Từ Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đôi điều suy nghĩ về bản lĩnh chủ động rèn luyện ở Thanh niên hiện nay
TTBD - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một bản Di chúc vô cùng quý báu. Trải qua 50 năm, những lời dặn dò trong bản Di chúc vẫn luôn là nguồn cổ vũ to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến lên giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, thống nhất đất nước và đưa nước nhà vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Trong nội dung Di chúc, Bác đã tâm huyết dặn mọi việc đối với Đảng với nhân dân trong đó Bác vẫn dành một phần nói về thanh niên và vai trò của thanh niên, với những chủ nhân tương lai của đất nước.
“Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Bác đã chỉ rõ: Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần là do thanh niên, thanh niên là chủ tương lai của đất nước. Bác luôn coi sự lớn mạnh của tuổi trẻ là thành công của Đảng, là thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, là sự trường tồn phát triển của xã hội. Bác luôn dày công chăm lo giáo dục thanh niên trở thành những con người mới của xã hội, chuẩn bị những tiền đề vững vàng để thanh niên sẵn sàng đón nhận sứ mệnh làm chủ nước nhà. Ngày 13-9-1958, nói chuyện tại lớp chính trị do Bộ Giáo dục tổ chức Người đã nhấn mạnh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Với tinh thần đó, để thanh niên hoàn thành sứ mệnh cách mạng cao cả, Bác đã đề cao trách nhiệm cụ thể của từng đoàn viên “đoàn viên phải gương mẫu trong công tác, trong sản xuất, trong học tập”.
Thực hiện lời căn dặn của Bác, ngày nay thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Tuy nhiên trước thời kì hội nhập 4.0, thì việc nâng cao nhận thức của thanh niên trong việc chủ động học tập, rèn luyện bản lĩnh xứng tầm là một trong những nhiệm vụ trọng yếu góp phần khẳng định vị trí và vai trò của thanh niên, sự tự thay đổi nhận thức và hành động của cá nhân là khâu quan trọng nhất.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH TW khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa có nêu: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước”.
Có thể thấy rằng thanh niên là vấn đề mang tính chiến lược, cơ bản, cấp thiết, cần có sự quan tâm, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát huy một cách toàn diện cả về mặt chính trị cũng như năng lực khoa học và công tác chuyên môn. Để thích ứng với tình hình đất nước hiện nay, mỗi thanh niên phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, bản lĩnh khoa học chắc chắn, phải có sức khỏe tốt để phục vụ lâu dài cho đất nước.
Vậy thanh niên cần làm gì để xây dựng, bảo vệ và phát triển bản lĩnh xung kích đó như thế nào trong thực tiễn đất nước ta đang đi lên phát triển va hội nhập hiện nay? Đó sẽ là những giải pháp hiệu quả để đào tạo nguồn nhân lực trẻ, một thế hệ “vừa hồng vừa chuyên” theo lời dặn dò của Bác để phục vụ. Thanh niên – là người còn trẻ, đang ở độ tuổi trưởng thành. Bản lĩnh học tập và rèn luyện – là đức tính tự quyết định một cách độc lập thái độ, hành động học tập của mình, không vì áp lực bên ngoài mà thay đổi quan điểm. là có một thái độ tích cực, kiên định trong cuộc sống, từ suy nghĩ, học tập, công tác để rèn luyện bản thân và cống hiến cho xã hội.
Bác Hồ tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cứu quốc 1956 tại Hà Nội. (Ảnh sưu tầm)
1. Học tập và rèn luyện trí tuệ
Bản lĩnh trí tuệ phải được hình thành trong Thanh niên Việt Nam nó không dừng ở bản lĩnh mà còn là nguồn lực để phát triển của thanh niên và của cả dân tộc – nguồn lực trí tuệ. Bản lĩnh về trí tuệ phải được rèn luyện và vun đắp dù bất kì ở thời kỳ nào.. Muốn xây dựng trong thanh niên một bãn lĩnh rèn luyện nâng cao tri thức, một mặt phải tạo cho thanh niên một môi trường học tập đa dạng, thiết thực để thanh niên áp dụng trí thức của mình vào thực tiễn sinh động, thể hiện cái Tầm của mình trước yêu cầu của thời kì CNH- HĐH đất nước, mặt khác chính bản thân thanh niên có lòng ham muốn học tập, chủ động học tập nâng cao trình độ không ngừng về trí thức tạo cơ sở khoa học để hình thành bản lĩnh trí tuệ.
Bác từng dạy thanh niên:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi là lấp biển
Quyết chí ắt làm nên!”
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tin tưởng ở thanh niên và khơi dậy những đức tính tốt đẹp. Trong thời kỳ đổi mới, với bối cảnh toàn cầu hoá về kinh tế, sự phát triển của kinh tế tri thức, thanh niên phải phấn đấu để trở thành một lực lượng xã hội hùng hậu, có sức khoẻ, có trình độ học vấn, có trí tuệ lẫn tiềm năng sáng tạo, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học hiện đại thì “Thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, là nguồn nhân lực quyết định thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Theo Bác, trao dồi học tập sẽ góp phần nâng cao trình độ, sử dụng các kiến thức đã học để chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, xây dựng nếp sống mới, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh. Bản thân mỗi thanh niên tự nhận thức không nên thoả mãn, bằng lòng với những gì đã đạt được, đã có được để dừng lại nửa chừng, tự rèn luyện nâng cao nhận thức để tránh xa thái độ tự mãn, tự phụ, để rèn luyện, dần hình thành đức tính khiêm tốn, nhã nhặn, biết ứng xử khéo léo, không tự mãn, không quá tự đề cao mình để luôn luôn cầu thị, học hỏi nâng cao nhận thức cũng như nâng tầm bản lĩnh trí tuệ của bản thân.
2. Đạo dức – lối sống
Rèn luyện được bản lĩnh này cho thanh niên sống trong sáng hơn, cao thượng hơn, xứng đáng là thế hệ vàng của một nước văn hiến, anh hùng. Bản lĩnh về đạo đức – lối sống có một nội dung phong phú đa dạng, nó phải được thẩm thấu qua những hành động lẫn suynghĩ, hành vi sinh hoạt, học tập, lao động, cống hiến cho gia đình và xã hội.Bản lĩnh này được xem như là nền tảng, là cái gốc của nhân cách con người, bản lĩnh đạo đức – lối sống trong thanh niên nếu được hình thành và phát triển bền vững nó có sức mạnh lớn lao giúp thanh niên chiến thắng mọi nguy cơ tiềm ẩn của mặt trái nền kinh tế thị trường. Cái cốt lõi của nó là sự kết hợp giữa cái chân – thiện – mỹ trong bản lĩnh đạo đức lối sống của dân tộc với giá trị đạo đức cách mạng hiện tại mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng cao quý, là hiện thân của bản lĩnh đạo đức – lối sống của dân tộc, là tấm gương sáng để thanh niên học tập noi theo, giúp thanh niên hình thành bản lĩnh đạo đức – lối sống của mình để đứng vững trong thời đại mới còn nhiều thử thách đối với toàn dân tộc và đối với chính bản thân họ.
Mỗi cá phải có sự nhận thức sâu sắc về bản thân và trách nhiệm của mình đối với xã hội, họ hiểu vai trò của họ đối với đất nước, “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng ai”, phải luôn ren luyện và có quyết tâm vượt qua những trở ngại, khó khăn để hoàn thành tốt công việc và mục tiêu của mình, dám chấp nhận hy sinh bản thân để cứu sống người khác. Bản lĩnh đạo đức được hình thành từ kinh nghiệm sống của một con người, nếu một người có điều kiện thử thách, rèn luyện mình trong một môi trường sống khắc nghiệt, khó khăn thì thường có bản lĩnh cao hơn. Dù ở bản lĩnh nào, được tạo lập trên cơ sở tư duy và hành động gì đều có điểm xuất phát từ nhân cách của thanh niên, xuất phát từ sự giáo dục, rèn luyện, xuất phát từ tri thức. Do đó, học tập, tự rèn luyện nhân cách cho bản thân, để tiếp thu những kiến thức khoa học kỹ thuật, để tự khẳng định bản thân mình là trách nhiệm và nhiệm vụ của mỗi thanh niên cần có trong giai đoạn hiện nay. Có như thế mới có thể định hướng xây dựng hình mẫu cho lớp thanh niên vừa “hồng” vừa “chuyên” nối tiếp nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác cùng dân tộc thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước tiến trên con đường xã hội chủ nghĩa là mục tiêu lớn lao và cao cả cũa toàn dân tộc ta.
3. Thời kỳ hội mới- Tư duy mới trong học tập và rèn luyện
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới đan xen. Nhiệm vụ của thanh niên đặt ra rất nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang. Mỗi thanh niên phải luôn kiên định tư tưởng, bồi đắp lý tưởng, ước mơ, hoài bão, niềm tin, khát vọng cao đẹp.
Trước tác động của hội nhập quốc tế, Năng lực hội nhập, kỹ năng xã hội của thanh niên ngày nay được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của quá trình hội nhập quốc tế; trong đó thanh niên đang thiếu hụt cả về kiến thức lịch sử và văn hóa dân tộc cũng như kỹ năng, khả năng tư duy độc lập, thực tế cho thấy thanh niên vẫn thiếu kiến thức về ngoại ngữ, tin học, chưa có thói quen trong môi trường lao động và đời sống công nghiệp… Trước những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong khu vực và trên thế giới, một bộ phận thanh niên bản lĩnh chính trị non kém, dễ bị dao động về lập trường tư tưởng chính trị, có biểu hiện lệch lạc về giá trị đạo đức và lối sống, đề cao hưởng thụ, sống thực dụng, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, thiếu trách nhiệm với cộng đồng..
Như vậy, từ thực tiễn hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội để phát triển nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mà thanh niên phải vượt qua. Đây cũng là những vấn đề đòi hỏi trong công tác tuyên truyền giáo dục vận động thanh niên cần phải chú ý trong thời gian sắp tới. Tuyên truyền, vận động bản thân mỗi thanh niên phải tự nhận thức học tập suốt đời và là việc đương nhiên, nhưng học phải gắn liền cả lý luận với thực tiễn; phải từ tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng đến trình độ văn hóa, năng lực chuyên môn. Đồng thời, trong việc học của mỗi thanh niên phải biết chủ động, sáng tạo gắn kểt những nội dung: Khoa học, kỹ thuật, văn hóa, chính trị. Bên cạnh đó, mỗi thanh niên phải xác định rõ môi trường học của mình không những học trong sách vở, trong đơn vị, trong lao động và chiến đấu, mà học ở đông nghiệp, học ở bạn bè và học ở nhân dân. Và điều quan trọng nhất đối với mỗi đoàn viên, thanh niên trong quá trình học là phải tự luôn trau dồi, rèn luyện đạo đức cách mạng không ngừng nghỉ, suốt đời.
Kết luận: Tuyên truyền vận thanh niên chủ động tích cực học tập, rèn luyện để thực sự có kỹ năng, bản lĩnh, có tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, năng động và sáng tạo, không suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, luôn cầu thị, lắng nghe, tự tin khẳng định mình nhưng không tự kiêu, tự phụ, có như vậy mới dần hình thành và phát huy lối sống văn hóa, có trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, yêu chuộng hòa bình; có tri thức, sức khỏe, hoài bão và khát vọng vươn lên; luôn nên cao tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, dấn thân, vượt khó; không thờ ơ với tình hình đất nước, biết phân định đúng sai, chủ lên tiếng đấu tranh chống những luận điệu sai trái, xuyên tạc, đấu tranh với các xấu, cái tiêu cực trong xã hội, xứng đáng với kỳ vọng của Đất nước về một thế hệ tương tai: “ Tâm trong- Trí sáng- Hoài bão lớn”, đáp lại kỳ vọng cao cả của Bác ở Di Chúc cách đây đã 50 năm, kỳ vọng ở một thế hệ trẻ đủ Tâm và xứng Tầm.
Tác giả: Võ Huỳnh Như Thuyên
Giảng viên Khoa Dân vận, Trường Chính Trị Tỉnh Bình Dương (MH)