn sơ thủa bé, hàng rào râm bụt của tuổi thơ, mảnh vườn nhỏ với những luống khoai, củ sắn trong vườn và hương sen hòa tan trong gió những ngày hè, phảng phất đâu đó những câu hò xứ Nghệ cùng dòng nước sông Lam ấp ôm chân núi Hồng…
Nỗi nhớ quê nhà: Mảnh đất xứ Nghệ - Nơi Bác đã gắn bó tuổi thơ của mình, là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi đã sinh ra nhiều nhân vật yêu nước nổi tiếng trong lịch sử dân tộc Việt Nam như Mai Thúc Loan, Nguyễn Biểu, Phan Bội Châu... Là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm nên Người đã sớm cảm nhận được độ “nóng” của các phong trào đấu tranh chống Pháp; Người đã thấu hiểu được thế nào là tình yêu quê hương - Nơi chôn nhau cắt rốn. Đó cũng là những điều kiện rất tốt sớm nuôi dưỡng, hun đúc tình cảm và tư tưởng yêu nước, thương nòi của Người và hình thành trong Bác khát vọng cứu nước, cứu dân.
Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước và trong bối cảnh nước mất nhà tan, đất nước bị dày xéo dưới gót giày của thực dân Pháp, các cuộc khởi nghĩa của Nhân dân theo nhiều khuynh hướng khác nhau lần lượt thất bại và bị dìm trong bể máu, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành quyết định ra đi tìm con đường cứu nước mới cho quê hương xứ sở với một nỗi niềm thôi thúc: nước mất phải đi tìm hình cho nước, hồn cho nước. Và với một ham muốn: “Ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Căn nhà nhỏ ở Làng Hoàng Trù (còn gọi là Làng Chùa) - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời (Ảnh: Tư liệu)
Quê hương, hai tiếng thiêng liêng ấy thổn thức trong tim Bác ngay từ ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước và “Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ/ Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương/ Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở/ Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương!”.
Năm 1929, khi ở Thái Lan giúp cán bộ Việt kiều củng cố, phát triển tổ chức Việt kiều yêu nước, có lần Bác ghé vào gia đình Việt kiều làm nghề thợ mộc để ngủ qua đêm. Đêm đó, chị chủ nhà ngâm Kiều ru con, Bác lắng nghe, xúc động nhớ lại thủa nhỏ những đêm hè để xua tan đi cái nóng của xứ Nghệ, mẹ Bác – bà Hoàng Thị Loan thường đặt con lên võng vừa dệt vải, vừa hát ru theo làn điệu xứ Nghệ: “À ơi, con ơi mẹ dặn câu này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ Làm người đói sạch rách thơm /Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền” . Sáng hôm sau lúc đi đường, Bác Hồ nói với người bạn đồng hành:
“Xa nhà chốc mấy mươi niên
Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con”
Chỉ một lời ru con bất chợt bắt gặp trên đất khách cũng đủ làm người thanh niên ấy xúc động hồi tưởng lại quá khứ, nhớ về quê hương, gia đình và càng nuôi dưỡng khát vọng lớn lao đang cháy bỏng trong tim – Khát vọng giải phóng dân tộc và trong 30 năm bôn ba nơi năm châu bốn bể nỗi nhớ ấy vẫn luôn hiện hữu ngày đêm trong tim Bác: “Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa”.
Ngày 28/1/1941 (mồng 2 tết Tân Tỵ), Nguyễn Ái Quốc cùng đoàn cán bộ về nước, khi bước đến bên cột mốc 108 trên biên giới Việt - Trung, địa phận thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng), Người đứng lặng hồi lâu, xúc động vì sau 30 năm xa Tổ quốc Người được đứng ngắm nhìn non sông hùng vĩ của dân tộc – Một chặng đường mới của cách mạng nước nhà được mở ra.
Cùng dân tộc bước vào chặng đường mới, trên hành trình tháo gông xiềng của chế độ thực dân, Bác vẫn giữ trong tim nỗi nhớ về mái nhà tuổi thơ, về quê hương thủa thiếu thời; thế nhưng việc nước chưa tròn việc nhà đành gác lại. Năm 1950 khi nghe tin anh trai Nguyễn Sinh Khiêm mất, Bác không thể về quê chịu tang vì đang lãnh đạo chiến dịch Biên giới đầy căng go và ác liệt. Ngày 11/9/1950, Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc đã điện cho Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu IV, bức điện số 1229, nhờ chuyển cho làng Kim Liên, họ tộc Nguyễn Sinh: “Nghe tin anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Tôi xin chịu tội bất đệ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước” . Bức điện nặng trĩu tâm tư ấy là cả một sự day dứt của tình ruột thịt vì việc nước phải “hy sinh tình nhà”. 4 năm sau – Cuối năm 1954, khi Bác đi Liễu Châu (Trung Quốc) gặp đồng chí Chu Ân Lai – Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Văn phòng Phủ Chủ tịch nhận được công văn từ khu IV gửi ra Hà Nội báo tin chị gái của Bác – Bà Nguyễn Thị Thanh qua đời, hơn nửa tháng sau Bác đi công tác trở về Hà Nội, Bác Hồ xem kỹ công văn đó, đăm chiêu suy nghĩ rồi Bác gấp cẩn thận, cho vào phong bì, xếp vào một góc riêng trong ngăn để sách của Bác, lắng đọng trong đó nỗi niềm xót thương!
Hình ảnh Bác Hồ trong lần về thăm quê lần thứ nhất - 1957 (Ảnh tư liệu)
Và rồi, sau 50 năm rời xa quê hương, ngày 14/6/1957 Bác về thăm quê nhà lần thứ nhất trong niềm háo hức, mong chờ của Nhân dân huyện Nam Đàn nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung:
“Quê hương nghĩa trọng tình cao
Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”
Đối với Bác, ngày hôm ấy đã đánh dấu một mốc lịch sử trong đời, là ngày khép kín vòng tròn 50 năm tạm biệt quê hương, đi vào phương Nam, bôn ba hải ngoại và trở về quê hương từ phương Bắc. Rời quê nhà ở độ tuổi trăng tròn, nay khi đã bước sang tuổi 67 Bác mới có dịp quay về mảnh đất Hoàng Trù. Gặp lại người dân xứ Nghệ, Bác bồi hồi xúc động, bắt tay, vẫy chào bà con. Về thăm quê, Bác không quên lối đi nhỏ vào nhà ngày xưa, Bác càng xúc động khi người dân phục dựng lại nguyên trạng từng đồ vật, từng chi tiết nhỏ đã gắn bó với Bác một thủa ấu thơ. Về thăm ngôi nhà mình đã sinh ra Bác lặng nhìn tất cả kỷ vật của gia đình, những đồ vật thân thuộc một thời gắn bó với tuổi thơ của Bác: khung cửi cũ nơi mẹ Bác vẫn thường ngồi dệt vải, chiếc võng xưa, chiếc rương gỗ nhỏ…đã làm sống lại tuổi thơ trong Bác.… Xúc động, bồi hồi Người rơi lệ! Vẫn giữ cho mình giọng xứ Nghệ nằng nặng, trầm ấm, vang vọng, Bác trải lòng với Nhân dân quê nhà: “Đã lâu về đến quê hương thì thường tình người ta tủi tủi, mừng mừng. Tôi không thấy tủi tủi mà chỉ thấy mừng mừng. Mừng mừng là vì sao? Từ lúc tôi ra đi và bây giờ trở lại thấy nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng có thay đổi rất nhiều. Thay đổi quan trọng nhất là lúc tôi ra đi, nước ta đang còn bị thực dân cai trị, đồng bào ta đều là những người nô lệ, bây giờ trở về thì đồng bào miền Bắc nước ta nói chung, Nghệ An nói riêng, là những công dân tự do làm chủ nước nhà. Đó là thay đổi to nhất…” . Bác đến thăm Nhà máy Điện Vinh vừa mới được khởi công xây dựng, đi giữa ngổn ngang sắt thép, gạch đá, máy móc, Bác đã đến tận nơi ân cần hỏi thăm anh chị em công nhân và chuyên gia Liên Xô đang làm việc… Ước mong của Bác là được tận mắt thấy quê hương đổi mới và phát triển toàn diện về mọi mặt, để Nghệ An tiếp tục góp thêm những thành tựu to lớn trong bản hùng ca của dân tộc Việt vừa đánh giặc vừa xây dựng đất nước.
Bốn năm sau, ngày 8/12/1961, Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai. Trong dịp này, Bác đã nói chuyện với cán bộ và Nhân dân tỉnh nhà tại Vinh, thăm Hoàng Trù và nói chuyện với cán bộ, bà con xã Nam Liên; gặp gỡ cán bộ và công nhân Nhà máy cơ khí Vinh; đồng thời, Người cũng đi thăm và nói chuyện với Nhân dân xã Vĩnh Thành, cán bộ và công nhân nông trường Đông Hiếu… Trong lần về thăm quê thứ hai năm 1961, Người cũng không quên căn dặn bà con những công việc cụ thể, thiết thực. Đặc biệt, Bác luôn dành sự quan tâm đến các cháu thiếu nhi, cuối buổi nói chuyện Bác đã bắt nhịp bài ca “Kết đoàn” cho mọi người cùng hát. Đây cũng là lần cuối cùng Bác trở về thăm quê nhà!
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm ngôi nhà cũ ở quê nội tại làng Sen , xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (tháng 12-1961). (Ảnh: TTXVN)
Tình cảm Người dành cho quê hương còn thể hiện ở những bức thư, những bài nói chuyện gửi cho quê nhà. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1930 đến trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng, Bác Hồ có 9 bài báo, 31 bức thư, 10 bài nói chuyện, 3 bức điện, 2 lần về thăm, 1 lời đề tựa nói đến quê hương Nghệ An hoặc trực tiếp trò chuyện thân tình với nhân dân, cán bộ tỉnh Nghệ An. Trong số đó, Bác dành cho quê hương Nam Đàn, quê hương Kim Liên 5 bức thư, 1 bức điện, 1 bài nói chuyện, 1 bài báo.. Ngoài những bức thư gửi về Nghệ An, Bác còn nhiều bài nói chuyện, bài viết trên báo chí và các bức thư gửi chung cho cả quân, dân Liên khu IV, Bắc Trung Bộ. Trong mỗi bức thư Người đều gửi gắm nhiều tình cảm yêu thương, quan tâm đối với đất và người nơi Bác đã sinh ra, khơi dậy truyền thống hào hùng và khích lệ Nhân dân đoàn kết, phấn đấu xây dựng tỉnh nhà vững mạnh. Và trong mỗi bức thư, Bác thường kết thúc “Chào thân ái và quyết thắng”. Nhân kỷ niệm 34 năm ngày thành lập Đảng (3/2/2964), Bác đã căn dặn: “Cán bộ Đảng viên, đoàn viên thanh niên và toàn thể đồng bào Nghệ Tĩnh cần đoàn kết chặt chẽ, phấn khởi thi đua xây dựng Nghệ An và Hà Tĩnh thành hai tỉnh gương mẫu, xứng đáng là quê hương của Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng”. Đặc biệt, ngày 21/7/1969, trong thư gửi Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh Nghệ An – Bức thư được coi là Di chúc cho quê hương, Bác đã viết: “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”. Bức thư ấy đến nay vẫn nguyên giá trị.
Vào buổi sáng 2/9/1969, trong giây phút cuối cuộc đời khi nằm trên giường bệnh, giờ phút vì quy luật ngặt nghèo của tạo hóa chúng ta không thể níu giữ Bác ở lại bên cạnh lâu hơn nữa. Trong giờ phút ấy, Người đã muốn nghe một câu hò xứ nghệ, câu dân ca ví, giặm đã gắn bó, nuôi dưỡng tâm hồn Người từ lúc lọt lòng, thấm sâu trong tâm trí của người con xứ Nghệ, từ chiếc nôi văn hóa quê hương mặn mà tình nghĩa ấy, Người đã lớn lên, bôn ba tìm đường cứu nước. Dù xa quê hương nhưng tình yêu, nỗi nhớ vẫn luôn thường trực trong sâu thẳm tâm hồn Người và Người đã thanh thản ra đi trong âm hưởng của câu dân ca ngọt ngào, sâu lắng ấy.
Sinh thời, Bác Hồ dành cả cuộc đời mình phục vụ Nhân dân, đất nước, tâm hồn không gợn chút riêng tư đúng như Bác đã nói: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân Dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.( )Trước lúc từ biệt thế giới này Người chỉ có một ước nguyện: Mang theo âm hưởng của câu hát dân ca xứ Nghệ vào cõi bất tử bởi nỗi nhớ làng Sen từ thủa ấu thơ, làng Sen day dứt trong tim Bác.
Mong muốn dung dị ấy của Bác đã để lại cho các thế hệ mai sau bài học sâu sắc mà thấm thía, rằng: Tất cả mọi tình cảm vĩ đại trước hết được bắt nguồn từ tình yêu quê hương tha thiết.
Quê hương làm theo lời Bác: Thực hiện lời Bác dặn, Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An đã và đang nỗ lực vượt khó, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Và để tưởng nhớ công lao to lớn của Bác và gia đình đối với quê hương, đất nước, đền thờ Trung Sơn – Nơi thờ tự tôn nghiêm đầu tiên các cụ thân sinh và anh chị em trong gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh tọa lạc phía Nam núi Trung, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn đã được khánh thành ngày 16 tháng 5 năm 2020 nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác.
Ôm trọn trong tim hình bóng dân tộc, Bác dành ở đó một phần cho quê hương nhỏ bé, thương nếp nhà xưa, thương đất mẹ nghèo, đi suốt cuộc đời Bác vẫn nhớ tới nơi mình đã sinh ra, Bác nhớ quê hương, quê hương nhớ Bác.
Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Mai -Trường Chính trị Bình Dương; ThS. Hoàng Thị Nguyệt – Trường Cao đẳng xây dựng TP.HCM
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, tập 6, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011;
2. Quê hương trong lòng Bác, Khu Di tích Kim Liên, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995;
3. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia: Bác Hồ viết Tài liệu tuyệt đối bí mật, H. 2012;
4. https://www.thivien.net/Chế-Lan-Viên/Người-đi-tìm-hình-của-nước;
5.https://www.moha.gov.vn/nghi-quyet-tw4/guong-dien-hinh-tien-tien/nghe-an-phan-dau-xay-dung-que-huong-theo-loi-Bác.