Bác về, đất nước đứng lên- Bài 1
LTS: "Ôi sáng xuân nay, xuân 41/Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/Bác về... Im lặng. Con chim hót/Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ.../Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!/Nhớ thương, hòn đất ấm hơi Người/Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ/Mà đến bây giờ mới tới nơi!" (Tố Hữu). Sự kiện ngày 28-1-1941, Bác Hồ vượt qua biên giới Việt - Trung về nước là một trong những dấu mốc đặc biệt quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam, từng bước đưa dân tộc Việt Nam đi tới những mùa xuân tươi thắm.
Mùa xuân ấy, Bác về, biết bao niềm vui được thắp lên. Cả dân tộc, cả đất nước, cả nhân dân đặt niềm tin vào Đảng, vào Bác. Bác về như ánh dương bừng sáng, như ngọn lửa sưởi ấm không gian toàn đất nước, rồi làm bùng lên thành cả biển lửa cách mạng trong nhân dân để chuẩn bị cho một cuộc đổi đời vĩ đại, mãi mãi đi vào lịch sử, đưa nhân dân ta thoát khỏi kiếp nô lệ lầm than, đưa dân tộc và đất nước ta "rũ bùn đứng dậy sáng lòa".
|
Di tích nền nhà ông Lý Quốc Súng, ngôi nhà Bác ở khi mới trở về nước chỉ đạo cách mạng, từ ngày 28-1 đến ngày 7-2-1941. Ảnh: CAO SƠN |
Hành trình thiêng liêng
Theo dấu chân Người, nhóm biên tập viên, phóng viên Báo Bình Dương có dịp về thăm Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pác Bó tại xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, nơi đầu nguồn cách mạng. Khung cảnh núi rừng Pác Bó bát ngát, hùng vĩ, như còn in đậm bóng hình của Bác. Trông vời lưng núi/Khuổi Nậm rì rào núi cao tầng mây/ Chiều nay tiếng ai đang lượn về trên đèo/Kể rằng Người về đây nhà in lưng đá/Người về quê ta tấm áo chàm tình thương quê nhà... (Tiếng hát giữa rừng Pác Bó).
Chị Hồng Xiêm, đồng nghiệp tại Báo Cao Bằng là người đồng hành nhiệt tình, bảo mọi người đến Pác Bó thì phải leo lên cột mốc 108, nơi sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, Bác đã đặt bước chân đầu tiên khi trở về. Từ dưới chân núi, để lên được cột mốc này, chúng tôi phải vượt qua quãng đường khoảng chừng 1km men theo dốc núi, có đoạn gần như thẳng đứng. Đoàn chúng tôi ai cũng thở dốc, riêng cô gái hướng dẫn viên của khu di tích vẫn bước đi khoan thai, bằng một giọng nói trong trẻo, giới thiệu lần lượt những địa điểm ghi dấu chân Người. Đây là nền nhà ông Lý Quốc Súng, ngôi nhà Bác đã ở khi mới trở về Tổ quốc chỉ đạo cách mạng (từ ngày 28-1 đến ngày 7-2-1941). Kia là hang Lũng Lạn, nơi Bác ở và làm việc trong khoảng cuối tháng 3-1941; hang Ngườm Vài, năm 1941, Bác trực tiếp dự, hướng dẫn và kết nạp Đảng cho đồng chí Nông Thị Trư... Cứ mỗi lần dừng chân tạm nghỉ, đâu đó xung quanh lại như hiện lên hình ảnh của Già Thu, Ông Ké, truyền thêm động lực và cảm hứng cho chúng tôi trong suốt hành trình thiêng liêng... "Kìa! Bóng Bác đang hôn lên hòn đất...". Cô hướng dẫn viên xúc động đọc lại câu thơ trong bài "Người đi tìm hình của nước" của nhà thơ Chế Lan Viên khi chúng tôi bước chân, với tới chỏm đá, nơi đặt cột mốc 108 lịch sử. Điều này càng khiến ai cũng xúc động, bồi hồi...
Vạch đường đánh đuổi Nhật, Tây
Sự kiện Bác về nước cũng là một quá trình gian khổ. Đã nhiều lần Người tìm đường trở về Tổ quốc nhưng đều không thể thực hiện bởi "sự lùng sục rất gắt gao nhằm tìm ra tung tích của Nguyễn Ái Quốc" của thực dân Pháp. Phải mãi tới lần thứ 3, việc tìm đường về nước của Bác mới từng bước được thực hiện. Đó là vào đầu năm 1940, khi về hoạt động tại Côn Minh (Trung Quốc). Lúc này, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển mau chóng, đặc biệt là sự ác liệt và quy mô rộng lớn của Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đang mở ra nhiều cơ hội cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Vì thế, ngay khi được tin phát xít Đức tấn công nước Pháp (ngày 15-6- 1940) và Chính phủ Pháp chấp nhận đầu hàng không điều kiện (ngày 22-6-1940), nhận thấy cơ hội giải phóng cho dân tộc ta đang đến gần, Bác đã triệu tập ngay cuộc họp với các đồng chí trong Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng ta, phân tích tình hình và chỉ rõ: "Đây là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng" .
Ngày 28-1-1941, Bác và các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc vượt qua mốc 108 biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó, Cao Bằng, một nơi "bí mật" có "hàng rào quần chúng bảo vệ và có đường rút lui". Những ngày đầu về nước, Bác ở nhà ông Lý Quốc Súng (Máy Lỳ) ở thôn Pác Bó. Sau đó, để tiện cho công tác, Người chọn hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là "đầu nguồn") một hang núi kín đáo ở thôn Pác Bó làm nơi sống và làm việc, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước.
Hôm chúng tôi đến thăm hang Cốc Bó, tình cờ gặp ông Mohamed Harem, du khách người Thổ Nhĩ Kỳ đang tần ngần bởi khung cảnh nơi làm việc quá đỗi giản dị và đơn sơ của một vị lãnh tụ vĩ đại. Tôi hỏi: "What are you thinking about Ho Chi Minh, right now?" (Ông đang nghĩ gì về Hồ Chí Minh, ngay trong lúc này?). Ông Mohamed Harem lặp đi, lặp lại: "Great!", Great!", "Great person!" (Vĩ đại. Vĩ đại. Người vĩ đại). Sau đó, ông còn cho biết thêm, ông từng là một trong những người đã tham gia phong trào phản đối chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam. Trong con mắt của nhiều thanh niên quốc tế thời đó, Bác Hồ là một biểu tượng của tinh thần đấu tranh chính nghĩa, của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới...
Khi ở hang Cốc Bó, Người đã tự tay khắc lên vách đá ghi lại thời gian lịch sử này. Ở giữa hang Cốc Bó có một nhũ đá cao, Người đã chọn và tạc lên đây bức tượng Các Mác - người thầy vĩ đại của cách mạng vô sản thế giới. Bác còn đặt tên một ngọn núi ở Pác Bó là núi Các Mác. Riêng dòng suối chảy từ chân núi ôm vòng quanh núi Các Mác (đồng bào dân tộc nơi đây gọi là suối Giàng - suối Trời), Bác đặt tên là suối Lê-nin. Suối Lê Nin, núi Các Mác là nơi có kỷ niệm rất sâu sắc trong thời kỳ Bác sống ở đây: "Non xa xa, nước xa xa/Nào phải thênh thang mới gọi là/Đây suối Lê-nin, kia núi Mác/Hai tay xây dựng một sơn hà".
Tại Pác Bó, Người mang bí danh "Già Thu", "Cụ Thu Sơn", trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng các đoàn thể cứu quốc ở Cao Bằng; mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ, lược dịch cuốn sách Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, biên soạn Cách đánh du kích, Cách huấn luyện cán bộ quân sự, để làm tài liệu học tập. Đặc biệt tháng 5-1941, Bác đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Trên cơ sở phân tích sâu sắc tình hình, đặc biệt là tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước, hội nghị đề cập nhiều vấn đề quan trọng, như cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là cuộc cách mạng "giải phóng dân tộc"; kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương là "phát-xít Pháp - Nhật và các lực lượng phản cách mạng tay sai cho chúng"; nguyện vọng của nhân dân Đông Dương lúc này là "đánh đuổi Pháp - Nhật, làm cho xứ Đông Dương độc lập"… Hội nghị nêu rõ: "Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được".
Hội nghị cũng đã đề ra nhiều biện pháp về tư tưởng, chính trị và tổ chức để động viên mạnh mẽ tinh thần yêu nước của nhân dân ta để tập trung tất cả sức mạnh cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh). Ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh chính thức ra đời với Tuyên ngôn, Chương trình, Ðiều lệ. Bản Chương trình cứu nước của Việt Minh gồm 44 điều cụ thể về các chính sách chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục, chính sách đối với các tầng lớp nhân dân, chính sách xã hội, chính sách ngoại giao, để thực hiện hai điều cơ bản mà toàn thể đồng bào mong ước là: "Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập. Làm cho dân Việt Nam được hoàn toàn sung sướng, tự do"... (còn tiếp)
Nguồn: tinhuybinhduong.vn (MH)