Nhớ về lời dạy “Trung với nước, Hiếu với dân” Của Chủ tịch Hồ Chí Minh
TTBD - “Trung” và “Hiếu” là những khái niệm đã có trong đạo đức Nho giáo, chứa đựng một nội dung hạn hẹp: “Trung với vua, hiếu với cha mẹ”. Hồ Chí Minh đã mượn khái niệm “Trung” “Hiếu” trong quan niệm đạo đức phong kiến và đưa vào đó một nội dung mới có ý nghĩa khoa học, cách mạng và nhân văn, đó là “trung với nước, hiếu với dân”. Đây là cuộc cách mạng trong quan niệm về đạo đức.
Bác Hồ đã gọt bỏ điều cốt lõi nhất trong đạo đức Nho giáo là lòng trung thành tuyệt đối với chế độ phong kiến và ông vua phong kiến, Hồ Chí Minh không chấp nhận lòng trung thành của Nhân Dân bị áp bức lại dành cho chính kẻ áp bức mình. Người đã đảo ngược thế đứng trong quan niệm đạo đức cũ. Người nói: “Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất, chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngửng lên trời”( ).
“Trung với nước, hiếu với dân” là mối quan hệ giữa người cách mạng với đất nước với dân tộc, thể hiện trách nhiệm với sự nghiệp dựng nước, giữ nước và sự phát triển của đất nước, là phẩm chất đạo đức chủ chốt nhất và được thể hiện ở những nội dung cụ thể:
Trung với nước là trung thành với mục tiêu lý tưởng của Đảng
Đảng là đại diện trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân Dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam, mục tiêu, lý tưởng của Đảng ta là độc lập gắn liền với chủ nghĩa xã hội, là chủ nghĩa cộng sản và trong giai đoạn hiện nay là phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Theo Người, dù mục tiêu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ cách mạng khác nhau, nhưng yêu cầu về trung thành với mục tiêu lý tưởng của Đảng là luôn nhất quán. Đảng ta từ khi mới được thành lập, Người luôn nhắc nhở mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng mình vào Đảng để làm “đày tớ” cho Nhân Dân và Bác nhấn mạnh: “Làm đày tớ Nhân Dân chứ không phải làm quan cách mạng”. Khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo toàn dân vừa kháng chiến vừa kiến quốc, dù ở đâu, làm gì, Người cũng chỉ tâm niệm một điều rằng: “Đảng ta là Đảng cách mạng. Ngoài lợi ích của Nhân Dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”.
Chúng ta thấy, khi làm lễ kết nạp Đảng, đảng viên mới đứng dưới cờ Tổ quốc, cờ Đảng và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh để đọc lời tuyên thệ; trong đó, điều đầu tiên: “Tuyệt đối trung thành với mục đích, lý tưởng của Đảng…” và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ có hàng ngàn cán bộ, đảng viên đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ lý tưởng này.
Bên cạnh những tấm gương sáng của cán bộ tuyệt đối trung thành với mục tiêu lý tưởng của Đảng thì đúng như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc..”( ). Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, tiếp tục khẳng định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”( ) .
Trung với nước trong lời dạy của Bác còn là đặt lợi ích của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân
Vấn đề lợi ích quốc gia - dân tộc đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định từ rất sớm, thể hiện ở mục tiêu xuyên suốt là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trong từng giai đoạn lịch sử, chúng ta thể hiện việc đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân một cách cụ thể: Trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng và Nhân Dân ta luôn đặt quyền lợi giải phóng dân tộc cao hơn hết thảy, không chỉ cao hơn lợi ích cá nhân mà cao hơn lợi ích giai cấp bởi vì khi quyền lợi dân tộc chưa đòi được, thì quyền lợi giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Cho nên, khi thời cơ đến, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập dân tộc. Đó cũng là khát khao cháy bỏng, là nguyện vọng chính đáng của toàn thể dân tộc Việt Nam. Khi đã giành được độc lập dân tộc, phải quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy. Khi đất nước bị chia cắt hai miền, thì lợi ích cao nhất của dân tộc ta là đấu tranh thống nhất nước nhà, thu non sông về một mối. Khi đất nước hoàn toàn giải phóng cùng tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, phải coi trọng lợi ích quốc gia - dân tộc trong từng chính sách phát triển. Trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, Đảng ta đã khẳng định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII về mục tiêu hoạt động đối ngoại của nước ta phải nhằm “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc”( ) và đối với mỗi cán bộ, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình phải luôn đặt lợi ích của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân.
Mẫu mực trong thực hiện “dĩ công vi thượng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng sớm cảnh báo hiện tượng cán bộ “dĩ công vi tư” và nhắc nhở họ phải luôn luôn giữ gìn đạo đức và nhân cách bởi vì có những người trong chiến tranh không chết dưới hòn tên mũi đạn của quân thù, nhưng trong thời bình lại bị gục ngã trước những cán dỗ về vật chất…
Hiếu với dân là phải thương yêu, quý trọng và tin dân
Hiếu với dân trước hết là phải hiếu với cha mẹ, không chỉ hiếu với cha mình mà còn hiếu với cha mẹ người, phải làm cho mọi người đều biết yêu thương cha mẹ và theo Bác với người cán bộ chữ hiếu đó còn mở rộng tới toàn thể dân tộc Việt Nam, vượt qua biên giới lãnh thổ để yêu thương cả dân tộc bị áp bức bóc lột trên thế giới.
Nghĩa là cán bộ phải nhìn thấy được sức mạnh vô cùng, vô tận của Nhân Dân và nhận thấy được Nhân Dân chính là chủ thể của quyền lực nhà nước, cán bộ chỉ là người được ủy quyền, được Nhân Dân trao quyền để giải quyết các công việc chung của đất nước. Từ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của ông cha ta đã tổng kết: “Chở thuyền là dân, lật thuyền là dân. Lật thuyền mới biết dân như nước” và từ việc thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin: quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Hồ Chí Minh có lòng tin vô tận đối với quần chúng, theo Người “nước lấy dân làm gốc”, “gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân Dân”. Cả cuộc đời Hồ Chí Minh hành động tất cả vì Nhân Dân.
Hiếu với dân còn là hết lòng phục vụ Nhân Dân
Suốt đời vì nước, vì dân đến cuối đời, tuy nằm trên giường bệnh nhưng Bác vẫn làm việc, hàng ngày Người vẫn nghe các đồng chí trong Bộ Chính trị đến báo cáo công việc ở hậu phương và tiền tuyến, vẫn đọc sách báo và bản tin, những ngày cuối cùng trên gường bệnh, khi Bác sốt cao, có lúc bị cơn đau tim hành hạ nhưng khi tĩnh dạy Bác lại hỏi thăm: miền Bắc chống bão lụt tới đâu rồi? Miền Nam mấy hôm nay đánh trận thế nào? Ngay trong những giờ phút sinh tử, Người vẫn quên đi nỗi đau của bản thân mà nghĩ cho tất cả.
Trong “Di chúc” để lại, về việc riêng Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân Dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.( )
Như vậy, “Trung với nước, hiếu với dân” phải thể hiện bằng hành động thiết thực, phải lấy hiệu quả công việc làm thước đo theo tinh thần “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Đó mới thật sự là đạo đức mới, đạo đức cách mạng.
Đối với đoàn viên thanh niên cả nước nói chung, đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng, để nâng cao trách nhiệm “Trung với nước, hiếu với dân” theo lời dạy của Bác cần thực hiện tốt những nội dung sau:
Một là, giáo dục một cách thường xuyên, sâu rộng thông qua các buổi sinh hoạt trong toàn thể đội ngũ đoàn viên để mỗi người nhận thức sâu sắc và đầy đủ về truyền thống trung, hiếu của dân tộc, về những hy sinh to lớn của các thế hệ ông cha ta để chúng ta có được ngày nay, qua đó nâng cao tinh thần yêu nước, tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc, đồng thời để đoàn viên thấy đước trách nhiệm trong việc kế thừa những giá trị tốt đẹp mà cha ông ta đã để lại.
Hai là, thực hiện tốt lời chỉ đạo của Đảng: “Coi trọng bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên khát vọng mãnh liệt xây dựng đất nước giàu mạnh, gắn liền lập nghiệp bản thân với tương lai của cộng đồng, của dân tộc, trau dồi cho học sinh, sinh viên bản lĩnh, phẩm chất và lối sống của thế hệ trẻ Việt Nam hiện đại” . Điều đó thể hiện ở sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của tuổi trẻ. Đồng thời, xây dựng chủ trương, chính sách, kế hoạch cụ thể cho đoàn viên, thanh niên, tạo môi trường học tập, rèn luyện, lao động, học tập, công tác thuận lợi cho thanh niên, để họ phát huy được năng lực, khả năng sáng tạo và sức trẻ của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tác giả
ThS. Nguyễn Thị Mai
Trường Chính trị Bình Dương (AT)