Chính sách mới nổi bật có hiệu lực tháng 9/2020
Bước sang tháng 09 năm 2020, nhiều quy định pháp luật mới sẽ chính thức có hiệu lực. Có thể kể đến như tăng mạnh mức phạt với người ngoại tình; Đăng ký khai sinh muộn cho con không còn bị phạt; “Trạm thu giá” lại trở về tên “trạm thu phí”...
Chính sách giáo dục nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2020
1. Thời gian nghỉ hè của giáo viên cấp I, II, III là 8 tuần
Nghị định 84/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực thi hành từ 01/9/2020) quy định thời gian nghỉ hè của nhà giáo như sau:
- Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 08 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm;
(Hiện hành, quy định thời gian nghỉ hè của giáo viên phổ thông là 2 tháng, bao gồm nghỉ phép hằng năm).
- Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên trường trung cấp và giảng viên trường cao đẳng là 06 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm;
- Thời gian nghỉ hè hàng năm của giảng viên cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;
- Trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng chống thiên tai, dịch bệnh hoặc trường hợp cấp bách, thời gian nghỉ hè của các đối tượng trên do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quyết định theo thẩm quyền.
2. Quy định mới về định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên đại học
Thông tư 20/2020/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học, trong đó có một số điểm mới, đơn cử như:
- Định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên trong một năm học là từ 200 đến 350 giờ chuẩn giảng dạy (tương đương từ 600 đến 1.050 giờ hành chính);
Trong đó, giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp trên lớp (hoặc giảng dạy trực tuyến) phải đảm bảo tối thiểu 50% định mức quy định;
Định mức cụ thể do trưởng cơ sở giáo dục đại học xem xét quyết định.
(Định mức hiện hành là 270 giờ chuẩn; trong đó, giờ chuẩn trực tiếp trên lớp chiếm tối thiểu 50% định mức quy định)
- Giảng viên trong thời gian tập sự, thử việc chỉ thực hiện tối đa 50% định mức giờ chuẩn giảng dạy;
Đồng thời được miễn giảm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để dành thời gian tham gia dự giờ, trợ giảng và tham gia thực tập, thực tế.
- Giảng viên trong thời gian nghỉ hưởng trợ cấp BHXH, nghỉ theo các quy định của Bộ luật Lao động hiện hành được miễn giảm định mức giờ chuẩn giảng dạy theo tỷ lệ tương ứng với thời gian nghỉ.
Thông tư 20/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 11/9/2020 và thay thế Thông tư 47/2014/TT-BGDĐT ngày 31/12/2014.
3. Thêm 06 thủ tục hành chính mới lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Từ ngày 01/9/2020, thêm 06 thủ tục hành chính mới lĩnh vực giáo dục và đào tạo kèm theo Quyết định 2284/QĐ-BGDĐT có hiệu lực thi hành. Cụ thể:
- Thủ tục hành chính cấp trung ương:
+ Chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non tư thục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ đề nghị sang cơ sở giáo dục mầm non tư thục hoạt động không vì lợi nhuận;
+ Chuyển đổi cơ sở giáo dục phổ thông tư thục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ đề nghị sang cơ sở giáo dục phổ thông tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
- Thủ tục hành chính cấp tỉnh:
+ Chuyển đổi nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sang nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục hoạt động không vì lợi nhuận;
+ Chuyển đổi trường trung học phổ thông tư thục, trường phổ thông tư thục có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông do nhà đầu tư trong nước đầu tư và trường phổ thông tư thục do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sang trường phổ thông tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
- Thủ tục hành chính cấp huyện:
+ Chuyển đổi nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục do nhà đầu tư trong nước đầu tư sang nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục hoạt động không vì lợi nhuận;
+ Chuyển đổi trường tiểu học tư thục, trường trung học cơ sở tư thục và trường phổ thông tư thục có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở do nhà đầu tư trong nước đầu tư sang trường phổ thông tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
4. Quy định về đánh giá, xếp loại Đơn vị học tập
Thông tư 22/2020/TT-BGDĐT quy định về đánh giá, xếp loại Đơn vị học tập do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, có hiệu lực từ ngày 21/9/2020.
Theo đó, việc đánh giá, xếp loại Đơn vị học tập như sau:
- Việc đánh giá, xếp loại Đơn vị học tập phải căn cứ vào kết quả đạt được của các tiêu chí quy định tại Điều 5 của Thông tư 22/2020.
- Việc đánh giá, xếp loại Đơn vị học tập theo phương thức chấm điểm. Tổng số điểm tối đa cho tất cả các tiêu chí là 100.
- Xếp loại:
+ Loại tốt: Tổng số điểm đạt được từ 85 điểm đến 100 điểm;
+ Loại khá: Tổng số điểm đạt được từ 70 điểm đến dưới 85 điểm;
+ Loại trung bình: Tổng số điểm đạt được từ 50 điểm đến dưới 70 điểm;
+ Loại chưa đạt: Các trường hợp còn lại.
Nguồn: thuvienphapluat.vn (MH)