Bài viết "Hồ Chí Minh và những di huấn với thanh niên" - Số 05
TTBD - Tuổi trẻ Bình Dương trân trọng giới thiệu đến các bạn đoàn viên, thanh niên Bài viết "Hồ Chí Minh và những di huấn với thanh niên" - Số 05 (#theodauchanBac_ttbd).
“Thời đại này là thời đại vẻ vang của thanh niên. Thanh niên phải là những đội xung phong trên các mặt trận chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật”. - (Trích Bài nói chuyện với Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế, 01/9/1961).
Bài nói chuyện tại Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam (1) (1-9-1961):
Tôi thay mặt Đảng và Chính phủ chúng tôi thân ái hoan nghênh các đại biểu.
Nhân dịp này, tôi muốn nói chuyện tóm tắt với các đồng chí tình hình của thế hệ thanh niên già ở Việt Nam cách đây 16 nǎm về trước. Hãy lấy tôi làm ví dụ:
Về vǎn hoá: Tôi chỉ học hết lớp tiểu học. Vì chế độ thực dân và phong kiến đã kìm hãm việc giáo dục. Chỉ có một số con em những nhà quyền thế và giàu có mới được học đến trung học và rất ít đến đại học. Dưới thời nô lệ Pháp, nǎm 1939 là nǎm nhiều học trò nhất ở xứ Đông Dương. Nhưng tổng số học trò của Việt Nam, Campuchia và Lào cộng lại cũng chỉ có 4 vạn học sinh tiểu học và trung học, 580 học sinh đại học. Còn 95% người dân Đông Dương là mù chữ.
Ngày nay, dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, chỉ ở miền Bắc đã có hơn 2 triệu 72 vạn học trò vỡ lòng, tiểu học và trung học, 13.600 học trò đại học và hơn 4.000 học tại các trường cao đẳng ở các nước anh em.
Về hiểu biết phổ thông: Nǎm 17 tuổi, tôi mới thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 29 tuổi mới nghe rađiô lần đầu tiên …
Về chính trị: Hồi đó, thanh niên nào nói đến những chữ bình đẳng, tự do, cách mạng, yêu nước – đều bị bọn thực dân và phong kiến coi là phạm tội và bị chúng xử tội, nhẹ là bắt bớ, giam cầm; nặng là tù đày, bắn giết.
Tuy vậy, Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đã soi đường cho chúng tôi. Chúng tôi đã không sợ thực dân và phong kiến, mà hǎng hái hoạt động cách mạng và cuối cùng cách mạng đã thắng lợi.
Từ sau Thế giới chiến tranh lần thứ hai, nhiều dân tộc bị áp bức ở châu á, châu Phi và châu Mỹ Latinh đã thoát khỏi ách nô lệ của bọn thực dân đế quốc và thanh niên của các nước ấy đã được bình đẳng, tự do. Tuy vậy, trên thế giới hãy còn nhiều thanh niên vẫn bị áp bức. Ví dụ: một nước tự xưng là giàu có nhất và ”dân chủ” nhất thế giới như nước Hoa Kỳ, mà 10% thanh niên là thanh niên Mỹ da đen vẫn bị ngược đãi như nô lệ đời xưa.
Vì vậy cho nên thanh niên toàn thế giới cần phải đoàn kết nhau lại, tin tưởng vào khả nǎng đấu tranh của mình và hòa mình với công nhân và nông dân để đấu tranh tiêu diệt chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, trước hết là đế quốc Mỹ – một đế quốc hung ác nhất, đấu tranh để giữ gìn hòa bình thế giới, để thực hiện hợp tác anh em giữa tất cả các dân tộc để xây dựng đời sống hạnh phúc, vui tươi.
Một nhiệm vụ quan trọng nữa của thanh niên trí thức là phát triển giáo dục, trước hết là xóa nạn mù chữ. Theo con số của Liên hợp quốc (2) thì cuối nǎm ngoái số người mù chữ ở châu Phi là 80%, ở Haiti, châu Mỹ là 89%, ở ấn Độ là 81%, v.v., đó là gia tài đen tối do thực dân, đế quốc để lại. Trong cuộc đấu tranh diệt giặc dốt, quân chủ lực phải là thanh niên trí thức, dựa vào lực lượng to lớn của nhân dân.
Các đồng chí và các bạn thân mến,
Thời đại này là thời đại vẻ vang của thanh niên. Mà thanh niên phải là những đội xung phong trên các mặt trận chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Thanh niên đã thực hiện những điều mơ ước của loài người từ bao thế kỷ. Lần đầu tiên trong lịch sử, hai thanh niên Liên Xô là đồng chí Gagarin và Titốp đã thành công rực rỡ trong việc đưa hai con tàu vũ trụ chọc thủng bầu trời, bay quanh quả đất.
Thanh niên ngày nay cũng là thế hệ sung sướng nhất. Như trong bản dự án Cương lĩnh của Đại hội lần thứ XXII của Đảng Cộng sản Liên Xô đã nói: ở Liên Xô thế hệ này sẽ sống dưới thế hệ cộng sản.
Đời sống hạnh phúc vui tươi của nhân dân và thanh niên Liên Xô chắc chắn sẽ là đời sống hạnh phúc vui tươi của nhân dân và thanh niên khắp thế giới, nếu nhân dân và thanh niên thế giới đều ra sức đoàn kết đấu tranh.
Tôi nói như vậy không phải vì tôi muốn tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản đâu. Mà đó là những lời tâm sự của một người thanh niên già đã có một ít kinh nghiệm, thật thà bày tỏ với các bạn thanh niên yêu quý của tôi.
Cuối cùng tôi chúc Hội nghị thành công tốt đẹp và nhờ các bạn đại biểu chuyển đến thanh niên khắp thế giới lời chào thân ái nhất của Bác Hồ.
Bác Hồ ký lưu niệm cho sinh viên quốc tế (9/1961)
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với các đại biểu dự Hội nghị sinh viên quốc tế tại Hà Nội, tháng 9/1961
——————-
Nói ngày 1-9-1961. Báo Nhân dân, số 2.721, ngày 2-9-1961.
(1) Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế, về “Vai trò các tổ chức sinh viên trong việc phát triển nền giáo dục dân tộc”: Họp từ ngày 29-8 đến 2-9-1961, tại Hà Nội. Hội nghị này do Hội liên hiệp sinh viên Việt Nam và Hội liên hiệp sinh viên Quốc tế tổ chức. Đại biểu của 37 tổ chức sinh viên ở 35 nước thuộc châu á, Phi, Mỹ latinh đã tới dự Hội nghị. Hội nghị đã nhất trí thông qua bản thông cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc để xây dựng một nền giáo dục dân tộc và dân chủ; nêu lên nguyên tắc chủ yếu là phải phục vụ nhu cầu của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội; giáo dục phải dựa trên cơ sở của lý tưởng hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội, tình hữu nghị và quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Tr. 389.
(2) Liên hợp quốc: Tổ chức Quốc tế được thành lập vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai. Tại Hội nghị họp ở Xan Phranxixcô (Mỹ) từ ngày 25-4 đến ngày 26-6-1945, đại diện của 50 nước đã ký tham gia Hiến chương Liên hợp quốc. Hiến chương Liên hợp quốc bắt đầu có hiệu lực từ ngày 24-10-1945. Ngày nay hàng nǎm lấy ngày đó làm Ngày Liên hợp quốc.
Hiến chương Liên hợp quốc vạch rõ mục đích thành lập tổ chức quốc tế này là để ngǎn ngừa và loại trừ những mối đe dọa đối với hoà bình, phát triển quan hệ thân thiện giữa các dân tộc và thực hiện sự hợp tác giữa các nước để giải quyết những vấn đề quốc tế; tôn trọng các quyền tự do cǎn bản của con người, không phân biệt chủng tộc, nam, nữ, tín ngưỡng và tiếng nói. Tất cả các nước hội viên đều bình đẳng, không một nước nào có quyền can thiệp vào các công việc nội bộ của nước khác.
Những cơ quan chủ yếu của Liên hợp quốc là Đại hội đồng, Hội đồng bảo an, Hội đồng kinh tế và xã hội, Hội đồng quản thác, Toà án quốc tế và Ban thư ký. Trụ sở của Liên hợp quốc đặt tại Niu Oóc (Mỹ).
Nǎm 1977, Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc.
Tính đến cuối nǎm 1994, tổ chức này có 185 nước thành viên. Tr. 390.
CTV Minh Trí (t/h).