(TG)- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cả đời mình cho độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam và nhân dân các dân tộc bị áp bức như khẳng định của tiến sĩ Modagat Ahmet - Giám đốc UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương: Hồ Chí Minh là một trong “ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”[1].
HỒ CHÍ MINH - NGƯỜI LÀ NIỀM TIN TẤT THẮNG
Sinh ra và lớn lên khi đất nước Việt Nam đắm chìm trong đêm trường nô lệ, nhân dân bị áp bức, bóc lột và được hưởng chút quyền tự do dân chủ nào, với tấm lòng yêu nước, thương dân và nhiệt huyết của tuổi trẻ, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Đi qua nhiều châu lục, vừa kiếm sống, vừa khảo nghiệm thực tiễn và lựa chọn con đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đến với con đường cứu nước trong thời đại cách mạng vô sản. Vận dụng sáng tạo những nguyên lý lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, Hồ Chí Minh đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiền phong của giaia cấp công nhân và dân tộc Việt Nam; soạn thảo Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng - đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, phù hợp nhu cầu của lịch sử và hợp quy luật của thời đại; đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên - những người cách mạng luôn thấm nhuần "tư cách người cách mệnh" gương mẫu đi đầu; sáng lập Mặt trận Việt Minh - nơi tập hợp, đoàn kết tất cả những người Việt Nam yêu nước không phân biệt giai tầng, tôn giáo, trẻ già, nam nữ; sáng lập lực lượng vũ trang nhân dân - công cụ bạo lực để đấu tranh giành và bảo vệ chính quyền cách mạng,v.v.. và cùng Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân ta tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Là kết quả của 15 năm (1930-1945) Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng tiên phong lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền, thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã “giành lại hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ cho Tổ quốc ta, cho nhân dân ta”, đưa nhân dân ta từ thân phận một người nô lệ trở thành công dân một nước độc lập. Trân trọng giá trị thiêng liêng của độc lập, tự do vừa giành được, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời tuyên bố trước toàn thể quốc dân và thế giới: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”[2].
Hoài bão lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nước Việt Nam độc lập và thống nhất, nhưng phải là độc lập, tự do hoàn toàn, thống nhất thực sự. Vì vậy, khi thực dân Pháp bội ước quay trở lại xâm lược Nam Bộ, với tinh thần và ý chí “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[3] cùng niềm tin tất thắng về một nước Việt Nam "non sông liền một dải", Người không chỉ khẳng định: Miền Nam là máu của máu, là thịt của thịt Việt Nam, “đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!" mà còn cùng toàn dân kiên trì tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau 9 năm kháng chiến gian lao mà anh dũng, chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hiệp định Giơnevơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được ký kết.
Tuy nhiên, cố tình phá bỏ Hiệp định Giơnevơ, ngang nhiên chà đạp nguyện vọng thống nhất nước nhà của nhân dân Việt Nam, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và thực thi những đạo luật hà khắc, thi hành chính sách “tố cộng, diệt cộng”, đàn áp dã man những người yêu nước. Miền Nam đã trở thành “địa ngục trần gian”, nơi dầu rơi, máu chảy…
Không cam tâm để một nửa khúc ruột miền Nam phải tiếp tục sống đọa đầy dưới ách thống trị tàn bạo của kẻ thù, khát vọng giải phóng miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”, phải “đi trước về sau” để thống nhất Tổ quốc được Người khẳng định: “Dân tộc ta là một, nước Việt Nam là một. Nhân dân ta nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn và thực hiện kỳ được "thống nhất đất nước, Nam Bắc một nhà”"[4]. Đồng thời, thấu hiểu sâu sắc rằng, đoàn kết tạo nên sức mạnh, đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ nhân nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc trên hành trình đi đến tương lai, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ truyền đến đồng bào và chiến sĩ cả nước niềm tin Bắc - Nam thống nhất mà Người còn bắt nhịp bài ca Kết đoàn; đoàn kết tập hợp mọi lực lượng, mọi giai tầng: “Từ Nam đến Bắc, ai là người tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, thì chúng ta sẵn sàng đoàn kết với họ, thật thà hợp tác với họ, dù từ trước đến nay họ đã theo phe phái nào”[5] để cùng đấu tranh cho hòa bình, độc lập và thống nhất nước nhà.
Nhân dân Việt Nam chiến đấu vì chính nghĩa, chiến đấu vì phẩm giá con người, vì một khát vọng của thời đại - đó là độc lập, tự do và hạnh phúc của con người trong một quốc gia hòa bình, thống nhất, nên đã được sự đồng tình, ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của loài người tiến bộ. Chừng nào còn quân xâm lược Mỹ trên mảnh đất miền Nam, chừng nào mà miền Nam chưa được giải phóng, thì nhân dân cả nước cả “ở Bắc và Nam vĩ tuyến 17, đồng tình và ủng hộ” và “đều có nghĩa vụ chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc”. Có sức mạnh của chính nghĩa, có sức mạnh nội sinh của tình đoàn kết Bắc - Nam, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại, với tinh thần và ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của một dân tộc có truyền thống bất khuất, kiên cường trong hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân Việt Nam đã từng bước đánh bại các chiến lược Chiến tranh đơn phương, Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ…Cuối cùng, cuộc Tổng tấn công Mùa xuân 1975 đã giành thắng lợi, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, hai miền Nam - Bắc đã “sum họp một nhà”, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi Liên Xô tại Trại hè Quốc tế Artek bên bờ Biển Đen, trên bán đảo Crimea, ngày 23/8/1957. (Ảnh: TASS/TTXVN)
KÍNH YÊU NGƯỜI BẰNG CẢ KHỐI ÓC VÀ TRÁI TIM
Hồ Chí Minh đã đi xa hơn nửa thế kỷ, song cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người vẫn hiện hiển chân dung một trong những vĩ nhân của thế kỷ XX được Nghị quyết 24C/18.56 của Đại hội đồng UNESCO khóa 24-1987 vinh danh kép: "Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hoá lớn".
Cùng với bề dày thời gian, khẳng định của Người khi trả lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài ngày 21/1/1946: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”; sự nhất quán trong tư tưởng và hành động của Người và những cảm nhận, ngợi ca Người của bạn bè, anh em, đồng chí, nhân dân và cả những người từng ở bên kia chiến tuyến với Người thì vẫn còn mãi. Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại và "tất cả những người có lương tri trên thế giới nhìn thấy ở Nguyễn Ái Quốc - “Người yêu nước”, ở Hồ Chí Minh - “Người chiếu sáng”, ở Bác Hồ - “Vị Chủ tịch kính mến”[6] như Mighen Đêxtêphanô đã khẳng định. Đó chính là vì đồng hành cùng dân tộc, lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc (1930 -1945) và hai cuộc trường chinh gian khổ, đầy mất mát, hy sinh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 -1975); đồng thời, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1954 -1969), những thắng lợi của nhân dân Việt Nam gần 100 năm qua gắn liền với đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã góp phần to lớn vào sự nghiệp xoá bỏ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới trên hành tinh này.
Là người trân trọng mọi giá trị của văn minh nhân loại, yêu thương con người, vì con người, kết hợp hài hoà giữa lợi ích cá nhân, dân tộc và nhân loại, Hồ Chí Minh không chỉ lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn đưa cách mạng Việt Nam hòa vào dòng chảy của cách mạng thế giới; không chỉ khởi xướng cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập, tự do cho nhân dân Việt Nam và các dân tộc thuộc địa khác mà còn nỗ lực đấu tranh để mọi người đều được hưởng quyền "được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Vì thế, trong cuộc đấu tranh đầy nhân văn đó, "Hồ Chí Minh là một người tạo ra thời thế... Ông đã kết hợp được trong bản thân mình hai trong số các lực lượng thông tin của lịch sử Việt Nam hiện đại: khát vọng độc lập dân tộc và hoài bão về công bằng xã hội... cho nên ông có khả năng truyền đạt thông điệp của mình đến khắp các dân tộc thuộc địa trên thế giới, đáp ứng yêu cầu của họ về một cuộc sống danh dự và tự do, thoát khỏi ách áp bức của chủ nghĩa đế quốc... bất kể lời phán xét thế nào đối với di sản của ông để lại cho dân tộc mình. Hồ Chí Minh vẫn có vị trí trên tượng đài của các vị anh hùng cách mạng đã chiến đấu ngoan cường cho những người cùng khổ trên thế giới, giúp họ nói lên được tiếng nói đích thực của mình"[7].
Trong hành trình hướng đến tương lai, Hồ Chí Minh không chỉ gắn bó sâu sắc với dân tộc mình, Người còn dành tình thương yêu bao la cho nhân dân lao động và các dân tộc khác, vì vậy, khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc của Người truyền cảm hứng bất tận về một sự giải phóng hoàn toàn - giải phóng con người thoát khỏi nền văn hoá nô dịch, bất công và xây dựng nền văn hoá mới của dân tộc mình đến với các dân tộc khác như một lẽ tự nhiên, có sức cảm hóa diệu kỳ. Môhamét Lamari trong bài viết "Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân Angiêri" đã nhấn mạnh rằng: "Ưu điểm lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là không chỉ đấu tranh cho một lá cờ, cho một sự giải phóng ở bề mặt bên ngoài, Người muốn tiến hành một cuộc chiến đấu cho phẩm giá con người, cho sự giải phóng và phúc lợi của toàn dân và nhờ thế mà cuộc cách mạng Người phát động đã mang tầm cỡ thế giới"[8].
|
Trong khi dành cả đời mình chiến đấu chống lại ách thống trị thực dân và đế quốc, Người vẫn là một nhà nhân văn chân chính trong tư tưởng và hành động. Trong cuộc đấu tranh đó, Hồ Chí Minh không chỉ "làm khởi sắc và tăng cường truyền thống văn hoá Việt Nam", gắn nó với các nền văn hoá khác trên thế giới mà còn thành công trong việc liên kết nhiều sắc thái văn hoá vào một nền văn hoá Việt Nam duy nhất. Người không chỉ chịu ảnh hưởng và mang theo mình những giá trị truyền thống của dân tộc mà còn đóng góp quan trọng vào việc sáng tạo nên một nền văn hoá Việt Nam hiện đại; và Người "đã làm được việc này nhờ sự hiểu biết sâu sắc và tôn trọng những đặc điểm văn hoá khác nhau. Người đã hoàn thành được nhiệm vụ này, và trong việc làm và lời nói của Người, ta có thể nhìn thấy rõ hình ảnh, tư tưởng của nhà thơ, nhà văn, nhà nghệ sĩ dân ca, những người đem lại nguồn cảm xúc cho nhiều thế hệ nhân dân Việt Nam"[9].
Người đã vận dụng sáng tạo những tư tưởng nhân đạo của cuộc đại cách mạng Pháp "Tự do, Bình đẳng, Bác ái" và kết hợp những lý tưởng của nhân loại với cuộc đấu tranh vì giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội của nhân dân Việt Nam. Tướng P. Valluy, người từng tham chiến trong cuộc chiến tranh Đông Dương, trong một lần trả lời phỏng vấn Tạp chí Hành tinh - Hành động, Paris, tháng 3/1970 đã thừa nhận: "Phải nói Bác Hồ cực kỳ nhã nhặn, vô cùng lịch thiệp và thoạt nhìn đã thấy Người thật hấp dẫn... Ngay từ khi mới gặp, Cụ đã tâm đắc một cách đặc biệt với Leclere; hai người, người này quyến rũ người kia, họ quyến rũ nhau. Ông là Bác Hồ của mọi người. Còn chúng tôi, khi gọi Người là Bác, thì mọi việc đều trở nên hết sức đơn giản".
Hồ Chí Minh là vậy! Tên Người là cả một ngày mai! Là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa lớn, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người thể hiện trong nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau: "Lúc là người tổ chức, nhà văn, nhà báo, nhà ngôn ngữ, nhà viết kịch, nhà thơ, khi là nhà giáo, nhà chiến lược quân sự, lãnh đạo kháng chiến, khi lại là người làm vườn. Di sản Việt Nam và châu Á phong phú và truyền thống phương Tây ở Người đã tạo nên tất cả các điều đó. Người là một trong số ít người châu Á lại thân thuộc với cả châu Á và phương Tây"[10]. Tư tưởng, đạo đức và phong cách của Hồ Chí Minh là sự kết hợp "những đức tính lớn lao của Mác, Lênin, Mahatma Găngđi và Giaoahatlan Nêru". Những gì thuộc về Người - quan điểm và hành động đều hiển hiện chân dung một vị lãnh tụ của nhân dân, vì nhân dân mà tận tâm cống hiến và chính Người là "đại diện cho sự vĩ đại vốn có của nhân dân Việt Nam", là hình ảnh của sự bình dị, tính chuyên cần, luôn yêu quý trẻ thơ và thanh niên, thẳng thắn, trung thực, chân thành và một ý thức mạnh mẽ về nhân văn kết hợp với nhiệt tình và tinh thần cách mạng. Trong suy nghĩ và hành động của Người - luôn là nhân dân và vì nhân dân; "luôn quan tâm tới lợi ích của nhân dân, nghĩ những điều dân nghĩ, lo những điều dân lo, hiến dâng cả đời mình cho nhân dân, không hề quan tâm tới bản thân. Người không chỉ luôn gìn giữ đạo đức cao đẹp “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, dùng 8 chữ đó để giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân; luôn "cư xử nhiệt tình, khiêm tốn, gần gũi, bình dị, giữ mối liên hệ thân mật không cách bức với quần chúng. Quyết tâm và dũng khí đấu tranh của Người xuất phát từ tấm lòng yêu mến nhân dân, sức mạnh và uy tín to lớn của Người cũng bắt nguồn từ sự giúp đỡ và ủng hộ của nhân dân"[11] mà còn yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải nỗ lực học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt, thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư để xứng đáng là người lãnh đạo người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN VÀ "HẠ BỆ" HỒ CHÍ MINH!
Hồ Chí Minh và ánh sáng độc lập, tự do Người đem lại cho nhân loại cần lao suốt cuộc đời cách mạng đầy gian khó song rất đỗi vinh quang không một chút lợi riêng thật là vĩ đại. Hồ Chí Minh trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống không chỉ bởi tài lãnh đạo, đức hy sinh, tình yêu thương vô bờ bến với nhân dân, sự kiên định và lòng dũng cảm, kiên trung trong cuộc đấu tranh kiên trì vì một nước Việt Nam độc lập, hoà bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ mà còn vĩ đại ở trí tuệ mẫn tiệp, sự lựa chọn chính xác và quyết đoán, chủ nghĩa nhân văn mang đậm cốt cách tâm hồn Việt và kết tinh những tinh hoa văn hóa của nhân loại.
“Hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, Triết học Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên” bình dị và gần gũi"[12]. Mỗi khi nói về Hồ Chí Minh, nhớ về Hồ Chí Minh, mỗi người đều tìm thấy từ cảm nhận của Épghênhi Côbêlép trong bài viết "Hồ Chí Minh - Nhà yêu nước, nhà cách mạng và một con người" những suy nghĩ giống mình, của mình, đó là: "Hồ Chí Minh là một trong những vị lãnh tụ cách mạng, mà khi Người còn sống tên tuổi đã được hàng triệu người biết đến, và đã trở thành huyền thoại. Mọi người khâm phục Người, đã nói về Người và mỗi người đều nhận thấy nét đặc trưng nổi bật trong hình ảnh của Người. Inđira Ganđi (Ấn Độ) đã gọi Hồ Chí Minh “là một nhà lãnh đạo mềm dẻo mà vĩ đại và kiên định”. Rotnây Arixmenđi (Urugoay) coi “Hồ Chí Minh là biểu tượng cho sự uyên bác cộng sản chủ nghĩa ở châu Á”. Xanvađo Agienđê (Chi Lê), vào năm 1971, đã trả lời như sau về câu hỏi của một nhà báo: “Ba phẩm chất của các nhà hoạt động chính trị mà ông muốn có là thế nào?” - Đó là: “Nhất quán, nhân đạo, khiêm tốn cao cả của Hồ Chí Minh”. Còn ở Liên Xô, người ta ngưỡng mộ gọi Hồ Chí Minh là “hiệp sĩ cách mạng”, và những từ này thể hiện sự khâm phục đối với ý chí sắt đá, lòng dũng cảm bất khuất của người chiến sĩ và đồng thời tính giản dị và nhân đạo của Người"[13].
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nghệ An năm 1957. Nguồn ảnh: Báo Nghệ An
Hồ Chí Minh - Người chiếu sáng - Ánh sáng của hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc. Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ ghi nhận những giá trị, cống hiến to lớn của tư tưởng, sự nghiệp, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với đất nước ta, xã hội và các tầng lớp nhân dân ta qua các thời kỳ phát triển của cách mạng mà Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng cũng khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động… Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là di sản tư tưởng và lý luận vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”[14]. Thế giới có thể đổi thay, nhưng những gì Hồ Chí Minh đã trọn đời cống hiến cho nhân dân Việt Nam và nhân loại trong cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng, vì phẩm giá cao đẹp và hạnh phúc của con người thì vĩnh viễn không thể phai mờ.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đặc biệt là từ khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ đến nay, các thế lực thù địch luôn coi Việt Nam là một trọng điểm trong chiến lược “diễn biến hòa bình”. Có thể thấy, mục tiêu của chúng là chống phá, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, nhằm lập nên một chính quyền đồng minh hoặc tay sai ở Việt Nam. Để đạt mục tiêu này, các thế lực thù địch đã coi mặt trận tư tưởng, chính trị là trọng tâm và chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng là mũi đột phá. Vì thế, sự lan truyền các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận Hồ Chí Minh, bôi nhọ, nhằm "hạ bệ" Người dường như chưa bao giờ dừng lại, hòng làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, tạo ra “khoảng trống” để dần dần đưa hệ tư tưởng tư sản thay thế/tiến tới xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Các luận điệu xuyên tạc về Người nằm trong tổng thể chiến lược, mục tiêu chống cộng của các thế lực thù địch; trong đó, để "diễn biến hòa bình", chúng lan truyền những luận điệu "phi sự thật" để nhằm: 1) Phủ định vai trò, thành quả cách mạng của dân tộc Việt Nam, phủ định hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; 2) Phá hoại nền tảng tư tưởng, thế giới quan của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; từng bước hình thành các khuynh hướng, trào lưu quan điểm đối lập, thù địch với Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 3) Gây tâm lý hoang mang, mất ổn định chính trị xã hội, thúc đẩy sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tiến tới hình thành các lực lượng đối lập ở Việt Nam; 4) Tạo cớ gây dựng cơ sở tư tưởng và cơ sở giai cấp, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam; tiến tới mục tiêu xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, hướng Việt Nam đi theo con đường của chủ nghĩa tư bản...
Những quan điểm, đánh giá về Hồ Chí Minh được khẳng định rõ trong các văn kiện chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam và cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn in đậm trong khối óc và trái tim của nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, tự do, công lý trên thế giới. Vì thế, cho dù các thế lực thù địch có dùng chiêu bài gì để xuyên tạc, bóp mép hoặc thổi phồng về Người, "hạ bệ" Người - thì chúng và những luận điệu của chúng cũng rơi vào thinh không!.
Để tiếp tục kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận và "hạ bệ thần tượng" Hồ Chí Minh, cấp ủy các cấp, các cơ quan, ban, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương và mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác chính trị tư tưởng; chủ động đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng gắn liền với cuộc đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, với cuộc đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng.
Tiếp tục khẳng định và cụ thể hoá những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các giá trị bền vững phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; chỉ rõ những vấn đề cần bổ sung, phát triển gắn với việc tiếp tục nghiên cứu có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, làm rõ sự bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin của Hồ Chí Minh theo đúng tinh thần Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 9/2/2018 về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới" và Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới"…
Đồng thời, chỉ đạo tổ chức biên soạn lại giáo trình chuẩn, sách giáo khoa; đẩy mạnh xuất bản sách nghiên cứu lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo đặt hàng; chỉ đạo chấn chỉnh việc giảng dạy, học tập lý luận chính trị trong các trường đại học, cao đẳng gắn với việc đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, với việc chú trọng thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII ngày 15/5/2016 về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII ngày 30/10/2016 về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ"...
Đi liền cùng đó phát huy vai trò của các cơ quan nghiên cứu, học viện, nhà trường; các cơ quan báo chí, truyền thông, các nhà khoa học, các chuyên gia viết và đăng tải các bài phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc về Hồ Chí Minh, về chủ nghiã Mác - Lênin, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng gắn với đấu tranh, tạo dư luận xã hội để phê phán những quan điểm, luận điệu sai trái, xuyên tạc, tăng cường sự thống nhất về nhận thức tư tưởng chính trị trong Đảng và xã hội theo đúng tinh thần của Thông báo số 21-TB/TW ngày 25/4/2011 của Ban Bí thư về "Tăng cường công tác nghiên cứu, đấu tranh chống thông tin, quan điểm sai trái, thù địch".
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng. Đẩy mạnh đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo hướng chủ động, có tính thuyết phục cao, hấp dẫn, hiệu quả và đi liền cùng đó là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và sử dụng Internet, mạng xã hội; nâng cao ý thức tự giác tu dưỡng đạo đức cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu, lý tưởng cộng sản của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là chủ động phòng và chống các thông tin xấu độc ./.
TS. Văn Thị Thanh Mai
TS. Nguyễn Văn Đạo
------------------------------
[1] Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.37
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.3
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.534
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.674
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr.104
[6] Hội thảo Quốc tế về Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học và xã hội, Hà Nội, 1990, tr.55
[7] Hội thảo Quốc tế về Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học và xã hội, Hà Nội, 1990, tr.98
[8] Hội thảo Quốc tế về Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học và xã hội, Hà Nội, 1990, tr.43
[9] Hội thảo Quốc tế về Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học và xã hội, Hà Nội, 1990, tr.37
[10] Hội thảo Quốc tế về Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb.Khoa học và xã hội, Hà Nội, 1990, tr.108
[11] Hội thảo Quốc tế về Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học và xã hội, Hà Nội, 1990, tr.120
[12] Hồ Chí Minh: Một nhân cách hoàn hảo, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.17
[13] Hội thảo Quốc tế về Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học và xã hội, Hà Nội, 1990, tr.138