Với mục đích phát triển văn hóa đọc và thay đổi mô hình có ý nghĩa trong thanh thiếu nhi, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã triển khai và thực hiện mô hình “Tặng sách thay tặng hoa”. Thông qua mô hình này đã trao tặng nguồn tri thức quý báu từ những quyển sách với các nội dung thiết thực cho đoàn viên, thanh niên và học sinh, sinh viên.
Trao tặng sách thay tặng hoa cho các bạn sinh viên đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp tỉnh năm 2018
Thay đổi việc trao tặng hoa bằng trao tặng sách trong các chương trình, hội nghị được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn bắt đầu thực hiện từ tháng 11- 2018. Đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã trao tặng hơn 1.500 quyển sách có nội dung phong phú về khởi nghiệp, lập nghiệp, học tập và làm theo lời Bác, lịch sử địa phương, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích trẻ em… cho đoàn viên, hội viên, đội viên trong tỉnh. Chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên, cán bộ Phường đoàn Thái Hòa (TX.Tân Uyên) nói: “Tôi được trao tặng sách trong hội thi “Bí thư chi đoàn giỏi” năm 2018. Tặng hoa thì hoa sẽ không giữ được lâu, còn sách là người bạn đồng hành suốt đời. Mỗi cuốn sách đều mang tới cho người đọc kiến thức cần thiết, kim chỉ nam giúp thanh niên khởi nghiệp, tìm hiểu sâu sắc về tư tưởng Bác và làm theo Bác để rèn luyện trong học tập và lao động”.
Ý nghĩa từ việc tặng sách thay tặng hoa góp phần phát triển văn hóa đọc trong thanh thiếu nhi
Sách được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn trao tặng có sự đa dạng về nội dung để phù hợp với từng đối tượng thanh thiếu nhi. Đối với các em thiếu nhi, hiểu biết những kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích là vô cùng bổ ích và cần thiết để bảo vệ bản thân, còn học sinh, sinh viên thì được bổ trợ thêm kiến thức lịch sử trong học tập. Mô hình “Tặng sách thay tặng hoa” đã và đang lan tỏa, được các cấp bộ Đoàn - Hội - Đội áp dụng, triển khai, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, phát huy sự hưởng ứng tích cực của đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên. Anh Phạm Chiến Thắng, Bí thư Thị đoàn Dĩ An, cho biết: “Thực hiện mô hình “Tặng sách thay tặng hoa”, trong chương trình hội trại tòng quân năm 2019 sắp tới, Thị đoàn sẽ tổ chức trao tặng sách cho 210 thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Sách có những kiến thức bổ ích sẽ là hành trang để thanh niên mang theo lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự. Thị đoàn cũng sẽ triển khai rộng rãi đến các cơ sở Đoàn trên địa bàn thị xã thực hiện mô hình này, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về văn hóa đọc”.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: “Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục triển khai rộng rãi mô hình này trong tất cả các hoạt động của Tỉnh đoàn và các cơ sở Đoàn - Hội - Đội toàn tỉnh. Thông qua sự đổi mới, mô hình này sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa đọc; đưa phong trào đọc sách trở thành thói quen để đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên nâng cao trí tuệ; mặt khác, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong công tác nghiên cứu, học tập, rèn luyện, cập nhật và tiếp cận tri thức trong thanh thiếu nhi”.
Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã xây dựng và ban hành Kế hoạch Triển khai đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” trong đoàn viên, thanh thiếu nhi giai đoạn 2019 - 2022. Theo đó, các nội dung sẽ được triển khai thực hiện với 03 nội dung trọng tâm:
Thứ nhất, đổi mới nội dung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức phát triển văn hóa đọc trong đoàn viên, thanh thiếu nhi thông qua việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, xây dựng các tin bài, chương trình giao lưu, tọa đàm với các tác giả, diễn giả giới thiệu sách, trao đổi về ý nghĩa và tầm quan trọng của sách, tôn vinh giá trị của sách và văn hóa đọc; phối hợp với hệ thống thư viện và các trường tổ chức “Ngày hội đọc sách” theo chủ đề phù hợp với từng lứa tuổi, cấp học; tổ chức các hội thi tuyên truyền, giới thiệu về sách; hướng dẫn kỹ năng đọc và chọn sách phù hợp cho từng đối tượng bạn đọc; xây dựng và phát triển mô hình thư viện trường học thân thiện, tủ sách nhà trường; … Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp tỉnh và cấp cơ sở; lồng ghép tuyên truyền về văn hóa đọc tại các chương trình, hoạt động, vận động ĐVTN, học sinh, sinh viên tích cực tiếp cận các thông tin mới, truy cập và sử dụng thông tin tại các thư viện tại địa phương, đơn vị; ….
Thứ hai, các hoạt động phát động phong trào đọc sách thông qua việc nhân rộng mô hình “Tặng sách thay hoa - Trao nguồn tri thức”; Chương trình “Em yêu thư viện” - Hành trình đến với các thư viện, nhà xuất bản, nhà văn; Phát động phong trào “30 phút đọc sách, báo, tạp chí mỗi ngày” để đọc những quyển sách mình yêu thích, cập nhật các thông tin thời sự trên báo, tạp chí, đồng thời tuyên truyền cho người thân trong gia đình cùng đọc sách, báo, tạp chí mỗi ngày, từ đó hình thành thói quen đọc sách, báo, tạp chímỗi ngày trong thanh thiếu nhi; Phát động thực hiện “Tủ sách gia đình đoàn viên, hội viên, tổ chức các hoạt động nâng cao văn hóa đọc trong đoàn viên, thanh thiếu nhi nhân các sự kiện như hưởng ứng ngày sách Việt Nam 21/4, Ngày hội đọc sách, triển lãm tuyên truyền sách,...
Thứ ba, tùy vào điều kiện thực tế, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các hội thi, cuộc thi tìm hiểu và cảm nhận về sách cho thanh thiếu nhi thông qua hình thức như: cuộc thi trực tuyến, thi viết cảm nhận, sân khấu hóa kể chuyện theo sách, bài cảm nhận về tác phẩm, ngâm thơ tìm hiểu về sách,…
|
Thùy Trinh