Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch và định hướng giải pháp đấu tranh của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay
TTBD - V.I.Lênin đã từng khẳng định: Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng và “chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong” . Với bản chất khoa học và cách mạng của mình, kể từ khi ra đời cho đến nay, chủ nghĩa Mác – Lênin đã trở thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho giai cấp vô sản và những người cộng sản trên thế giới. Đảng ta, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI cũng lại một lần nữa khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động” .
I. Đặt vấn đề
Đảng Cộng sản Việt Nam, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng đã luôn nhấn mạnh vị trí, vai trò của công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, coi đó là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Chính vì vậy, ngày 22-/10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Ðó là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, trong đó các cơ quan báo chí tuyên truyền các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị – xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu…
II. Nội dung
1. Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch.
a. Nhận thức về quan điểm sai, trái, thù địch.
Quan điểm sai trái là sự nhìn nhận lệnh lạc, phiến diện, không đúng với sự thật; xa lạ, đi ngược, đi chệnh với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Quan điểm thù địch là các quan điểm sai trái được nâng lên thành lý luận, quan điểm để kích động chống Đảng, chống chế độ.
b. Các cấp độ của quan điểm sai trái, thù địch.
- Cấp độ cao nhất, nguy hiểm nhất.
Phủ định sạch trơn toàn bộ nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Quan điểm này cho rằng không có chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định những điều này trong Cương lĩnh của Đảng là ảo tưởng.
- Cấp độ trung bình.
Phủ định một phần, chấp nhận một phần nào đó chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Cấp độ thấp.
Cơ bản tán đồng chủ trương, Nghị quyết của Đảng nhưng khi diễn đạt trên diễn đàn lại phủ định, nhất là phủ định các thành tựu; lồng ghép ý kiến chủ quan của cá nhân vào, đặc biệt là các ý kiến phê phán, phản bác, gây phân tâm, nghi ngờ cho người nghe hoặc nói thì tán đồng Nghị quyết, nhưng trong thực hành thì làm ngược lại…
c. Đặc điểm của quan điểm sai trái, thù địch.
Quan điểm sai trái, thù địch thường có các đặc điểm như sau:
Thứ nhất, thể hiện cách nhìn phiến diện, một chiều, bị chệnh hoặc đi ngược lại với nhận thức chung, với quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ hai, con đường hình thành có thể do ngộ nhận, cũng có thể là sự chuyển biến về tư tưởng một cách tức thì, nhanh chóng do một vấn đề nào đó mới phát sinh tác động đến tư tưởng, tình cảm, hoặc là kết quả của quá trình tư duy lệch lạc, bức xúc cá nhân trong thời gian dài.
Thứ ba, có sự ảnh hưởng, tác động khác nhau. Nếu là quan điểm sai trái thì chỉ dừng ở mức độ cá nhân, nhỏ. Nhưng nếu cá nhân tìm cách truyền bá rộng rãi các quan điểm sai trái đó để tạo thành quan điểm thù địch với Đảng, Nhà nước thì mức độ ảnh hưởng là rất lớn.
d. Các dạng quan điểm sai trái, thù địch.
Một là, phủ nhận các luận điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Để bác bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong và ngoài nước tung ra các luận điệu sau:
- Chủ nghĩa Mác – Lênin đến nay đã lỗi thời. Họ cho rằng, cứ xem là chủ nghĩa Mác – Lênin đúng, nhưng chỉ đúng ở thời điểm cách đây hơn 100 năm, chỉ phù hợp với một chừng mực nào đó với trình độ lực lượng sản xuất và văn hóa của nước Nga, không phù hợp với thế kỷ XXI. Đây cũng là học thuyết ngoại lai, bắt nguồn từ phương Tây nên không phù hợp với Việt Nam.
- Phủ định các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin. Họ cho rằng, học thuyết về hình thái kinh tế – xã hội của C.Mác là sai lầm, lỗi thời, là một lý thuyết về chủ nghĩa xã hội không tưởng, không bao giờ thực hiện được; sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu, Liên Xô là một tất yếu, được dự báo trước. Họ cũng cho rằng, học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác đã lỗi thời, chủ nghĩa tư bản hiện đại đã thay đổi bản chất, không còn là chế độ bóc lột nữa…
- Nghi ngờ, bác bỏ thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Họ cho rằng, Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là trái với tự nhiên và quy luật khách quan, là duy ý chí. Từ đó, việc xác định thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là phi thực tế, cần phải bị xóa bỏ.
- Phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh, tìm cách hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh. Họ cho rằng, Hồ Chí Minh chỉ là người tiếp thu mù quáng chủ nghĩa Mác – Lênin chứ không hề có tư tưởng cao siêu Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là người dân tộc chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm phương tiện; đưa chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam là một sai lầm lịch sử. Từ đó, họ cho rằng Việt Nam nên có tư tưởng mới, khác với cả chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vì thời cuộc đã khác, điều kiện đã khác.
Hai là, xuyên tạc, phủ định các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Các thế lực thù địch tung ra các luận điểm xuyên tạc sau:
- Về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Họ ra sức phủ nhận mục tiêu, lý tưởng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, phê phán triệt để, bôi đen chủ nghĩa xã hội hiện thực, bác bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, công khai ca ngợi con đường tư bản chủ nghĩa.
- Về Đảng cầm quyền. Để xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, họ đòi bác bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng được ghi trong Điều 4 Hiến pháp; kiến nghị đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng “Đảng chỉ nên lãnh đạo tư tưởng, đạo đức, lối sống và định hướng chung chung”, “không lãnh đạo kinh tế, văn hóa, không lãnh đạo lực lượng vũ trang”… vì đó là công việc của Nhà nước.
- Về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các thế lực thù địch cho rằng, “đường lối phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là chắp vá, không tưởng. Việt Nam hiện nay đang đứng ở ngã ba đường, không biết đi theo con đường nào. Nếu không hòa nhập vào thời đại, đi theo con đường tư bản chủ nghĩa thì sẽ bị trả giá, tự giác thì sẽ đến đích nhanh hơn, không tự giác thì tất yếu cũng phải đi theo con đường đó, nhưng đến đích đau đớn hơn, chậm chạp hơn”. Họ phủ nhận mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
- Về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Họ cho rằng, sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu đã chứng minh rằng: sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân đã kết thúc.
- Về vấn đề dân chủ, nhân quyền. Họ tìm cách tuyên truyền vu cáo Việt Nam vi phạm “dân chủ, nhân quyền”, bắt giữ “những tiếng nói dân chủ”, kêu gọi sự can thiệp của nước ngoài về vấn đề “dân chủ, nhân quyền” ở Việt Nam; tuyên truyền Việt Nam vi phạm chính sách tự do, tôn giáo, đàn áp tôn giáo, kích động tổ chức biểu tình; tăng cường tài trợ các dự án thúc đẩy hình thành xã hội dân sự.
- Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Họ cho rằng, quân đội và công an chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước và an ninh, trật tự xã hội, không nên bị chi phối bởi chính trị. Nhiệm vụ cao nhất, duy nhất của quân đội và công an là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân, không phải là bảo vệ Đảng, chế độ, do vậy cần phi chính trị hóa quân đội và công an. Họ còn xuyên tạc quan điểm đối tác, đối tượng; tìm cách chia rẽ mối quan hệ truyền thống giữa Việt Nam với các nước láng giềng, triệt để lợi dụng vấn đề biên giới, lãnh thổ để chống phá.
Ba là, phủ định các giá trị lịch sử của dân tộc và những thành quả của cách mạng.
- Các thế lực thù địch tuyên truyền phủ nhận sự lựa chọn tất yếu của lịch sử và tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, tìm cách đánh đồng những chiến sỹ cách mạng hy sinh vì chính nghĩa với những kẻ làm tay sai, bán nước.
- Chê bai, phủ nhận những thành quả mà Đảng và Nhân dân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhưng lại ra sức xuyên tạc hoặc lờ đi về những thành tựu đạt được.
Bốn là, xuyên tạc, bóp méo các sự kiện chính trị, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm.
- Xuyên tạc, bóp méo những chủ trương, chính sách, những văn bản ký kết của Đảng và Nhà nước với một số nước để kích động, hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước ta.
- Lợi dụng những sơ hở của chính sách để kích động, lôi kéo, chống phá nhằm hạ uy tín của Đảng, Nhà nước, làm giảm niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước.
- Lợi dụng các sự kiện nhạy cảm, nhất là các sự kiện liên quan đến các vấn đề phân định biên giới, lãnh thổ, các vấn đề tranh chấp Biển Đông; những vấn đề liên quan đến đầu tư, ô nhiễm môi trường… để kích động gây mất ổn định chính trị, xã hội.
Năm là, hạ bệ thần tượng; bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ.
Các thế lực thù địch tấn công vào đời tư của lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xuyên tạc, chia rẽ mối quan hệ giữa các đồng chí lãnh đạo; xuyên tạc, bóp méo những quyết định của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ để hạ uy tín, phủ nhận bản chất của Đảng và Nhà nước ta.
2. Dự báo tình hình và định hướng một số giải pháp đấu tranh của Đảng ta trong thời gian tới.
a. Dự báo tình hình.
Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước còn diễn biến phức tạp. Đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, đã và sẽ còn có diễn biến khó lường với nhiều khó khăn, thách thức mới. Các thế lực thù địch sẽ triệt để lợi dụng mọi phương tiện để chống phá thông qua việc đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ…
Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, không gian mạng sẽ trở thành một bộ phận cấu thành thiết yếu và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã, đang và sẽ tập trung dùng Internet, triệt để sử dụng mạng xã hội để chống phá, bịa đặt, nhào nặn, lan truyền những thông tin, hình ảnh thất thiệt gây tâm lý bi quan, hoài nghi vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước trong cán bộ, đảng viên và nhân dân với mục tiêu cốt lõi để phá hoại nền tảng tư tưởng, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
b. Định hướng một số giải pháp đấu tranh của Đảng ta trong thời gian tới.
- Giải pháp chung.
+ Phải ngăn chặn tác động của các quan điểm sai trái, thù địch, làm cho các cấp, các ngành và mỗi cán bộ, đảng viên và người dân miễn dịch với nó. Phải khẳng định cái đúng, cái tích cực; công khai các hạn chế, thách thức, yếu kém.
+ Phải công khai các kết quả thanh tra, kiểm tra của Đảng, Nhà nước để cho mọi người được biết. Một khi đã công khai thì bên ngoài mới không còn những đồn đoán, suy diễn sai trái, thiếu căn cứ.
+ Đặc biệt lưu tâm giới trẻ, học sinh, sinh viên. Đây là lực lượng đông đảo, sẽ là người làm chủ tương lai của đất nước, năng động, tiếp thu nhanh với cái mới nhưng lại thiếu thực tiễn, nhận thức chính trị còn hạn chế.
+ Phải đa dạng cách thức tuyên truyền bằng nhiều phương tiện, lực lượng.
+ Tiếp tục đổi mới nội dung công tác lãnh đạo của Đảng. Đây không phải chỉ là nhiệm vụ của riêng những người làm công tác tư tưởng, mà là của toàn hệ thống chính trị.
- Những giải pháp cụ thể.
+ Xây dựng, tổ chức lực lượng.
Kiện toàn đồng bộ Ban Chỉ đạo 94 từ Trung ương đến các bộ, ngành, địa phương để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức hoạt động đấu tranh phản bác.
Xây dựng tổ chức lực lượng nòng cốt Nhóm Chuyên gia, cộng tác viên từ Trung ương đến địa phương, phải đảm bảo tính bí mật, không công khai về tổ chức, hoạt động và nhân sự.
Xây dựng tạo lập hệ thống Facebook trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương để chia sẻ, trao đổi thông tin, nắm bắt các luồng tư tưởng, lồng ghép bài viết định hướng tuyên truyền và đấu tranh phản bác.
+ Thống nhất cơ chế phối hợp trong đấu tranh phản bác.
Thống nhất cơ chế phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống giữa Ban Chỉ đạo Trung ương 94 với Ban Chỉ đạo 94 các bộ, ngành, địa phương theo cơ chế trao đổi thông tin hai chiều, đảm bảo nhanh, kịp thời, thay việc trao đổi thông tin thông qua văn bản như hiện nay bằng việc sử dụng “Hệ thống thư điện tử bảo mật” trong hệ thống mạng nội bộ của Đảng.
Nắm bắt tình hình hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, nhất là liên quan đến các vụ việc phức tạp, nhạy cảm, “điểm nóng” mới phát sinh ở ngành, địa phương; kịp thời chỉ đạo định hướng ngay các biện pháp đấu tranh.
Chỉ đạo thống nhất, phối hợp lực lượng từ Trung ương đến địa phương đấu tranh phản bác; chia sẻ, chuyển tải bài viết của Nhóm Chuyên gia Trung ương lên các Blog, Facebook trong hệ thống, tạo sự chủ động, lan tỏa nhanh và huy động tổng lực các lực lượng đấu tranh, phản bác trước những thông tin xuyên tạc, bịa đặt liên quan đến các sự kiện chính trị, vụ việc phức tạp, nhạy cảm được xã hội quan tâm.
+ Tổ chức hoạt động đấu tranh phản bác.
Công tác đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, phải được triển khai tích cực, thường xuyên và lâu dài. Trong đấu tranh phải kiên quyết, linh hoạt, chủ động, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là chính. Tập trung định hướng tuyên truyền giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao cảnh giác, tạo sức đề kháng trước những thông tin, quan điểm sai trái, thù địch.
Đổi mới hình thức đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái thù địch, sử dụng đồng bộ các phương tiện thông tin đại chúng (báo mạng, báo hình, báo nói, báo in), chú trọng tuyên truyền công khai trên các báo điện tử, trang tin điện tử; qua các trang mạng xã hội; qua tuyên truyền miệng…
Đa dạng hóa các phương pháp đấu tranh, sử dụng đồng bộ, kết hợp có hiệu quả các phương pháp đối thoại, đấu tranh trực diện. Quan tâm phương pháp đối thoại nhằm thuyết phục những người có nhận thức sai lầm, lệch lạc.
Cách thức đấu tranh phản bác phải linh hoạt dựa trên tính chất vấn đề cần đấu tranh, phản bác.
III. Kết luận
Hiện nay, trước diễn biến mới của tình hình và nhiệm vụ cách mạng, cuộc đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, thù địch ngày càng phức tạp. Tuy nhiên cần thẳng thắn nhìn lại, cuộc đấu tranh này vẫn còn không ít những hạn chế, bất cập. Điều này được Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, chỉ rõ: Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao.
Có thể thấy, các thế lực thù địch không từ bất cứ âm mưu, thủ đoạn nào nhằm chống phá cách mạng Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Trước tình hình ấy, Ðảng ta đã xác định đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên của toàn bộ hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên và của mọi công dân…
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Tuyên giáo Trung ương (2001), Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2. Bộ Chính trị khóa XII (2018), Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
6. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2019), Kiên định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội.
7. V.I.Lênin (1975), Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, tập 6.
CTV Văn Hân - Giảng viên Trường Chính trị tỉnh(AT)