Bác Hồ với Đảng
Ngày 9 tháng 12 năm 1961, Bác Hồ có cuộc gặp với cán bộ, đảng viên lão thành cách mạng hai tỉnh “đỏ”: Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây là những đảng viên lâu năm, hoạt động cách mạng từ những năm 1929 – 1930, khi Đảng còn trong “bóng tối”. Cách mạng thành công, do nhiều lý do, một số trong các bậc lão thành không có điều kiện nhận “chức này, quan nọ không được “ưu tiên”, con cháu ít được ưu đãi…
Bác nhẹ nhàng hỏi chuyện:
- Các đồng chí nói: Có những thành phần không tốt, khi trước nó phản Cộng sản, nay nó được đề bạt; mình trung thành với cách mạng thì không được chú ý. Không đúng! Cố nhiên, một đôi lúc các ban tổ chức địa phương hay Trung ương không cẩn thận… đó là nhầm. Nhưng bất kỳ ai có khả năng, đủ tiêu chuẩn, cách mạng có nhu cầu là phải dùng. Ví dụ: giữa hai đứa con của người trong Đảng và người ngoài Đảng. Con của đồng chí mình thì kém, dốt. Con của người ngoài Đảng thì thông minh, ngoan ngoãn hơn. Vậy thì ta nên đưa ai đi? Con của người ngoài Đảng hay trong Đảng?...
Bác dừng lại nhìn cả hội trường, hỏi mà Bác không vui, dù chắc đã biết câu trả lời mà Bác vẫn hỏi. Các “lão thành đồng chí” nhìn lên Bác, trả lời:
- Dạ, con của người ngoài Đảng ạ.
Bác gật đầu nói:
- Đúng, vì Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị. Đảng lo việc cho cả nước, không lo riêng cho một đồng chí nào…
Nguồn: Sưu tầm (MH)