Tuổi trẻ Bình Dương: Triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP năm 2021
TTBD-Ngày 01/10/2021 và 02/10/2021, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tổ chức tập huấn trang bị kiến thức cho đoàn viên thanh niên và triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP năm 2021 tại 03 xã Minh Thạnh, Định An (Huyện Dầu Tiếng) và xã An Bình (Huyện Phú Giáo).
Tham dự chương trình có các đồng chí là đại diện Ban Thường vụ các Huyện, Thị, Thành Đoàn; cán bộ các ban chuyên môn của tỉnh, huyện, thị thành đoàn trực tiếp tham mưu công tác hỗ trợ thanh niên làm kinh tế; Bí thư, Phó Bí thư Đoàn cơ sở, chi đoàn cơ sở cùng với các thành viên tổ hợp tác thanh niên; đoàn viên, thanh niên, thanh niên dân tộc thiêu số, tín đồ tôn giáo đang làm kinh tế và có ý định khởi nghiệp.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây được coi là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Triển khai chương trình OCOP tại xã Minh Hòa – Huyện Dầu Tiếng
Triển khai chương trình OCOP tại xã Định An – Huyện Dầu Tiếng
Triển khai chương trình OCOP tại xã An Bình - Huyện Phú Giáo
Tại chương trình, các đoàn viên thanh niên được các báo cáo viên, chuyên gia đầu ngành kinh tế thông tin về các nội dung: Giới thiệu chung về Chương trình OCOP, hướng dẫn về lập hồ sơ và hoàn thiện các điều kiện cần thiết cho chủ thể OCOP; Giới thiệu về chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến phát triển kinh tế, các chính sách về thuế, pháp lý, xây dựng mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã… Hướng dẫn quy trình xây dựng mô hình Hợp tác xã thanh niên; Hướng dẫn các chương trình vay vốn; Giới thiệu một số mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng và năng suất phù hợp với Việt Nam.
Chương trình OCOP không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về phát triển sản xuất mà còn có ý nghĩa trong giải quyết nhiều vấn đề quan trọng ở nông thôn như giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, môi trường, phát huy trí tuệ sáng tạo của người dân, hình thành các tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương thông qua các chương trình phát triển ngành nghề nông thôn, nâng cao giá trị sản phẩm, hàng hóa và kiến thức tiếp cận thị trường,...
CTV Anh Thư (MT)