(TG) - Xuân Canh Tý này, Đảng ta tròn 90 xuân. Thu tới, ngành Tuyên giáo mà tiền thân là Ban Tuyên truyền Trung ương - đứa con đầu lòng của Đảng cũng tròn tuổi 90.
Liệu có gì không ổn khi nói cha và con cùng tuổi? Không. Sự thật là Đảng ta thành lập ngày 3-2-1930, còn Ban Tuyên truyền Trung ương thì ra đời sau đó 6 tháng, ngày 1-8 năm ấy.
Thế là niềm vui được nhân đôi. Niềm vui ấy hòa quyện với niềm tự hào chính đáng làm cho đời sống tinh thần của Đảng tăng lên gấp bội và thực tế đã trở thành một sức mạnh vật chất to lớn.
NIỀM TỰ HÀO CỦA ĐẢNG
Đảng ta tự hào vì suốt 90 năm, trải qua một chặng đường dài chiến đấu, biết bao bão bùng giông tố, biết bao hy sinh gian khổ mà vẫn vượt qua được để lập nên nhiều kỳ tích, làm rạng rỡ non sông gấm vóc của ta.
Kỳ tích về một cuộc cách mạng long trời lở đất năm 1945 - Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc, cũng là khởi đầu một thời đại mới - Thời đại Hồ Chí Minh.
Kỳ tích về hai cuộc kháng chiến cứu nước, lần lượt đánh sập cả chủ nghĩa thực dân cũ lẫn chủ nghĩa thực dân mới, giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, với những chiến công lừng lẫy: Điện Biên Phủ và Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Kỳ tích về xây dựng chủ nghĩa xã hội mà đỉnh cao là công cuộc đổi mới toàn diện được tiến hành gần 35 năm qua, với những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi căn bản bộ mặt của đất nước, không ngừng nâng cao sức mạnh tổng hợp của quốc gia và vị thế quốc tế của nước ta.
Bác Hồ từng nói: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền tự hào nói rằng, Đảng ta thật vĩ đại”.
Vĩ đại vì Đảng là con nòi, xuất thân từ giai cấp lao động. Vì Đảng ta từ ngày mới ra đời liền giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc. Vì Đảng ta đang lãnh đạo nhân dân thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống vui tươi, ấm no và mỹ tục thuần phong(1).
Về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Lê Duẩn từng nhận định trong Báo cáo tại Đại hội IV của Đảng: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
Về thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định: “35 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong tiến trình phát triển đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn, là một tiến trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân ta”(2).
NIỀM TỰ HÀO CỦA NGÀNH TUYÊN GIÁO
Niềm tự hào bắt đầu từ lịch sử ra đời. Như trên đã nói, ban đầu tiên được thành lập bên cạnh Trung ương Đảng chính là Ban Tuyên truyền. Trải qua các thời kỳ, Ban Tuyên huấn, Ban Tuyên văn giáo huấn, Ban Tư tưởng - Văn hóa hay Ban Tuyên giáo ngày nay, chữ “Tuyên” bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu.
Tuyên là tuyên truyền, nói rộng ra là công tác tư tưởng lý luận. Đảng ta chỉ rõ: “Công tác tư tưởng, lý luận hay công tác tuyên giáo nói chung là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng ta, là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị và tinh thần của chế độ,… khẳng định và nâng cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hóa và đạo đức, thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(3).
Đồng chí Lê Duẩn từng nói: “Muốn làm tốt công tác tư tưởng phải nắm vững quy luật của tư tưởng. Vì sao? Vì tự nhiên có quy luật của tự nhiên, xã hội có quy luật riêng của xã hội, tư tưởng có quy luật riêng của tư tưởng, cho nên, khi làm cách mạng tư tưởng và văn hóa, phải nắm vững và vận dụng cho được những quy luật riêng của tư tưởng…”.
Phát biểu tại Hội nghị Tuyên giáo toàn miền Bắc bàn việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội III của Đảng, tháng 4-1962, đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh, “công tác tư tưởng không phải chỉ nắm lý luận, mà còn phải biết gắn tình cảm với lý luận. Triết học giải quyết lý trí, văn học, nghệ thuật xây dựng tình cảm, cả hai đều phải nhất trí với nhau thì mới giải quyết được vấn đề tư tưởng”.
Ban Tuyên giáo cũng như các ban khác của Trung ương đều được xác định là cơ quan tham mưu, đồng thời là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nhiệm vụ mình phụ trách.
Với tư cách là cơ quan tham mưu, Ban Tuyên giáo đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện 3 nhiệm vụ được giao. Một là, nghiên cứu, đề xuất với Trung ương những vấn đề thuộc đường lối, chủ trương, chính sách lớn, về việc ra các nghị quyết và chỉ thị mà Ban phụ trách. Hai là, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các quyết định và chỉ thị của Trung ương. Ba là, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư ủy quyền. Việc Ban đóng góp ý kiến vào xây dựng và thực hiện hai nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII là một minh chứng cụ thể.
Đại hội XII của Đảng đánh giá: Chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận có bước được nâng lên. Công tác tư tưởng được coi trọng và tăng cường, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.
Văn kiện Hội nghị lần thứ 11 khóa XII mới đây cũng có cùng nhận định như vậy, và còn nêu thêm: Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nêu gương đạt kết quả bước đầu quan trọng.
Niềm tự hào của ngành Tuyên giáo còn được thể hiện qua thành tựu xây dựng được một đội ngũ cán bộ có năng lực và phẩm chất đạo đức, luôn trung thành với công tác tuyên giáo, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân và từng bước trưởng thành qua các thời kỳ.
TỰ HÀO KHÔNG PHẢI LÀ KIÊU NGẠO
Thành tựu đạt được là to lớn. Nhưng bức tranh xây dựng Đảng nói chung và xây dựng ngành Tuyên giáo nói riêng không phải chỉ toàn màu hồng. Còn có cả mảng xám và tối nữa.
Bác Hồ, Đảng ta từng nghiêm khắc phê phán bệnh thành tích và bệnh kiêu ngạo. Vì bệnh thành tích mà sự thật bị bóp méo, khuyết điểm nhiều thì nói ít đi, còn thành tích ít thì lại xít lên cho nhiều. Bệnh kiêu ngạo thể hiện ở chỗ: tự cao, tự đại, ham địa vị, hay lên mặt. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang, vênh váo, cho ai cũng không bằng mình. Việc gì cũng muốn làm thầy người khác.
Quan điểm của Đảng ta trong đánh giá tình hình là: “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Quan điểm ấy do Đại hội VI của Đảng nêu lên, nay vẫn còn nguyên giá trị.
Nếu nhìn thẳng vào sự thật mà không đánh giá đúng sự thật thì khác nào “thầy bói vẽ voi”. Người sờ vào tai voi thì bảo con voi giống như cái quạt. Sờ vào cái vòi thì bảo con voi giống con đỉa. Sờ vào chân thì bảo con voi giống cái cột nhà…
Trong khi khẳng định những thành tựu đạt được là to lớn, Đảng ta vẫn thẳng thắn chỉ ra nhiều mặt hạn chế, yếu kém và khuyết điểm. Riêng về công tác tư tưởng, dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII chỉ rõ: Công tác tư tưởng còn có mặt hạn chế, tính thuyết phục chưa cao. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng, thiếu sắc bén, tính chiến đấu còn hạn chế. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng yêu cầu, một số vấn đề khó mới phát sinh chưa được làm sáng tỏ. Tính tiên phong, gương mẫu và phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên giảm sút…
Trong 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra để thực hiện trong nhiệm kỳ Đại hội XIII sắp tới, Dự thảo Báo cáo đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đáng chú ý là trong ba nhiệm vụ trọng tâm được đề ra, nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất là: Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Di chúc của Người.
|
Để kết thúc bài báo này, tôi xin nhắc lại bài học thứ 5 được nêu lên trong Cương lĩnh của Đảng: “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”. Có nghĩa là không phải bất cứ sự lãnh đạo nào mà phải là sự lãnh đạo đúng đắn thì mới quyết định được thắng lợi./.
Hà Đăng
_________________________________
(1) Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phát biểu trong cuộc mít tinh kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng.
(2) Nguyễn Phú Trọng: Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11, khóa XII, ngày 12-10-2019.
(3) Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X.
Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương (MH)