Thấu suốt tư tưởng Hồ Chí Minh về tuyên truyền và báo chí
Thấu suốt tư tưởng Hồ Chí Minh về tuyên truyền và báo chí
Bác Hồ với các đại biểu dự Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (9-1962) - Nguồn: hoinhabaovietnam.vn
TCCS - Với tư cách là nhà báo tiền bối - người khai sinh nền báo chí cách mạng, đồng thời là người tổ chức, lãnh đạo mọi thành công của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều chỉ dẫn quý báu về công tác tuyên truyền của Đảng cũng như những hướng dẫn sâu sắc về nghề nghiệp cho các nhà báo cách mạng Việt Nam. Học tập và làm theo tư tưởng của Người về các nội dung trên có ý nghĩa quan trọng góp phần vào thành công của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn hiện nay.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác tuyên truyền, hoạt động báo chí
Lâu nay, trong một số bài viết đề cập công tác tuyên truyền và công tác báo chí có hiện tượng đánh đồng giữa tuyên truyền và báo chí, cho dù hai mảng đó có những điểm giống nhau và đều quan trọng. Tuy nhiên, hai mảng công tác đó mang nội hàm khác nhau, do đó quy định phương thức và cách tác nghiệp khác nhau. Dựa trên tư tưởng Hồ Chí Minh, phạm vi bài này phân tích sự giống nhau và khác nhau; mối quan hệ qua lại của tuyên truyền và báo chí - lĩnh vực đã và đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng, quyết định chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng của Đảng, Nhà nước ta.
Theo nghĩa chung nhất, Tuyên truyền là việc đưa ra các thông tin (vấn đề) với mục đích hướng suy nghĩ, thái độ, tâm lý và ý kiến của quần chúng theo chiều hướng đã định, để tạo ra hành động theo ý muốn của người thông tin.
Có nhiều công cụ để thực hiện mục đích tuyên truyền, trong đó báo chí là công cụ xung kích.
Theo Điều 3 Luật Báo chí năm 2016 (sửa đổi, bổ sung), báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội được thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử.
Trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, ngay từ năm 1920, sau khi gia nhập Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã học viết báo, dùng báo chí nước Pháp để tố cáo chế độ áp bức, bóc lột của thực dân Pháp đối với nhân dân các nước thuộc địa; thông qua đó tuyên truyền thức tỉnh quần chúng lao động đoàn kết vùng lên lật đổ ách thống trị của phong kiến, thực dân, giành độc lập, tự do và quyền làm chủ. Những tờ báo của Pháp lúc đó, như Người cùng khổ, Nhân đạo... đã đăng nhiều bài của Người; sau đó được chuyển về Việt Nam bằng tàu biển. Khi về Quảng Châu (Trung Quốc), Người trực tiếp làm chủ bút kiêm phát hành tờ báo Thanh Niên (ra số đầu tiên ngày 21-6-1925), cơ quan của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, nhằm chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho việc ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 03-02-1930).
Như vậy, trước khi trở thành cán bộ cách mạng chuyên nghiệp và lãnh tụ của Đảng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã là nhà báo tài ba; trực tiếp dùng báo chí để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đường lối và cách thức để tiến hành ở Việt Nam “cách mạng tư sản dân quyền” và “cách mạng thổ địa”; sau đó tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Với đường lối cứu nước rõ ràng đó, qua báo chí và công tác tuyên truyền, Đảng ta đã lãnh đạo quần chúng nhân dân làm nên cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931; cao trào dân chủ 1936 - 1939; cao trào chuẩn bị tổng khởi nghĩa 1941-1945 và dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, lật nhào ách thống trị, áp bức gần 100 năm của chủ nghĩa thực dân và bè lũ phong kiến tay sai, lập nên Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Thắng lợi lịch sử đó có sự đóng góp vô cùng quan trọng của báo chí vô sản và hoạt động tuyên truyền.
Trong những năm kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc; tiếp đến thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, thấm nhuần sâu sắc và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về tuyên truyền và báo chí, chúng ta đã tích lũy nhiều kinh nghiệm quý, phát huy tối đa sức mạnh to lớn của hai lĩnh vực công tác chủ yếu này.
Dùng báo chí để làm công cụ xung kích trong công tác tuyên truyền và thông qua tuyên truyền giúp báo chí có thêm những đề tài thiết thực, tạo sức tập hợp, cổ vũ rộng lớn quần chúng tổ chức các phong trào hành động cách mạng trong từng thời kỳ lịch sử. Thực tiễn chứng minh rằng, báo chí và tuyên truyền đều cùng chức phận, có mối quan hệ nương tựa, bổ trợ lẫn nhau; đồng thời lại có những nét đặc thù về phương thức tác nghiệp.
Xét trong tổng thể, báo chí là công cụ tuyên truyền đắc lực, nhưng người làm báo có những đòi hỏi riêng về trình độ nghiệp vụ báo chí, như cần nắm vững các đặc điểm về các thể loại (tin tức, phóng sự, phóng sự điều tra, bình luận, xã luận...); và đi liền đó là, thông qua từng thể loại, biết lựa chọn cách diễn đạt để mỗi dòng, mỗi đoạn có sức phân tích, gợi mở, định hướng hành động cho người tiếp nhận. Tuyên truyền gồm tuyên truyền qua tài liệu, nghị quyết, chỉ thị... và tuyên truyền qua kể chuyện thời sự trong nước và quốc tế, qua những gương “người tốt, việc tốt”. Với những cách thức đó người tuyên truyền dẫn dắt người được tuyên truyền đồng tình với mỗi chủ trương, đường lối; cổ vũ, động viên họ hăng hái thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bằng những hành động thiết thực.
Trong bài “Người tuyên truyền và cách tuyên truyền” đăng trên báo Sự thật (số 79, từ ngày 26-6 đến 9-7-1947), Bác Hồ viết: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm... Muốn thành công, phải biết cách tuyên truyền”(1).
Để phục vụ mục đích ấy, Bác nêu ví dụ rất bình dị, dễ hiểu về tuyên truyền trường kỳ kháng chiến. “Trước hết, mình phải hiểu rõ vì sao phải kháng chiến... Hai là, phải biết cách nói. Nói thì phải đơn giản, rõ ràng, thiết thực. Phải có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được... Ba là, phải có lễ độ”. Bác từng nhắc lời góp ý của quần chúng về một cán bộ tuyên truyền có vẻ “huấn thị” người nghe!.
Phần cuối bài viết, Bác đề cập những phẩm chất người tuyên truyền: phải chịu khó, chịu khổ, khéo ở, siêng làm;... dân ở đó sinh hoạt thế nào, ta cũng phải sinh hoạt như họ; phải giúp đỡ dân; thái độ phải mềm mỏng, gây được thiện cảm với dân thì tuyên truyền sẽ đạt kết quả gấp bội...
Đối với người làm báo, Bác Hồ nhiều lần căn dặn: mỗi cơ quan báo chí phải xác định rõ đối tượng phục vụ, mục đích cần đạt và cách viết đi vào lòng người đọc. Trong Thư gửi báo Bạn chiến đấu ngày 10-2-1948, Bác chỉ rõ đối tượng của “tờ báo này dành cho những người lính lê dương, những chàng trai vui tính, dễ cáu kỉnh, dễ cảm xúc, chứ không phải là những người làm chính trị sâu sắc”. Mục đích của tờ báo là “làm cho họ cảm động, thoải mái, làm cho họ cười và khóc, để lôi cuốn họ về phía chúng ta”. Muốn vậy, “không nên viết những bài dài. Không nên viết những vấn đề chính trị lớn đương thời”. Về cách trình bày báo, Bác dặn: “cần có những bức tranh, những bức vẽ khôi hài, những gì làm cho họ vui cười..., những tin tức liên quan đến đời sống của nhân dân...”(2).
Để tăng tính hiệu quả của mỗi bài báo, Bác nhấn mạnh: “viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, chiến sĩ đều đọc được, hiểu được làm được” (Thư gửi báo Quân du kích, tháng 7-1949). Về tu dưỡng phẩm chất người làm báo, ngoài việc xác định lý tưởng cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, Bác nhắn nhủ: phải học nữa, phải học mãi... Học trong xã hội, học nơi công tác thực tế, học ở quần chúng... Nếu viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay là nhà báo tiến bộ. Trái lại, là nhà báo chưa thành công.
Như vậy, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyên truyền và báo chí đều có nhiệm vụ thông tin đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân; tham gia tổ chức, cổ vũ, động viên các phong trào hành động cách mạng. Nhưng để thực hiện mục tiêu chung ấy, những người làm tuyên truyền và làm báo có những cách thức khác nhau.
Đất nước được độc lập, tự do và phát triển như hôm nay là có sự đóng góp tích cực, quan trọng của công tác tuyên truyền và hoạt động báo chí. Sự đóng góp này được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Song, Đảng và Nhà nước ta cũng luôn gần gũi góp ý, động viên, phê bình, chỉ rõ những thiếu sót, bất cập trong lĩnh vực này. Ngay từ năm 1948, trong Thư gửi Hội nghị thông tin, tuyên truyền báo chí toàn quốc(3), cùng với biểu dương những ưu điểm lớn, Bác Hồ thân tình chỉ ra một số khuyết điểm rất cụ thể:
Đối với công tác tuyên truyền, Bác chỉ rõ:
Nhiều địa phương, anh em thông tin, tuyên truyền lầm tưởng mình là công chức, làm việc theo cách bàn giấy mà quên nhiệm vụ của mình là tuyên truyền, cổ động, giải thích và huấn luyện cho nhân dân.
Thường thi hành chỉ thị cấp trên một cách máy móc, không biết áp dụng theo hoàn cảnh thiết thực trong địa phương mình.
Tuyên truyền không chủ trương thực tế mà hay nói những lý luận viển vông.
Chưa có một chương trình, một kế hoạch thiết thực và đầy đủ về công tác cũng như về kiểm tra.
Đối với báo chí, Người chỉ rõ:
Về kỹ thuật: Có đôi tờ báo, khi thì rộng, khi thì hẹp, chữ in thì luộm thuộm, khó đọc... Nhiều khi “tiếp theo trang sau” lộn xộn quá...
Về tin tức: Tin tức thế giới đôi khi nhiều hơn tin tức trong nước. Các báo miền ngược chưa chú ý dân tộc thiểu số.
Về văn chương: Quá dài dòng văn tả. Khô khan, kém hoạt bát lanh lợi. Không phổ thông. Hay dùng chữ nước ngoài mà không đúng nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở, người làm báo phải thấm sâu lời dạy của V.I. Lê-nin: báo chí cách mạng là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung. Nghiên cứu kỹ hai bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ hai (ngày 16-4-1959) và tại Đại hội lần thứ ba (ngày 8-9-1962) Hội Nhà báo Việt Nam, chúng ta nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn tư tưởng của Người về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng. Có thể khái quát tư tưởng đó trong mười một chữ khi Bác căn dặn người làm báo cách mạng mỗi khi đặt bút viết, phải tự mình trả lời ba câu hỏi lớn: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?
Xác định viết cho ai chính là cần hiểu rõ đối tượng phục vụ của tờ báo. Bác nói: Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu(4).
Nhưng nhân dân bao gồm nhiều lớp người: nông dân, công nhân, trí thức, thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi..., vì vậy, mỗi tờ báo phục vụ từng lớp người phải xác định đặc điểm của từng đối tượng, để chọn đề tài thích hợp, hình thức thể hiện không rập khuôn, cách diễn đạt phải sinh động, hấp dẫn, làm cho người xem không chán.
Viết để làm gì chính là xác định rõ mục đích của báo chí cách mạng. Năm 1959, Bác chỉ ra rằng, mục đích chungcủa cách mạng nước ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, giữ gìn hòa bình thế giới. Từ đó, Bác khẳng định: đó là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ chính của báo chí ta. Về nội dung các bài báo cần đề cập, Người nói: “tất cả những bài Bác viết chỉ có một “đề tài” là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”(5).
Còn viết như thế nào chính là cách thức diễn đạt, trình bày để mỗi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước dễ đi vào quần chúng, tạo ra các phong trào thi đua yêu nước. Bác căn dặn: viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được(6).
Từ kinh nghiệm đó, Bác Hồ thân tình chỉ ra mấy thiếu sót, khuyết điểm của không ít nhà báo: “Bài báo thường quá dài, “dây cà ra dây muống”, không hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng. Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta. Thiếu cân đối, tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn lại viết dài; nên để sau thì để trước, nên trước lại để sau. Lộ bí mật. Có khi quá lố bịch. Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng”(7).
Về đạo đức người làm báo, Người cũng nghiêm túc nhắc nhở: “Có người chỉ muốn làm cái gì để “lưu danh thiên cổ” cơ. Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên báo lớn”. Có người do không chịu khó tu dưỡng, nâng cao trình độ văn hóa, chính trị thì đâm ra bi quan... Bác cho rằng “những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra”. Người nhấn mạnh: muốn nâng cao hiệu quả bài viết, mỗi người làm báo cần không ngừng học hỏi, tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn. Chính trị phải làm chủ.
Làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác tuyên truyền và hoạt động báo chí
Thực hiện lời chỉ bảo chân tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 30 năm đổi mới đất nước vừa qua, công tác tuyên truyền và hoạt động báo chí tiếp tục phát huy vai trò tích cực, có đóng góp quan trọng vào những thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã hai lần ra chỉ thị về cải tiến nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền, nhất là tuyên truyền miệng; gần đây nhất là Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 15-10-2007, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X, “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”.
Qua đánh giá chung kết quả thực hiện các chỉ thị của Ban Bí thư, sự phối hợp giữa hoạt động tuyên truyền và báo chí ngày càng chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Hệ thống báo chí nước ta có bước phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung. Tuy nhiên, cùng với những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn hiện nay, hệ thống báo chí nước ta xuất hiện một số hạn chế, bất cập rất đáng quan tâm. Công tác quản lý có lúc, có nơi buông lỏng, nên hiện tượng “thương mại hóa” báo chí vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; tình trạng trùng lặp, “xào xáo” thông tin của nhau, đưa tin không kiểm chứng, nhất là khi sử dụng những tin “nóng” của mạng xã hội khiến dư luận hoang mang. Có không ít trang thông tin điện tử bị “báo hóa”, làm sai tôn chỉ, mục đích vì lợi ích cá nhân. Một số ít nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm công chúng báo chí và nhân dân bức xúc, bất bình. Đáng chú ý là, những thiếu sót, bất cập nêu trên đã diễn ra trong thời gian dài, nhưng công tác quản lý, xử lý các tiêu cực trong thông tin chưa đủ chế tài và hiệu lực cảnh cáo, răn đe...
Nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục nhanh các hạn chế nêu trên, tạo ra bước chuyển quan trọng của báo chí cách mạng nước ta trước yêu cầu mới trong thời kỳ đẩy mạnh đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, ngày 3-4-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 362/QĐ-TTg về “Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025”. Văn bản quan trọng này nhấn mạnh mấy quan điểm chỉ đạo căn cốt: Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng, Nhà nước, diễn đàn của nhân dân. Phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt, theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân; tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết, tập hợp quần chúng, tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Nhà nước có cơ chế, chính sách tài chính, đào tạo, tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển, nhưng phải bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, không “thương mại hóa”, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí. Phát triển báo chí phù hợp xu thế phát triển khoa học - công nghệ và thông tin, truyền thông thế giới. Kết hợp chặt chẽ các loại hình báo chí, đồng thời phát huy lợi thế của các phương tiện, dịch vụ thông tin in-tơ-nét nhằm chủ động cung cấp thông tin chính thống, có định hướng, tăng diện bao phủ trong nước và quốc tế; hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới.
Như vậy, đường hướng phát triển và quản lý báo chí hiện nay đã và đang tiếp tục cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác tuyên truyền và hoạt động báo chí trên những nội dung cơ bản, quan trọng, bằng những chủ trương cụ thể, thiết thực, đáp ứng yêu cầu mới của cách mạng Việt Nam và phù hợp thực tế khoa học - chính trị - kinh tế trên thế giới hiện nay. Vấn đề còn lại là các cơ quan báo chí, các cơ quan chủ quản cùng các cơ quan chức năng cần khẩn trương, nghiêm túc triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ./.
-------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 5, tr. 162
(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 376 - 377, 388
(4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 414, 419
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 655
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 614 - 615
Nguyễn Hồng Vinh
PGS, TS, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân
Nguồn: Tạp chí Ban Tuyên giáo Trung ương (MH)