Chi bộ II (Cơ quan Tỉnh đoàn): Tổ chức sinh hoạt chi bộ với chuyên đề kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đồng chí Nguyễn Văn Tiết
TTBD - Sáng ngày 10/4/2019, tại Đền Bình Nhâm, phường Bình Nhâm, thị xã Thuận An, Chi bộ II, Đảng bộ Cơ quan Tỉnh đoàn tổ chức buổi sinh hoạt chi bộ tháng 4/2019 với nội dung tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Văn Tiết – Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một từ năm 1946-1948 và trao đổi về quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về “Nội dung sinh hoạt chi bộ” và Nghị quyết Chi bộ 2, Đảng ủy Cơ quan Tỉnh đoàn nhiệm kỳ 2017 – 2020, thời gian qua, Chi bộ II (gồm đảng viên của các Ban của Tỉnh đoàn: Tuyên giáo, Tổ chức - Kiểm tra, Thanh niên trường học và Công tác thiếu nhi) đã có nhiều đổi mới trong nội dung và hình thức sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề, Chi bộ giao cho các đảng viên đăng ký và chuẩn bị nội dung sinh hoạt bám sát với chủ điểm, định hướng, qua đó góp phần tăng cường sự tham gia của đảng viên trong tổ chức sinh hoạt chi bộ.
.jpg)
.jpg)
Các đảng viên Chi bộ II dâng hương và tìm hiểu về khu di tích Đền Bình Nhâm
Tại buổi sinh hoạt chi bộ tháng 4/2019, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Tiết (1909-1948) các đồng chí đảng viên chi bộ đã tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Văn Tiết – Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một giai đoạn 1946 – 1948. Đồng chí Nguyễn Văn Tiết sinh năm 1909 tại xã Bình Nhâm, huyện Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương), trong suốt quá trình hoạt động cách mạng đồng chí luôn tích cực tham gia phong trào đấu tranh của quân và dân ta, tham gia nhiều hoạt động, phong trào và hội nhóm yêu nước như tham dự đám tang nhà yêu nước Phan Bội Châu, tham gia Hội kín yêu nước của Nguyễn An Ninh, nhóm đảng viên Tân Việt Đảng do đồng chí Lê Trọng Khôi tổ chức, gia nhập nhóm thanh niên của Chi bộ An Nam cộng sản Đảng xã Bình Nhâm (tỉnh Gia Định). Đến tháng 8/1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng tại Chi bộ cộng sản Bình Nhâm, là một trong những đảng viên đầu tiên của Chi bộ Bình Nhâm. Ngày 7/11/1930, nhân kỷ niệm lần thứ 13 ngày Cách mạng tháng Mười Nga thành công, đồng chí được giao nhiệm vụ diễn thuyết cho gần 200 quần chúng xã Thuận Giao về mục đích, ý nghĩa ngày cách mạng vĩ đại này. Sau buổi diễn thuyết, đồng chí kêu gọi mọi người hãy tích cực đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ, đoàn kết chống lại sự nô dịch áp bức của thực dân đế quốc. Do bị chỉ điểm, thực dân Pháp cho lính đến bắt, chúng đưa đồng chí ra tòa án Sài Gòn kết án 5 năm tù, đày ra Côn Đảo. Sau khi được trả tự do đồng chí tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 3/1946, thực hiện Chỉ thị của Xứ ủy Nam bộ, Ban Chấp hành lâm thời Thủ Dầu Một được công nhận chính thức và bầu đồng chí Nguyễn Văn Tiết làm Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Tổng thư ký Bộ Việt Minh, trong thời gian này, đồng chí đã sáng lập ra tờ báo “Tiến lên” – cơ quan ngôn luận của tỉnh Đảng bộ và kiêm chủ nhiệm tờ báo. Trong suốt thời gian lãnh đạo Đảng bộ Tỉnh Thủ Dầu Một đồng chí Nguyễn Văn Tiết đã thực hiện củng cố về tổ chức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng chí chỉ rõ Đảng phải mạnh, phải trong sạch và phải kiểu mẫu. Toàn Đảng phải nhất trí về tư tưởng, thống nhất về tổ chức và hành động. Cán bộ, đảng viên phải kiên quyết chấp hành tốt mọi chính sách của Đảng và Chính phủ, phải liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân, phải thực hiện tự phê bình và phê bình như Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch đã dạy. Thực hiện chủ trương trên, đồng chí Nguyễn Văn Tiết chỉ đạo toàn Đảng bộ tỉnh Thủ Dầu Một tiến hành đợt học tập và củng cố về tổ chức. Ngày 19/4/1948, đồng chí cùng đoàn kiểm tra công tác tại Chiến khu Thuận An Hoà, ấp Bình Đức, xã Bình Hòa, huyện Lái Thiêu bất ngờ bị quân địch tấn công đồng chí đã anh dũng hi sinh khi mới tròn 39 tuổi đời và 18 tuổi Đảng.
Nhân dân Bình Dương sẽ không bao giờ quên người cán bộ lãnh đạo mang tên Nguyễn Văn Tiết, người học trò thấm nhuần sâu sắc tư tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân, cho lý tưởng cách mạng của nhân dân, lý tưởng cao đẹp của Đảng, đồng chí mãi là tấm gương sáng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
.jpg)
Sinh hoạt Chi bộ về cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Nguyễn Văn Tiết
Bên cạnh đó, các đảng viên chi bộ cũng đã tìm hiểu về phong cách nêu gương theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải làm gương trong mọi công việc, từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên về mọi mặt; phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói phải đi đôi với làm. Người yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên đều phải nêu gương về đạo đức. Trước hết, mình phải tự làm gương, cán bộ “gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân”. Về vai trò của nêu gương, Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức.Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Tự mình phải chính trước mới giúp người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là phẩm chất đạo đức cách mạng chủ yếu, là nhân cách của con người. Ngoài ra, các đảng viên Chi bộ cũng đã được giới thiệu các văn bản liên quan đến quy định nêu gương như Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/218 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về những điều Đảng viên không được làm; Quy định số 101 của Ban Bí thư khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp; Quy định số 55 của Bộ Chính trị khóa XII về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và nội dung này cũng được thể hiện ở nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định khác của Đảng.
.jpg)
.jpg)
Đ/c Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Bí thư Đảng ủy Cơ quan Tỉnh đoàn và Đ/c Nguyễn Thanh Tuấn - Phó Bí thư Chi bộ II, Cơ quan Tỉnh đoàn tặng quà đảng viên Chi bộ tham gia xuất sắc phần thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Nguyễn Văn Tiết
Buổi sinh hoạt cũng đã thông qua Nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ tháng 4/2019 của Chi bộ. Theo đó, các phòng, ban chuyên môn thuộc chi bộ phụ trách luôn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được lãnh đạo phân công; các đồng chí cán bộ đảng viên luôn gương mẫu trong việc chấp hành quy chế cơ quan; tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn đạt hiệu quả.
Chi bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả việc đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đặc biệt là việc định hướng tổ chức sinh hoạt chi bộ gắn với các sự kiện lịch sử và các địa chỉ đỏ trên địa bàn tỉnh.
ĐỀN BÌNH NHÂM
Đền tọa lạc trên khuôn viên rộng, thoáng mát sát phía Bắc thị trấn Lái Thiêu, phía Bắc trụ sở HĐND, UBND xã Bình Nhâm, trước mặt là quốc lộ 13 (cũ), nay là đường Cách Mạng Tháng 8 và sông Sài Gòn,
Đền Bình Nhâm được công nhận di tích cấp tỉnh vào ngày 4/5/2013
Đền Bình Nhâm
Đền Bình Nhâm khánh thành ngày 11-2-2003. Đền tọa lạc trên khuôn viên rộng, thoáng mát sát phía Bắc thị trấn Lái Thiêu, phía Bắc trụ sở HĐND, UBND xã Bình Nhâm, trước mặt là quốc lộ 13 (cũ), nay là đường Cách Mạng Tháng 8 và sông Sài Gòn. Mặt tiền của đền có cổng tam quan lớn, nổi bật tên ''Đền Bình Nhâm''. Giữa sân đền rộng dựng tấm bia bằng xi-măng, đá rửa màu hồng hoành tráng. Trên bia khắc đậm nét bài văn diễn tả khái quát nguồn gốc, đặc điểm của xã từ thời mở đất (300 năm trước) với 4 tộc họ: Nguyễn, Trần, Lê, Võ là những ''tiền hiền'' khai khẩn, chủ nhân đầu tiên của vùng đất 654 ha, của 4 ấp Bình Thuận, Bình Hòa, Bình Phước, Bình Đức thuộc tổng Bình Chánh, huyện Bình An, phủ Phước Long, dinh Phiên Trấn. Các bậc tiền nhân đã biến vùng sình lầy cặp sông Sài Gòn thành ruộng lúa nước, dọn sườn gò làm vườn cây ăn trái, mở lò gốm sứ, dựng lò đường, xưởng mộc, thông rạch Cây Me, Bà Chiêu, Bà Dớn, Bà Đệ với sông Sài Gòn về tưới mát vườn cây và giao lưu với các miền bằng ghe thuyền thuận tiện. 'đất lành chim đậu'' đến đầu thế kỷ XX, sau trận bão Giáp Thìn (1904) xã đón nhận bà con từ các tỉnh Gò Công, Mỹ Tho, Long An... bị thiệt hại nặng và người Hoa (Triều Châu, Phúc Kiến...) về cùng chung lưng đấu cật, yên dân lập nghiệp. Đến cuối năm 1996, dân số xã đã lên đến 13.593 nhân khẩu, bình quân 1.873 người/km2, là xã có mật độ dân cư đông nhất tỉnh Bình Dương. Hiện nay, xã Bình Nhâm thuộc huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Trên bia còn khơi dậy truyền thống chiến đấu. Lớp người trước ngã, lớp sau đứng lên với gậy gộc, giáo mác bảo vệ thành quả khẩn hoang làng ấp, chống giặc ngoại xâm từ thuở Hội kín đến giác ngộ lý tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin. Ròng rã hơn nửa thế kỷ qua, người Bình Nhâm vẫn một lòng theo Đảng và Bác Hồ.
Càng vào bên trong đền như đánh thức tâm linh văn hóa của ta về một đùng đất được khắc họa kỳ công vừa cổ kính, vừa hiện đại. Bộ cột kèo bằng xi-măng (giả gỗ) trông đồ sộ và kiên cố. Mái đền cong vút mang dấu ấn kiến trúc đền chùa Việt Nam cổ kính ở vùng đất phương Nam trù phú. Gian giữa đặt bàn thở Tổ quốc với lá ''quốc kỳ'' trên cao, tượng Bác Hồ ở giữa, bộ lư đèn bằng đồng đồ sộ, sáng giới. Hai bên bàn thờ Tổ quốc có đôi liễn khắc chữ vàng 'Tiền hiền khai khẩn - Hậu hiền khai cơ” trên nền đỏ, chỉ rõ đây là bàn thờcác bậc tiên liệt của đất nước, người có công khai phá vùng đất này. Phía trước bàn thờ có tấm bia lớn, khắc tên 6 đảng viên của Chi bộ Bình Nhâm, thành lập tháng 8-1930 là Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Thủ Dầu Một (Chi bộ Nhà máy Toa xe Dĩ An, thành lập tháng 1-1930, nhưng thuộc huyện Thủ Đức, tỉnh Gia định).
1 . Trương Văn Phèn (Ba Phèn) Bí thư Chi bộ
2. Nguyễn Văn Tiết (Sáu Tiết)
3. Nguyễn Văn Lộng (tự Chùa)
4. Đinh Văn Sáng (Tám Sáng)
5. Nguyễn Văn Nâu (Sáu Nâu)
6. Hồ Văn Cống
Đến năm 1932, Chi bộ xã Bình Nhâm đã tập hợp nhiều đồng chí các xã lân cận, có trách nhiệm hoạt động trên toàn huyện Lái Thiêu đã đổi tên thành ''Chi bộ Cộng sản huyện Lái Thiêu'', do đồng chí Đinh Văn Sáng làm bí thư. Hai bên tả, hữu bàn thờ còn có hai tấm bia lớn ghi danh sách 14 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 131 liệt sĩ thời kỳ chống Pháp. Đền Bình Nhâm uy nghi và bề thế đã tái hiện lịch sử văn hóa vùng đất Lái Thiêu - Thủ Dầu Một, mãi mãi tỏa sáng cho hôm nay và mai sau.
|
Thùy Trinh - Phúc Hậu