Sự giúp đỡ của Liên Xô (Liên Bang Nga ngày nay) đối với Việt Nam trong công tác đào tạo nguồn nhân lực
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Từ trong chiến tranh giải phóng dân tộc đến khi thống nhất Tổ quốc xây dựng chủ nghĩa xã hội, công tác đào tạo đội ngũ cán bộ luôn là nhiệm vụ to lớn, cấp thiết của Đảng ta. Cùng chung quan điểm coi con người là vốn quý nhất của cách mạng, từ trong chiến tranh, bằng sự cảm thông, chia sẻ và quan tâm to lớn, Liên Xô đã dành nhiều công sức và trí tuệ giúp Việt Nam đào tạo đội ngũ cán bộ trên nhiều lĩnh vực. Khi Việt Nam thống nhất và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, trải qua nhiều biến cố lịch sử, trong mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp Việt - Xô, Việt - Nga, công tác giúp đỡ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực luôn là một điểm sáng trong quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.
Sau khi cách mạng Tháng Mười Nga thành công năm 1917, Liên Xô tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và nhanh chóng trở thành chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh vì hòa bình dân chủ, độc lập tự do và tiến bộ xã hội trên thế giới. Liên Xô luôn giành sự ủng hộ to lớn cho các dân tộc trên thế giới đấu tranh vì độc lập tự do cho Tổ quốc trong đó có Việt Nam. Tháng 1/1950, sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Liên Xô đã tăng cường giúp đỡ Việt Nam nhiều mặt trong đó có công tác đào tạo nguồn nhân lực giúp Việt Nam.
Liên Xô đã giúp đào tạo, bồi dưỡng số lượng lớn cán bộ nòng cốt của cách mạng Việt Nam. Từ trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã có nhiều người Việt Nam học ở Liên Xô, phần lớn học tại trường Đại học Phương Đông, trong đó nhiều đồng chí sau này trở thành cán bộ chủ chốt của Đảng ta như: Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập…Sau này, các đồng chí Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải… cũng đều được Nhà nước Liên Xô tạo điều kiện học tập.
Người học trò xuất sắc trên đất nước Liên Xô phải kể đến Nguyễn Ái Quốc. Từ 1923 đến cuối 1938 Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều thời gian học tập và hoạt động cách mạng trên đất nước Liên Xô. Có thể nói quãng thời gian dài học tập và công tác ở Liên Xô đã giúp Nguyễn Ái Quốc lĩnh hội chủ nghĩa Mác - Lênin và vận dụng vào thực tế cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam một cách linh hoạt, sáng tạo.
Từ năm 1923 đến năm 1950, khi có quan hệ ngoại giao giữa hai nhà nước, dưới danh nghĩa Quốc tế Cộng sản, Chính phủ Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo 67 cán bộ (1), chủ yếu là cán bộ chính trị, quân sự, phục vụ mục tiêu thành lập Đảng Cộng sản, lãnh đạo cuộc đấu tranh giành chính quyền của Việt Nam, với những tên tuổi: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập – các Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Đông Dương…Đặc biệt là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh - Lãnh tụ vĩ đại của Đảng ta.
Trong những chặng đường dài và trải qua nhiều biến cố lịch sử, kể cả sau sự kiện Liên Xô sụp đổ năm 1991, mối quan hệ tốt đẹp Việt – Xô, Việt – Nga luôn được Đảng ta coi trọng và được hai nước vun đắp. Trong chiều dài lịch sử ấy, số lượng lớn cán bộ, học sinh, sinh viên các thế hệ của Việt Nam đã được bồi dưỡng, đào tạo trên đất nước Liên Xô anh em. Đây là nguồn nhân lực quý giá của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là số nhân lực được bổ sung sau này đã đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Từ những năm trong chiến tranh, Liên Xô đã đào tạo cho Việt Nam rất nhiều cán bộ kỹ thuật ở các chuyên ngành khác nhau, đến nay Nga vẫn luôn là một trong những nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho Việt Nam. Song điều biết ơn và cảm phục nhất là trong lúc chúng ta còn đang đương đầu với thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Liên Xô đã tiếp nhận đào tạo sinh viên, thực tập sinh, nghiên cứu sinh để chuẩn bị nguồn nhân lực trí thức cho Việt Nam trong tương lai xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mặc dù lúc này để thực hiện nhiệm vụ quốc tế, đất nước Liên Xô dù còn muôn vàn khó khăn vẫn tự nguyện “nhường cơm sẻ áo”, họ sẵn sàng vì các dân tộc hướng tới mục tiêu cao đẹp của chủ nghĩa xã hội.
Từ năm 1953, Chính phủ Liên Xô tiếp nhận thêm 155 lưu học sinh Việt Nam, cùng với số lượng ít trước đó khi chưa có hiệp định hợp tác đào tạo (2), cho đến những năm sau đó và hiện nay Nga luôn giúp đỡ chúng ta đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Số lượng các giáo sư, tiến sĩ, công nhân kỹ thuật được đào tạo từ Liên Xô trở về đã góp công sức to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cùng với việc hỗ trợ các máy móc, thiết bị, các khoản tín dụng dài hạn và viện trợ không hoàn lại để xây dựng, phát triển kinh tế, Chính phủ Liên Xô còn giúp Việt Nam phát triển ngành giáo dục, đào tạo. Từ năm 1955 và nhiều năm sau đó, các hiệp định về hợp tác, trao đổi trên các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và đào tạo giữa Việt Nam và Liên Xô đã được ký kết và thường xuyên được bổ sung. Theo hướng đó, Liên Xô đã giúp Việt Nam xây dựng mới một số trường đại học như: trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Nông nghiệp I, đồng thời hỗ trợ tu sửa, nâng cấp, xây dựng mới một số trường dạy nghề khác. Đến đầu những năm 70 đã có trên 7.000 nam, nữ thanh niên Việt Nam được đưa sang học tập và công tác tại Liên Xô. (3)
Các thầy cô dưới mái trường Liên Xô đã nuôi nấng vun đắp cho Việt Nam những mầm xanh tương lai để khi trở về họ hiến dâng cho đất nước những mùa xuân thay áo mới. Bom đạn có thể hủy diệt cả những mầm non, hủy diệt những cánh rừng Trường Sơn bạt ngàn, nhưng những hạt mầm được gieo trên đất nước Liên Xô thuở ấy đã trở thành những trái ngọt hồng tươi cho cách mạng. Những học sinh năm xưa của đất nước Liên Xô đã trở thành những chiến sỹ cách mạng kiên trung, nhiều đồng chí giữ vai trò quan trọng của trung ương, của các tỉnh thành, trong lực lượng vũ trang hay các giáo sư, tiến sĩ...là nguồn cán bộ chất lượng cao góp phần quan trọng đối với sự thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Sự giúp đỡ của Liên Xô trong công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam thật vô cùng to lớn, thiêng liêng với một tình cảm quốc tế cao cả, vô tư, trong sáng, thể hiện tinh thần sẻ chia và quan tâm to lớn của Liên Xô (ngày nay là Nga) tới sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.
Trong xu thế của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Nga vẫn giúp đỡ Việt Nam tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ vũ trụ, công nghệ năng lượng, lĩnh vực y- dược, nghiên cứu khoa học biển và thiết kế tàu thủy. Đặc biệt, phía Nga lưu ý giúp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển khoa học công nghệ hạt nhân tại Việt Nam. Phía Nga cũng tăng cường số lượng diện học bổng, tạo điều kiện thuận lợi cho du học sinh Việt Nam. Từ năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, việc đào tạo cán bộ Việt Nam vẫn được Liên Bang Nga – quốc gia kế tục Liên Xô duy trì trên một cơ sở mới. Bên cạnh kênh hợp tác đào tạo chính thức giữa hai chính phủ, trên phương diện giáo dục còn nhiều hình thức hợp tác đào tạo đa dạng giữa các trường, bộ, ngành hai nước: Ví dụ: Đại học Tổng hợp Công nghệ Kỹ thuật Quốc gia Voronezh, tại trường có những ngành sinh viên Việt Nam theo học: thực phẩm nguồn gốc động vật, công nghệ sinh học, quản lý khách sạn. Trường Công nghệ thực phẩm Moscow, trường đã đào tạo nhiều khoá sinh viên học ngành công nghệ sữa thuộc diện học bổng Vinamilk. Trường Đại học Trắc địa - Bản đồ Moscow, trường có các ngành: Trắc địa và viễn thám, trắc địa ứng dụng, quản lý đất đai và địa chính. Trường Đại học hàng không Moscow, sinh viên Việt Nam theo học các khoa: khoa trực trăng, khoa động cơ, khoa điều khiển, khoa hàng không vũ trụ, khoa thiết bị điện tử, với số lượng sinh viên và nghiên cứu sinh hằng năm khá lớn …
Việt Nam luôn luôn đánh giá cao, trân trọng sự giúp đỡ từ phía Liên bang Nga (Liên Xô trước đây) về sự giúp đỡ to lớn đối với Việt Nam trong công tác đào tạo nguồn nhân lực. Trên tất cả sự giúp đỡ, hợp tác của Liên Xô hay liên Bang Nga ngày nay đối với Việt Nam đều xuất phát từ tinh thần giúp đỡ cao cả, với tấm lòng chia sẻ cảm thông sâu sắc với Việt Nam để giải quyết những khó khăn và nhu cầu về đào tạo nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy về phía Việt Nam trên phương diện tình anh em hữu nghị Việt - Nga: Chúng ta không bao giờ quên ơn! Chính sự trân trọng đó cả trên phương diện quá khứ lẫn hiện tại là một minh chứng, một kênh thông tin để thúc đẩy tình hữu nghị hợp tác hơn nữa giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, Việt Nam không bao giờ quên sự giúp đỡ to lớn, chí tình và hiệu quả về tinh thần và vật chất của nhân dân Liên Xô trước đây, nay là Liên bang Nga đã dành cho nhân dân Việt Nam. Việt Nam luôn trân trọng Chính phủ và nhân dân Liên Bang Nga đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên, cán bộ Việt Nam lưu trú và học tập học tập. Sự trân trọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta sẽ bồi đắp thêm truyền thống tốt đẹp trong tình cảm của nhân dân hai dân tộc, cho thế hệ trẻ hai bên tiếp tục hun đắp mối quan hệ hữu nghị; nuôi nấng những khao khát, ước mơ của nhiều bạn trẻ, cán bộ trẻ muốn được học tập, trưởng thành trên đất nước Nga. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hoá, trên cơ sở sự hợp tác giáo dục đào tạo của hai nước, trên cơ sở sự trân trọng sự giúp đỡ của Liên bang Nga những cán bộ của Việt Nam học tập ở Nga trở về mang theo những thành quả về trình độ chuyên môn, năng lực công tác trong bối cảnh mới góp phần xây dựng đất nước theo hơi thở thời đại, tăng cường hội nhập quốc tế.
Sự giúp đỡ về công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của Liên Xô đối với Việt Nam đã và đang góp phần to lớn trong xây Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp. Trên tất cả đó chính là sự giúp đỡ Việt Nam nhận được trong mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp Việt - Xô, Việt - Nga. Mỗi bước đường cán bộ, du học sinh Việt Nam từ Nga trở về trưởng thành và cống hiến là những minh chứng sống động và bất diệt trong tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước. Những thành quả hôm nay là những trái ngọt hồng tươi cho cách mạng mọi thời kỳ mà hai dân tộc đã vun xới. Trong những thành quả về giúp đỡ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực không chỉ hiện diện nghĩa tình quốc tế cao cả, vô tư, trong sáng mà còn hiện diện một tình cảm thiêng liêng đặc biệt của con người: Tình Thầy – Trò! “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, Đảng ta, Nhân dân ta, những học trò Việt Nam luôn ghi nhớ công ơn đã được học tập rèn luyện trên quê hương của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại..
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Thị Thu Hương (Chủ biên), Đảng Cộng sản Việt Nam – Chặng đường qua hai thế kỷ. Nxb Chính trị quốc gia, 2006
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
3. GS Vũ Dương Ninh. Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam 1940 – 2000. Nxb Chính trị quốc gia, 2014
4. https://khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn/dao-tao-can-bo-viet-nam-o-lien-xo-vai-nhan-dinh/
5.http://lichsu.tnus.edu.vn/chi-tiet/695-SU-CHI-VIEN-GIUP-DO-CUA-LIEN-XO-VOI-VIET-NAM-TRONG-CUOC-KHANG-CHIEN-CHONG-MY-CUU-NUOC-1954-1975
6.https://nhandan.com.vn/tin-tuc-giao-duc/suat-hoc-bong-danh-cho-sinh-vien-nuoc-ngoai-tai-nga-se-tang-hang-nam-449216/
Lê Thị Hiệp (AT)