Hồ Chí Minh - Người thiết kế một nhà nước Việt Nam kiểu mới
TTBD - Không đi theo con đường cứu nước của các bậc tiền bối yêu nước đầu thế kỉ XX, Nguyễn Tất Thành /Nguyễn Ái Quốc đã dấn thân tìm con đường cứu nước mới và lãnh đạo công cuộc giành độc lập dân tộc thành công. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người kiến tạo nhà nước Việt Nam dân chủ nhân dân theo thể chế cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á.
Tìm đường cứu nước
Năm 1911, khi 21 tuổi, Nguyễn Tất Thành bắt đầu dấn thân tìm một con đường cứu nước mới. Khác với các vị tiền bối Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... theo “tân thư, tân văn”, Đông Du sang Nhật Bản để trở về Duy Tân, Nguyễn Tất Thành sang Pháp, các nước Âu - Mỹ, “quê hương” của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa thực dân. Tại đó, Nguyễn Tất Thành tìm hiểu về chủ nghĩa đế quốc, thực dân, về nhà nước, cơ sở chính trị, kinh tế - xã hội... của nó để tìm lời giải cho câu hỏi vì sao họ giàu, mạnh, đô hộ nước khác và dần hình thành tư tưởng về một nhà nước tương lai cho đất nước mình.
Nguyễn ÁI Quốc tại Đại hội Tours năm 1920. Ảnh tư liệu
Năm 1919, ký tên chung là Nguyễn Ái Quốc, anh cùng với Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường viết và trao tận tay Tổng thống Pháp bản Yêu sách của nhân dân An Nam; tham gia đảng Xã hội Pháp, trở thành sáng lập viên Đảng Cộng sản Pháp, Hội Liên hiệp các thuộc địa..., ra báo Người cùng khổ, viết sách Bản án chế độ thực dân Pháp...
Nhưng từ năm 1920, sau khi đọc Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê Nin, Nguyễn Tất Thành/ Nguyễn Ái Quốc đã chọn chủ nghĩa cộng sản và đi theo con đường của Lê Nin. Nhưng đích đến của Người vẫn là dân tộc Việt Nam, là độc lập cho nước, tự do cho dân. Người mong muốn và phấn đấu xây dựng một nhà nước kiểu mới, của dân, do dân và vì dân... Quá trình đó, cho đến tháng 8/1945, nắm bắt thời cơ quốc tế và trong nước thuận lợi, Nguyễn Ái Quốc với tên gọi mới là Hồ Chí Minh đã chỉ huy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc thắng lợi.
Tổng tuyển cử bầu Quốc hội
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập và ra Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945.
Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu thực hành xây dựng nhà nước pháp quyền, dân chủ nhân dân theo mô hình cộng hòa mà ông đã nghiên cứu và thiết kế từ trước. Quốc hội - thiết chế chính trị - pháp lý nền tảng của quốc gia/nhà nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ưu tiên quan tâm thúc đẩy thiết lập thông qua Tổng Tuyển cử (ngay từ khi chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, ngày 16/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập Đại hội đại quốc dân/Quốc dân Đại hội Tân Trào, có hơn 60 đại biểu của 3 miền Bắc - Trung - Nam, bầu Ủy ban Dân tộc giải phóng, quy định Quốc kỳ, quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và nhiều vấn đề quan trọng khác. Có ý kiến nhận định Đại hội đại quốc dân có ý nghĩa như một Quốc hội lâm thời để chính danh xóa bỏ chính quyền cũ, xây dựng chính quyền mới sau khi cách mạng thành công).
Nhân dân Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I. Ảnh tư liệu
Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai, gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống…”.
Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời ra Sắc lệnh số 14-SL về Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Tiếp đó, ngày 26/9/1945, Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 39-SL về thành lập Ủy ban Dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 51-SL ngày 17/10/1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 71-SL ngày 2/12/1945 bổ khuyết Điều 11, Chương V của Sắc lệnh số 51 nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người ứng cử.
Trong bối cảnh phải cùng lúc đối phó với 3 thứ giặc (ngoại xâm, đói và dốt), việc khẩn trương tổ chức Tổng tuyển cử là một cuộc vận động/đấu tranh chính trị/ giai cấp/dân tộc vô cùng gay go, phức tạp và quyết liệt mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đứng mũi chịu sào. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng tuyển cử “là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà...”; Để bầu ra Quốc hội là tổ chức duy nhất đủ thẩm quyền ban hành một Hiến pháp – nền tảng pháp lý cần thiết cho nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới được xây dựng.
Dự kiến là ngày 23/12/1945, nhưng để tránh khủng hoảng chính trị giữa các đảng phái và có thêm thời gian cho công tác chuẩn bị, nhất là để các ứng cử viên có điều kiện nộp đơn và vận động tranh cử, ngày 18/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày 6/1/1946. Qua đàm phán, Việt Quốc (Việt Nam Quốc dân đảng) đã thỏa thuận hợp tác và ủng hộ cuộc Tổng tuyển cử. Trên cơ sở đó, ngày 24/12/1945, đại biểu của Việt Minh, Việt Quốc, Việt Cách (Việt Nam Cách mạng đồng minh hội) đã gặp nhau và cùng ký bản “Biện pháp đoàn kết”, trong đó có điều khoản ủng hộ Tổng tuyển cử và kháng chiến, nhất trí về việc mở rộng Chính phủ lâm thời có đại diện của Việt Quốc, Việt Cách tham gia, thừa nhận 70 ghế cho họ trong Quốc hội mà không qua bầu cử.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên của Chính phủ tuyên thệ nhậm chức tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I (2/3/1946). Ảnh tư liệu
Hướng đến mục tiêu lớn là Tổng tuyển cử thành công tốt đẹp, ngày 1/1/1946, Chính phủ lâm thời đã cải tổ thành Chính phủ liên hiệp lâm thời, mở rộng thêm thành phần Chính phủ cho các đảng phái mặc dù trước đó do lệnh hoãn không đến kịp nên vẫn tiến hành như kế hoạch đã định trước ngày 23/12/1945, ở một số tỉnh phía Nam. Đó không chỉ là giải pháp “kỹ thuật” mà còn thể hiện tầm tư duy chính trị lão luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chậm nửa tháng nhưng tạo sự ổn định cần thiết để đảm bảo Tổng tuyển cử được tiến hành thuận lợi.
Cuộc Tổng tuyển cử thành công tốt đẹp; Đã bầu được 333 đại biểu, trong đó Việt Minh chiếm 120 vị, đảng Dân chủ Việt Nam 46 vị, đảng Xã hội Việt Nam 24 vị, và 143 vị không đảng phái, có 10 vị nữ; 34 vị dân tộc thiểu số; 87% là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng. Hai đảng đối lập Việt Quốc, Việt Cách không tham gia tranh cử, nhưng được đặc cách thêm 70 ghế trong Quốc hội. Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I đã bầu Ban Thường trực do cụ Nguyễn Văn Tố là Trưởng ban; Trao cho Chủ tịch Hồ Chí Minh quyền thành lập Chính phủ mới; và bầu ra Ban Dự thảo Hiến pháp gồm 11 người.
Đến đây, cơ bản một nhà nước Việt Nam kiểu mới đã được thiết lập theo đúng tinh thần Hồ Chí Minh.
Xây dựng Hiến pháp
Một điều cần nói là đồng thời với quá trình chuẩn bị tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tích cực chuẩn bị Dự thảo Hiến pháp. Ngày 20/9/1945, Người ký Sắc lệnh số 34/SL thành lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp của Chính phủ gồm 7 người: Hồ Chí Minh (Trưởng ban), Vĩnh Thụy/Bảo Đại, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu/Trường Chinh. Dự thảo Hiến pháp sau một thời gian chuẩn bị đã được Hội đồng Chính phủ thảo luận, bổ sung và công bố trên báo chí vào tháng 11/1945 để toàn dân tham gia góp ý kiến.
Đồng thời với dự thảo của Ủy ban Dự thảo Hiến pháp của Chính phủ thì Ủy ban Kiến thiết quốc gia (được thành lập tháng 10/1945 gồm những nhân sĩ, trí thức danh tiếng như Phan Anh, Trần Văn Chương, Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Xiển, Đặng Thai Mai, Ngụy Như Kon Tum) cũng soạn thảo một bản Dự thảo Hiến pháp đệ trình Chính phủ. Tiếp đó, Tiểu ban Hiến pháp của Quốc hội đã nghiên cứu cả 2 Dự thảo và “tập hợp những kiến nghị phong phú của toàn dân và tham khảo kinh nghiệm về Hiến pháp của các nước Âu- Á” để đưa ra một bản Dự thảo Hiến pháp để trình Quốc hội.
Hồ Chủ tịch bỏ phiếu bầu cử các thành viên lãnh đạo Nhà nước và Quốc hội. Ảnh tư liệu: TTXVN
Trong phiên họp ngày 29/10/1946, Tiểu ban Hiến pháp của Quốc hội được mở rộng thêm 10 vị đại biểu cho các nhóm, đại biểu trung lập, đại biểu Nam Bộ, đại biểu đồng bào dân tộc thiểu số để tham gia tu bổ thêm bản dự án và Quốc hội bắt đầu thảo luận từ ngày 2/11/1946. Sau nhiều thảo luận, tranh luận và bổ sung, sửa đổi, ngày 9/11/1946, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I đã thông qua toàn văn Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Hiến pháp Việt Nam dân chủ cộng hòa 1946 thể hiện sâu sắc tinh thần dân tộc, dân chủ, nhân văn và các giá trị pháp lý văn minh, tiến bộ, phổ quát của thế giới và thời đại; mang đậm dấu ấn tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh là kiến trúc sư của công trình pháp lý kỳ vĩ này.
Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Hiến pháp 1946 là thành quả đấu tranh bền bỉ, quyết liệt của toàn thể người dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; là nền tảng chính trị, pháp lý cơ bản nhất của quốc gia dân tộc Việt Nam trong hành trình 75 năm qua và cả tiến trình phát triển trong tương lai.
Nguồn: Báo Nghệ An - Tác giả: Nguyên Thanh
_________________
(Các trích dẫn trong bài từ Hồ Chí Minh toàn tập; tập 4; NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật; HN 2011).