Lãnh tụ Hồ Chí Minh với phong cách sinh hoạt giản dị
Nhà gác đơn sơ, một góc vườn
Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn
Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối
Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn!
(Theo Chân Bác - Tố Hữu).
TTBD - Giản dị, trong sạch, thanh cao, cách sống chừng mực, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, quý trọng thời gian… là những điều dễ nhận thấy trong cách sinh hoạt của Hồ Chí Minh. Đó còn là tình yêu thương con người hòa quyện với tình yêu thiên nhiên, tạo nên tinh thần lạc quan của người chiến sỹ, kết hợp với những rung động, say mê của tâm hồn nghệ sỹ.
Hồ Chí Minh có cuộc sống đời thường phong phú và đa dạng. Người đã sống cuộc sống của người thợ, của nhà văn, nhà báo, nhà giáo, một người tù, một chính khách và nhiều năm là nguyên thủ quốc gia. Dù sống cuộc đời nào và giữ cương vị nào thì phong cách sinh hoạt của Hồ Chí Minh cũng giữ nguyên tắc: lấy khiêm tốn giản dị làm nền, lấy chừng mực điều độ làm chuẩn, lấy trong sạch, thanh cao làm vui, lấy gắn bó giữa con người với thiên nhiên làm niềm say mê vô tận.
Sau ba mươi năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân, trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, Người đã sống ở hang núi Pác Bó (Cao Bằng) trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn với tinh thần lạc quan cách mạng, như Bác đã viết:
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.”
(Tức cảnh Pác Bó)
Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng di chuyển lên Việt Bắc, lãnh đạo kháng chiến kiến quốc. Nơi ở của Người chỉ là một ngôi nhà sàn bé hoặc mái lá đơn sơ. Kháng chiến thắng lợi, trở về Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn nơi ở và làm việc là một ngôi nhà nhỏ vốn của người thợ điện phục vụ cho phủ Toàn quyền Đông Dương cũ. Đảng, Nhà nước mời Người ra ở tòa nhà lớn Phủ Chủ tịch nhưng Người đã từ chối. Khi ngôi nhà sàn được xây dựng thì tầng dưới Người dùng làm nơi họp Bộ Chính trị và làm việc với cán bộ các bộ, ban, ngành, tiếp một số đoàn khách, bạn bè, đồng chí gần gũi hoặc các cháu thiếu niên, nhi đồng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dành cho mình một chút riêng ở tầng trên nhà sàn với hai phòng nhỏ, diện tích mỗi phòng chỉ hơn 10m2. Trong phòng làm việc cũng như phòng ngủ chỉ có những đồ vật thật sự cần thiết và hết sức đơn giản. Là một vị lãnh tụ trong lòng dân, nhưng mỗi lần Bác xuất hiện trước nhân dân thật giản dị với bộ quần áo kaki đã bạc màu cùng với đôi dép cao su đi cùng năm tháng.
Trong sinh hoạt hàng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt cho mình một kỷ luật chặt chẽ và khoa học. Người thường đọc báo, bản tin trước giờ làm việc, đánh dấu các bài cần chú ý để tiện việc theo dõi, trao đổi ý kiến và sử dụng khi cần thiết. Những công việc trong ngày, trong tuần, trong tháng - từ lịch họp, lịch làm việc với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt hay phụ trách các bộ, ban, ngành, tiếp khách trong nước và quốc tế đến việc viết báo, đọc và trả lời thư từ, đi thăm cán bộ, Nhân Dân các địa phương, xem phim, xem văn nghệ… đều được Người bố trí một cách hết sức hợp lý, chú ý sao cho tốn ít thời gian, ít làm phiền đến cơ sở mà lại có hiệu quả nhất.
Trong những năm kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khuyến khích và cùng anh em trong cơ quan tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn hàng ngày, tập võ hay chơi bóng chuyền để nâng cao thể lực, phòng tránh bệnh tật, ốm đau. Cho đến những năm cuối đời, Người vẫn cố đi dạo và mỗi ngày đi thêm mấy chục mét với hy vọng duy trì sức khỏe để đi thăm đồng bào, chiến sĩ miền Nam.
Khi thấy sức khỏe bắt đầu giảm sút dần, Người bắt đầu viết Di chúc. Bốn năm trước lúc đi xa, cứ mỗi năm, Người lại đem ra xem lại vào thời gian nhất định, sửa chữa, bổ sung và để lại cho toàn Đảng, toàn dân những lời dặn dò, những mong mỏi tâm huyết nhất.
Trong cuộc sống hàng ngày, Bác rất yêu thiên nhiên và sống gắn bó, hòa vào thiên nhiên. Trong những năm tháng đi tìm đường cứu nước, dù phải làm việc cực nhọc trên những con tàu vượt Đại dương, Người vẫn thường dậy sớm để ngắm trời biển bao la. Dù phải làm nhiều nghề để kiếm sống và để hoạt động cách mạng, Người vẫn tìm cách đi thăm nhiều nơi, nhiều cảnh đẹp, nhiều công trình cổ kính và tráng lệ của nước Pháp, chiêm ngưỡng kiến trúc kỳ vĩ của La Mã cổ đại…
Khi trở về Tổ quốc, người đích thực sống hòa nhập với thiên nhiên… Những năm tháng ở Thủ đô Hà Nội, Người sống trong ngôi nhà sàn dưới bóng cây râm mát, rộn rã tiếng chim, có bờ cây ao cá. Mảnh đất nhỏ trước nhà sàn, Người trồng đủ các loại hoa, có hàng rào hoa dâm bụt bao quanh như ở làng Sen quê nhà, đầu nhà sàn là cây vú sữa, trước nhà là những cây dừa... của đồng bào miền Nam tặng Người. Những lúc mát trời, Người ngồi đọc sách, tiếp khách bên giàn hoa giấy phía sau tòa nhà Phủ Chủ tịch, không gian thiên nhiên thoáng đãng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú ý bảo vệ thiên nhiên: Một cây bụt mọc bên bờ ao cá bị sâu mục và mối ăn làm rỗng ruột đến quá nửa thân nhưng Người cũng không cho chặt bỏ với một lời giải thích hết sức đơn giản và thuyết phục: Việc chặt bỏ một cây thì dễ nhưng trồng được cây to bóng mát như vậy thì phải mất hàng chục năm mới có được và Người còn hướng dẫn cho người làm vườn cách cứu chữa cho cây khỏi bị sâu mục và mối xông. Người đã đề xướng phong trào “Tết trồng cây”, vì “việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”: “Mùa xuân là tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Phong trào trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động ngày nay đã trở thành một phong tục tập quán tốt đẹp trong Nhân Dân.
Cùng với sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh thì phong cách sinh hoạt là một phần tạo nên sự toàn vẹn, tầm vóc vĩ đại của danh nhân văn hóa, anh hùng giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh. Người mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ người Việt Nam học tập, noi theo, để phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và cho thế giới ngày càng tốt đẹp.
Tôi xin mượn lời nhà thơ Liên Xô, Ô-xíp Man-đen-xtam: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu Châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai… Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”().
() Nhà xuất bản Chính trị quốc gia: Hồ Chí Minh - Một người châu Á của mọi thời đại, H. 2010, tr. 278.
CTV Mai Nguyễn (AT)