Dấu ấn trong phong cách tư duy của Lãnh Tụ Hồ Chí Minh
TTBD - Người phương Tây có câu “phong cách chính là con người”, con người ở đây hiểu theo cách nói của C.Mác “trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”, nghĩa là khi xem xét bản chất của con người phải có cách nhìn toàn diện và biện chứng, phải xem xét trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đa dạng và phong phú mà người đó tham gia, để đánh giá phong cách của một con người cũng phải làm như vậy.
Bác Hồ bên bàn làm việc trong khu phủ Chủ tịch. Ảnh: Tư liệu
Từ điển Tiếng Việt thì định nghĩa: phong cách là cung cách sinh hoạt, làm việc, hoạt động, xử sự tạo nên cái riêng của một người hay một lớp người nào đó.
Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (1981) trở về trước, Đảng ta thường dùng khái niệm “tác phong” để nói về “tác phong Hồ Chủ tịch”. Hai chữ “tác phong” có hàm nghĩa hơi hẹp, mới chỉ nói lên được một mặt là phong cách làm việc, phong cách công tác, tuy ai cũng hiểu rằng ngoài công tác, phong cách của Bác còn biểu hiện ra ở nhiều lĩnh vực hoạt động khác nữa. Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986), hai chữ “tác phong” được thay bằng khái niệm “phong cách” trong cụm từ “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để có thể nói về những đặc trưng đa dạng, phong phú khác trong hoạt động của Người.
Nói phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những đặc trưng giá trị, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, gắn liền với nhân cách, trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng của Hồ Chí Minh, với tư cách là một vĩ nhân, một nhà văn hóa kiệt xuất. Đó là một phong cách vừa dân tộc vừa hiện đại, vừa khoa học vừa cách mạng, vừa cao cả vừa thiết thực. Với phong cách của Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu người Nga Hélène Tourmaire đã từng đánh giá: “Hồ Chí Minh là hình ảnh sự khôn ngoan của Phật, lòng nhân từ của Chúa, tinh thần nhiệt tình cách mạng của Lênin, sự ung dung của một người chủ gia tộc… Tất cả được kết hợp trong một dáng dấp tự nhiên”. Ở Người, có lúc ta thấy hình ảnh của ông đồ xứ Nghệ, có khi là hình ảnh của một vị chủ tịch nước, có lúc lại là một trí thức tây học. Ở Người có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây, giữa truyền thống và hiện đại tạo nên phong cách rất riêng mang tên phong cách Hồ Chí Minh.
Một trong những nội dung tạo nên điều nổi bật trong phong cách của Hồ Chí Minh đó là phong cách tư duy.
Thứ nhất, phong cách tư duy của Bác thể hiện tính độc lập, tự chủ, sáng tạo.
Độc lập: là không lệ thuộc, không phụ thuộc, không bắt chước, không theo đuôi. Tự chủ: là tự mình làm chủ suy nghĩ của mình, làm chủ bản thân và công việc của mình, tự mình thấy trách nhiệm trước đất nước, trước dân tộc, trước Nhân Dân. Sáng tạo: là sẵn sàng từ bỏ những cái cũ xấu xa, lạc hậu, lỗi thời. Thậm chí, bỏ những cái trước đây đã đúng một thời nhưng nay không còn phù hợp nữa, tìm tòi cái mới phù hợp với quy luật khách quan, trả lời được những câu hỏi của thực tiễn đặt ra. Cái mới đôi khi không hoàn toàn phủ định những giá trị của cái cũ, nhưng nó vượt lên cái cũ, bổ sung thêm giá trị mới cho cái cũ.
Đây là đặc trưng nổi bật, bao trùm nhất, điển hình cho phong cách tư duy Hồ Chí Minh. Đặc trưng này được thể hiện ngay khi Người còn ngồi trên ghế nhà trường, cho đến sự lựa chọn con đường cứu nước, trong việc xác định kẻ thù chính của dân tộc mình và cả quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau này. Chính nét đặc sắc này đã làm cho phong cách tư duy của Người vừa mang tính dân tộc, vừa có tính thời đại, vừa có giá trị phổ biến bền vững, vừa có tính độc đáo rất riêng.
Phong cách tư duy độc đáo này đã được Bác thể hiện từ rất sớm trong việc chọn con đường ra đi để tìm đường cứu nước, khác hẳn về hướng đi, cách đi và mục đích đi so với các bậc tiền bối. Về hướng đi: nếu các bậc tiền bối hướng sang phương Đông (Nhật, Trung Quốc…) thì Bác hướng sang phương Tây và nước đầu tiên Người chọn là Pháp. Tại sao Bác lại chọn Pháp? Bởi vì, Pháp lúc này là trung tâm của châu Âu và là nước đang thống trị chúng ta, vì vậy muốn đánh Pháp thì phải hiểu Pháp trước đã. Điểm này thể hiện sự sáng tạo trong hướng đi. Sự sáng tạo của Bác còn là ở cách đi: nếu như các bậc tiền bối đưa người sang phương Đông bằng tiền quyên góp của các hào phú yêu nước, từ sự viện trợ; thì Bác ra đi bằng đôi bàn tay trắng, tự lao động, tự kiếm tiền để sống và để đi, cách đi ấy thể hiện sự tự chủ (trước hết là tự chủ về tài chính). Về mục đích đi: nếu như các bậc tiền bối muốn dựa vào các thế lực bên ngoài để giành độc lập cho dân tộc thì Bác đã xác định mục đích ra đi tìm đường cứu nước hoàn toàn khác: tìm một con đường cứu nước mới để dân tộc Việt Nam được hưởng độc lập thật sự trong đó chủ yếu phải là “đem sức ta mà giải phóng cho ta”.
- Thứ hai, mọi suy nghĩ đều xuất phát từ thực tiễn.(phong cách tư duy thể hiện tính khoa học, cách mạng và hiện đại)
Như trên đã phân tích, tư duy Hồ Chí Minh là tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo. Nhưng sáng tạo trong tư duy Hồ Chí Minh là sáng tạo trên nền thực tiễn Việt Nam. Cùng với tính sáng tạo thì tư duy của Người luôn gắn với thực tiễn đất nước và thời đại. Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn mà Người đưa ra những luận điểm đúng đắn nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Do đó, có thể thấy phong cách tư duy Hồ Chí Minh là một điển hình cho sự vận dụng phép biện chứng duy vật, quan điểm lấy thực tiễn là cơ sở, điểm xuất phát của quá trình nhận thức chân lý. Điều này thể hiện rất rõ trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.
Ví như, khi xác định động lực của cách mạng (động lực là cái giúp cho cuộc cách mạng tồn tại và phát triển), chủ nghĩa Mác đưa ra quan niệm đấu tranh giai cấp là một trong những động lực cơ bản để phát triển xã hội trong điều kiện xã hội còn tồn tại mâu thuẫn giai cấp. Tại sao Mác lại đưa ra quan điểm này? Bởi vì, trong thời của Mác các cuộc cách mạng tư sản đã thành công, sau đó các quốc gia tư sản được thành lập và trong các quốc gia tư bản đó mâu thuẫn giai cấp là mâu thuẫn chủ yếu: mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản. Vì vậy xã hội tư bản muốn phát triển phải giải quyết mâu thuẫn này. Nguyễn Ái Quốc khi gặp chủ nghĩa Mác – Lênin đã khẳng định “đây là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi”, nhưng Người không nói đấu tranh giai cấp là động lực cơ bản mà Người đưa ra mệnh đề: chủ nghĩa dân tộc còn là một động lực lớn ở các nước đang đấu tranh giành độc lập dân tộc, nghĩa là muốn cứu nước và giải phóng dân tộc cần phát huy động lực này. Điều này xuất phát từ việc phân tích thực tiễn xã hội phương Đông nói chung, xã hội Việt Nam nói riêng, khi thực dân Pháp xâm lược và thống trị nước ta, trong nước tồn tại 2 mâu thuẫn cơ bản: mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp, trong đó mâu thuẫn dân tộc là cơ bản nhất, chủ yếu nhất, cần phải giải quyết trước hết và trên hết. Điều này thể hiện việc lấy thực tiễn phương Đông để phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác. Và thực tiễn việc dương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Nhân Dân ở Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn.
Thứ ba, phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình.
Thể hiện rõ nhất trong phong cách tư duy này ở Hồ Chí Minh là luôn xuất phát từ cái chung, cái nhân loại, từ những chân lý phổ biến, những “lẽ phải không ai chối cãi được” để nhận thức và giải thích những vấn đề của thực tiễn. Để đàm phán, thuyết phục đối phương đi đến đồng thuận.
Chúng ta thấy mở đầu “Bản Tuyên Ngôn Độc Lập” Người đã trích dẫn những câu nói nổi tiếng trong hai bản Tuyên ngôn của Mỹ và của Pháp: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”( ). Từ quyền bình đẳng của mọi người Bác đã suy rộng ra thành quyền bình đẳng của các dân tộc. Cách suy luận ấy vừa thể hiện tư duy uyển chuyển, vừa có lý có tình, vừa gắn tình cảm cách mạng với tri thức khoa học.
Như vậy, phong cách tư duy Hồ Chí Minh thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo; tư duy xuất phát từ thực tiễn đất nước và trong cách tư duy bao giờ cũng có sự kết hợp giữa tình cảm với tri thức khoa học.
Tác giả: Th.s Nguyễn Thị Mai - Giảng viên khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị Bình Dương