Truyền thống dân tộc – nền tảng trong hình thành phẩm chất của Lãnh tụ Hồ Chí Minh
TTBD - Có thể nói rằng, hiếm thấy trong lịch sử có một con người nào mà tên tuổi và sự nghiệp lại gắn bó với vận mệnh của cả dân tộc, cả đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể tìm thấy hình ảnh Người trong tâm trí của mỗi người dân và cũng có thể tìm thấy số phận của mỗi người dân trong từng suy nghĩ và hành động của Người. “Bác Hồ”- đó là cái tên trìu mến nhất, thiêng liêng nhất mà dân tộc Việt Nam đã dành để gọi vị lãnh tụ kính yêu của mình, người anh hùng dân tộc vĩ đại, nhà tư tưởng lỗi lạc của cách mạng Việt Nam. Người đã để lại cho dân tộc và thời đại một di sản vô giá - tư tưởng Hồ Chí Minh, phẩm chất đạo đức, trí tuệ Hồ Chí Minh.
TTBD - Có thể nói rằng, hiếm thấy trong lịch sử có một con người nào mà tên tuổi và sự nghiệp lại gắn bó với vận mệnh của cả dân tộc, cả đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể tìm thấy hình ảnh Người trong tâm trí của mỗi người dân và cũng có thể tìm thấy số phận của mỗi người dân trong từng suy nghĩ và hành động của Người. “Bác Hồ”- đó là cái tên trìu mến nhất, thiêng liêng nhất mà dân tộc Việt Nam đã dành để gọi vị lãnh tụ kính yêu của mình, người anh hùng dân tộc vĩ đại, nhà tư tưởng lỗi lạc của cách mạng Việt Nam. Người đã để lại cho dân tộc và thời đại một di sản vô giá - tư tưởng Hồ Chí Minh, phẩm chất đạo đức, trí tuệ Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh có cội nguồn từ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Khi tôn vinh Người là danh nhân văn hóa kiệt xuất và Anh hùng giải phóng dân tộc, tổ chức UNESCO đã ghi nhận: Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh là kết tinh của truyền thống văn hóa ngàn năm của dân tộc Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau…
Dân tộc Việt Nam trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước đã tạo lập cho mình một nền văn hóa riêng, phong phú và bền vững với những giá trị truyền thống tốt đẹp và cao quý.
Trước hết, phải kể đến là chủ nghĩa yêu nước và ý chí bất khuất, tự lực, tự cường.
Chủ nghĩa yêu nước là gì? Hiểu một cách đơn giản, chủ nghĩa yêu nước là một hệ thống quan điểm chỉ đạo tình cảm, thái độ, hành động, cách ứng xử…của mỗi người dân đối với Tổ quốc (trong xây dựng và bảo vệ đất nước).
Ở Việt Nam, chủ nghĩa yêu nước được thể hiện rất rõ nét từ thời vua Hùng dựng nước cho đến nay với nhiều biểu hiện khác nhau, ở đây tiếp cận dưới góc độ đánh giặc giữ nước thì từ thời Bà Trưng lãnh đạo nhân dân chống hàng vạn quân Nam Hán, tới bà Triệu khi chống quân Ngô đã tuyên bố “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ đâu chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!”; Trần Bình Trọng khi bị rơi vào tay quân Nguyên - Mông đã khảng khái trả lời: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”, lịch sử thời kỳ nào cũng sáng ngời những tấm gương kiên trung, bất khuất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Chủ nghĩa yêu nước đã trở thành dòng chủ lưu trong đời sống của người Việt Nam, là giá trị đạo đức cao quý nhất trong bảng thang giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trở thành “tiêu điểm của các tiêu điểm, giá trị của các giá trị” và là nguồn sức mạnh vô địch để dân tộc ta vượt qua khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù.
Sinh ra trên mảnh đất xứ Nghệ, đây là nơi Bác đã gắn bó tuổi thơ của mình (từ 1890 – 1895 và từ 1901 – 1906), là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi đã sinh ra nhiều nhân vật yêu nước nổi tiếng trong lịch sử dân tộc Việt Nam như Mai Thúc Loan, Nguyễn Biểu; Phan Bội Châu...., là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm nên Người đã cảm nhận được độ “nóng” của các phong trào đấu tranh chống Pháp; Người đã thấu hiểu được thế nào là tình yêu quê hương - nơi chôn nhau cắt rốn. Đó cũng là những điều kiện rất tốt sớm nuôi dưỡng, hun đúc tình cảm và tư tưởng yêu nước, thương nòi của Người.
Nhìn lại lịch sử, trãi nghiêm thực tế Bác Hồ đã đúc kết lại: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”, cũng chính truyền thống yêu nước đã sớm truyền vào người thanh niên trẻ lòng yêu nước và khát vọng giải phóng đất nước.
Ý chí bất khuất, tự lực, tự cường:Trên thế giới, hầu như dân tộc nào cũng phải trải qua quá trình bảo vệ đất nước, chống xâm lăng, nhưng có lẽ không có dân tộc nào trên thế giới lại phải chịu nhiều cuộc chiến tranh như Việt Nam, kể từ khi nhà nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên ở Việt Nam ra đời cho đến nay, dân tộc ta đã dành hơn nửa thời gian cho các cuộc chiến tranh vệ quốc, trong đó kẻ thù chủ yếu là các cường quốc hơn chúng ta về mọi mặt. Vì vậy, trong các cuộc chiến tranh ấy để giành được thắng lợi chúng ta chủ yếu là lấy sức ta để giải phóng cho ta, tự lực và tự cường.
Ý chí bất khuất, tự lực, tự cường chính là hành trang theo người suốt cuộc đời, tạo nên sức mạnh để Người vượt qua nhưng khó khăn khi mới ra đi tìm cứu nước phải lao động và kiếm sống ở nước ngoài phụ bếp đến bồi bàn, rửa ảnh, quét tuyết...., hoàn cảnh làm việc vô cùng vất vả. Chế Lan Viên đã từng có những câu thơ khắc hoạ lại cảnh Người làm việc: “Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê/Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá/Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ/Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?”. Đây không chỉ là thơ mà là hiện thực cuộc sống của Bác được đưa vào trong thơ, bôn ba ở nước ngoài không ít lần Người phải chịu cảnh tù đày, nhưng vất vả đó không làm Người chùn bước.... Khi bắt gặp Chủ nghĩa Mác – Lênin người xác định con đường đi cho dân tộc Việt Nam là làm cách mạng vô sản, là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và Người luôn kiên định mục tiêu này, dù cho có lúc Quốc tế cộng sản hiểu sai về Người, từng đặt Người đứng bên ngoài Quốc tế cộng sản. Tuy nhiên, với ý chí kiên cường và tinh thần quốc tế trong sáng, một con người không chỉ vì dân tộc mình mà còn vì tất cả các dân tộc bị đoạ đầy đau khổ, một con người cả cuộc đời vì nước, vì dân. Người đã không chỉ trở thành lãnh tụ của dân tộc Việt Nam mà còn là biểu tượng ngưỡng vọng của các dân tộc tiến bộ trên thế giới.
Chính sức mạnh của truyền thống yêu nước ấy đã thúc đẩy người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước năm 1911. Đó cũng là động lực, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, Người đặt cho mình cái tên Nguyễn Ái Quốc - Nguyễn yêu nước để luôn nhắc nhở, cỗ vũ bản thân và cỗ vũ quốc dân đồng bào.
Tinh thần cộng đồng, đoàn kết, ý thức dân chủ. Ở Việt Nam, tính cộng đồng và tinh thần đoàn kết là một đặc trưng gốc rễ của làng xã Việt Nam, nó được hình thành từ rất sớm trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, gắn liền với tiến trình đấu tranh của dân tộc, là nét văn hóa đặc trưng của người Việt được bảo tồn từ đời này sang đời khác đã được ông cha ta lưu truyền để dạy bảo con cháu qua ca dao, tục ngữ hay các câu chuyện ngụ ngôn như câu chuyện “Bó đũa”.Trên thực tế, nếu có nhiều cánh tay, nhiều khối óc góp lại cùng làm thì công việc sẽ mau chóng hoàn thành dù cho nó có khó khăn đến đâu.
Kế thừa tinh thần cộng đồng, đoàn kết, ý thức dân chủ, ngày từ rất sớm người thanh niên trẻ tuổi ấy đã thể hiện lòng bác ái đối với đồng bào. Tình yêu thương con người của Bác trước hết Bác dành cho toàn thể dân tộc Việt Nam, những người đã quá khổ cực do sự tồn tại quá lâu của chế độ phong kiến, sau đó sự áp bức của bọn thực dân, tình yêu thương đó thể hiện ở một ham muốn: “Ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(1) Bác thương đồng bào miền Nam – nơi “đi trước về sau”, Bác nói: “Một ngày Tổ quốc chưa thống nhất, miền Nam chưa được giải phóng là một ngày tôi ǎn không ngon, ngủ không yên”. Với tình cảm sâu nặng, thiết tha “miền Nam trong trái tim tôi”. Tháng 7-1969, hai tháng trước khi Bác mất, khi trả lời phỏng vấn một nữ nhà báo đến từ Cuba về tình cảm của Bác đối với miền Nam, Bác nói: “Ở miền Nam Việt Nam, những người dưới 25 tuổi không biết nghĩa chữ tự do. Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi” (2).
Tình yêu thương con người của Bác còn vượt qua biên giới lãnh thổ, Bác dành tình cảm đó cho tất cả những người bị áp bức, bóc lột trên thế giới. Khi bôn ba ở nước ngoài, Bác đã có một kết luận quan trọng đầu tiên: dù màu da khác nhau nhưng trên thế giới chỉ có hai loại người là người bị áp bức và kẻ áp bức, chỉ có hai loại việc: việc chính và việc tà, người làm việc chính là người thiện, người làm việc tà là người ác và Người từng nói: lòng thương yêu Nhân Dân và nhân loại của tôi không bao giờ thay đổi. Tôi yêu nhất điều thiện và ghét nhất điều ác, Bác thương những người dân lao động nghèo khổ nơi Bác đã từng đi qua, khi tới thăm tượng Nữ thần Tự do ở Mỹ, Bác đã trăn trở “Ánh sáng trên đầu Thần Tự do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân Thần thì người da đen bị chà đạp” và Người tự hỏi: “Bao giờ thì người da đen mới hết bị chà đạp? Bao giờ thì người da đen và người phụ nữ mới có bình đẳng? Bao giờ mới có sự bình đẳng giữa các dân tộc?”.
Đối với Hồ Chí Minh, thương yêu con người còn đòi hỏi phải rộng rãi độ lượng với người khác, phải biết cách nâng con người lên chứ không phải hạ thấp, càng không phải vùi dập con người.Người cho rằng “Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người, cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng, đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc... Ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang” (3)
Như vậy, có thể thấy rằng đoàn kết là một yếu tố vô cùng quan trọng để tạo nên thành công, đúng như ông cha ta đã đúc kết: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”; hay như sau này Bác Hồ khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”.
Truyền thống cần cù, dũng cảm, thông minh, sáng tạo trong học tập, lao động sản xuất, trong chiến đấu.
Cần cù, siêng năng là một trong những phẩm chất đáng quý của người Á Đông, trong đó có Việt Nam, cần cù chính là yếu tố quan trọng giúp con người có thể đảm bảo được việc duy trì cuộc sống cá nhân, bởi vì: Thứ nhất, Việt Nam là một nước nông nghiệp, trước đây chủ yếu là nghề nông trồng lúa nước, đây là công việc vất vả và có tính thời vụ cao, vì vậy để có được hạt gạo người Việt phải cần cù, phải một nắng hai sương, phải “Siêng nhặt chặt bị”; thứ hai, Việt Nam là quốc gia có khí hậu khá khắc nghiệt, không chỉ nắng lắm mưa nhiều mà còn phải hứng chịu rất nhiều thiên tai như hạn hán, bão lụt, vì vậy để chống chọi với thiên nhiên, để duy trì và ổn định cuộc sống chúng ta phải cần cù; thứ ba, trong lịch sử dân tộc Việt Nam chúng ta đã dành tới hơn nửa thời gian để tiến hành chiến tranh vệ quốc, mặc dù kết quả cuối cùng chúng ta giành thắng lợi nhưng hậu quả sau mỗi cuộc chiến là sự hoang tàn đổ nát vì vậy để khắc phục hậu quả, ổn định đời sống con người Việt Nam đã rèn cho mình đức tính cần cù.
Bác Hồ - người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã kế thừa đức tính cần cù của con người Việt Nam, được thể hiện cụ thể qua cả học tập, lao động. Trong học tập, Người luôn cố gắng tự học, tự tìm hiểu để làm phong phú vốn kiến thức và trí tuệ của mình, trong lao động Người luôn chăm chỉ và cần mẫn để có tiền sống, tiền học tập và tham gia hoạt động cách mạng khi còn hoạt động ở nước ngoài; khi về nước dù ở đâu Bác cũng luôn cùng bộ đội, chiến sĩ tham gia sản xuất để cải thiện đời sống.
Dũng cảm, thông minh, sáng tạo, một dân tộc sau hàng ngàn năm là nô lệ, bị cưỡng bức, đồng hóa về mặt thể chất và tinh thần - giết đàn ông, đốt sách, nô dịch, đồng hóa về văn hóa, phong tục, tập quán, nhưng vẫn không khuất phục, kiên cường chịu đựng, nuôi dưỡng ý thức độc lập để rồi lại đứng lên giành lấy độc lập.
Chiến tranh thường tạo nên những anh hùng, nhưng không phải chỉ chiến tranh mới có anh hùng. Ngay trong thời bình những tấm gương về người dũng cảm, thông minh, sáng tạo cũng rất nhiều.
Tóm lại, tất cả những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đã thấm sâu vào trí tuệ, tâm hồn, nhân cách của Nguyễn Ái Quốc qua những năm tháng được tiếp thu trong nền giáo dục của gia đình, quê hương, nhà trường đã trở thành điểm xuất phát, là nền tảng trong hình thành phẩm chất của vị lãnh tụ.
Tác giả Nguyễn Thị Mai – Chi đoàn Trường Chính trị tỉnh Bình Dương (MH)
(1): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 4, tr. 161
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 12, tr. 560-561
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 4, tr. 246