Đôi nét về nội dung khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh theo Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam (2011)
TTBD - Cho đến nay có rất nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh; ở đây, chúng ta tiếp cận khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh theo quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VII năm 1991, lần đầu tiên Đảng ta đã nêu khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh, đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (4/ 2001) Đảng ta đã bổ sung khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh đến Đại hội XI của Đảng (2011) khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh được khái quát lại, bổ sung hoàn chỉnh.
Đến nay chúng ta sử dụng khái niệm nay: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”.
Khái niệm trên nêu rõ cấu trúc, nguồn gốc, nội dung và giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với Đảng và dân tộc ta.
* Thứ nhất, về cấu trúc: Khái niệm nêu rõ “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản cách mạng Việt Nam”. Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh tập trung bàn đến các vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, bao gồm: xác định con đường của cách mạng Việt Nam; mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng; lực lượng tiến hành; phương pháp tiến hành và giai cấp lãnh đạo cách mạng.
Nhận thức như vậy để khi nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh cần tránh những khuynh hướng sai lệch và xuyên tạc cho rằng:
Một là, không có tư tưởng Hồ Chí Minh: cho rằng không có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh mà chỉ một vài phát biểu ngắn gọn của Người.
Hai là, cái gì cũng quy về tư tưởng Hồ Chí Minh mà không hiểu tư tưởng của Người chỉ gắn với những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, như vậy vô tình hạ thấp chứ không phải đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh. Ví dụ: tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng cháy chữa cháy…
Phải hiểu: Tư tưởng Hồ Chí Minh là một khái niệm khoa học, vì thế hết sức cô đọng, chặt chẽ, có nội hàm lý luận cao, có sức sống mãnh liệt và giá trị lý luận, thực tiễn rất to lớn không những với cách mạng Việt Nam mà còn đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng giai cấp, giải phóng loài người trên phạm vi toàn thế giới.
* Thứ hai, về nguồn gốc: Đảng ta đã chỉ rõ ba nguồn gốc lý luận hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh. Bao gồm: Chủ nghĩa Mác – Lênin, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa của nhân loại. Đặc biệt, chủ nghĩa Mác - Lênin có vai trò quyết định nhất tới việc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh bởi đã trang bị cho Người thế giới quan và phương pháp luận Mác xít. Với thế giới quan và phương pháp luận Mác xít, Hồ Chí Minh có sự chuyển biến về chất trong tư tưởng cách mạng của mình để có thể hấp thụ và chuyển hóa được những giá trị tích cực và tiến bộ trong truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, giúp Người nhận định, đánh giá, phân tích, tổng kết rất nhiều những học thuyết, quan điểm khác nhau và đặc biệt là những kinh nghiệm hoạt động thực tiễn một cách khoa học, để từ đó nâng trí tuệ của Người lên một tầm cao mới tìm ra con đường cứu nước đúng đắn – con đường cách mạng vô sản.
Chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết duy nhất từ trước tới nay đặt ra mục tiêu, chỉ rõ con đường giải phóng triệt để giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới thoát khỏi tình trạng bị nô dịch và bóc lột, thoát khỏi đói nghèo và tha hoá về nhiều mặt. Đồng thời, học thuyết đó chỉ ra lực lượng cách mạng thực hiện sự nghiệp giải phóng và phát triển xã hội là giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đem lại cho họ niềm tin vào khả năng và sức mạnh của chính mình.
Bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin còn thể hiện ở chỗ đó là học thuyết mở, không cứng nhắc, bất biến mà nó đòi hỏi luôn được bổ sung, tự đổi mới, tự phát triển trong dòng phát triển trí tuệ của nhân loại.
Mác-Ăngghen cũng như Lênin đã nhiều lần khẳng định học thuyết của các ông không phải là cái đã xong xuôi, bất biến, không phải là giáo điều mà chỉ là kim chỉ nam cho hành động. Nó gắn liền với sự phát triển của phong trào cách mạng, với thực tiễn vận động của lịch sử, hay nói cách khác học thuyết đó chỉ đưa ra cơ sở và phương pháp luận cho suy nghĩ và hành động. Điều đó hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa giáo điều xơ cứng.
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá một cách khách quan, chính xác, đầy đủ và sâu sắc vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin trong quá trình cách mạng Việt Nam. Vào năm 1927, Hồ Chí Minh đã viết: “…Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê- nin”. Theo Người, chủ nghĩa Mác - Lênin không những là kim chỉ nam mà còn là “mặt trời soi sáng” con đường chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp vào tháng 7-1969, Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi giành được thắng lợi là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng… chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác - Lênin”.
Bác vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta. Hồ Chí Minh nhận thấy chủ nghĩa Mác - Lênin chủ yếu vẫn được hình thành trên nền tảng triết lý phương Tây, mang dấu ấn đấu tranh giai cấp ở phương Tây. Để hoàn thiện, Người đã bổ sung chủ nghĩa Mác - Lênin bằng dân tộc học phương Đông, bởi phương Tây chưa phải là toàn thế giới. Ví như, Thứ nhất, xác định mâu thuẫn cơ bản nhất trong xã hội: Ở Phương Tây sau khi các cuộc cách mạng tư sản thành công, các quốc gia tư bản được thành lập thì mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu là giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản; còn ở Việt Nam lúc này là thuộc địa của thực dân Pháp mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc với bọn đế quốc xâm lược và phong kiến tay sai là mâu thuẫn cơ bản nhất, chủ yếu nhất. Thứ hai, mục đích của cách mạng: Trên cơ sở xác định mâu thuẫn cơ bản nhất trong xã hội, quan điểm của chủ nghĩa Mác cho rằng trước hết phải thực hiện nhiệm vụ giải phóng giai cấp, trong khi đó ở một nước thuộc địa như Việt Nam theo Hồ Chí Minh trước hết cách mạng phải nhằm giải phóng dân tộc, vấn đề này ở các nước tư bản châu Âu cơ bản đã được giai cấp tư sản làm trong cuộc cách mạng tư sản. Thứ ba, quan điểm về Đảng và xây dựng Đảng: Để thực hiện được mục đích của cuộc cách mạng, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác phải có Đảng lãnh đạo, Đảng đó là đội tiên phong của giai cấp vô sản, nó là sản phẩm của sự kết hợp giữa hai yếu tố: chủ nghĩa Mác cộng với phong trào công nhân. Ở Việt Nam, để cách mạng thắng lợi, Bác khẳng định phải có Đảng chân chính lãnh đạo, “Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác-Lê làm cốt” và ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam phải có thêm yếu tố phong trào yêu nước và ngay từ đầu Đảng đã cắm rễ sâu trong lòng dân tộc.
Nếu Hồ Chí Minh không vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta để xây dựng hệ thống lý luận cách mạng soi đường cho cách mạng Việt Nam thì làm sao chúng ta có thể chớp thời cơ và giành thắng lợi nhanh gọn trong thời gian chưa đầy hai tuần của tháng Tám năm 1945 và tiếp theo là thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến thần thánh, quá độ lên chủ nghĩa xã hội khi cả nước có chiến tranh với tư duy “chủ nghĩa xã hội thời chiến”.
Như vậy Bác đã tiếp thu có chọn lọc các yếu tố tích cực, biết kế thừa có phê phán, chọn lọc mọi tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu cho tư tưởng của mình, đúng như Bác đã nói “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải đã có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội… Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”.
* Thứ ba, về nội dung: Theo quan điểm của Đảng được trình bày tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, tư tưởng Hồ Chí Minh gồm 9 nội dung cơ bản:
Một là, tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Hai là, tư tưởng về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ba là, tư tưởng về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân. Bốn là, tư tưởng về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Năm là, tư tưởng về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Sáu là, tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Bảy là, tư tưởng về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Tám là, tư tưởng về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chín là, tư tưởng về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. (Những nội dung này sẽ được làm rõ trong những bài tiếp theo)
* Thứ tư, về giá trị: Là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”. Tài sản tinh thần là khái niệm khó có thể nhận diện một cách cụ thể nhưng nó lại có khả năng gắn kết cộng đồng, kết dính tâm thức dân tộc. Trong thực tế tài sản vật chất có thể mất đi nhưng tài sản tinh thần thì luôn bền vững bởi nó góp phần tạo dựng nên truyền thống văn hóa, tạo nên hệ thống giá trị chuẩn mực của xã hội đồng thời định hướng giá trị cho tương lai.
Khi nói đến tài sản tinh thần là nói đến sức sống của một di sản trong cộng đồng, trong lòng dân tộc. Nhân dân ta, Đảng ta đã thừa hưởng một tài sản tinh thần to lớn là tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó chính là niềm tự hào lớn lao của dân tộc Việt Nam. Xác định tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và của dân tộc ta không chỉ thuần túy như một sự đề cập về vấn đề sở hữu mà còn xác định ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn, làm giàu và phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng lý luận và định hướng cho Đảng ta xây dựng đường lối đúng đắn, tổ chức lực lượng cách mạng và dẫn dắt nhân dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong toàn bộ tiến trình của cách mạng nước ta: thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp và thắng lợi trong kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng ta đã chỉ rõ: Cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và là kim chỉ nam cho hành động của Đảng, đã đem lại thắng lợi cho công cuộc đổi mới ở nước ta, sẽ tiếp tục dẫn dắt chúng ta trên con đường xây dựng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” và trong giai đoạn hiện nay là soi đường cho Đảng và nhân dân ta trên con đường thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thông qua việc học tập, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh để bồi dưỡng, củng cố cho cán bộ, đảng viên lập trường, quan điểm cách mạng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; tích cực đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, HN. 2011
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 2
3.Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện nghiên cứu tôn giáo: Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng, NXB Khoa học xã hội, H.1996
TÁC GIẢ
ThS. Nguyễn Thị Mai - Đoàn viên, GV Trường Chính trị tỉnh Bình Dương TtS. Hoàng Thị Nguyệt - Trường Cao Đẳng Xây dựng Thành phố HCM (MH)
Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, HN. 2011, tr.88
Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện nghiên cứu tôn giáo: Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng, NXB Khoa học xã hội, H.1996, tr. 152.