Diễn đàn trực tuyến hoạt động ứng dụng, chuyển giao mô hình nông nghiệp công nghệ cao – nông nghiệp đô thị; trang bị kiến thức cho đoàn viên, thanh niên
TTBD - Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, Ban Thư ký Hội LHTN Việt Nam Tỉnh tổ chức diễn đàn trực tuyến hoạt động ứng dụng, chuyển giao mô hình nông nghiệp công nghệ cao – nông nghiệp đô thị; trang bị kiến thức cho đoàn viên, thanh niên chương trình mỗi xã một sản phẩm – ocop năm 2021.
Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm của thanh niên đáp ứng Chương trình mỗi xã một sản phẩm, hỗ trợ thành lập, duy trì các tổ hợp tác, hợp tác xã, các Câu lạc bộ, doanh nghiệp trẻ; phát huy vai trò xung kích của Thanh niên nông thôn trong phát triển kinh tế, tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Chiều ngày 30/9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, Ban Thư ký Hội LHTN Việt Nam Tỉnh tổ chức diễn đàn trực tuyến hoạt động ứng dụng, chuyển giao mô hình nông nghiệp công nghệ cao – nông nghiệp đô thị; trang bị kiến thức cho đoàn viên, thanh niên chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP năm 2021. Diễn đàn được tổ chức trực tuyến trên Fanpage Tuổi trẻ Bình Dương, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Bình Dương thu hút hơn 6.000 lượt chia sẻ, theo dõi.
Tham dự Diễn đàn có các khách mời là các chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp: Bà Bùi Thị Hương Thảo – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao – Sở Nông nghiệp tỉnh Bình Dương; Ông Văng Phước Hậu – Phó Chi Cục Trưởng Chi cục phát triển Nông thôn tỉnh Bình Dương. Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan – Cán bộ Đoàn xã Minh Hòa, Huyện Dầu Tiếng, gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh Bình Dương.
Quang cảnh diễn đàn
Tham gia diễn đàn, các bạn đoàn viên, thanh niên trên toàn tỉnh đã được tiếp cận 02 chuyên đề chính: Các hoạt động ứng dụng, chuyển giao mô hình nông nghiệp Công nghệ cao – Nông nghiệp đô thị; Trang bị kiến thức cho đoàn viên thanh niên về Chuỗi chương trình Mỗi xã một sản phẩm – OCOP; xoay quanh nội dung: Giới thiệu về chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến phát triển kinh tế; Khái quát các mô hình phát triển kinh tế mới, cách làm hay, hiệu quả trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật; Giới thiệu tổng thể về nội dung Nông nghiệp đô thị trong thời đại 4.0; Hướng dẫn quy trình xây dựng mô hình hợp tác xã thanh niên; Giới thiệu tổng thể về Chương trình OCOP; hướng dẫn về lập hồ sơ và hoàn thiện các điều kiện cần thiết cho chủ thể OCOP; Trao đổi kinh nghiệm hướng dẫn xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các tổ hợp tác, hợp tác xã; Trao đổi một số công nghệ Trồng trọt, chăn nuôi mới của thế giới đang được chuyển giao ở Việt Nam.
Chuyên gia Bùi Thị Hương Thảo – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao – Sở Nông nghiệp tỉnh Bình Dương chia sẻ kinh nghiệm
Chuyên gia Bùi Thị Hương Thảo – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao – Sở Nông nghiệp tỉnh Bình Dương chia sẻ “Nông nghiệp là ngành sử dụng nhiều tài nguyên đất nhất so với các ngành kinh tế khác (77%). Đóng góp 3,08% GRDP toàn tỉnh và 21,3% kim ngạch xuất khẩu trong giai đoạn 2018-2020. Sản xuất nông nghiệp giải quyết việc làm và đem lại thu nhập cho 8,17% lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 30% dân số toàn tỉnh. Nông nghiệp đô thị bước đầu hình thành ở các thành phố, thị xã phía Nam góp phần giải quyết một phần nhu cầu tiêu thụ rau quả sạch, tạo mảng xanh, cảnh quan và tận dụng thời gian nhàn rỗi của một bộ phận dân cư đô thị của tỉnh. Một số mô hình nông nghiệp đô thị hiện nay: Mô hình trồng rau nhà lưới, mô hình trồng rau thủy canh không hồi lưu, mô hình thủy canh hồi lưu, mô hình trồng trồng rau thủy canh có đèn led, mô hình AQUAPONISC…. Lời chia sẻ dành cho các bạn ĐVTN đang có định hướng khởi nghiệp từ ngành nông nghiệp: Tư duy, nghiêm túc và tin tưởng vào lĩnh vực mình đang quan tâm, nông nghiệp rất gần gủi, không khó nhưng cần tự chuyên tâm, cần cù; Nhắc lại câu nói: nếu cho tôi 6 giờ để đốn 1 cái cây, tôi sẽ dành 4 giờ để mài cái rìu (Có nghĩa là thiết lập một phương án kinh doanh chặt chẽ, sát thực và khả thi nhất quyết định lớn đến thành công của phương án). Trong phương án cũng phải tiên lượng đầy đủ các rủi ro của ngành nông nghiệp (thiên tai, thời tiết, dịch bệnh, thị trường…)”.
Chuyên gia Văng Phước Hậu – Phó Chi Cục Trưởng Chi cục phát triển Nông thôn tỉnh Bình Dương chia sẻ kinh nghiệm.
Chuyên gia Văng Phước Hậu – Phó Chi Cục Trưởng Chi cục phát triển Nông thôn tỉnh Bình Dương chia sẻ “ vái trò và y nghĩa của chương trình OCOP: Khuyến khích khai thác tiềm năng về đất đai, sản vật, lợi thế so sánh của các địa phương, đặc biệt là các giá trị truyền thống để nâng cao giá trị hàng hóa làm tăng thu nhập; Phát triển kinh tế nông thôn theo hướng mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, nhất là chú trọng phát triển các nghề, làng nghề truyền thống; Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững… từ khi UBND tỉnh phê duyệt Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018- 2020, định hướng đến năm 2025 tại Quyết định số 1166/QĐ-UBND ngày 29/4/2020; đến cuối năm 2020 có 4/9 huyện thị thành phố có hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Hiện đến đầu tháng 7/2021 Hội đồng OCOP cấp tỉnh đã tổ chức đánh giá và hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh quyết định công nhận 08 sản phẩm 4 sao, 20 sản phẩm 3 sao”
Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan - Cán bộ Đoàn xã Minh Hòa, Huyện Dầu Tiếng, gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh Bình Dương chia sẻ kinh nghiệm
Bên cạnh đó, tham dự diễn đàn có sự góp mặt của chị Nguyễn Thị Ngọc Lan - Cán bộ Đoàn xã Minh Hòa, Huyện Dầu Tiếng, gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh Bình Dương với mô hình chăn nuôi gà lấy giống, lấy thịt, kết hợp nuôi heo rừng và vịt xiêm, bạn đã chia sẻ những khó khăn trong bước đầu khởi nghiệp, lập nghiệp, tuy nhiên với lòng yêu nghề, sự đam mê bạn đã nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi các phương pháp chăm sóc, chăn nuôi tiên tiến, nên hiện tại bạn đã nuôi khoảng 3.000 con gà đang lấy thịt, 1.500 con gà từ 1 ngày tuổi đến 1 tháng tuổi, nhân rộng nuôi thêm 200 con vịt xiêm và 50 con heo rừng lai với quy mô lên tới 7 trại gà, 01 trại heo và 01 trại vịt xiêm, tổng thu nhập hơn 800 triệu đồng/năm.
Các bạn đoàn viên thanh niên trên toàn tỉnh theo theo dõi và tham gia chương trình
Diễn đàn đã tạo cơ hội cho các bạn đoàn viên thanh niên được gặp gỡ, giao lưu học hỏi kinh nghiệm giữa các chuyên gia đầu ngành, từ đó giúp các bạn hiểu sâu hơn về các kiến thức liên quan đến các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng như tổng quan hơn về chương trình OCOP, từ đó có định hướng đúng cho công tác lập thân, lập nghiệp, hướng đến sự phát triển kinh tế của quê hương.
CTV Anh Thư (MT)