(TG) - Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ chuyên chế mấy nghìn năm, đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, lập nên một chính thể Dân chủ Cộng hòa. Đó là một thắng lợi xưa nay chưa từng có, một sự thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử nước ta và Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng, lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, nắm chính quyền toàn quốc.
ĐẢNG TA THẬT LÀ VĨ ĐẠI!
Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, trong khi các tổ chức, đảng phái “Việt quốc”, “Việt cách” tự đào ngũ, rời bỏ hàng ngũ dân tộc, nhân dân ta đã tin tưởng trao sứ mệnh cầm quyền cho Đảng do Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Vinh dự và trách nhiệm đến với Đảng. Ngay từ buổi bình minh của Đảng cầm quyền, khi thành lập Chính phủ lâm thời, có những đồng chí trong Uỷ ban Trung ương do Quốc dân đại hội bầu ra, đáng lẽ tham dự Chính phủ, song đã tự động xin lui, để nhường chỗ cho những nhân sĩ yêu nước nhưng còn ở ngoài Mặt trận Việt Minh. Đánh giá cao hành động gương mẫu đó, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học”(1). Với tuyên ngôn: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(2); “luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hóa ra ngoài”; “ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”… Đảng Cộng sản Việt Nam đã vượt lên chính mình, làm nên những kỳ tích tưởng như không thể. Từ những thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Đảng đã khởi xướng sự nghiệp đổi mới.
|
Đổi mới là sự nghiệp to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng. Đổi mới cũng là một cuộc “lửa thử vàng” để Đảng lãnh đạo nhân dân làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, khi sự nghiệp đổi mới và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thì “lý luận mới thật sự biến thành thực tiễn” - theo cách nói của Lênin rằng - sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là vô cùng khó khăn và phức tạp. Trong thời kỳ quá độ, với sự đan xen và đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, chúng ta không thể chỉ xây dựng xã hội mới, cuộc sống mới bằng hành động anh hùng đơn thuần và ý chí đơn độc. Hồ Chí Minh đã thấy rõ điều này ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, khi Người cho rằng dọn dẹp, sắp đặt, giữ gìn, kiến thiết khó hơn thắng đế quốc, phong kiến.
Cái khó ở đây không chỉ là trong việc kiến thiết thì khó thuyết phục, quy tụ được cả toàn dân, vì nó đụng chạm đến quyền lợi riêng của một vài giai cấp mà còn chính là vì kinh nghiệm chúng ta ít, tài năng chúng ta còn hạn chế, công việc thì nhiều, lại thêm nguy hiểm ngoại xâm đi liền với tình hình nội trị và đòi hỏi phải thắng bần cùng, lạc hậu với một phương thức sản xuất mới.
Trong khi đó, quan liêu, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã và đang là một trong những trở lực lớn, nguy cơ nội tại trực tiếp ảnh hưởng đến việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gây bất bình và giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân; đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. V.I. Lênin chỉ rõ: “Chúng ta bị khốn khổ trước hết về tệ quan liêu. Những người cộng sản đã trở thành những tên quan liêu. Nếu có cái gì sẽ làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó”(3).
Hồ Chí Minh cũng từng nói đến thất bại do quan liêu: đó là thờ ơ, vô cảm, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, làm cho dân chúng oán, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại.
“NẾU LÀM TRÁI LÒNG DÂN, ĐỂ MẤT NIỀM TIN LÀ MẤT TẤT CẢ”
Mất niềm tin là mất tất cả. Đó là lời khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII: “Cần khẳng định, ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”. Theo đó, muốn làm hợp lòng dân thì phải dựa vào dân: “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải kiên quyết làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm”(4).
Nói như nguyên Thủ tưởng Phạm Văn Đồng, trước đây cũng như hiện nay, “sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản không phải là một đặc quyền mà là một sứ mệnh ngay từ đầu chính Đảng ta đã tự mình đảm nhận và làm tốt, nay là một thành quả mà Đảng ta phấn đấu giữ vững và phát huy, dựa trên tính tiên phong của Đảng, sự đúng đắn của đường lối, sự gương mẫu của đảng viên, sức thuyết phục và hiệu quả hoạt động của Đảng, dẫn đến lòng tin của quần chúng”. Mấu chốt nằm ở chỗ, Đảng là đội tiên phong đồng thời là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp, của nhân dân lao động và của dân tộc và đó là hai vấn đề thống nhất với nhau. Là đội tiên phong và đại biểu trung thành, Đảng phải đi đầu đội ngũ dân chúng, nhưng không đứng trên mà đứng trong đội ngũ ấy. Điều đó cũng có nghĩa là, Đảng phải tự mình trở thành dân tộc, nắm cho thật vững ngọn cờ dân tộc và khi Đảng đã cầm quyền thì “sự thống nhất lên đến mức cao giữa giai cấp, nhân dân, dân tộc, quốc gia và Đảng mà lợi ích bao trùm là lợi ích dân tộc”(5). Sứ mệnh của đảng cầm quyền - đội tiên phong của giai cấp và dân tộc là phải toàn tâm toàn ý theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối chính trị của Đảng là đường lối Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ý thức tư tưởng và đường lối Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là rường cột của một Đảng tiên phong.
|
Cùng với giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, là vấn đề giáo dục và tu dưỡng đạo đức cách mạng trong Đảng. Từ khi xác định con đường cách mệnh, đặt lên đầu những yêu cầu về tư cách của một người cách mệnh, Hồ Chí Minh đã gửi cho thế hệ thanh niên yêu nước lúc bấy giờ và xuyên thế kỷ đến ngày nay một thông điệp quan trọng: đó là đạo đức, tư cách của người cách mạng là tiêu chí hàng đầu. Theo Hồ Chí Minh, con người cần đạo đức như bốn mùa của trời, bốn phương của đất. Không có đức thì không thành người. Con người cán bộ, đảng viên có chức quyền lại càng cần đạo đức, quyền càng to thì đạo đức càng phải sáng ngời. Bởi vì, “có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Quan điểm này, nhất là với nhận thức quyền lực có xu hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối, tha hóa tuyệt đối, Hồ Chí Minh nói rõ hơn về mối quan hệ giữa đảng cầm quyền với đạo đức cách mạng trong những lời dặn lại trước lúc đi xa. Trong “Di chúc”, Người viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Vấn đề đặt ra là phải kiểm soát quyền lực. “Cái lồng” nào có thể nhốt được quyền lực? Ta đã nói nhiều và thực hiện có một số kết quả bước đầu khi khẳng định cấp ủy cấp trên và tổ chức đảng kiểm soát quyền lực. Ta đã có quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; quy định về việc Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Đảng cũng đã nêu phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và những quy chế, quy định đó đã, đang dần dần từng bước đi vào cuộc sống.
Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì phải có quần chúng giúp mới được, đúng như Người viết: “Một cách nữa là từ dưới lên. Tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sự sai lầm đó. Cách này là cách tốt nhất để kiểm soát các nhân viên”(6).
Thực tế cho thấy, đa số những vụ việc tiêu cực vừa qua là do nhân dân, báo chí, công luận phát hiện, đấu tranh. Đó là minh chứng hùng hồn cho tính đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh về “cái lồng” nhân dân kiểm soát quyền lực.
Đảng là ai? Đảng là mỗi chúng ta. Nhận thức như vậy để thấy rằng, sự tự tu dưỡng của mỗi cán bộ, đảng viên có ý nghĩa rất lớn. Những học viên thời dựng Đảng và những cán bộ, đảng viên hiện nay - dù xuất thân từ thành phần nào nhưng khi đứng trong hàng ngũ của Đảng thì tiêu chuẩn cơ bản vẫn là lòng chân thành yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có lý tưởng cách mạng cao cả, có phẩm chất đạo đức tốt. Chân thành yêu nước thì có thể đi vào cộng sản, sẽ suốt đời hết lòng, hết phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hồ Chí Minh từng nói, người cán bộ, đảng viên muốn trở nên người cách mạng chân chính không có gì là khó. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư, mà chí công vô tư là đạo đức cao nhất, là cốt lõi của đạo đức cách mạng; là đề cao chủ nghĩa tập thể và lợi ích tập thể; là chống chủ nghĩa cá nhân.
Toàn tâm, toàn ý tin theo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lấy đức làm gốc, đảng cầm quyền chân chính cách mạng - đội tiên phong của giai cấp và dân tộc sẽ thực hiện tốt và hoàn thành sứ mệnh của mình là xây dựng đất nước phồn vinh, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Phải kiên quyết, kiên trì, nỗ lực lớn, trong đó sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Trung ương Đảng tự giác gương mẫu làm trước, thực hiện trước, quyết liệt trong cả xây và chống, có trách nhiệm và phải dám chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Điều có ý nghĩa quyết định là làm, làm thật sự, làm quyết liệt. Toàn tâm, toàn ý không chỉ dừng ở tuyên ngôn, nghị quyết, lời nói, phát biểu ấn tượng, ở chỗ viết lên trán hai chữ “cộng sản” mà phải bằng hành động thật sự. Qua hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã có nhiều nghị quyết về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, vừa cấp bách vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Cuộc sống phát triển, đòi hỏi toàn Đảng tiếp tục trăn trở để có các nghị quyết tiếp theo về công tác xây dựng Đảng.
Nhưng điều có ý nghĩa quyết định nhất là nói phải đi đôi với làm và Đảng: “Phải luôn luôn do nơi quần chúng mà kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị đó có đúng hay không… Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”(7).
PGS.TS. Bùi Đình Phong
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, xuất bản lần thứ 3, H, 2011, t.7, tr.26.
(2), (6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.289, 328; 289-290.
(3) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M, 1979, t.54, tr.290.
(4) Nguyễn Phú Trọng: Chống tham nhũng: dựa vào dân, lắng nghe dân, báo Lao động, ngày 27-6-2018.
(5) Trần Bạch Đằng: Đến với tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2004, tr.96.
____________________________________
Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 1/2019 (MH)