Sáng 8-10, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn tổ chức Bán kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn" năm 2019.
Tại vòng thi mang tính chất "thử lửa" này, các thí sinh mang đến những mô hình hiệu quả, tâm đắc nhất để tranh tài vào chung kết cuộc thi. Một trong những sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo đó là mô hình "Áp dụng kỹ thuật in mộc bản vào hoạt động trải nghiệm trong du lịch" của nhóm tác giả Lê Thị Thu Thủy, Đặng Hương My và Nguyễn Hà My từ Bắc Giang.
Với kỹ thuật tiên tiến, hiện đại cùng nguồn tư liệu sẵn có phong phú ở địa phương, các tác giả đã biên dịch những tấm mộc bản thành hai "phiên bản" sử dụng chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Qua đây, giới thiệu về những di tích, điển tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Đáng chú ý, nhóm tác giả còn phát triển một phần mềm có khả năng "đọc" mộc bản. Cụ thể, chỉ cần dùng thiết bị thông minh quét qua mặt tấm mộc bản, phần mềm sẽ tự động thuyết trình các thông tin, dữ liệu liên quan đến di tích, điển tích bằng hình chiếu 3D và các đoạn phim tài liệu dễ hiểu, lôi cuốn.
Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn" năm 2019 được phát động vào tháng tư vừa qua, nhận được 225 dự án trên cả nước gửi tham gia. Sau vòng sơ khảo, đã có 105 dự án lọt vào bán kết Cuộc thi. Trước vòng bán kết, Ban tổ chức đã tiến hành tập huấn cho các thí sinh về nhiều nội dung khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nông nghiệp tại ba cụm địa điểm bắc - trung - nam của cả nước.
Trong khuôn khổ bán kết Cuộc thi, đã diễn ra Diễn đàn "Chia sẻ thông tin - Kết nối nguồn lực", nhằm tạo điều kiện để các thí sinh chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh với nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, từ đó tìm ra giải pháp khắc phục, hỗ trợ, thúc đẩy quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.