Hai lần Bác từ chối nhận Huân chương
Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn cho nhân dân, cho đất nước. Người chẳng có gì cho riêng mình. Từ lúc sinh thời đến khi về cõi vĩnh hằng, Người “chỉ biết quên mình cho hết thảy”, nhưng trên ngực không một tấm Huân chương. Điều đó ai cũng biết, song không phải ai cũng biết rằng, Người đã từng hai lần từ chối nhận Huân chương. Mỗi lần từ chối nhận Huân chương, Người đều có những lí do riêng của mình, nhưng lí do chung nhất Người từ chối nhận Huân chương vì cho rằng, mình chưa làm trọn nhiệm vụ với nước, với dân.
Lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chối nhận Huân chương là năm 1963, khi Quốc hội có ý định tặng Người Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Vào thời điểm đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Đảng, nhân dân miền Bắc đang ra sức thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội, bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Cả miền Bắc hăng say lao động, thi đua vì miền Nam ruột thịt với các phong trào Ba Nhất trong Quân đội, phong trào Duyên Hải trong công nghiệp, phong trào Đại Phong trong nông nghiệp, phong trào Bắc Lý trong giáo dục.
Trong lúc đó, nhân dân miền Nam đang anh dũng đấu tranh chống “chiến tranh đặc biệt” - một loại hình chiến tranh trong chiến lược “phản ứng linh hoạt” của đế quốc Mỹ nhằm xâm lược miền Nam Việt Nam, đồng thời cũng là sự thử nghiệm nhằm đàn áp phong trào giải phóng dân tộc, đe dọa các nước mới giành độc lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới ngọn cờ đoàn kết cứu nước của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, nhân dân miền Nam đã từng bước giành được những thắng lợi to lớn trong cuộc đấu tranh kết hợp chính trị với vũ trang, nổi dậy với tiến công trên cả ba vùng chiến lược, tiến công bằng cả ba mũi chính trị, quân sự và binh vận. Chiến thắng Ấp Bắc mùa Xuân 1963 mở màn cho những thắng lợi liên tiếp của quân và dân miền Nam, báo hiệu sự phá sản tất yếu “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.
Tuy nhiên, cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam vẫn đang đứng trước những khó khăn thách thức, nhân dân miền Nam vẫn hàng ngày hàng giờ phải chịu đựng nhiều hy sinh, gian khổ đấu tranh để giành quyền tự do, quyền sinh sống.
Vì vậy, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá III, ngày 8 tháng 5 năm 1963, trước các đại biểu Quốc hội Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xin phép chưa nhận Huân chương. Trong bài phát biểu của Người có nêu rõ lý do: “Tôi vừa biết một tin làm cho tôi rất cảm động và sung sướng, đó là tin Quốc hội định tặng cho tôi Huân chương Sao vàng, Huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội, nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận Huân chương ấy. Vì sao, vì Huân chương là để tặng người có công huân, nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội” . Sau khi phân tích tình hình cách mạng ở miền Nam, tinh thần đấu tranh hy sinh anh dũng của đồng bào miền Nam, Người xin Quốc hội cho phép chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hoà bình thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, đồng bào miền Nam sẽ trao cho Người huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân sẽ sung sướng vui mừng.
Lần thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chối nhận Huân chương là khi Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô quyết định tặng Người Huân chương Lênin - Huân chương cao quý nhất của Liên Xô vào năm 1967, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười, do những đóng góp của Người trong việc củng cố và xây dựng tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô.
Khi nhận tin mình sẽ được tặng Huân chương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện cảm ơn tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và trình bày ý kiến của mình: “Lúc này giặc Mỹ đang đẩy mạnh chiến tranh xâm lược Tổ quốc Việt Nam chúng tôi. Chúng đang giết hại một cách cực kỳ dã man đồng bào tôi ở miền Nam cũng như ở miền Bắc. Trong lúc đó, riêng tôi lại được hưởng vinh dự đặc biệt to lớn và nhận Huân chương Lênin thì lòng tôi không yên chút nào”. Một lần nữa Người lại cho rằng mình chưa xứng đáng được nhận Huân chương vì sự nghiệp chưa hoàn thành.
Hai lần Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chối chưa nhận Huân chương đều vì một lý do: Sự nghiệp giải phóng miền Nam chưa hoàn thành, Tổ quốc còn bị chia cắt, lòng Bác không yên khi nhận những tấm Huân chương vinh danh ấy.
Sáu năm trước ngày toàn thắng - ngày nhân dân miền Nam có thể trao tặng Người tấm Huân chương cao quý, Người đã đi xa. Dù Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta không có một tấm Huân chương nào trên ngực nhưng Người vẫn có một tấm Huân chương cao quý, đó là tình yêu vô bờ bến của mỗi người con nước Việt và bạn bè tiến bộ trên toàn thế giới dành cho Người, “Bác Hồ - Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”./.
Ths.Nguyễn Thị Hằng
http://www.baotanghochiminh.vn/
Minh Trí (s/t)