Vững bước trên con đường Bác đã chọn
(ĐCSVN) - Cách đây hơn một thế kỷ, từ bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lên tàu ra đi tìm đường cứu nước và đã tìm thấy con đường đi của độc lập, tự do, hạnh phúc, của chủ nghĩa xã hội. Dân tộc Việt Nam vẫn đang tiếp tục vững bước trên con đường Bác chọn.
Người đi tìm hình của nước
Cách đây hơn 1 thế kỷ, từ bến cảng Nhà Rồng, một sự kiện lịch sử quan trọng, có ý nghĩa và tầm vóc lớn lao đối với tiến trình giải phóng dân tộc Việt Nam là việc Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc bước lên con tàu Latusơ Tơrêvin sang phương Tây ngày 5/6/1911. Khi bước chân ra đi, người thanh niên yêu nước mang trong mình một khát vọng cháy bỏng tìm đường cứu nước khỏi ách thống trị thực dân, phong kiến “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.
|
Bến cảng Nhà rồng - nơi Bác Hồ rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh tư liệu |
Sinh ra trong gia đình trí thức phong kiến có truyền thống yêu nước, trên vùng quê hương cách mạng, lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, Nguyễn Tất Thành sớm mang trong mình lòng yêu nước thương dân và có tầm nhìn vượt xa những “lối mòn cứu nước” của các bậc tiền bối.
Có thể khái quát một số hoạt động bước ngoặt quan trọng trong hành trình cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Lúc đầu, Người làm nghề phụ bếp rồi sau đó là công nhân trên tàu buôn Pháp, rồi đi qua 3 đại dương, bốn châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ và gần 30 quốc gia, hàng trăm thành phố lớn nhỏ, tiếp xúc với nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa, vừa lao động kiếm sống, vừa học tập lý luận và hoạt động xã hội. Nguyễn Ái Quốc dần dần hiểu rõ bối cảnh của thế giới và xác định được hành trình con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam.
Trong cuộc hành trình ba thập kỷ bôn ba nước ngoài đi tìm đường cứu nước, bước ngoặt lịch sử của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là sau gần 10 năm khi rời bến cảng Nhà Rồng, năm 1920, Người đã đến được với chủ nghĩa Mác-Lênin khẳng định đi theo con đường cách mạng vô sản để giải phóng dân tộc, đưa lại hạnh phúc cho nhân dân. “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta! Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”. Tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp (tháng 12 năm 1920), Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành việc gia nhập quốc tế thứ ba (quốc tế Cộng sản do Lê-nin thành lập). Đây cũng là sự kiện Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp, chính thức là người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu bước chuyển biến quyết định trong tư tưởng và lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc, từ lập trường yêu nước chuyển sang lập trường cộng sản.
Ở Pháp, Người cũng tích cực tham gia Hội những người Việt Nam yêu nước và là một trong những người sáng lập - Tổng thư ký của Hội. Báo cáo của mật thám Pháp đã xác nhận Nguyễn Ái Quốc đã trở thành linh hồn của tổ chức này, mặc dù trên hình thức thì hai nhà yêu nước họ Phan lãnh đạo; đồng thời Người cũng là hạt nhân của cộng đồng người Việt Nam yêu nước tại Pháp.
Từ đây, Nguyễn Ái Quốc trăn trở tìm đường về nước để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam. "Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập" (năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đã viết thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp).
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc. Sự kiện này đã đáp ứng những đòi hỏi khách quan của phong trào cách mạng trong nước, sự phát triển của tiến trình lịch sử đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc Việt Nam và cả đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Từ đây, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, cách mạng Việt Nam đã giành nhiều thắng lợi, có ý nghĩa lịch sử trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là tiền đề để Đảng ta lãnh đạo đất nước giành những thắng lợi, thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là những thành tựu to lớn và toàn diện của hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới ngày nay.
Giá trị Hồ Chí Minh
Cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá. Tại Giao lưu trực tuyến “Người là niềm tin tất thắng” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ngày 17/5 nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đều khẳng định giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Giá trị đầu tiên, rất quý báu trong cuộc đời và sự nghiệp của Người, đó là động cơ lẽ sống, sự lựa chọn giá trị sống vì nước, vì dân. Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta bài học về giá trị niềm tin. Người có niềm tin mãnh liệt vào tương lai của Tổ quốc, tin vào dân tộc mình, tin vào sức sáng tạo của Nhân dân mình và tin vào chiều hướng phát triển tốt đẹp của lịch sử. Bài học tri thức, khoa học của Người cũng là điều chúng ta phải suy ngẫm. Ngoài phương pháp sáng tạo về mặt khoa học, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải đồng thời tìm được những lực lượng, những biện pháp để thực hiện cho được lý tưởng cao quý. Con đường tìm đường cứu nước, phương pháp hoạt động cách mạng của Bác rất bài bản, khoa học, sáng tạo, thiên biến vạn hóa nhưng vẫn mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với diễn biến đổi thay của cuộc sống.
|
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp
ở thành phố Tua (Pháp), tháng 12-1920. Ảnh tư liệu |
GS TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Bài học mà tôi cho là rất sâu sắc, đó là vấn đề đạo đức, Người còn có cả một triết lý rất sâu sắc là "ai có đạo đức thì người đó dễ tiếp thu, chỉnh lý hơn". Đặc biệt, trong cuộc đời, sự nghiệp của mình, Bác là một minh chứng mẫu mực về việc nhất quán giữa nói và làm. Đây là bài học vô cùng có giá trị, để biến mọi ước mơ trở thành sự thật”.
Cuộc đời Bác, sự nghiệp của Bác trở thành minh chứng sống động cho việc nếu con người ta có hoài bão, ước mơ, có niềm tin, trí tuệ và lòng quyết tâm, thì việc khó đến mấy cũng có thể làm được. Có lẽ chính vì thế, Hồ Chí Minh trở thành cái tên truyền cảm hứng lớn nhất trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước.
Giá trị Hồ Chí Minh, vì thế, cũng được tôn vinh, nhân rộng và phát triển thông qua các đợt học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Thực tiễn cũng đã chỉ ra rằng, việc học và làm theo Bác những năm qua đã thu được nhiều kết quả tích cực. Ngay sau khi Bác mất, Đảng ta đã phát động đợt sinh hoạt chính trị “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch” theo Chỉ thị số 173-CT/TW, ngày 29/9/1969 Bộ Chính trị. Đảng ta khẳng định “Hồ Chủ tịch qua đời, nhưng Người đã để lại cho chúng ta một di sản rất quý báu. Đó là sự nghiệp vĩ đại, tư tưởng, đạo đức và tác phong của Người. Nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta là đoàn kết chặt chẽ chung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quyết tâm làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch, kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới thống nhất nước nhà”. Bác ra đi, sự mất mát lớn lao đó đã được Đảng ta biến thành ngọn lửa thổi bùng ý chí lao động, chiến đấu của quân và dân ta, làm nên chiến thắng lịch sử vào mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày 7/11/2006, nhận thấy sự cần thiết phải tổ chức cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng, bồi đắp nền tảng tinh thần của xã hội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã ký ban hành Chỉ thị 06-CT/TW. Sau 4 năm thực hiện Cuộc vận động, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhận định “Cuộc vận động đã đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và bước đầu tạo chuyển biến trong việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Qua triển khai Cuộc vận động, vấn đề đạo đức và rèn luyện đạo đức đã được đặt ra một cách nghiêm túc, toàn diện trong Đảng và toàn xã hội, đặc biệt là trong công tác xây dựng Đảng”.
Để tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động, ngày 14/5/2011, Đảng ta ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; ngày 15/5/2016, ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Để thực hiện Chỉ thị 05, Ban Bí thư khóa XII ban hành Kế hoạch số 03-KH/TW xác định chủ đề thực hiện 05 trong từng năm. Kết quả của việc học và làm theo Bác được thể hiện khá rõ ràng với hàng chục nghìn điển hình tiên tiến, mô hình hay được tôn vinh, khen thưởng và lan tỏa tới toàn xã hội; công cuộc phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và xã hội được đẩy mạnh, qua đó phát hiện và đưa ra pháp luật hàng nghìn vụ án tham nhũng, hàng nghìn cán bộ tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Vững bước trên con đường Bác đã chọn
Trong bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”.
|
"Chưa bao giờ Việt Nam có vị thế và cơ đồ vững chắc như hiện nay". Ảnh minh họa: TTXVN |
Những thành tựu đất nước và dân tộc giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng trong suốt chiều dài lịch sử hơn 90 năm qua đủ để khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển của nhân loại.
Từ một nước bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, dân tộc Việt Nam đã đi đúng định hướng, xây dựng nên một nước Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh (trung bình 7%/năm), đặc biệt sau thời kỳ đổi mới (1986). Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỉ USD vào năm 2020. Đầu tư nước ngoài tăng nhanh, đăng ký đạt gần 395 tỉ USD vào cuối năm 2020. Tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước).
Hiện nay, trong bối cảnh quốc tế, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, các nước điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển nhằm thích ứng với tình hình mới, các thế lực thù địch tăng cường chống phá, tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông tiếp tục diễn ra phức tạp, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, đe doạ nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước ta. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Kiên định với con đường đã lựa chọn, nhưng trong bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới", đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý “Cần nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới, vận dụng sáng tạo. Nếu chỉ "kiên định" một cách máy móc thì dễ dẫn đến giáo điều, cứng nhắc, bảo thủ, nhưng nếu không kiên định, mà "đổi mới" một cách vô nguyên tắc thì cũng rất dễ rơi vào chủ nghĩa xét lại, chệch hướng, "đổi màu". Cho nên phải hiểu rõ, vận dụng đúng phương pháp biện chứng của Chủ nghĩa Mác-Lênin: Kiên định phải gắn liền với sáng tạo và sáng tạo phải trên cơ sở kiên định phù hợp với thực tiễn, với yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước”.
Đồng chí Tổng Bí thư khẳng định, xây dựng chủ nghĩa xã hội “là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội”. Vì vậy, bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân.
Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học./.
Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (NC)