Hồ Chí Minh - Tấm gương mẫu mực về thực hiện “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”
TTBD - Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Người là hiện thân của tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, một điển hình mẫu mực vì nước, vì dân, suốt đời phấn đấu vì mục tiêu giải phóng dân tộc, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Để thực hiện được mục tiêu đó Bác đã tự rèn luyện mình cả về đức và tài, đồng thời Bác yêu cầu cán bộ cách mạng cũng phải vừa “hồng” vừa “chuyên”.
Nguồn ảnh: Sưu tầm
Năm 1945, Người từng viết thư “Gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” để dặn dò:
“Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh" (1)
Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng cho mỗi cán bộ, đảng viên về việc phục vụ lợi ích cho nhân dân, hết lòng vì nhân dân. Người không chỉ nói mà thực hiện trong thực tế.
Xuất phát từ quyết tâm “việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm” nên Bác đã sớm ra đi tìm đường cứu nước: sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược và thống trị, nhân dân trở thành nô lệ. Các cuộc đấu tranh của nhân dân đều thất bại. Sự thất bại của các phong trào kháng Pháp chứng tỏ cách mạng nước ta đang lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về đường lối cách mạng, thiếu hẳn một phương pháp khoa học và một giai cấp tiên tiến lãnh đạo cứu nước. Giải phóng dân tộc đã trở thành yêu cầu bức thiết nhất của toàn thể dân tộc Việt Nam. Trong hoàn cảnh đó đã thôi thúc nhiều người dân Việt Nam tìm con đường cứu nước mới, trong đó có Nguyễn Ái Quốc, vượt qua hạn chế của các nhà yêu nước đương thời Bác đã quyết định một cách đi, một hướng đi và một mục đích đi hoàn toàn mới. Bác muốn “ Xem Pháp và các nước khác làm thế nào, rồi sẽ quay về giúp đồng bào ta”. Ra đi tìm đường cứu nước - giải phóng dân tộc đó là việc làm có lợi cho dân, cho nước, dù phải đối diện với nhiều khó khăn, gian khổ: ra đi tìm đường cứu nước bằng hai bàn tay trắng, để có tiền sống và hoạt động cách mạng Bác đã dựa vào chính sức lao động của mình, Bác làm nhiều nghề khác nhau, từ phụ bếp đến bồi bàn, rửa ảnh, quét tuyết...., hoàn cảnh làm việc có những lúc vô cùng khó khăn vất vả, bôn ba ở nước ngoài không ít lần Người phải chịu cảnh tù đày, bị giam cầm trong nhà tù của thực dân Anh, thực dân Pháp... nhưng vất vả đó không làm Người chùn bước.... Khi bắt gặp Chủ nghĩa Mác - Lênin Người xác định con đường đi cho dân tộc Việt Nam là làm cách mạng vô sản, là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và Người luôn kiên định mục tiêu này, dù cho có lúc Quốc tế cộng sản hiểu sai về Người, từng đặt Người đứng bên ngoài Quốc tế cộng sản. Tuy nhiên, với tinh thần quốc tế trong sáng, một con người không chỉ vì dân tộc mình mà còn vì tất cả các dân tộc bị đoạ đầy đau khổ, một con người cả cuộc đời vì nước, vì dân. Người đã không chỉ trở thành lãnh tụ của dân tộc Việt Nam mà còn là biểu tượng ngưỡng vọng của các dân tộc tiến bộ trên thế giới.
Khi thời cơ cách mạng đã đến, Người cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân chớp thời cơ giành chính quyền với quyết tâm“Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập… ” và dân tộc ta đã làm nên thắng lợi vĩ đại trong cách mạng tháng 8- 1945, đưa chính quyền về tay nhân dân, từ đây dân tộc Việt Nam từ thân phận một nước nô lệ trở thành một nước độc lập, nhân dân Việt Nam từ thân phận những người nô lệ vươn lên làm chủ đất nước. Một phần trong ham muốn, ham muốn tột bậc của Bác là:“Ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (2) đã trở thành hiện thực.
Nhưng đúng như Bác đã nói: “ “Nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì” , nên khi nước nhà đã giành được độc lập Bác yêu cầu Đảng, Chính phủ và cán bộ phải chăm lo đến mọi mặt đời sống của nhân dân. Ngày 3 - 9 - 1945 tức là chỉ sau ngày tuyên bố độc lập, Hội đồng Chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã họp phiên đầu tiên dưới quyền chủ tọa của Hồ Chủ tịch. Bỏ qua những nghi thức thông thường của một cuộc họp Bác đã nêu ra 6 vấn đề cấp bách cần phải làm ngay, trong đó vấn đề cấp bách đầu tiên mà Người đề cập tới là nạn đói, Người viết: “Nhân dân đang đói, tôi đề nghị với Chính phủ phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất, lúc chúng ta bưng bát cơm mà ăn nghĩ tới người đói khổ chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước, cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi bữa một bơ gạo, đem gạo ấy biếu dân nghèo” (3). Bên cạnh đó, Chính phủ còn ban hành các chính sách, biện pháp như: cấm dùng gạo nấu rượu, xóa bỏ mọi hạn chế trong việc lưu thông gạo giữa các vùng trong cả nước, cấm dân tích trữ gạo, thành lập tổ chức “Uỷ ban tối cao tiếp tế và cứu tế” của Chính phủ. Việc chuyên chở gạo từ các tỉnh ở Nam Bộ và Trung Bộ ra Bắc Bộ được tiến hành nhanh chóng để kịp đưa gạo đến các địa phương cứu đói. Với những chính sách trên, “giặc đói” được giảm dần, song để diệt tận gốc chính phủ chủ trương tăng gia sản xuất với khẩu hiệu “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa!” và khẩu hiệu “Tấc đất tấc vàng”. Với tình thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách cộng với những biện pháp tích cực của Chính phủ nạn đói năm 1945 được đẩy lùi.
Vấn đề thứ hai mà Người đề cập đến là nạn dốt, đây là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn 90% đồng bào ta mù chữ nhưng chỉ cần ba tháng là đủ để học đọc, học viết tiếng quốc ngữ. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy Bác đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ, diệt giặc dốt. Phong trào đã lôi cuốn đông đảo mọi tầng lớp giai cấp, lứa tuổi, từ các em thiếu nhi, chị em phụ nữ đến các cụ già 70-80 tuổi, từ công nhân trong nhà máy hầm mỏ, chị em buôn bán, thợ thủ công đến bà con nông dân ai cũng hăng hái tham gia học tập. Những người biết chữ tự nguyện làm “Chiến sĩ diệt dốt”, lấy lá chuối, mo cau làm giấy viết, đất sét thay phấn... Tất cả đều tích cực học hành. Ban Bình dân học vụ được thành lập từ tỉnh đến huyện để vận động phong trào diệt dốt.Cũng nhờ sự đồng lòng của Chính phủ và nhân dân mà trong 3 năm từ tháng 9/1945 đến tháng 9/1948 đã có gần 8 triệu người Việt Nam thoát nạn mù chữ.
Cũng chính với phương châm “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”, nên vào ngày 11/11/1945, Bác Hồ đã tuyên bố “Đảng cộng sản Đông dương tự ý giải tán”. Bác không ngại nếu bị phản đối, bởi vì Bác đặt lợi ích dân tộc lên trên hết trên cơ sở căn cứ vào điều kiện lịch sử, tình hình thế giới và hoàn cảnh cụ thể trong nước. Giải tán Đảng cộng sản Đông dương, đảng rút lui vào hoạt động bí mật vẫn tiếp tục đoàn kết được mọi tầng lớp nhân dân và tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của các nước trên thế giới đồng thời tránh tổn thất cho cách mạng Việt Nam.
Khi đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam mới, Bác cũng đặt tên nước là nước Việt Nam dân chủ cộng hòa để khẳng định quyền lực trong nước là thuộc về nhân dân, do nhân dân làm chủ, xây dựng nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân, không có quyền lực cá nhân hay quyền lực của một nhóm nhà lãnh đạo, các cơ quan nhà nước đều được nhân dân bầu ra; đến năm 1951, khi Đảng khôi phục hoạt động công khai, Bác cũng đặt tên Đảng là Đảng Lao động Việt Nam - Đảng của những người lao động, vì những người lao động, chứ không đặt tên khác vì với Bác, “việc gì lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì hại cho dân, thì phải hết sức tránh”.
Người khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương đều do dân cử ra. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” (4), Một tháng sau ngày tuyên bố độc lập Nhà nước cộng hòa dân chủ vừa mới được thành lập, ngày 17/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư: “Gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” trong đó Người cảnh báo hiện tượng cán bộ “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân chứ không phải là để cậy thế với dân”. Rồi thì “Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn. Thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra? Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên cho đến các cô, các cậu ủy viên cũng đi xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai chịu?”... . Người luôn nhắc nhở cán bộ “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”. Bác chỉ rõ từ chủ tịch nước đến người công chức bình thường đều là công bộc của dân, làm “đầy tớ” phục vụ lợi ích chính đáng cho nhân dân chứ không phải “làm quan cách mạng”. Bác dạy: “Muốn được dân tin, dân phục, dân yêu, cán bộ phải tự mình làm đúng đời sống mới. Nghĩa là phải siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng, nếu không thực hành bốn điều đó mà muốn được lòng dân, thì cũng như bắc dây leo trời” (5). Như vậy, để phục vụ tốt nhất lợi ích cho nhân dân, theo Bác người cán bộ phải tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng, phải tu dưỡng thường xuyên, liên tục, tu dưỡng suốt đời.
Chăm lo cho dân, lo ngại cán bộ xa dân, hạch sách dân đã được Bác Hồ cảnh báo rất sớm. Khi viết thư gửi các đồng chí Bắc Bộ, ngày 1-3-1947, Người chỉ rõ: “Khi phụ trách ở một vùng nào thì như một ông vua con ở đấy, tha hồ hách dịch, hoạnh họe. Đối với cấp trên thì xem thường, đối với cấp dưới cậy quyền lấn áp. Đối với quần chúng ra vẻ quan cách làm cho quần chúng sợ hãi” (6). Tin dân, lấy dân làm gốc, chăm lo cuộc sống nhân dân là bài học lớn vô cùng quý báu có chiều sâu trong lịch sử. Trần Hưng Đạo, khi nói về kế sách giữ nước, nhà quân sự kiệt xuất căn dặn vua Trần Anh Tông: “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi qua thực tiễn 10 năm theo phò Lê Lợi kháng chiến chống giặc Minh, đã khẳng định chân lý “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, “Lật thuyền mới biết dân như nước”. Vì vậy Đảng, Chính phủ và cán bộ phải dựa vào dân, tin dân, phục vụ lợi ích của nhân dân; ngoài lợi ích của dân tộc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác và luôn hành động vì mục đích cao cả ấy.
Ngay trong “Di chúc” Bác vẫn căn dặn lại: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.” Để làm được điều này đòi hỏi Đảng phải thật sự trong sạch vững mạnh, cán bộ trong Đảng phải vừa “hồng” vừa “chuyên” , không ngừng tu dưỡng đạo đức và tài năng để phục vụ tốt nhất lợi ích cho nhân dân. Riêng về phần mình Bác thấy rằng: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.”
Sau hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao nhưng còn không ít vấn đề đặt ra, như tệ tham nhũng, tiêu cực, vẫn còn “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…” như Nghị quyết hội nghị Trung ương 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã khẳng định và để khắc phục tình trạng trên Nghị quyết đã chỉ rõ bốn nhóm giải pháp để xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII cũng đặc biệt quan tâm tới xây dựng Đảng, xây dựng đạo đức cho cán bộ và hiện nay với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và nỗ lực của các cơ quan chức năng trong phong chống tham nhũng, các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng đã được kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm.Điều đó, đang khẳng định trong thực tế việc xử lý cán bộ sai phạm ngày càng nghiêm minh, không có bất cứ vùng cấm, nơi cấm, đối tượng cấm và không còn khái niệm “hạ cánh an toàn”. Thực hiện tốt điều này nghĩa là chúng ta đã và đang làm tốt theo lời dạy của Bác rằng: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(7).
Nghị quyết hội nghị Trung ương 7 khóa XI của Đảng về công tác dân vận, khẳng định lại một lần nữa quan điểm của Đảng về cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Mọi quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải phù hợp với lợi ích của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu để nhân dân tin tưởng, noi theo. Hiện nay, vấn đề có ý nghĩa quyết định để tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân là Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân; thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân,... Ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 05 về “Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã nêu rõ, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Chỉ thị cũng yêu cầu, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải gắn với xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bước sang năm 2018, chúng ta tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ chính trị với chuyên đề năm 2018 “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh”gắn với thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, đặc biệt chú trọng tới vai trò nêu gương của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt trong quá trình công tác, trong đó một nội dung quan trọng là yêu cầu người cán bộ phải tác phong quần chúng: gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, cùng với nhân dân giải quyết mọi vấn đề, chịu trách nhiệm trước nhân dân và phục vụ tốt nhất lợi ích cho nhân dân. Bác đã nhấn mạnh một vấn đề có tính nguyên tắc rằng: “Dễ mười lần không dân cũng chịu/ Khó trăm lần dân liệu cũng xong” và “Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân”.
Gắn bó với nhân dân còn là yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước; để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mới của đất nước trong giai đoạn mới, cán bộ đảng viên phải gắn bó chặc chẽ vơi nhân dân, phải học dân, hỏi dân, tin dân và thương yêu nhân dân . Ngày nay, trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, Đảng không thể thành công nếu không dựa vào dân; làm tốt công tác này là quay trở lại phục vụ tốt nhất lợi ích cho nhân dân, cho dân tộc.
ThS. Nguyễn Thị Mai - Chi đoàn Trường Chính trị tỉnh Bình Dương
([1])Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.65
([2]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 161
([3]) Báo cứu quốc: số 53, ngày 28/9/1945
([4]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 15, tr. 698
([5]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 208
([6]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 72
([7]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 301
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 4.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 4.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 4.
4. Báo cứu quốc: số 53, ngày 28/9/1945